Thursday, February 23, 2017

PHAN CHÂU TRINH - BARACK OBAMA - JONATHAN LONDON (Đỗ Thái Nhiên)




02:06:am 23/02/17

Tượng và đền thờ Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh (1892 – 1926), chánh quán Tây Lộc, huyện Tiên Phước, Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam, hiệu Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán.

Phan Bội Châu (1867 – 1940), chánh quán làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, tỉnh Nghệ An, tên thật là Phan Văn San, tự Hải Thu.

Phan Bội Châu là nhà cách mạng chống Pháp với chủ trương: người Pháp không bao giờ thực tâm khai hóa Việt Nam. Vì vậy muốn Việt Nam thực sự được khai hóa, vấn đề tiên quyết là người Viêt Nam phải quyết tâm đánh đổ chế độ thực dân Pháp bằng sức mạnh của vũ trang với sự hỗ trợ của người Nhật…

Ngược lại, tư tưởng của Phan Châu Trinh khẳng định rằng: quan trọng hơn sức mạnh vũ trang, quan trọng hơn sức mạnh được chi viện từ ngoại bang chính là thể lực và khí lực của quần chúng nhân dân, gọi tắt là dân lực. Dân lực, vẫn theo tư tưởng Phan Châu Trinh, được xây dựng và liên tục phát triển trên ba trụ cột:

Khai dân trí
Hậu dân sinh
Chấn dân khí.

Ngày 24/05/2016, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội, trước bốn ngàn sinh viên, Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đã trân trọng vinh danh   Nhà Ái Quốc Phan Châu Trinh như một tác giả triết học hàng đầu của kho tàng văn học Viêt Nam.

Tiến sĩ Jonathan London, người Mỹ gốc Do Thái, sanh trưởng tại Cambridge, Boston. Ông tốt nghiệp tiến sĩ xã hội học đại học Wisconsin Madison, dạy đại học Singapore, sau chuyển về dạy xã hội học và phát triển xã hội tại City University of Hongkong.

Từ 1992, Jonathan nghiên cứu về Việt Nam. Ông sống tại Việt Nam từ 1997 đến 2001. Jonathan nói và viết thành thạo tiếng Việt.

Đối diện với những thay đổi lạ lẫm của hiện tình thế giới, ngày 20/01/2017, trước giờ Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, cơ quan truyền thông BBC đã giới thiệu một bài viết của Jonathan London có tên là “Thư Gửi Việt Nam”, viết bằng tiếng Việt. Bài này đề nghị Việt Nam nên nghĩ gì và làm gì trước tình hình mới của thế giới.

Đối với công cuộc đổi mới giáo dục tại Viêt Nam, Jonathan viết:

”Đừng lạm dụng làm giàu bằng thương mại hóa mọi thể loại giáo dục. Việc những trường đại học phi lợi nhuận có tôn chỉ hoạt động dựa trên giá trị của những vĩ nhân như Phan Châu Trinh đang bị dọa bán là một sự kiện cực xấu.”

Tại sao tổng thống Barack Obama và tiến sĩ Jonathan London đều đề cao Phan Châu Trinh bằng tất cả lời lẽ trân quý như đã kể trên? Câu trả lời xin được trình bày như sau:

Thông thường, khi nói tới đời sống của người dân người ta chỉ quan tâm tới dân sinh và dân trí.

Dân sinh là nhu cầu cơm áo, nhà ở, y tế và những tiện nghi vật chất khác. Nếu chỉ tập trung thỏa mãn dân sinh thì đời người rất gần với kiếp vật.

Con người là một động vật sống trong tác động hỗ tương với tư tưởng giới. Đòi hỏi hàng đầu của tư tưởng là sự hiểu biết, là trí thức. Mỗi hiện tượng sống đều là sự quấn quyện của ba thành tố tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Người trí thức là người hiểu biết tròn đầy và sinh động mọi góc cạnh vận động và kết hợp của tư nhiên, tư tưởng và xã hội.

Triết học là môn học nghiên cứu tư tưởng giới.

Khoa học là môn học nghiên cứu tự nhiên giới.

Sử học là môn học nghiên cứu vận động và phát triển của xã hội giới.

Người trí thức là người hiểu biết đầy đủ về nội dung của ba ngành học kể trên. Với kiến thức kia, con người có thừa khả năng phân biệt đúng hay  sai, phân biệt yêu nước hay phản quốc, phân biệt bảo vệ lịch sử hay chống lại lịch sử.

Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống, khoảng cách giữa sự tiếp nhận hiểu biết và hành động thực thi những gì đã hiểu biết là cả một bức tường tâm lý: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Ai cũng biết thế nào là yêu nước nhưng mấy ai dám vị quốc vong thân. Ai cũng biết thế nào là sống ngay thẳng nhưng mấy ai dám từ chối  sức cuốn hút của những cơ hội làm ăn gian dối. Ai cũng biết thế nào là tự do dân chủ nhưng mấy ai dám đương đầu với độc tài áp bức.

Không còn nghi ngờ gì nữa, điều quan trọng không là trí thức phong phú hay nghèo nàn, điều quan trọng chính là con người có DÁM biến trí thức thành hành động sống cụ thể hay không? Tìm đâu ra chữ “DÁM” kỳ diệu kia ? Thưa rằng “dám” chính là dân khí trong tư tưởng Phan Châu Trinh. Đâu là cội nguồn của “dám”? Chừng nào con người có nhân khí? Người dân có dân khí?

Trong ngôn ngữ Việt có thuật ngữ tính tình. Thuật ngữ này hàm ý: tính và tình tác động hai chiều. Tình sinh tính và tính phát triển tình.

Do tình gia đình, giữa cha mẹ và con cái xuất hiện tính hy sinh để bảo vệ lẫn nhau. Hy sinh là dám vì gia đình mà quên thân mình. Rõ ràng tình là cội nguồn của dám, của nhân khí, của dân khí. Vì vậy muốn phát triển dân khí người dân phải được giáo dục và đào tạo phương pháp xây dựng và phát triển tình. Tình ở đây là tình đối với: bản thân, gia dình, làng xóm, dân tộc, nhân loại. Tình toàn diện, dân khí toàn diện. Tình là huyết mạch của đời sống. Học hỏi và phát triển tình chính là học hỏi và phát triển đời sống người. Môn học này cần được diễn giải theo ba luận điểm cốt lõi:

1.    Bản thể triết học của đời người, còn gọi là tiền đề triết học Con Người.
2.    Qui luật triết hoc chi phối đời người trong sự tổng hợp tự nhiên, tư tưởng và xã hội.
3.    Phương pháp xây dựng xã hội để người dân được sống như một con người: Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, chính trị quan, lịch sử quan, văn minh luận, xã hội hạch tâm, giáo dục, luật pháp, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao…

Học và sống theo ba luận điểm nêu trên, người dân sẽ yêu mình và yêu người, sẽ có thừa dũng khí để bảo vệ quyền làm người của mình và của người. Đó là nội dung chân xác của tư tưởng chấn dân khí.

Nếu chỉ xây dựng xã hội trên hai yếu tố dân trí và dân sinh, đời người không thể thăng hoa. Dân trí và dân sinh chẳng khác nào chiều dài và chiều rộng của một mặt phẳng. Chính dân khí của Phan Châu Trinh đã chấp cánh cho con người, giúp đời người vươn mình bay cao. Đây là nội dung căn bản của bài viết PHAN CHÂU TRINH – BARACK OBAMA – JONATHAN LONDON.

© Đỗ Thái Nhiên
© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment