Michael
Kazin - Foreign Affairs
Tháng Một 18, 2017lendongxuongdoai
Tiểu luận
sau đây đăng trên tạp chí chuyên về đối ngoại Foreign Affairs, trong số tháng
11 & 12 năm 2016 (phát hành trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào
ngày 8-11-2016). Tác giả phân tích lịch sử của chủ nghĩa dân túy Mỹ, và qua đó
giải thích sự vươn lên của Donald Trump.
Michael
Kazin là giáo sư sử học tại Đại học Georgetown, Washington D.C.
*
*
Donald Trump là người dân túy ít ai ngờ. Ứng cử viên đại diện Đảng
Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ thừa hưởng một gia tài, khoe khoang về của cải
và nhiều bất động sản của mình, đi lại như con thoi giữa những khu nghỉ dưỡng
riêng và các khách sạn sang trọng của mình, và đã đưa ra một kế hoạch kinh tế
mà, ngoài những tác động khác, sẽ giảm thuế suất cho những người giàu có như
ông. Nhưng một chính khách không cần phải sống trong giới nghèo khó, hoặc thậm
chí không cần hô hào những chính sách giúp tăng thu nhập của họ, để nói trúng
phóc những nỗi bất bình của họ và giành được sự ủng hộ của họ. Dù thắng hay
thua, Trump đã khoét đúng mạch và khai thác nỗi túng quẫn và phẫn nộ tột độ của
hàng triệu người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp lao động và trung lưu.
Trump không phải là chính khách đầu tiên đả phá giới chóp bu ăn
trên ngồi trốc và bênh vực cho quyền lợi của thường dân. Hai truyền thống dân
túy khác nhau, thường cạnh tranh lẫn nhau, đã thịnh hành ở Mỹ từ lâu. Giới bình
luận thường nhắc tới hai loại dân túy “cánh tả” và “cánh hữu”. Song, hai nhãn
mác này thường không lột tả được cách phân biệt có ý nghĩa nhất. Loại người dân
túy Mỹ thứ nhất chỉ trút giận lên tầng lớp trên: nhắm vào giới chóp bu kinh
doanh và những người trong chính quyền đưa đường dẫn lối cho họ, những người bị
cho là đã phản bội các lợi ích của những người dân thực sự gánh vác công việc
xây dựng đất nước. Những người dân túy kiểu này áp dụng khái niệm “nhân dân” dựa
trên giai cấp và tránh tự nhận mình là ủng hộ hay chống đối một sắc tộc hay tôn
giáo nào cụ thể. Họ thuộc một trào lưu nhìn chung có tư tưởng tự do trong đời sống
chính trị Mỹ; họ cổ xúy một phiên bản của “chủ nghĩa dân tộc công dân”, mà nhà
sử học Gary Gerstle định nghĩa là “niềm tin về sự bình đẳng căn bản của tất cả
mọi người, vào các quyền bất khả xâm phạm được sống, có tự do và mưu cầu hạnh
phúc của mỗi người, và vào một chính quyền dân chủ có được tính chính danh nhờ
được nhân dân chấp thuận”.
Những người theo truyền thống dân túy Mỹ thứ nhì — Trump thuộc
truyền thống này — cũng đổ lỗi giới chóp bu trong tầng lớp đại gia kinh doanh
và trong chính quyền về việc gây phương hại cho các lợi ích kinh tế và các quyền
tự do chính trị của dân đen. Nhưng định nghĩa “nhân dân” của truyền thống này hẹp
hơn và có tính hạn chế hơn về sắc tộc. Trong phần lớn lịch sử Mỹ, khái niệm
“nhân dân” này chỉ có nghĩa là công dân gốc Châu Âu — “những người Mỹ thực thụ”
mà chỉ riêng sắc tộc của họ là đã đủ để họ có quyền hưởng phần của cải của đất
nước. Thông thường, loại người dân túy này cho rằng có một liên minh ma quỷ giữa
các thế lực hắc ám trên cao và tầng lớp nghèo da màu đáng khinh ở dưới — một bè
lũ cấu kết gây nguy hại cho các lợi ích và giá trị của tầng lớp đa số (da trắng)
yêu nước ở giữa. Sự nghi ngờ về một thỏa ước bất thành văn giữa tầng lớp thượng
lưu và tầng lớp hạ đẳng xuất phát từ một niềm tin mà nhà sử học Gerstle gọi là
“chủ nghĩa dân tộc [dựa trên] chủng tộc”, một khái niệm xem “nước Mỹ, xét về
phương diện chủng tộc-sắc tộc, là một dân tộc được gắn kết với nhau do cùng một
dòng máu và màu da và nhờ năng lực tự trị được thừa hưởng”.
