Friday, February 3, 2017

DẠO QUANH FACEBOOK TRONG MẤY NGÀY TẾT - PHẦN 2 (Bauxite Việt Nam)



03/02/2017

LS Lê Văn Luân
Tôi chưa thấy ai giàu nhanh bằng việc "thu hồi đất" giá rẻ, thổi giá lên trời và trở thành tỷ phú trên sàn nhanh như ở xứ ta.
Quan tâm đến những người xung quanh là đúng rồi. Quan tâm đến những món lợi và mối quan hệ tạo ra lợi ích. Còn phần còn lại như dân Thanh Hoá từng phải biểu tình cách đây gần hai năm và chỉ khi có cả tiếng súng nổ thì mới tạm dừng lại việc "thu hồi dải bờ biển" của ngư dân.
Chưa từng thấy ở đâu mà việc thu hồi đất giá rẻ rồi biến thành đất ở, dự án, đất sản xuất kinh doanh dễ dàng và giá lại ngất ngưởng dễ như thị trường ở xứ này. Bởi nó là thị trường có bàn tay của quyền lực chính trị nên thành ra nó là cơ hội màu mỡ cho đám tham lam và bất chấp để làm giàu.
Tết rồi, chẳng muốn nặng lời với ai đầu năm. Nhưng khi nào thì chúng ta có doanh nhân thực sự là doanh nhân và kinh doanh bằng tài năng cũng như bàn tay sạch thực sự?
Và đừng gọi việc bám vào quan hệ, quan quyền để làm giàu thì gọi là tài năng nhé. Đó là nỗi sỉ nhục của những người làm ăn chân chính và bằng trí tuệ của mình làm ra sản phẩm cho xã hội. Chứ không phải bằng bàn tay và quan hệ đen đem lại.

Mồng ba Tết

15. Giữa thủ đô còn bị hốt nữa là trên biển cả (Nhân đọc Tàu thuyền xuất bến với băng rôn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam)
Bạn Trung Trần lo ngại đúng. Giời ạ, ngay ở giữa thủ đô, cầm cái biểu ngữ này mà còn bị hốt lên xe buýt, chở về đồn công an, bị phạt hành chính, thì gặp bọn TQ ở giữa biển, số phận của những ngư dân này sẽ ra sao?

Nguyễn Quang Lập
Số đánh nhau không nhập viện có lẽ đông gấp ba số đánh nhau nhập viện. Xưa ra ngõ gặp anh hùng, giờ ra ngõ gặp du côn.

17. Sai từ gốc rễ
LS Lê Văn Luân
Một loạt doanh nhân kiểu Masan, Tân Hiệp Phát, một loạt ngân hàng, công ty tài chính lũng đoạn thị trường, gian lận và chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ bị bắt, một loạt doanh nghiệp bất động sản gây ra cảnh màn trời chiếu đất và những bất công ngút trời cho dân,... không may bị lôi ra ánh sáng thì chúng ta mới biết được cách làm ăn gian dối và trắng trợn, bẩn thỉu để làm giàu của họ. Thế mà có nhiều người vẫn còn coi là những người làm ăn ở xã hội này thực sự tài năng và chân chính. Nếu không khui ra thì họ vẫn còn tài năng và giỏi giang lắm, vẫn được ngợi ca và tung hô, vẫn được ủng hộ và coi là tốt đẹp. Vẫn là những doanh nhân thành đạt và mẫu mực.
Nếu tốt đẹp và vài người giàu lên thì làm sao cái đất nước này ngày lại càng nghèo nàn đi, con người ngày càng tha hoá và tồi tệ hơn, một số ít giàu có mà sao đất nước ngày càng cạn kiệt tài nguyên, người nghèo ngày càng nghèo và rất nhiều thảm trạng hiển hiện trong xã hội mà người ta gọi là thối nát. Vậy cái giàu có đó giúp gì cho quốc gia? Giàu có trên sự cạn kiệt cơ hội và tài nguyên của đất nước, tận diệt nguồn sống và làm kinh tế lụn bại, thụt lùi. Vậy có gì để tự hào và ca ngợi.
Mọi thứ đã sai từ gốc rễ, bất ổn từ Hiến pháp, nên mọi thứ vận hành lệch lạc và méo mó. Thế mà người ta vẫn ủng hộ những kiểu làm ăn dựa vào cái sai gốc rễ này mà làm giàu cho bản thân hoặc nhóm lợi ích thân hữu cho được. Mất hết tự trọng, liêm sỷ và cái căn bản trong làm ăn là tài năng và thị trường minh bạch độc lập thông qua luật pháp văn minh mà vẫn được khen ngợi, thậm chí khích lệ thì quả là đáng buồn cho dân tộc.
Hỏi cớ sao đất nước này không thể thay đổi mà tốt lên cho nổi là vậy.

