Wednesday, February 15, 2017

TÒA BẠCH ỐC : ÔNG FLYNN TỪ CHỨC VÌ TỎNG THỐNG HẾT TÍN NHIỆM (VOA Tiếng Việt)




15/02/2017
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ nhiều tuần trước đã biết rằng cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã gây ngộ nhận cho Tòa Bạch Ốc về các mối liên lạc của ông với Nga nhưng không buộc ông Flynn phải ra đi ngay lập tức, một phát ngôn nhân của chính phủ ngày 14/2 cho biết.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, cho biết cuối tháng rồi, Tổng thống được báo cáo rằng ông Flynn đã không cho Phó Tổng thống Mike Pence biết toàn bộ sự thật về các cuộc trao đổi của ông với đại sứ Nga tại Mỹ hồi trước khi ông Trump lên nhậm chức.
Ông Flynn đã từ chức hôm 13/2 sau khi Tổng thống không tín nhiệm ông nữa và yêu cầu ông thôi việc, người phát ngôn Spicer nói. “Vấn đề thuần túy và đơn giản chỉ là lòng tin mà thôi,” ông Spicer nhấn mạnh.
Ông Spicer đưa ra một loạt các mốc sự kiện và một giới chức khác cũng xác nhận rằng Tổng thống Trump từ nhiều tuần trước đã biết việc ông Flynn báo cáo sai sự thật với Phó Tổng thống.
Giới chức vừa kể nhấn mạnh rằng ông Flynn có nói chuyện về các biện pháp trừng phạt với đại sứ Nga. Các cuộc điện đàm của đại sứ Nga bị các giới chức tình báo Mỹ ghi âm lại. Tuy nhiên, hồi giữa tháng Giêng, Phó Tổng thống Pence đã lên truyền hình phủ nhận chuyện ông Flynn có đề cập tới vấn đề này với đại sứ Kislyak.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói chính phủ của Tổng thống Trump tin rằng việc làm của ông Flynn không đề ra một vấn đề pháp lý, chỉ là vấn đề niềm tin của Tổng thống đối với người cố vấn mà thôi.

*
*
Cập nhật mới nhất 15/02/2017
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn đã từ chức sau khi có nhiều bản tin cho biết ông đã lừa dối các quan chức chính quyền của Tổng thống Donald Trump, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, về những liên lạc của ông với Nga.

Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn phát biểu trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc, ở Washington, ngày 1 tháng 2, 2017.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn đã từ chức sau khi có nhiều bản tin cho biết ông đã lừa dối các quan chức chính quyền của Tổng thống Donald Trump, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, về những liên lạc của ông với Nga.
Trong đơn xin từ chức, ông Flynn, một tướng Lục quân về hưu, thừa nhận vào cuối ngày thứ Hai rằng ông đã "vô tình báo cáo" cho ông Pence và những người khác "thông tin không đầy đủ" về những cuộc điện đàm của ông với đại sứ Nga tại Mỹ trong những tuần trước khi Tổng thống Trump lên nắm quyền .
Vụ từ chức của một quan chức cấp cao như vậy chưa đầy một tháng sau khi ông Trump tiếp quản Tòa Bạch Ốc gần như chưa từng thấy trên chính trường Mỹ.
Ông Trump đã nhanh chóng bổ nhiệm một tướng Lục quân hồi hưu khác, Keith Kellogg, làm quyền cố vấn an ninh quốc gia của mình, nhưng cũng có thể chọn cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương David Petraeus hoặc cựu Phó Đô đốc Hải quân Robert Harward để trám vào vị trí chiến lược này về lâu dài.
Ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak, theo những bản tin mà truyền thông Mỹ loan tải, đã thảo luận về những biện pháp chế tài mà cựu Tổng thống Barack Obama áp đặt lên Moscow vào cuối năm ngoái vì can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy cơ hội chiến thắng của ông Trump.
Những trợ lý của ông Pence và ông Trump, dựa trên thông tin do ông Flynn cung cấp, đã công khai nói rằng ông Flynn đã không thảo luận về chuyện dỡ bỏ những biện pháp chế tài, hiện vẫn còn được giữ nguyên, kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Ông Flynn sau đó thừa nhận rằng chuyện dỡ bỏ những biện pháp chế tài có lẽ đã được nhắc tới.
Những cuộc trao đổi với nội dung như vậy giữa ông Flynn và ông Kislyak có thể đã vi phạm luật của Mỹ cấm công dân với tư cách cá nhân tiến hành công tác ngoại giao với một chính phủ nước ngoài, vì khi đó ông Trump vẫn chưa nhậm chức.
Theo báo The Washington Post, Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng trước đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc rằng ông Flynn đã trình bày sai lạc những cuộc nói chuyện của mình với đại sứ Nga tới mức ông có thể bị Moscow phơi bày bí mật, do có những mâu thuẫn giữa những mô tả công khai về những cuộc gọi này và những gì mà các quan chức tình báo biết được dựa trên việc họ thường xuyên theo dõi những liên lạc của những quan chức nước ngoài tại Mỹ.
Ông Flynn, trong đơn xin từ chức của mình, cho biết ông đã xin lỗi cả ông Trump lẫn ông Pence, và họ đã chấp nhận lời xin lỗi của ông.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 14/2 nói rằng việc ông Flynn từ chức "là việc nội bộ của người Mỹ, đó là việc nội bộ của chính quyền Tổng Trump. Đây không phải là việc của chúng tôi."
Nhưng các nhà lập pháp Nga nói rằng việc vụ việc này ngang như một cuộc tấn công nhắm vào những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington.
Khi những bản tin về những cuộc trò chuyện của ông Flynn được báo chí Mỹ dồn dập loan tải, một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã kêu gọi một cuộc điều tra nhắm vào ông Flynn, trong khi những người khác kêu gọi ông Trump sa thải ông ta và kêu gọi giới chức tình báo duyệt lại quyền tiếp cận an ninh của ông.