Cả hai loại người dân túy Mỹ thỉnh thoảng đã ảnh hưởng chính trị.
Những đợt bùng nổ của họ không phải là ngẫu nhiên. Họ trỗi dậy khi có những nỗi
bất bình thực sự: một hệ thống kinh tế thiên vị giới giàu có, nỗi lo sợ di dân
mới giành mất việc làm của họ, và giới chính khách chăm chút cho sự thăng tiến
của mình nhiều hơn chăm lo cho hạnh phúc của đa số người dân. Suy cho cùng,
cách duy nhất để giảm sức hấp dẫn của giới dân túy là nghiêm túc nhìn nhận các
vấn nạn đó.
Giới dân túy xưa và nay
Chủ nghĩa dân túy từ lâu đã là một khái niệm còn tranh cãi và mơ hồ.
Giới học giả tranh luận liệu nó có phải là một niềm tin, một phong cách, một
chiến lược chính trị, một chiêu tiếp thị, hay là sự kết hợp của những điều
trên. Giới dân túy được ca ngợi là những người bảo vệ các giá trị và nhu cầu đa
số quần chúng cần cù và bị lên án là những kẻ mị dân lợi dụng sự ngu dốt của giới
vô học.
Nhưng thuật ngữ “dân túy” trước kia có nghĩa chính xác hơn. Trong
những năm 1890, những nhà báo biết tiếng Latin sáng chế từ này để mô tả một đảng
lớn thứ ba, Đảng Dân Túy (Populist Party), tức Đảng Nhân Dân; đảng này đã thể
hiện rất rõ khuynh hướng tiến bộ, theo chủ nghĩa dân tộc công dân của chủ nghĩa
dân túy Mỹ. Đảng Nhân Dân mong muốn giải phóng hệ thống chính trị khỏi gọng kìm
của “sức mạnh đồng tiền”. Những nhà hoạt động của đảng này, phần lớn là người
miền nam và miền tây nước Mỹ, cổ xúy những lợi ích chung của tầng lớp lao động
nông thôn và thành thị, và đả phá giới tư bản độc quyền trong công nghiệp và giới
tài phiệt vì đã đẩy quần chúng vào cảnh bần cùng. “Chúng tôi muốn trả lại Chính
quyền của nền Cộng hòa cho ‘nhân dân chất phác’ mà từ đó chính quyền đã hình
thành.” Ignatius Donnelly, một nhà văn và cựu hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa,
đã phát biểu hùng hồn như vậy trong bài diễn văn chủ đạo tại đại hội thành lập
đảng ở Omaha năm 1892. Đảng mới này muốn mở rộng quyền lực của chính phủ
trung ương để phục vụ những ‘người dân chất phác’ đó và hạ bệ những kẻ bóc lột
họ. Cùng năm đó, James Weaver, ứng cử viên tổng thống được Đảng Dân túy đề cử,
giành được 22 phiếu đại cử tri, và đảng này dường như có cơ hội kiểm soát nhiều
bang ở miền nam và vùng Đại Bình nguyên (Great Plains). Nhưng bốn năm sau, tại
một đại hội toàn quốc đầy phân hóa, đa số đại biểu ủng hộ ứng cử viên do Đảng
Dân chủ đề cử, William Jennings Bryan, người đồng ý với một số đề xuất chính của
đảng này, ví dụ như cung tiền linh hoạt dựa trên bạc lẫn vàng. Khi Bryan, “Người
bình dân Vĩ đại”, thất cử năm 1896, đảng thứ ba suy tàn nhanh chóng. Như nhà sử
học Richard Hofstadter đã viết vào năm 1955, ‘Số phận của nó, giống như số phận
của phần lớn các đảng thứ ba, như số phận của một con ong.’ Sau khi chích xong
giới chính trị cây đa cây đề, nó chết.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã thừa hưởng truyền thống này của
luận điệu dân túy. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 để được Đảng Dân chủ đề cử
làm ứng cử viên tổng thống, ông đả kích “tầng lớp tỷ phú” vì đã phản bội lời hứa
của nền dân chủ Mỹ và đòi áp dụng lương tối thiểu 15 đô-la/giờ, Medicare cho mọi
người dân [chương trình Medicare hiện chỉ cung cấp bảo hiểm y tế cho người Mỹ từ
65 tuổi trở lên đã trích lương đóng phí bảo hiểm khi đi làm, và cho những người
bị khuyết tật trầm trọng, N.D.], và những cải cách kinh tế tiến bộ khác.