18. Đôi lời trần tình đầu năm về chuyện "chửi công an"
Phạm Đoan Trang
Một vài người quen, bạn bè của tôi có thắc mắc “sao Trang ‘chửi công an’ ghê thế”. Có một chị đồng nghiệp, sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, mới hạ giọng: “Hỏi thật, hai chân thế nào rồi, đau lắm phải không? Vì tôi thấy mỗi lần cô viết về công an, tôi thấy giọng cô khác, nặng nề quá, không phải là cô nữa. Những lúc đó, tôi nghĩ chắc cô đang đau lắm”.
Tôi chỉ cười cười, không biết nói sao. Không phải vì sợ hay có điều gì phải giấu giếm, mà chỉ đơn giản vì tôi mắc một thứ “bệnh nghề nghiệp” của nhiều nhà báo, đó là luôn cảm thấy khó khăn khi nói về bản thân.
Tuy nhiên, về chuyện “chửi công an” trong năm vừa qua, thì có thể làm rõ một vài vấn đề như sau:
Thứ nhất, nó không liên quan đến chấn thương của tôi. Nói cách khác, không phải vì bị công an đánh què chân mà tôi đâm ra thích chỉ trích họ.
Thứ hai, nếu xem kỹ, bạn đọc có thể thấy tôi không “chửi”, mà là vạch mặt và lên án họ.
Thứ ba, đối tượng của sự lên án không phải là toàn ngành công an nói chung, mà định danh chính xác là “lực lượng an ninh bảo vệ chế độ”, tức là những kẻ mà lợi ích đang gắn chặt với chế độ độc tài và vì thế, ra sức bảo vệ nó.
Chẳng người bình thường, có suy nghĩ nào lại không hiểu công an là một nghề trong xã hội, nên nó phải được hưởng sự tôn trọng bình đẳng với mọi nghề khác. Hơn thế nữa, do sứ mệnh của nó là bảo vệ quyền và quyền tự do của người dân, vì lợi ích cộng đồng, cho nên đúng ra nó còn là một nghề cao quý, như những nghề phục vụ cộng đồng khác.
Tiếc rằng ở xứ độc tài cộng sản, nghề công an đã bị bóp méo đến biến dạng. Nó đã hư hỏng ngay từ đầu (năm 1945), khi dung nạp nhan nhản những thành phần thất học, bất lương, thậm chí lưu manh, vào trong lực lượng. Chiến tranh càng là cơ hội cho nó hỏng thêm, bởi lẽ trong chiến tranh, vì mục đích “chiến thắng”, người ta có thể làm tất cả, đương nhiên kể cả chà đạp lên pháp luật và nhân quyền: Thời chiến, công an có thể mặc nhiên ám sát bất kỳ ai bị nghi là “Việt gian”, “phản bội cách mạng”, mà không cần một quá trình điều tra, xét xử nào. Ví dụ như chiến sĩ công an nhân dân Võ Thị Sáu đã vài lần dùng lựu đạn giết và làm bị thương hàng chục người, trong đó chỉ có một sĩ quan Pháp, còn lại đều là người Việt. Chẳng ai biết họ phạm tội gì mà bị chị Sáu “thay mặt cách mạng” trừng trị như vậy.
Dù sao cũng phải nói rằng, chiến tranh là khi cuộc sống đảo lộn và xã hội đã biến dạng; không thể thực hành dân chủ, nhà nước pháp quyền hay thực thi nhân quyền trong thời chiến được. Vì thế, khó có thể dùng nhãn quan của người trong thời bình để phán xét các hành động xảy ra trong chiến tranh, và cũng vì thế, chiến tranh là đáng ghê tởm.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, nghề công an ở Việt Nam tiếp tục hư hỏng khi trở thành công cụ trong tay đảng độc tài, trong đó, đội ngũ an ninh bảo vệ chế độ trở thành lực lượng phản động nhất, vì chúng tiếp tay cho đảng đắc lực nhất. Dần dần, chính chúng cũng sử dụng đảng và “lý tưởng” của đảng làm công cụ, chiêu bài để kiếm chác.
Cụ thể hơn, đội ngũ ấy là cái hang ổ có những tên gọi như: “Tổng cục An ninh”, “Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an”… Không một hoạt động nào của hang ổ này được công khai, kể cả địa chỉ chính xác của nó. Ngân sách dành cho nó đương nhiên là bí mật nhà nước; công việc, nhiệm vụ của nó, danh tính của nhân viên cũng được giữ kín. Nói chung, tính bí mật, mưu mô, thủ đoạn là đặc thù và cũng là sức mạnh của nó, cứ phải công khai minh bạch cái gì là nó chết.
Cho nên nó càng không thể công khai sự bất lực và đê hèn của nó: Không chống nổi tình báo Trung Quốc, không bảo vệ được an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia, thì đè mấy thằng dân đen ra mà chống, rồi dán cho dân cái nhãn “khủng bố”, “xâm hại an ninh quốc gia”. Không có phản động thì vẽ ra phản động, vẽ ra thế lực thù địch, chống phá. Luôn luôn, an ninh Việt Nam phải tạo ra kẻ thù, phải có kẻ thù, vì thực sự chúng sống nhờ kẻ thù. Không có “bọn dân chủ”, an ninh cạp đất mà ăn.
Đã thành lệ, cứ sau mỗi vụ bắt bớ, đàn áp, lại có an ninh lên lương, lên chức. Ít người biết rằng vụ bắt Thúy Nga sẽ giúp một đồng chí thượng tá kịp được thăng lên đại tá trước khi nghỉ hưu, để khi “về vườn” sẽ được hưởng lương cao hơn. Cũng ít người biết rằng, mỗi vụ phá một hoạt động nào đó của “bọn dân chủ”, như hội thảo, lớp học, biểu tình… đều ghi điểm cho ít nhất một đồng chí an ninh, để khi xét thi đua sẽ được hưởng thêm nhiều lợi tức.
Chúng gọi những người hoạt động xã hội là “bọn dân chủ”, “bọn lợi dụng chiêu bài nhân quyền để gây rối và chống phá nhà nước”. Nhưng thực chất, chính chúng mới là những kẻ lợi dụng chiêu bài “bảo vệ chế độ” để vẽ dự án, xin kinh phí, xin hỗ trợ, nhằm đàn áp dân chủ và phá hoại sự phát triển bình thường của xã hội, và CHỈ ĐỂ ĐỚP.
Những kẻ kiếm ăn và làm giàu nhờ tự do của người khác như thế, bạn nghĩ chúng có đáng bị “chửi” không? Có lẽ chúng đáng bị một điều gì hơn vậy nữa kia.
* * *
Dẫu sao, trong năm 2017, ngoài những bài tấn công vào lực lượng “còn đảng còn mình”, tôi sẽ cố gắng viết về một vài lĩnh vực khác mà tôi rất quan tâm, và có lẽ đó cũng là những lĩnh vực mà nhiều người dân Việt Nam như tôi cần phải biết: chính trị và chính sách công.
Đảng Cộng sản đã và đang ăn tàn phá hại đất nước này. Tham nhũng, bóp nghẹt doanh nghiệp tư nhân, kìm hãm tầng lớp trung lưu, cấu kết với tư bản đỏ tàn phá môi trường và tài nguyên, tiêu diệt xã hội dân sự, nhồi sọ và tẩy não thanh niên… Như Lech Walesa (nhà hoạt động công đoàn, Tổng thống Ba Lan sau cải cách) đã nói: “Người cộng sản là những tổ sư về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó thành cái hồ cá lại”. Điều ông nói đã thành hiện thực ở Việt Nam những năm tháng mạt sản.
Dẹp Đảng Cộng sản đi rất khó, dọn cái đống rác khổng lồ mà đảng để lại cũng sẽ cực nhọc không kém (tuy lúc đó không còn nguy hiểm nữa). Chúng ta sẽ phải bắt tay vào việc đưa tô súp thành hồ cá trở lại kể từ bây giờ.
Mồng bốn Tết

