Trong bài viết trước, tôi đã nói chi tiết về Võ Kim
Cự, nguyên trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, từng là phó chủ tịch, bí
thư Hà Tĩnh, hiện là chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN, thành viên Uỷ ban Kinh tế
Quốc hội và Nguyễn Thái Lai, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Câu chuyện Formosa được vẽ ra, chắc chắn không chỉ bởi
bàn tay của hai cá nhân ấy. Trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp thêm vài dữ liệu
cho các anh chị tham khảo để nhìn rõ những ai đã mở toang cửa rước Formosa vào
VN, những người đã quản lý “tốt”, những người đã nâng cao nhận thức về môi trường
của Nhân dân và ý thức hơn về cách để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình…
1.
Ai nghèo mà được bình yên?
Sau Võ Kim Cự, khi nói đến Formosa, người tiếp theo
tôi nhớ đến là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ấn
tượng nhất của tôi về ông là quan điểm thà nghèo nhưng bình yên. Có lẽ vì tôi
chỉ là một thường dân bé mọn, một phụ nữ quanh quẩn góc bếp nên suy nghĩ khác
nhiều. Tôi vẫn nghĩ, không một đất nước nào nghèo mà có thể bình yên. Cái nghèo
thường luôn đi kèm với sự phụ thuộc, sự đớn hèn. Cái nghèo dẫn đến bất ổn xã hội.
Trong suy nghĩ giản đơn của mình, tôi cho rằng một nhà lãnh đạo nhất thiết phải
là người có khát khao và hành động để làm cho đất nước trở nên giàu có và bình
yên, chứ không an phận chấp nhận cái nghèo.
Trở lại câu chuyện Formosa, tôi được biết vào cuối
năm 2007, đầu năm 2008, thời điểm Formosa xin vào Vũng Áng và trong suốt thời
gian Formosa xây dựng nhà máy tại Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Hải là Phó thủ tướng
Chính phủ, phụ trách nhiều vấn đề nảy sinh ở dự án Fomosa Hà Tĩnh.
Ngày 24-12-2007, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có
buổi làm việc với Formosa để nghe Tập đoàn này báo cáo về dự án đầu tư khu luyện
gang thép 15 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương. Sau buổi làm việc, thực
hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải, Formosa đã xây dựng báo cáo đầu tư
về hai dự án trên. Theo đó, thời gian xây dựng lò cao số 1 được rút ngắn từ 48
tháng xuống còn 36 tháng.
Ngày 4-3-2008, ông Hoàng Trung Hải là người ký văn bản
chấp thuận chủ trương cho Formosa đầu tư nhà máy thép ở Vũng Áng. Cần rạch ròi
rằng, thu hút FDI là cần thiết để phát triển kinh tế. Phát triển ngành thép
cũng cần thiết. Nhưng, với lý lịch gây ô nhiễm môi trường của Formosa, lại là một
dự án quy mô lớn ở một lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá hoại môi sinh, trong khi
hoàn toàn không có kinh nghiệm ở lĩnh vực luyện thép, thì rõ ràng chấp thuận
cho Formosa vào Hà Tĩnh là một quyết định đầy dũng cảm mang tính đột phá và tiềm
ẩn rủi ro cao.
Sau khi được Võ Kim Cự cấp giấy chứng nhận đầu tư,
trong quá trình triển khai dự án, Formosa nhận được hàng loạt ưu ái. Trong số
đó phải kể đến ưu ái về thuế. Giấy chứng nhận đầu tư ký cho Formosa không có mục
nào cho thấy tập đoàn này được miễn thuế tài nguyên và phí môi trường đối với
hoạt động khai thác cát san lấp nền. Luật Thuế Tài nguyên cũng không có quy định
nào miễn thuế đối với trường hợp như Formosa. Thực tế Formosa có một nhà thầu Bỉ
thực hiện hút cát từ biển để lấy cát san lấp nền thực hiện xây dựng khu luyện
thép, thay vì phải mua cát.
Ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ có văn bản kết luận
một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng của Hà Tĩnh, trong đó
có nêu rõ Hà Tĩnh chậm thu thuế tài nguyên và thu chưa đủ phí môi trường đối với
cát dùng để san lấp nền trong dự án xây dựng nhà máy luyện thép Formosa, chưa
thu phí xả thải là không đủ quy định. Đến thời điểm ban hành kết luận, Formosa
đã nộp phí tài nguyên.
Trùng hợp là trước đó, ngày 29-6-2014 Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính tạm ứng 250 tỉ đồng từ ngân sách Trung
ương cho Hà Tĩnh để hoàn trả số tiền thuế tài nguyên và phí môi trường đã thu của
Formosa.
Trước đó nữa, vào đầu tháng 1-2013, Formosa kiến nghị
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải xem xét nhiều hạng mục dự án cần nhận được sự hỗ
trợ. Trong đó có trang 14 của văn bản nói về vấn đề xin cấp giấy phép thi công
và giấy phép xây dựng. Văn bản của Formosa viết như sau: Theo đúng quy trình,
sau khi toàn bộ các công trình thuộc dự án hoàn thành thiết kế cơ bản, chủ đầu
tư phải cung cấp bản vẽ và tư liệu, sau khi được Bộ Công thương phê chuẩn sẽ
xin Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy phép thi công và giấy phép xây dựng.
Nhưng vì quy mô dự án lớn, nếu chờ các công trình hoàn thành thiết kế cơ bản,
sau đó xin giấy phép thi công thì sẽ kéo dài thời gian xây dựng. Do đó, hình thức
xây dựng dự án là tiến hành đồng thời giữa thiết kế và thi công, nhiều hạng mục
đã được tiến hành thuận lợi dưới sự giúp đỡ của Chính phủ và Hà Tĩnh.
Formosa cho biết, vào tháng 12-2012, thiết kế cơ sở
của dự án đầu tư đã được gửi lên Bộ Công thương. Tập đoàn này kiến nghị Phó thủ
tướng Hoàng Trung Hải cho phép trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục thì
Formosa vẫn được thi công xây dựng. Sau khi hoàn thành thẩm duyệt hồ sơ sẽ xin
giấy phép thi công và giấy phép xây dựng.
Như vậy nghĩa là, Formosa xin cơ chế thi công dự án
trước khi thiết kế cơ sở được phê duyệt, xây dựng các công trình trước khi có
giấy phép xây dựng. Đến giờ, Formosa có được hưởng cơ chế này hay không, tôi
cho rằng những người có trách nhiệm hoàn toàn có thể kiểm tra xem Formosa có giấy
phép xây dựng hay chưa, nếu có thì ở thời điểm nào và thực tế họ đã xây dựng
các hạng mục công trình từ thời điểm nào?
Việc Formosa có thể tự ý xây dựng nhà máy luyện cốc
bằng công nghệ dập cốc ướt thay vì cốc khô như báo cáo đánh giá tác động môi
trường đã được phê duyệt vào tháng 6-2008, cùng với 52 lỗi vi phạm khác, đã là
một câu trả lời. Khi trao đổi với tôi, một vị lãnh đạo cấp cục ở Bộ Công thương
nói, xây dựng không có giấy phép thì chỉ trời mới biết họ làm cái gì trong khu
đất ấy.
2.
Ngồi xổm trên luật
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn
Thái Lai đã bị kết luận có sai phạm nghiêm trọng khi cấp giấy phép xả thải cho
Formosa ra biển. Đường ống xả thải của Formosa được đặt ngầm ở độ sâu 17m, nằm
ngoài khơi Vịnh Sơn Dương. Vị trí đặt ống xả thải này là trái luật bởi theo quy
định của Luật Bảo vệ môi trường, đường ống xả thải phải đặt ở vị trí sẽ quan
sát, thuận tiện cho kiểm tra giám sát. Quá trình cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi
trường chưa tham vấn người dân theo đúng quy định.