Sanders tự nhận là người xã hội chủ nghĩa và ca ngợi giới ủng hộ mình là những
người tiên phong của một “cuộc cách mạng chính trị”. Song, tất thảy những gì
ông thực sự cổ xúy là một nhà nước phúc lợi mở rộng, gần giống với hình thái từ
lâu đã thịnh hành ở vùng Scandinavia.
Khuynh hướng kia của chủ nghĩa dân túy — loại chủ nghĩa dân tộc chủng
tộc — xuất hiện gần như cùng thời với Đảng Nhân Dân. Cả hai xuất phát từ cùng cảm
giác hoảng sợ trong Thời đại Hoàng kim [cuối thế kỷ 19, khoảng từ thập niên
1870 tới năm 1900, N.D.] về tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các
công ty không bị nhà nước quản lý và các hãng đầu tư với công nhân bình thường
và nông dân nhỏ. Vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, những người
cổ xúy dòng tư tưởng này đã dùng các những lời hô hào bài ngoại để vận động quốc
hội Mỹ cấm tất cả những người lao động Trung Quốc và phần lớn người lao động Nhật
nhập cư vào Mỹ. Những người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp lao động và tầng lớp
trung lưu, trong đó có một số người thuộc các nghiệp đoàn đang gặp khó khăn, đã
dẫn đầu phong trào này và chiếm phần lớn trong những người ủng hộ khuynh hướng
dân túy này. “Giới giàu có của nước ta . . . đã tập hợp dưới ngọn cờ của triệu
phú, chủ ngân hàng, và nhà độc quyền đất đai, trùm tư bản hỏa xa và chính khách
giả dối, để thực hiện mục đích của họ”; đó là phát biểu của Denis Kearney, một
doanh nhân nhỏ ở San Francisco với khiếu tung ra luận điệu kích động và là người
thành lập Đảng Người lao động California (WPC) vào năm 1877. Kearney công kích
rằng một “tầng lớp quý tộc giàu sụ . . . lùng sục những khu ổ chuột của Châu Á
để tìm được nô lệ khốn khổ nhất trần gian — cu li người Trung Quốc — và nhập khẩu
hắn về đây để gặp người Mỹ tự do trong thị trường lao động, và lại càng nới rộng
khoảng cách giữa kẻ giàu và người nghèo, lại càng giảm giá trị của người lao động
da trắng.”
Trương khẩu hiệu “Bọn Tàu phải cút đi!” và ra yêu sách ngày làm việc
8 tiếng và đòi trao công ăn việc làm ngành công chánh cho người thất nghiệp, đảng
này nhanh chóng lớn mạnh. Chỉ có một số ít những nhà hoạt động đấu tranh vì giới
lao động da trắng phản đối luận điệu kỳ thị chủng tộc của đảng này. Đảng WPC
giành được quyền kiểm soát San Francisco và nhiều thành phố nhỏ hơn và đóng vai
trò quan trọng trong việc soạn lại hiến pháp của California để loại trừ người
Trung Quốc và thành lập một ủy ban để quản lý mạng lưới Đường sắt Trung Thái
Bình Dương (Central Pacific Railroad), một thế lực khổng lồ trong nền kinh tế của
bang này. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc Đảng WPC tan nát vì các xung đột nội bộ:
phe của Kearney muốn tiếp tục đả phá “mối nguy” Trung Quốc, nhưng nhiều nhà hoạt
động nghiệp đoàn muốn tập trung vào các yêu sách đòi ngày làm việc ngắn hơn,
trao việc làm trong hệ thống nhà nước cho người thất nghiệp, và đánh thuế cao
hơn đối với người giàu.