19. Chỉ mỗi việc là "con quan lớn" là đủ chễm chệ trên ghế cao (Nhân đọc Chính khách Trần tuấn Anh)
Congtrung Nguyen
Chỉ cần một bài học nhãn tiền của Trịnh Xuân Thanh thôi cũng bộc lộ sự thối nát trên con đường quan lộ con ông cháu cha hơn thời phong kiến. Xưa kia chỉ có vua mới được đặc ân đó còn các quan đều phải ăn học, thi cử cật lực. May là bị lộ nên con đường đến với chức Thứ trưởng của Trịnh Xuân Thanh bị chấm dứt dù đã được quy hoạch chứ không thì sau một chuyến qua Trung Quốc đào tạo cán bộ cao cấp chúng sẽ cõng thêm nhiều boxit Tây Nguyên, Formosa, thép Cà Ná.. thì dân tộc Việt chỉ diệt vong.
Bình đẳng, công bằng, dân chủ, văn minh kiểu gì mà chỉ mỗi việc là "con quan lớn", chỉ chừng ba mươi tuổi, chẳng một chút cống hiến mà được ngồi chễm chệ trên ghế cán bộ cấp cao... so với nhiều cựu chiến binh mất mát thân thể bảo vệ Tổ quốc, còn phải lê lết đói nghèo, biết bao hài cốt liệt sĩ hơn 30 năm mà gia quyến ước nguyện được đưa về quê nhà hương khói không sao thực hiện được, cả trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tốn biết bao tiền của, nợ nần để rồi thất nghiệp (nói thẳng ra là xí nghiệp, công ty không chịu nhận khi trong lý lịch khai trình độ đại học) muốn có việc làm thì bắt buộc phải quay lại học trung cấp.
Minh chứng xã hội đang quay lại thời phong kiến thối nát là từ lỗ hổng rành rành của "đảng cử dân bầu", là do cứ hô hào đổi mới nhưng vẫn bám víu cách làm cũ nhất là đổi mới chính trị bởi số quá đông xôi thịt 30 % ăn trên ngồi trốc, sáng xách ô đi chiều xách về trong 11 triệu người ăn lương nhà nước bám víu, cản phá thậm chí câu kết tiêu diệt hết nhân tài – Nguyên khí quốc gia. Phải có "mắt xanh lòng thành", biết lắng nghe những "trung ngôn nghịch nhĩ " thì may ra mới phát hiện, sử dụng được người hiền tài nếu không thì chỉ trải thảm đón lũ cơ hội mà thôi, chúng đạo đức giả, chuyên cướp công và tàn ác với nhân dân bất chấp là ai, cống hiến ra sao, vong ơn bội nghĩa. Nếu có tam quyền phân lập thì kẻ dốt nát có cho quyền lực cũng không dám nhận chứ đừng nói chi là nghiện. Nghiện là bởi vì kẻ thích tham nhũng tin chắc rằng sẽ quá thoải mái như "mỡ treo miệng mèo" mà lại an toàn và nếu có gì thì chúng cũng tin rằng sẽ "chạy" được. Ai, vì cái gì mà dung dưỡng tạo ra môi trường tăm tối, khép kín cho những "con chuột" dơ bẩn ẩn náu, luồn lách, tồn tại và thăng tiến ngông nghênh giữa chốn quan trường dưới cái mác là cha truyền con nối, truyền thống cách mạng giả dối bằng cách kinh doanh lòng trung thành và buôn bán lập trường (?). Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống mà cũng không phải là độc quyền của con ông cháu cha chuyên bòn rút dĩ vãng, ăn mày quá khứ của ai ai chứ không phải của mình.
Chọn cán bộ phải theo phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa", phải buộc tất cả họ phải có chương trình hành động chứ không phải chỉ là con vẹt, câm nín, không có bất cứ một chính kiến rạch ròi nào về các vấn đề xã hội, cứ trung ngu hoặc gió chiều nào theo chiều đó.
Đổi mới phải là đổi mới tư duy, nhận thức thì mới có đổi mới hành động. Mỗi người cán bộ phải là cả một quá trình tự trau dồi nhận thức, tư tưởng, quan điểm phù hợp với tình hình đổi mới, phải có ý thức cao, phải biết tự chiến thắng bản thân mình với hàng đêm trằn trọc, trăn trở, bức xúc vì dân vì nước để vượt lên những mưu cầu ích kỷ thấp hèn mà không sợ hãi đám đông để dấn thân lãnh đạo chống lại cái xấu, cái ác để hấp dẫn được dân, để khôi phục được lòng tin nhân dân, dám chỉ mặt, vạch tên và loại trừ tất cả những thuộc cấp cơ hội, biến chất, tham nhũng dù là con ai, cháu ai cũng mặc, quân pháp bất vị thân, dám lắng nghe, biết ơn những ý kiến phản biện tâm huyết bởi họ không có mưu cầu lợi ích riêng tư ngoài bổn phận cống hiến xã hội, cuối cùng là biết đặt lợi ích Tổ quốc và dân tộc lên trên tất cả.
Phải chăng như nhiều cha chú lão thành, trí thức đã huỵch toẹt chính chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp là nọc độc khi biến thành vũ khí cho nhiều kẻ cơ hội, bất tài, tham lam lợi dụng cho mục đích thăng tiến của mình với quá nhiều những thói xấu kèn cựa, tị hiềm, hơn thua bằng mọi giá, tồn dư của một thời phong kiến mà do không được giáo dục nên nhân cách ngày càng thối nát khi kéo bè kéo cánh tranh giành quyền lực, bổng lộc, đánh hội đồng những người trung trực cô thế, không quen với thủ đoạn, họ đã tồn tại và hạ cánh an toàn hết lớp này đến lớp khác mà còn được tưởng thưởng huân huy chương bằng những tờ khai, xác nhận dối gian đã làm ảnh hưởng và biến dạng đến nhân cách giới trẻ, xã hội, dân tộc.
Khi có quyền lực, chính chúng là những kẻ xem ai kêu dạ, bảo vâng bất chấp đúng sai thì đánh giá tốt, sử dụng, đãi ngộ thậm chí cho hưởng thụ. Kéo dài như vậy đã tạo nên bất công, tạo nên một lớp người a dua, giả dối, phỉnh nịnh rồi thủ đoạn, tráo trở, hèn ác, tham lam nhưng lại được khoác mẫu mực của thứ đạo đức giả sẵn sàng chửi bới, trù dập người ngay thẳng, trung trực bất kể là lão thành cách mạng, bậc hiền tài hay trí thức, kể cả tiểu nhân với cả một người phụ nữ hàng xóm là giáo viên hiền lành như vụ ông Chủ tịch An giang vừa rồi, hay khai man, thao túng, lộng hành ngay với các anh em cựu chiến binh trung trực như Hồ Xuân Mãn cựu bí thư tỉnh Thừa Thiên-Huế, buông thả lối sống suy đồi mua dâm học sinh như cựu chủ tịch tỉnh Hà giang...
Chỉ là bị thần kinh hay khốn nạn lắm mới lạc quan không đau đáu thậm chí quặn thắt từng khúc ruột. Không khóc sao được khi đất nước bị bao vây bởi đủ loại "xiềng xích" của các nhóm lợi ích lớn, nhỏ dưới đủ thứ mỹ từ sáo rỗng, trá hình, bởi sự làm ăn chụp giựt, bết bát từ trung ương đến địa phương, bởi sự băng hoại đạo lý, văn hoá sống của xã hội ở mọi lĩnh vực. Tệ hơn là bị bao vây bởi tư duy xơ cứng, giáo điều, trì trệ, ích kỷ... giam hãm nước Việt, thậm chí sẵn sàng bán nước rồi vong thân hưởng thụ.