*
*
12/02/2017
Các thành viên Đảng Dân chủ trong quốc hội kêu gọi tiến hành điều tra xem liệu tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn có đàm đạo với Nga về các biện pháp chế tài của Mỹ trước khi chính phủ của ông Trump lên nắm quyền hay không.

Hai tờ báo lớn của Mỹ, tờ The Washington Post và New York Times hôm qua tường thuật rằng ông Flynn đã thảo luận các biện pháp chế tài mà chính phủ TT Obama đã áp đặt lên nước Nga, bất chấp phản bác của chính phủ Tổng thống Trump, nói rằng cấm vận không phải là đề tài của các cuộc tiếp xúc ấy.
Nói chuyện với các nhà báo trên chuyên cơ của Tổng thống hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông không biết về tin cho rằng ông Flynn đã thảo luận với phía Nga về các biện pháp cấm vận đối với Moscow. Ông Trump cho hay ông sẽ xem xét vấn đề này, nhưng sau đó nói ông ‘hoàn toàn tin tưởng’ ông Flynn.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đòi điều tra ông Flynn, trong khi nhiều người khác hối thúc Tổng thống Trump sa thải ông Flynn và yêu cầu tình báo Mỹ xét lại ông Flynn về mặt an ninh.
9 người ẩn danh được miêu tả là cựu giới chức Mỹ và các giới chức tại chức nói với tờ Washington Post rằng ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak rõ ràng có thảo luận về các biện pháp chế tài mà chính phủ Tổng Thống Obama đã áp đặt đối với Nga sau vụ tai tiếng về tin tặc.
Các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và phía Nga diễn ra cùng lúc chính quyền Tổng Thống Obama đang xúc tiến chế tài nước này, đã khiến các giới chức tình báo Mỹ ngờ vực, và tiến hành điều tra.
Ông Flynn bác bỏ tin này với tờ Washington Post, khẳng định rằng ông không thảo luận các biện pháp chế tài với ông Kislyak, nhưng hôm thứ Năm ông rút lại tuyên bố đó và thông qua một người phát ngôn, nói với tờ Washington Post rằng “trong khi ông không nhớ đã thảo luận về các biện pháp chế tài, nhưng ông không hoàn toàn chắc chắn là đề tài này không được đề cập tới.”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS hồi tháng trước, Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cũng bác bỏ là cuộc đối thoại có diễn ra. Ông Pence nói tin ấy là một trong những “tin đồn đại lạ lùng xoay quanh chiến dịch tranh cử của ông Trump.”
Những phát biểu vừa rồi tương phản với bản tin của tờ Washington Post về cuộc đối thoại, một trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Flynn với đại sứ Kislyak đã khởi sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/16, rồi tiếp tục trong suốt tiến trình chuyển tiếp, theo tờ báo.
Thông tin về cuộc đối thoại này xuất phát từ các tin tức do các giới chức tình báo thu thập, khi theo dõi những sự liên lạc của các nhà ngoại giao Nga.
Theo tờ New York Times, các giới chức có trong tay bản văn ghi chép lại các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và đại sứ Nga Kislyak, các tài liệu này chưa được giải mật. Các giới chức tiếp cận được các tài liệu này sau đó tiết lộ chi tiết cho hai tờ báo vừa nêu.
Các giới chức nói với tờ Washington Post rằng cuộc đối thoại có thể vi phạm Luật Logan, một đạo luật của Mỹ cấm công dân thương thuyết với các chính quyền nước ngoài nếu không được phép.
Luật Logan đặt ra ngoài vòng pháp luật việc một công dân Mỹ tiếp xúc với bất cứ chính quyền nước ngoài nào “với dụng ý ảnh hưởng tới các biện pháp hoặc cách hành sử” của chính quyền đó “liên quan tới bất cứ vụ tranh chấp hay tranh cãi nào với Hoa Kỳ.”
Các giới chức cho rằng tuy vậy, khó có thể thu thập đầy đủ hồ sơ pháp lý chống lại ông Flynn, bởi vì chưa có bất cứ ai bị truy tố theo luật này.





No comments:

Post a Comment