Song, những nhà hoạt động và chính khách dân túy cùng một giuộc với
Kearney quả thực giành được một thắng lợi lớn. Năm 1882, họ đã thuyết phục được
quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc — luật đầu tiên trong
lịch sử Mỹ cấm người có một quốc tịch cụ thể vào Mỹ. Hai chục năm sau, những
nhà hoạt động trong phong trào lao động California dẫn đầu một chiến dịch mới
gây áp lực buộc quốc hội Mỹ cấm tất cả người Nhật nhập cư vào Mỹ. Động cơ chính
của họ giống hệt mối nguy mà Trump thấy xuất phát từ các nước Hồi giáo ngày
nay: nhiều công nhân da trắng cáo buộc rằng người Nhật nhập cư là gián điệp cho
Nhật hoàng đang hoạch định những cuộc tấn công nhắm vào nước Mỹ. Người Nhật “có
sự khôn ngoan của loài cáo và sự hung dữ của loài linh cẩu khát máu”; Olaf
Tveitmoe, một quan chức nghiệp đoàn San Francisco và bản thân là di dân từ Na
Uy, đã viết như vậy vào năm 1908. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, những quan
điểm như vậy đã góp phần hợp thức hóa việc chính phủ liên bang cưỡng ép di dời
đối với khoảng 112.000 người Mỹ gốc Nhật, phần lớn trong số họ là công dân Mỹ.
Trong thập niên 1920, một tiền bối khác của chủ nghĩa dân túy kiểu
Trump đã vươn lên, suy tàn, và để lại dấu ấn trong nền chính trị Mỹ: Ku Klux
Klan (KKK). Nửa thế kỷ trước đó, chính phủ liên bang đã dập tắt hiện thân đầu
tiên của KKK, tổ chức đã dùng khủng bố để ngăn cản người da đen ở các bang miền
nam thời Tái thiết [thời kỳ tái thiết nhà nước và xã hội từ năm 1863 tới năm
1877 ở miền nam, theo chỉ thị của quốc hội Mỹ, N.D.] thực hiện những quyền tự
do mới giành được của họ. Năm 1915, giáo sĩ William Simmons thuộc đạo Giám Lý
(Methodist) khởi xướng phiên bản thứ nhì của KKK. Phiên bản KKK thứ nhì này thu
hút được tín đồ từ khắp nước Mỹ. Và họ không chỉ ngăn cản người Mỹ gốc Châu Phi
thực hiện các quyền hiến định của họ theo Tu chính án thứ 14 và Tu chính án thứ
15. Trong thập niên 1920, họ cũng đả kích rằng các nhóm lợi ích ngành nấu rượu
hùng mạnh đang thông đồng với giới buôn lậu rượu Công giáo và Do Thái để phá hoại
một phần khác của Hiến pháp: Tu chính án thứ 18 mới được phê chuẩn; tu chính án
này cấm sản xuất và bán các loại đồ uống có cồn. “Băng đảng rượu kẻ thù đó —
hung dữ, đầy thù oán, không yêu nước — đang tìm cách lật đổ quyền lực cao nhất
của đất nước”; tờ Người
quan sát Baptist, một tờ báo thân KKK ở Indiana, đã
tuyên bố như vậy vào năm 1924. “Chúng có thể trông cậy vào bọn du côn, bọn lừa
đảo, những ổ tệ nạn, những ngoại kiều thích whiskey, và công dân bàng quang để
giúp chúng thắng . . . . Liệu chúng có thể trông cậy vào bạn hay không?” Giống
như đảng của Kearney, phiên bản KKK thứ nhì nhanh chóng sụp đổ. Nhưng với gần
năm triệu thành viên vào lúc đỉnh điểm giữa thập niên 1920, KKK và các đồng
minh chính trị của mình đã góp phần buộc quốc hội Mỹ thông qua các hạn ngạch
hàng năm nghiêm ngặt hạn chế số di dân từ Đông Âu và Nam Âu ở mức chỉ vài trăm
người từ mỗi nước vào năm 1924. Mãi tới năm 1965 quốc hội Mỹ mới hủy bỏ hệ thống
kỳ thị trắng trợn này.
Giống như những kẻ mị dân trước đây, Trump cũng lên án giới chóp
bu toàn cầu vì đã khuyến khích “biên giới mở”, điều bị cho là giúp cho di dân
giành mất việc làm của người lao động Mỹ và giảm mức sống của họ. Trump xưa nay
khá cụ thể về những nhóm gây ra mối nguy hiểm lớn nhất. Ông cáo buộc người
Mexico mang tội ác, ma túy, và nạn hiếp dâm tới một quốc gia mà nếu không có họ
đã là một nước thanh bình và tuân thủ pháp luật, và cáo buộc di dân Hồi giáo ủng
hộ “những cuộc tấn công khủng khiếp bởi những kẻ chỉ tin vào thánh chiến, và
không có ý thức gì về lý trí hay sự tôn trọng mạng sống con người” — một sự thật
trần trụi mà chính quyền Obama “chỉ lo hành xử phải đạo, làm đẹp lòng thiên hạ”
(“politically correct”) bị cho là đã phớt lờ.