20. Nhắc lại chuyện đảng và bác có nuôi dân không mà ơn?
Đặng Bích Phượng
1/ Hồi bác Vũ Thư Hiên bị bắt, công an cũng bảo bác ấy là được Đảng và bác, nhà nước nuôi ăn học mà lại chống lại (là vô ơn). Bác ấy cãi: bố mẹ tôi nuôi tôi chứ đảng bác nào nuôi?...
2/ Hồi nhà em đi làm, thấy lương phát muộn thì thắc mắc. Một cô bảo: P. mà cũng cần lương à? Không cần lương thì tao vật vã đến cơ quan mỗi ngày 8 tiếng, mỗi tháng 26 ngày làm gì?
3/ Hồi bác Đỗ Xuân Thọ mất, nhà em đến nhà thăm viếng. Bà chị vợ bác Thọ bảo: không có đảng với bác có được ngày hôm nay không, có được lương hưu không mà giờ lại nói xấu đảng và bác? Nhà em bảo bác ấy không vất vả đi làm cả đời, thì đảng và bác nào cho bác ấy lương hưu ạ?
Rất nhiều người vẫn hy sinh quên mình, khi nghĩ mình chả đóng góp gì cho đất nước, mà tất cả những gì có được là do đảng và bác đem lại. Tỉnh lại đi các bác. Các bác cứ thử ngồi không một ngày, một tuần, một tháng, một năm xem thì biết ngay đảng và bác có cho gì không? Lúc đói rã họng mới biết ai nuôi mình nhá.