Như vậy, đường ống xả thải ra biển của Formosa là một
di sản trái luật. Chính ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
đã nói vào ngày 29-4-2016 rằng, luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự
thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được. Tới đây,
Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám
sát.
Tuy nhiên, đến ngày 4-7-2016, cũng vẫn là Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông Trần Hồng Hà lại nói, vấn đề không
phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống
ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa, việc kiểm soát để đảm bảo chắc
chắn nước thải đảm bảo an toàn có minh bạch không, khi có sự cố thì phương án dự
phòng là gì? Nếu nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, thì vẫn có thể thải
qua các ống ngầm đã xây dựng.
Tôi đồng ý với quan điểm vấn đề nằm ở nước thải đã
được xử lý hay chưa. Nhưng năng lực kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng
tồi tệ ra sao đã được Nhân dân cả đất nước này thấy rõ qua vụ việc cá chết ở miền
Trung. Hơn nữa, một nhà đầu tư có thâm niên phá hoại môi trường như Formosa thì
thật khó để tin tưởng. Chừng nào còn tồn tại một cái cống ngầm thì chừng đó chẳng
ai biết họ sẽ tống thứ gì ra biển miền Trung. Hơn nữa, cần lưu ý là đường ống ấy
đặt ngầm là trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thế nên, ông Trần Hồng Hà
không thể dùng quyền lực Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường của mình để thừa
nhận một thứ trái luật. Cho một thứ mà chính mình đã khẳng định là trái luật được
tồn tại, liệu đó có thể coi là hành vi ngồi trên luật?
Thử hỏi, còn ai tin tưởng một người như thế đứng đầu
ngành tài nguyên và môi trường?
3.
Dối trời lừa dân
Trong câu chuyện về Formosa, tôi tuyệt đối không thể
nào quên hình ảnh các quan chức ăn hải sản để an lòng dân ở Hà Tĩnh, Quảng
Bình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Thân là người đứng đầu ngành y tế, gác cửa ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm
lo sức khoẻ cho 92 triệu dân, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại
có những hành động không thể nào chấp nhận được.
Cụ thể, khi sự việc cá chết còn đang gây hoang mang
dư luận và chưa biết nguyên nhân từ đâu, vào ngày 1-5-2016, bà Nguyễn Thị Kim
Tiến khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải
sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau
để phân tích.
Kết quả đo được thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. “Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày 2/5 sẽ có kết quả”.
Ngày 3-5, bà Tiến khoe trên facebook một tấm hình
đang cùng thuộc cấp của mình ăn tiệc hải sản ở Hà Tĩnh để truyền đi thông điệp
hải sản an toàn.
Thực tế thì sao, hải sản chết do nhiễm chất độc
phenol, cyanua từ trong chất thải độc hại mà Formosa xả ra biển miền Trung. Đến
tháng 8-2016, chính ngành y tế kiểm nghiệm vẫn phát hiện tại Hà Tĩnh có mẫu cá
trạng buồn nhiễm cadimi vượt ngưỡn giới hạn tối đa, cá mỏ neo, cá đuối, ghẹ ba
mắt, cá nhồng… nhiễm cyanua và mẫu cá đuối, ghẹ ba mắt, cá man nhiễm phenol. Tại
Quảng Bình, thời điểm này vẫn phát hiện mẫu ghẹ nhiễm phenol.
Đó là chưa kể, trong tháng 7-2016, ngành y tế lấy mẫu
xét nghiệm phát hiện tới 25,9% mẫu hải sản nhiễm kim loại nặng. Thêm nữa, tại
thời điểm xảy ra cá chết, các nhà khoa học lấy mẫu phân tích cũng đã phát hiện
các mẫu hải sản bị nhiễm phenol và cyanua.