Nước Mỹ trên hết
Giới dân túy Mỹ xưa nay thường chủ yếu tập trung vào chính sách đối
nội. Nhưng chính sách đối ngoại cũng là một mục tiêu bị đả phá. Ví dụ, Trump đã
lên án các liên minh quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO), và những người dân túy thuộc cả hai truyền thống từ lâu đã lo ngại về
những ảnh hưởng ngoại quốc hiểm ác đối với nước Mỹ. Ví dụ, trong cương lĩnh năm
1892, Đảng Nhân Dân đã cảnh báo rằng một “âm mưu lớn chống lại nhân loại” ủng hộ
kim bản vị đã “được tổ chức trên hai lục địa” và đang “nhanh chóng chiếm hữu thế
giới”. Tuy nhiên, trong hai khuynh hướng dân túy này, truyền thống chủ nghĩa
dân tộc chủng tộc luôn chống sự can dự quốc tế. Vào giữa thập niên 1930, Cha
Charles Coughlin, “cha đạo trên đài phát thanh”, đã kêu gọi số thính giả đông đảo
của mình chống việc phê chuẩn một hiệp định mà Tổng thống Franklin Roosevelt đã
ký mà nếu được thông qua thì đã cho phép Mỹ tham gia Tòa án Thế giới ở The
Hague. Coughlin công kích rằng tòa án đó là một công cụ của cùng “giới ngân hàng
quốc tế” bị cho là đã kéo nước Mỹ vào cảnh máu đổ đầu rơi của Chiến tranh Thế
giới thứ nhất. Hoảng sợ trước lời kêu gọi đó, thính giả đã gởi thư tới tấp làm
nhụt chí đủ số thượng nghị sĩ để khiến Roosevelt không đạt được tỷ lệ đa số hai
phần ba mà ông cần.
Năm 1940, Ủy ban Nước Mỹ Trên hết [American First Committee], một
nhóm gây sức ép theo chủ nghĩa biệt lập, đã đưa ra một khuyến cáo tương tự chống
lại việc Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhóm này có tới khoảng
800.000 thành viên và lập được một liên minh rộng lớn: những doanh nhân bảo thủ,
một số người xã hội chủ nghĩa, một chi hội sinh viên học sinh có sự góp mặt của
nhà văn tương lai Gore Vidal (lúc đó học trung học) và tổng thống tương lai
Gerald Ford (lúc đó học Trường Luật của Đại học Yale). Nhóm này cũng nhận được
sự ủng hộ của một số người Mỹ có thanh thế, trong đó có Walt Disney và kiến
trúc sư Frank Lloyd Wright. Nhưng vào ngày 11 tháng 9 năm 1941, phát ngôn viên
nổi tiếng nhất của nhóm, phi công lừng danh Charles Lindbergh, đã đẩy thông điệp
chống chiến tranh, chống giới chóp bu đi quá xa. “Ba nhóm quan trọng nhất đã và
đang gây áp lực đẩy đất nước này vào chiến tranh là người Anh, người Do Thái,
và chính quyền Roosevelt”; ông đã công kích như vậy trong một bài phát biểu được
phát sóng trên toàn quốc. “Mối nguy hiểm lớn nhất của họ đối với đất nước này nằm
ở mức sở hữu và ảnh hưởng lớn của họ trong ngành điện ảnh của chúng ta, báo chí
của chúng ta, đài phát thanh của chúng ta, và chính phủ của chúng ta.” Khi đó,
việc Hitler đã chinh phục được phần lớn Châu Âu đã khiến Ủy ban Nước Mỹ Trên hết
phải rút vào thế thủ; những lời lăng mạ bài Do Thái đã đẩy nhanh sự suy tàn của
nhóm này. Nhóm này nhanh chóng giải tán sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng ba
tháng sau đó.