Congtrung Nguyen
Thời thanh niên của những người lính đẹp lắm, rực rỡ lắm, sống có lý tưởng và dám chết cũng vì lý tưởng. Chúng ta chắc chẳng ai muốn làm nó xấu đi, nhưng hôm nay nhìn lại, Congtrung Nguyen thấy nó khác, nó cay đắng nhiều lắm, trăn trở lắm. Ngực đầy huân chương, những người cựu chiến binh nhớ về quá khứ – Một thời oanh liệt cùng đồng đội băng rừng lội suối, ăn cơm vắt, măng rừng, uống nước trâu đầm, nhớ mưa rừng rét run, mắt mờ vì đói, nhớ những cơn sốt rét tím ngắt môi khô... Cuộc đời người lính chỉ đơn giản một điều là hướng nòng súng về quân thù quên cả mạng sống nhỏ nhoi. Hết chiến tranh về đời thường, chả thèm nghĩ đến công lao mà lầm lũi mưu sinh cũng gần hết cuộc đời. Đơn giản chỉ mong sao nhân dân yên lành, tự do, hạnh phúc.
Nhưng, nhiều kẻ chưa biết mùi thuốc súng, ăn mày được cái dĩ vãng nào đó nhảy xổm lên làm quan mà không biết nóng mặt khi ngoại bang nhục mạ đất nước, quên đi lịch sử tổ tiên, cha ông không từng nại lý do "Địch mạnh ta yếu" mà bạc nhược để ngoại bang lộng hành ngang ngược bao giờ, quên đi truyền thống đã từng chiến thắng tất cả các triều đại lừng lẫy bậc nhất của Trung Hoa, quên đi ngọn lửa sùng sục trong tim của ông cha đã xem việc bảo vệ Tổ quốc là danh dự, phẩm giá làm người, mà khư khư ôm chặt lấy vũ khí chuyên chính vô sản để bảo vệ lợi ích cá nhân và quyền bính với tiền, tình, tham vọng, dục vọng, mưu mô, tị hiềm, quyền lực và bạo lực, sự ngông cuồng của bản năng, sự hiếu thắng, ngạo mạn với nhân dân cần lao.
Thiết nghĩ, tình yêu chân chính đối với Tổ quốc là sự hiến dâng, không được phép mưu cầu đáp trả, là ý chí và cách ứng xử trước kẻ thù xâm lược, biết đặt Tổ quốc lên trên hết và trước tiên. Người chính nghĩa hay kẻ gian tà, người trung kiên hay tên phản bội đều phải lấy từ đó mà soi xét. Ông cha ta chưa bao giờ nại lý do "giặc mạnh, ta yếu" mà buông bỏ chủ quyền bao giờ mà còn "Sát Thát" đánh cho nó biết Nước Nam anh hùng có chủ. Nhớ rằng đất nước Nga vĩ đại là vậy mà còn phải khòm lưng làm nô lệ dưới móng sắt quân Mông mất hai thế kỷ, nhưng cũng những vó ngựa sắt đó đã bị ông cha ta đánh tan tác không chỉ một lần mà đến ba lần buộc phải tâm phục khẩu phục. Tại sao chỉ vài triệu người Israel xa xứ khắp nơi trên thế giới với ý chí dân tộc mãnh liệt đã quần tụ lại, tự lập thân, lập nghiệp, lập quốc dám kiên cường chống chọi trong vòng vây bủa khốc liệt và dám đánh, dám thắng "con hổ dữ" Arab. Đừng lấy cái gọi là "lời nguyền địa lý" nằm sát bên cạnh một cường quốc khổng lồ, tham lam là Trung Quốc để mà cúc cung lệ thuộc. Tại sao không tư duy ngược lại là cả thế giới nằm mơ cũng không có vị trí đắc địa đó. Một căn nhà mặt tiền giữa ngã ba, ngã tư của cha ông để lại thì ta chỉ cần biết hợp tác với người tử tế là đủ giàu có, chưa kể nhân dân ta nổi tiếng cần cù, chịu cực, chịu khó.
Hồ Chủ tịch đã nói dân chủ là để cho dân được mở miệng chứ không phải anh dùng quyền lực để người ta không dám mở miệng, cái đáng sợ nhất là người dân không thiết mở miệng. Có ai muốn cả đời quần quật, có thể bị kỷ luật, mất bổng lộc, cơ hội làm ăn riêng cuối đời và gia thế bị ảnh hưởng, xáo trộn bởi những tiếng nói trung trực, hiểu biết khi nghỉ hưu không còn cái vòng kim cô tổ chức trên đầu? Muốn đổi mới phải biết lắng nghe những tiếng nói trung trực của những lão thành cách mạng, bất đồng chính kiến để tìm gặp chân lý bởi khi gần đất xa trời, không mưu cầu động cơ vật chất cho mình và con cháu mình thì tiếng nói của họ đáng tin nhất, chứ đừng giống như cách đối xử với cụ Tướng Trần Độ, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh...