Lương tâm một con người không cho phép nói rằng hải
sản an toàn để người dân tiếp tục ăn hải sản đang chứa những chất cực độc. Đó
là hành động dối trên lừa dưới, dối trời lừa dân, coi thường sức khoẻ của nhân
dân, đầu độc dân. Vậy Bà Tiến tiếp tục ngồi ghế Bộ trưởng y tế để làm gì?
Một cá nhân khác tôi cho rằng trí tuệ thấp, nhân
cách kém, cần phải bị xem xét xử lý kỷ luật, đó chính là Phó chủ tịch UBND tỉnh
Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. Khi miền Trung xảy ra thảm hoạ cá chết, người dân Hà
Tĩnh lo lắng, nhân dân cả nước hoang mang, ông Đặng Ngọc Sơn nói rằng người dân
cứ yên tâm ăn cá, cứ yên tâm tắm biển. Đây là một lời nói trấn an dư luận không
dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào. Điều này có thể để lại hậu hoạ khôn lường.
Xét cả tâm và tầm, ông Sơn không đủ để ngồi ghế Phó thường dân chứ đừng nói
Quan Phụ mẫu của 1 Tỉnh.
Còn những cái tên khác cũng xuống tắm biển, ăn cá để
trấn an dư luận, mọi người có thể giúp tôi liệt kê bằng các comment phía dưới
bài viết này. Nếu tôi liệt kê ra hết thì tẩu hoả nhập ma mất.
4.
Ai cầm đèn chạy trước ô tô?
Trong phần một “Lạc nước hai xe đành bỏ phí…” của chủ
đề “Formosa – Cái giá phải trả”, tôi đã viết khá chi tiết về những sai phạm của
Nguyễn Thái Lai và Võ Kim Cự. Các anh chị có thể đọc theo mạch bằng cách vào
link này:
Về một số ý kiến cho rằng, Võ Kim Cự không thể tự
cho phép Formosa được đầu tư 70 năm, tôi sẽ thông tin thêm vài dòng. Thực tế
ông Cự đã tự ý cam kết với Formosa trước khi cấp phép.
Về chủ trương đầu tư, Chính phủ chỉ chấp thuận cho
Formosa đầu tư nhà máy thép, chứ không phải chấp thuận cho đầu tư 70 năm. Muốn
được đầu tư 70 năm, Hà Tĩnh cần có văn bản xin ý kiến và Chính phủ phải chấp
thuận bằng văn bản giấy trắng mực đen.
Giấy trắng mực đen cho thấy, ngày 3-7-2014, Thanh
tra Chính phủ kết luận Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa thời hạn 70 năm khi chưa được
Chính phủ đồng ý là trái quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư 2005. Thanh tra Chính
phủ kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý.
Ngày 1-8-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp
tục giữa thời hạn 70 năm cho Formosa. Sau đó, Chính phủ chấp thuận kiến nghị của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, ông Cự không cầm đèn chạy trước ô tô thì ai vào
đây?
Phần 2 của chủ đề “Formosa – Cái giá phải trả”, tôi
chỉ mong mọi người có thêm dữ liệu, chứ không có niềm tin và kỳ vọng gì nhiều.
Bằng chứng là sau những hành động ở vụ cá chết vào tháng 5-2016, đến tháng
7-2016, bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tuy nhiên, như tôi vẫn nói, vụ Formosa sẽ đi vào lịch
sử không chỉ là câu chuyện vi phạm của một nhà đầu tư, không phải chỉ là một sự
cố môi trường như cách người ta gọi tên hiện này. Câu chuyện về Formosa sẽ đi
vào lịch sử về sự lựa chọn, về ứng xử của giới chức với người dân. Lịch sử thì
luôn công bằng, nhân dân luôn nhắc nhớ.
—
Còn tiếp….
—
Còn tiếp….
----------------------
No comments:
Post a Comment