Tuy nhiên, trong những cuộc tranh luận gần đây, nhiều nhân vật có
thanh thế thuộc cánh hữu dân túy đã khôi phục kiểu luận điệu của Ủy ban Nước Mỹ
Trên hết, dù phần lớn tránh tư tưởng bài Do Thái quá lộ liễu. Vào đầu thập niên
1990, Pat Robertson, sáng lập viên của Liên minh Ki Tô giáo [Christian
Coalition] (một nhóm vận động hành lang cho các Ki Tô hữu bảo thủ), đã có lời cảnh
báo ảm đạm về một bè đảng có tư tưởng toàn cầu đe dọa chủ quyền của Mỹ. Ông cảnh
báo, “Những người chủ trương chung một thế giới của … tập đoàn độc quyền tài
chính đã tài trợ cho những người chủ trương chung một thế giới của Điện
Kremlin.” Vài năm sau, nhà bình luận chính trị bảo thủ Pat Buchanan đề xuất dựng
một “bức tường trên biển” để ngăn cản di dân “tràn ngập biên giới phía nam của
chúng ta”. Năm 2003, ông cáo buộc giới tân bảo thủ mưu tính cuộc xâm lược của Mỹ
ở Iraq để lập một “trật tự thế giới mới”. Năm nay, Buchanan đã biện hộ cho danh
tiếng của Ủy ban Nước Mỹ Trên hết, và hoan hô việc Trump tranh cử tổng thống. Về
phần mình, trong một bài phát biểu quan trọng hồi tháng 4 vừa rồi, ứng cử viên
đại diện Đảng Cộng hòa đã hứa: “‘Nước Mỹ Trên hết’ sẽ là một chủ đề quan trọng
và ưu tiên hàng đầu khi tôi cầm quyền.” Ông thậm chí đã dẫn nhịp cho các đám
đông quần chúng hô hào khẩu hiệu này, trong khi giả vờ không quan tâm tới nguồn
gốc u ám của khẩu hiệu này.
Nhân dân chúng ta?
Dù sự vươn lên của Trump đã chứng tỏ sức hấp dẫn lâu bền của
khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc chủng tộc của chủ nghĩa dân túy Mỹ, chiến dịch
tranh cử của ông thiếu một yếu tố hệ trọng. Nó thiếu một cách mô tả tương đối mạch
lạc và gây cảm tình về “nhân dân” mà Trump tuyên bố đại diện.
Đây là một sự thiếu vắng gần đây trong lịch sử của chủ nghĩa dân
túy Mỹ. Đảng Nhân Dân và các đồng minh của nó đã tung hô tính ưu việt đạo đức của
“các giai cấp sản xuất”, những người “tạo ra mọi của cải” bằng bàn tay và khối
óc của họ. Đa số lương thiện của họ bao gồm những người làm công ăn lương trong
các ngành công nghiệp, những nông dân nhỏ, và những người hành nghề chuyên môn
vị tha như giáo viên và bác sĩ. Đối với những người chủ trương cấm rượu ủng hộ
KKK, “nhân dân” là những Ki Tô hữu chính thống da trắng kiêng rượu vốn là người
có sức mạnh tinh thần để bảo vệ gia đình họ và đất nước của họ tránh khỏi tai họa
“buôn lậu rượu”. Những người bảo thủ như Thượng nghị sĩ Barry Goldwater và Tổng
thống Ronald Reagan khẳng định rằng họ là tiếng nói đại diện cho “người đóng
thuế” — một phiên bản cập nhật của “người sản xuất” thời xưa. Trong chiến dịch
tranh cử tổng thống năm 1968, ứng cử viên thuộc đảng thứ ba George Wallace thậm
chí mô tả nhân dân mà ông tuyên bố đại diện bằng cách gọi tên nghề nghiệp của họ:
“tài xế xe buýt, tài xế xe tải, thợ làm đẹp, nhân viên cứu hỏa, cảnh sát viên,
và công nhân thép, thợ ống nước, công nhân bưu chính viễn thông, và công nhân dầu
khí và doanh nhân nhỏ”.
Tuy nhiên, dù hứa hẹn “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Trump chỉ
đưa ra những lời sáo rỗng mơ hồ, có tính hoài niệm về việc nhóm người Mỹ nào sẽ
giúp ông đạt được kỳ tích lớn lao đó. Những bài phát biểu và trang mạng tranh cử
của ông dùng những thuật ngữ rập khuôn như “các gia đình [tầng lớp] lao động”,
“tầng lớp trung lưu của chúng ta”, và tất nhiên cả “nhân dân Mỹ” — hoàn toàn
tương phản với nét sống động trong những lời công kích của ông, bất luận là nhắm
vào người Mexico và người Hồi giáo hay các đối thủ chính trị của ông (“Marco nhỏ
con”, “Ted dối trá”, “Jeb thiếu sinh khí”, và “Hillary bất lương”).