Sự suy thoái đến mức công nhiên giẫm đạp dư luận, luân thường đạo lý như đồi bại đến mức cố sát chém chết 4 người nhưng được "khoan hồng" chỉ bị xử tù 3 năm vì có thời gian công tác trong ngành công an (?). Từ lâu đã có phong trào sắp đến tuổi nghỉ hưu thì người cán bộ thi nhau ăn cắp giờ công để đi học đại học để đạt chuẩn nâng cấp, để mưu cầu kiếm chác đồng lương hưu cao hơn thực tế, bất chánh, bất hợp pháp nhưng "đúng quy trình". Tại sao tuổi trẻ không học để có kiến thức công tác tốt mà im lặng ngu trung để cuối đời học với động cơ gì? Trong tất cả các mối quan hệ xã hội, quan hệ nhân sinh thì một chuẩn mực để chế ngự lòng tham như không nhận hối lộ, không tham nhũng chỉ có thể được giữ gìn khi đi kèm theo nó là những biện pháp thúc ước hữu hiệu. Chỉ có luật pháp mới có được điều kiện tích cực đó còn đạo đức bằng cam kết sẽ ít có hiệu quả thậm chí không thể có hiệu quả gì, chỉ hình thức tốn kém nặng hình thức, nhiều giả dối. Không ai tự lấy đá ghè chân mình nên theo Congtrung Nguyen chỉ có tam quyền phân lập, tự do báo chí... nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra một cách thiết thực, hiệu quả thì dù muốn tham cũng không được, lỡ tham cũng không "hạ cánh an toàn", vì thế lòng "tham sân si" cũng được chế ngự, hạn chế...
Ai cũng muốn tận tâm, tận hiến vì xã hội, cho Tổ quốc, vì tương lai sự nghiệp của mình và của con cháu cũng như của dân tộc Việt Nam mình. Nhưng để có thái độ sống và làm việc đó cho tất cả mọi người từ nhân dân đến chính quyền, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến doanh nhân "chân giày mắt kính" ai ai cũng hữu ích đóng góp cao nhất có thể ở vị trí của mình thì phải có một thể chế chính trị tự do dân chủ và tiến bộ để họ biết họ thật sự là chủ nhân của đất nước này chứ không phải sống tạm ở nhờ hay thậm chí chỉ là "o sin"..., họ có quyền bầu chọn đảng cầm quyền, bầu chọn chính phủ và cũng có quyền phê phán thậm chí đuổi cổ thông qua lá phiếu hay trưng cầu dân ý. Và họ cũng được biết chắc chắn rằng mồ hôi nước mắt, sức lực, trí tuệ cống hiến của họ sẽ được nhà nước chăm sóc lại khi họ cần, con cháu họ cần như giáo dục có miễn phí không? chất lượng ra làm sao? Lúc bệnh tật, tai nạn, hưu trí nhà nước đối đãi thế nào? Họ đóng thuế thì phải biết rõ đồng thuế đó sử dụng việc gì, chính đáng không? Có được phép sử dụng xây dựng tượng đài, lễ hội tràn lan không? Nếu có bất công áp bức thì pháp luật bảo vệ đến đâu? Được như vậy thì ai ai cũng an tâm làm việc và thỏa lòng phụng sự cống hiến hết mình theo khả năng và bản năng con người có được qua giáo dục, rèn luyện...
Chúng ta cần đòi hỏi bổn phận,nghĩa vụ của người có trách nhiệm, cần sự oi bức trước cơn giông của trọng trách gánh vác bổn phận với giang sơn, chứ không phải nơi để "cưỡi ngựa xem hoa" ngắm cảnh, ăn trên ngồi trốc... Sự oi bức ấy làm cho việc thực hiện quyền lực công cộng không còn an nhàn với những phát biểu chung chung có như không hoặc quanh co, lòng vòng mà cần hối thúc giải trình trách nhiệm của tổ chức do cá nhân đứng đầu đã nhận được sự uỷ nhiệm từ nhân dân mà thực thi bổn phận trọng trách khi nắm quyền lực. Mọi lựa chọn chính sách phải được giải thích rõ ràng vì sao, vì ai và sẽ thực thi bởi ai, địa chỉ trách nhiệm, chi phí và tổn thất thế nào khi chọn cái này không lựa cái kia?

Nguyễn Quang Lập
TBT của chúng ta rất khiêm tốn, bình dị. Mặc dù đứng trong xe bus không ai thấy để vẫy chào đồng chí nhưng đồng chí vẫn hồ hởi phấn khởi vẫy chào người dân.
Lại Nguyên Ân: Địa chỉ đáng chào nhất chỉ là cái ống camera của cameraman, Thế thôi. Học tập và làm theo HCM đấy.
Phạm Bảo KhánhĐôi lúc
Đồng chí ngồ ngộ làm sao ấy
Cũng tựa khoe mình có áo the
Có quần vải lĩnh vừa may mới
Mặc vào dạo phố đón xuân
Khoe...................!

23. Lưu ý văn hóa xe bus
Nguyễn Tường Thụy
Đi xe bus cần biết:
- Ra bến xe bus (đi bộ ra, hoặc ai chở đến đều được);
- Đợi;
- Xe dừng thì lên xe bằng cửa trước;
- Chấp hành qui định của nhà xe;
- Mua vé trả tiền. Không bỏ ra 7 k mua vé bị đuổi xuống;
- Có thể được nhường ghế nếu trên 60 tuổi hoặc đang mang thai;
- Không vẫy tay khi không có ai chào hoặc đưa tiễn để đảm bảo trật tự và chứng tỏ mình không tâm thần;
- Không đứng khi còn ghế ngồi để đảm bảo an toàn;
Nếu không thì không gọi là đi xe bus.