Kể ra cũng oan cho Trump, ngày càng khó cho giới dân túy — hay bất
cứ loại chính khách Mỹ nào — để định nghĩa một đa số lương thiện một cách chính
xác hay có hình tượng hơn. Kể từ thập niên 1960, Mỹ đã trở thành một quốc gia
ngày càng đa văn hóa hơn. Những người nghiêm túc hy vọng thành tổng thống không
ai có thể bàn về “nhân dân” theo những cách rõ ràng loại trừ bất cứ ai không phải
da trắng và Ki Tô hữu. Ngay cả Trump, trong những tháng về sau trong chiến dịch
tranh cử của mình, đã cố gắng tiếp cận, theo một cách hạn chế và có phần gượng
gạo, với người Mỹ gốc Châu Phi và các công dân gốc Mỹ Latin. Trong khi đó, nhóm
người mà giới dân túy theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc chủng tộc trong lịch
sử đã ca ngợi là trái tim và linh hồn của nước Mỹ — tầng lớp lao động da trắng
— đã trở thành một thiểu số ngày càng thu hẹp lại.
Tuy nhiên giới dân túy tiến bộ cũng không giải được bài toán khó về
luận điệu này. Sanders đã có một chiến dịch tranh cử xuất sắc để giành vị trí ứng
cử viên đại diện Đảng Dân chủ năm nay. Nhưng giống như Trump, ông đã nói rõ về
giới chóp bu mà ông khinh bỉ — trong trường hợp của ông là “tầng lớp tỷ phú”—
hơn là về những ai chính xác sẽ đóng góp cho và hưởng lợi từ cuộc cách mạng tự
xưng của ông. Có lẽ một ứng cử viên đã giành được sự ủng hộ nhiệt thành
nhất từ người Mỹ trẻ tuổi thuộc mọi tầng lớp và chủng tộc hẳn đã không thể định
nghĩa “nhân dân” của ông một cách chính xác hơn, cho dù ông có muốn.
Trong quá khứ, những khái niệm chặt chẽ hơn của giới dân túy về
thành phần ủng hộ họ đã giúp họ xây dựng được các liên minh lâu bền — những
liên minh có thể cầm quyền cai trị, chứ không chỉ vận động tranh cử. Nhờ viện dẫn
các bản sắc mà cử tri chấp nhận —“người sản xuất”, “người lao động da trắng”,
“người Mỹ Ki Tô giáo”, hoặc “đa số thầm lặng” của Tổng thống Richard Nixon — giới
dân túy khích động họ bỏ phiếu cho đảng của mình và không chỉ chống lại các đảng
phái khác cùng tranh đua. Cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều đã không thể tạo
nên được sức hấp dẫn như vậy ngày nay, và thiếu sót đó vừa là nguyên nhân vừa
là kết quả của tình trạng công chúng chán ghét cả hai đảng lớn. Có thể không thể
nào đưa ra một định nghĩa đáng tin về “nhân dân” mà có thể vận động được đại đa
số các tầng lớp, các giới, và các dân tộc hiện đang chung sống, thường không
vui vẻ gì, ở nước Mỹ ngày nay. Nhưng những nhà dân túy đầy tham vọng có thể sẽ
chẳng ngừng cố gắng nghĩ ra một định nghĩa.
Lợi dụng khai thác nỗi sợ
Trump sẽ chật vật để thắng cử. Bất chấp những nhược điểm rõ rệt của
Hillary Clinton, ứng cử viên đại diện Đảng Dân chủ — bao gồm sự thiếu lòng tin
của công chúng và phong thái phát biểu vụng về — đối thủ của bà đã nổi danh về
lời hô hào ác khẩu chống lại các nhóm thiểu số và các cá nhân, cứ không phải về
cách hành xử xứng với một chính khách hay các chính sách có tính sáng tạo.
Trong phần lớn chiến dịch tranh cử của mình, khẩu hiệu của Trump hẳn đã rất có
thể là “Khiến nước Mỹ thù oán trở lại”. Tính chất tiêu cực đó hiếm khi là một
chiến lược sáng suốt để thắng cử tổng thống tại một quốc gia nơi mà đa số người
dân kiêu hãnh, có lẽ một cách ngây thơ, về sự lạc quan và sự cởi mở của mình.
Và chủ nghĩa dân tộc chủng tộc lộ liễu không còn chấp nhận được trong các chiến
dịch tranh cử trên toàn quốc.