24. Bất kỳ ai, lúc nào, nói ra sự thật, lên án cái ác, cái xấu
cũng đáng trân trọng
Mạc Văn Trang
Hôm qua tôi có đưa tin trên FB: Đại tá CA Nguyễn Đăng Quang từ ngày nghỉ hưu, viết nhiều bài phản biện xã hội, nhất là nói về các vụ án oan, được dư luận quan tâm, liền có bạn bình luận: lúc đương chức hèn không nói, về hưu mới lên tiếng, không phục! Không riêng Đại tá Quang, nhiều quan chức trước khi nghỉ hay đã nghỉ hưu, thậm chí lúc hấp hối mới nói ra sự thật sai trái về những điều tuyên truyền dối trá xưa nay… đều bị chê bai lúc đương chức hèn không dám nói! Tôi nghĩ thái độ phê phán như vậy là rất không nên. Chúng ta cần hiểu khi một người ở trong guồng máy tổ chức của thể chế này, anh có thể có ý kiến khác, nhưng chỉ được nói trong nội bộ, còn khi công khai ra, lập tức bị loại khỏi guồng máy và bị khống chế để anh không thể làm được gì. Xem trường hợp ông Trần Xuân Bách, ông Trần Độ … thì rõ. Ngay các bức thư góp ý với Đảng của ông Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt… các ông cũng không dám lộ ra ngoài. Mới đây nhất, ta thấy đại tá CA Nguyễn Như Phong – người nổi tiếng trung thành “còn Đảng còn mình”, mà chỉ công khai đăng bài Phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở nước ngoài, trái ý Đảng, liền bị thu hồi thẻ nhà báo, cách chức TBT ngay lập tức! Qua đó hiểu rằng trong hệ thống tổ chức, có nhiều “đảng viên nhưng mà tốt” không dám lên tiếng…
Ngay cả những người về hưu rồi, khi nói ra những sự thật, góp ý, phản biện phê phán cái sai, cái xấu của chế độ, cũng đâu có đơn giản. Họ phải chịu nhiều sức ép từ các tổ chức của toàn hệ thống chính trị thăm nom, góp ý, phê bình; bị an ninh đe dọa, ngăn trở, quấy phá; đặc biệt bị người thân khuyên can, do sức ép từ an ninh. Có nhiều người anh em, con cháu đang làm ăn, học hành liền gặp khó khăn do … liên quan (?).
Vì vậy tôi nghĩ rằng, bất cứ AI, LÚC NÀO, NÓI RA SỰ THẬT, LÊN ÁN CÁI ÁC, CÁI XẤU CŨNG ĐÁNG TRÂN TRỌNG. Tại sao lại cần thiết như vậy?
Cuộc sống bao giờ cũng có mặt tốt, mặt xấu, có người tốt, người xấu. Trong xã hội ta đang sống, toàn hệ thống chính trị và hơn 500 tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và 63 đài phát thanh, truyền hình tỉnh thành, hơn 600 đài phát thanh quận/ huyện, hơn 11 ngàn phường/xã với hệ thống loa truyền thanh đến từng xóm/phố, ngày nào cũng ra rả tuyên truyền theo chỉ đạo “cái tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”. Chẳng hạn bao nhiêu vụ cưỡng chế đất đai bị người dân chống đối; bao nhiêu dân oan cả nước kéo về Hà Nội, Sài Gòn biểu tình; bao nhiêu vụ người dân xuống đường phản đối Trung Cộng xâm lăng biển đảo, cướp bóc ngư dân; bao nhiêu vụ người dân biểu tình bảo vệ cây xanh, đòi “biển sạch, chính quyền minh bạch”, đòi Formosa cút khỏi Việt Nam… toàn bộ hệ thống các phương tiện truyền thông nêu trên đều không hề đưa tin khách quan, trung thực cho người dân biết. Nhiều sự kiện được đưa tin bóp méo, sai lệch, chẳng hạn: Ngôi nhà xây kiên cố của anh Đoàn Văn Vươn bị CA đập phá, thì gọi là dẹp “cái chòi canh cá”; dân biểu tình trật tự, ôn hòa thì bảo “gây rối, mất trật tự”; thảm họa môi trưởng biển do Formosa gây ra, thì bảo “sự cố môi trường”; chụp hình cán bộ xuống tắm, ăn cá biển để tuyên truyền biển sạch, dụ dân vào chỗ chết; CA đấm đá nhà báo hộc máu mồm, thì bảo là “gạt tay trúng má”; bắt dân vào đồn CA rồi chết bất thường, thì bảo do “té ngã”, “tự đập đầu vào tường”, “do rửa bát không sạch, bạn tù đập chết”; mấy luật sư xuống xã giúp thân chủ, bị côn đồ chặn đường đánh tơi tả thì bảo do “người dân thấy xe chạy gây ra bụi, bực thì đánh”… Từ những việc “nhỏ” như vậy đến những việc tầy đình như đường lối, chủ trương đối nội, đối ngoại cũng cứ u u minh minh, dân không biết đâu mà lần!
Trước thực trạng đó, nhu cầu tìm hiểu những thông tin trung thực, thấy rõ mặt thật của xã hội, của chính quyền trở nên cấp thiết. Người ta chỉ có thể nhìn nhận, suy nghĩ, ra quyết định đúng đắn khi dám “NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI RÕ SỰ THẬT” (NQ ĐH VI ĐCSVN, 1986). Vì thế bất cứ AI, LÚC NÀO, NÓI RA SỰ THẬT, LÊN ÁN CÁI ÁC, CÁI XẤU CŨNG ĐÁNG TRÂN TRỌNG, giúp cho mọi người nhìn nhận, suy nghĩ về thực trạng xã hội một cách chân thực, khách quan, thấy rõ cả mặt tốt lẫn mặt xấu để có suy nghĩ, đánh giá đúng và có hành động phù hợp.




No comments:

Post a Comment