Tuy nhiên, họa là điên mới phớt lờ những nỗi lo và nỗi phẫn nộ của
những người đã dồn sang ủng hộ Trump với một niềm say mê mà họ chưa bày tỏ với ứng
cử viên tổng thống nào khác trong mấy chục năm. Theo một nghiên cứu mới đây của
nhà chính trị học Justin Gest, 65 phần trăm người Mỹ da trắng — khoảng hai phần
năm dân số — sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho một đảng ủng hộ “chấm dứt tình trạng nhập
cư ồ ạt, trao việc làm Mỹ cho người lao động Mỹ, bảo tồn di sản Ki Tô giáo của
nước Mỹ, và ngăn chặn mối đe dọa của Hồi giáo”. Những người này tin rằng phần lớn
các chính khách phớt lờ họ hoặc lên mặt dạy đời với họ, và họ cảm thấy bị ruồng
bỏ bởi một văn hóa đại chúng đề cao giới có tiền, giới chủ trương thế giới đại
đồng, và giới đa dạng về chủng tộc. Họ chiếm tỷ lệ ở nước mình bằng với tỷ lệ
người Pháp hiện đang ủng hộ Mặt trận Dân tộc và hiện chỉ thấp hơn 10 phần trăm
so với tỷ lệ người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên hiệp Châu
Âu.
Nhưng chừng nào hai đảng chính ở Mỹ chưa tìm cách giải quyết những
mối quan tâm của họ một cách nghiêm túc và đồng cảm — bằng cách hạn chế nghiêm
ngặt tình trạng nhập cư bất hợp pháp và tạo công ăn việc làm ổn định với mức
lương đủ sống — có thể họ sẽ vẫn còn để ngỏ cho những chính khách thực sự muốn
có nỗ lực như vậy, bất kể chính khách đó có thể thiếu hiểu biết đến đâu đi nữa.
Nếu thua, Trump có thể sẽ chẳng bao giờ tranh cử chính trị nữa. Tuy nhiên, truyền
thống dân túy mà ông lợi dụng, sẽ vẫn trường tồn.
Một điều xấu xa cần thiết
Ở khía cạnh tích cực nhất, chủ nghĩa dân túy cung cấp một ngôn ngữ
mà có thể củng cố dân chủ, chứ không phải gây nguy hại cho nó. Đảng Nhân Dân đã
góp phần dẫn tới nhiều cải cách tiến bộ, chẳng hạn như thuế thu nhập và quản lý
điều tiết doanh nghiệp, mà đã khiến nước Mỹ trở thành một xã hội nhân văn hơn
trong thế kỷ hai mươi. Đảng Dân chủ, vốn an tâm với việc sử dụng những lời hô
hào dân túy, từ Bryan tới Franklin D. Roosevelt, đã góp phần lớn tạo nên một giới
tư bản tự do mà, dù còn nhiều nhược điểm, hiếm có người Mỹ đương đại nào muốn
phá bỏ. Ngay cả một số nhà hùng biện dân túy từng đả kích di dân cũng vận động
được sự ủng hộ đối với các luật, như ngày làm việc 8 tiếng, mà rốt cuộc có ích
cho tất cả những người làm công ăn lương tại Mỹ, bất kể họ sinh ra ở đâu.
Chủ nghĩa dân túy có một quá khứ hỗn loạn. Những kẻ kỳ thị chủng tộc và những kẻ muốn làm độc
tài đã lợi dụng sức hấp dẫn của nó, và những kẻ thù khoan dung hơn của giới tài
phiệt cũng từng lợi dụng. Nhưng người Mỹ chưa tìm ra một cách mạnh mẽ
hơn để đòi hỏi giới chóp bu chính trị của họ phải thực hiện những lý tưởng về
cơ hội bình đẳng và chế độ cai trị bằng dân chủ mà họ hứa suông trong các mùa
tranh cử. Chủ nghĩa dân túy có thể nguy hiểm, nhưng cũng có thể là cần thiết.
Như nhà sử học C. Vann Woodward đã viết vào năm 1959 để đáp lại những trí thức
gièm pha chủ nghĩa dân túy, “Ta phải kỳ vọng và thậm chí hy vọng rằng sẽ
có những biến động trong tương lai làm chấn động các trung tâm quyền lực và đặc
quyền và cung cấp liệu pháp định kỳ mà dường như cần thiết cho sức khỏe của nền
dân chủ của chúng ta.”
No comments:
Post a Comment