Wednesday, February 22, 2017

CƯỜNG QUYỀN & NHÂN SĨ (S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến)




Thứ Tư, 02/22/2017 - 20:47 — tuongnangtien

Với tất cả trân trọng và thương cảm, nhà văn Ngô Thế Vinh vừa gửi đến cho mọi người một tin buồn lớn: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từ trần vào hôm 29 tháng 1 năm 2017.

Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, bộ sách Cây Cỏ Việt Nam  (gồm 6 quyển, hai tập) với lời đề tặng:
·         Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.
·          Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên viện trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo Hà-Nam-Ninh.
·         Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào.

Tôi băn khoăn tự hỏi: Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là ai? Sao một công trình nghiên cứu về thực vật học mà lại mở đầu bằng những “lời đề tặng” u ám, u uẩn và u uất thế? Chúng ta đang sống trong một thời đại, và một đất nước, bi thương đến độ này sao?

Những trang viết kế tiếp của nhà văn Ngô Thế Vinh, với nhiều dòng chữ  nghẹn ngào, đã giúp cho tôi lý giải những câu hỏi vừa nêu:

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Giáo sư Phạm Hoàng Hộ 4 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa Miền Tây...
Chỉ trong vòng 9 năm [1966 - 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ như một Ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL...  
 Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4, 1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam xụp đổ, TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
 GS Nguyễn Duy Xuân bị đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc ... đã chết trong tù cải tạo Hà Nam Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba Sao.

Tôi đã có lần nhìn thấy tấm ảnh chụp bia thờ 626 linh hồn tử vong (từ năm 1975 đến năm 1988) của trại tù này, trên trang web của blogger Phạm Thanh Nghiên.


Có lẽ tên tuổi của giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng được ghi trên tấm bia này vì ông từ trần vào năm 1986, thời điểm mà giới truyền thông nhà nước vẫn xưng tụng (không tiếc lời) về sự “dũng cảm nhìn vào sự thực” và “quyết tâm đổi mới của ĐCSVN.

Nếu “dũng cảm nhìn vào sự thực” thì đây chỉ là sự quyết tâm “bẻ lái con tầu đất nước” theo hướng Trung Nam Hải – như nhận xét và cảnh báo của blogger Trần Huỳnh Duy Thức:

Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại.
Khi sự trầm trọng này trở nên mục rỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.

Lời cảnh báo này, tiếc thay, đã bị những người đứng đầu chế độ hiện hành coi như là một “lời nguyền” hay “trù ẻo.” Tuy mang tiếng là theo chủ nghĩa duy vật nhưng họ lại là những kẻ rất dị đoan. Vốn bệnh tật nên họ sợ “tiếng cú,” và đã vu vạ cho Trần Huỳnh Duy Thức đủ loại tội danh (trộm cắp cước điện thoại, hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền) cùng một bản án nặng nề –16 năm tù và 5 năm quản chế, vào ngày 20 tháng 1 năm 2010 – qua một phiên toà mà đại diện của Hội Ân Xá Quốc Tế đã mô tả như là “sự nhạo báng công lý.”  

Hơn bẩy năm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ người tù nhân lương tâm quả cảm này bị công luận lãng quên. Ông vẫn luôn được nhắc đến với rất nhiều trân trọng, qúi mến, cùng quan ngại:
·         BBC (21/01/2010) Người Có Án Nặng Nhất Nói Bị Bức Cung
·         BBC (21/01/2010) Các Nhóm Nhân Quyền Chỉ Trích Bản Án
·         RFI (30/01/2010) Bốn Nhà Bất Đồng Chính Kiến Ở Việt Nam Kháng Án
·         Bauxite VN (14/06/2013) Duy Thức Đã Không Ngủ Suốt 10 Ngày Biệt Giam
·         RFA (15/10/2013) Trần Huỳnh Duy Thức Được Vinh Danh Giải Nhân Quyền
·         RFA (07/05/2016) Tù Nhân Trần Huỳnh Duy Thức Bị Chuyển Trại Giam
·         BBC (17/05/2016) Ông Trần Huỳnh Duy Thức Sẽ Tuyệt Thực
·         Ba Sàm (28/05/2016) Trí Thức Tuyệt Thực Cùng Trần Huỳnh Duy Thức
·         VOA (31/01/2017) Ông Thức Nhất Quyết Không Lưu Vong

Tôi chưa bao có cái hân hạnh được giao tiếp với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi chỉ được biết người tù nhân lương tâm bất khuất này qua công luận. Và công luận thì đã vạch rõ sự ác độc và tính man rợ của những kẻ đứng đầu chế độ công an trị hiện hành. Họ đã gây ra không biết bao nhiêu là cái chết đớn đau và oan khuất:

Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiều Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận...
Đó là tất cả sự thực về những cái chết tức tưởi oan khuất của các nhà văn, nhân sĩ mà bọn gieo ác vẫn sống nhởn nhơ trên pháp luật với bộ mặt người lương thiện! Nguyên tắc bất di bất dịch nằm trong ý thức hệ tư tưởng của những kẻ sát nhân lương thiện này là: yêu nước và chính kiến là độc quyền của tao, mày không đi với tao, mày là kẻ thù của tao. Đã là kẻ thù thì mày không có quyền tồn tại!  (“Thái Doãn Hiểu – Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể”).

Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Dương Quảng Hàm sinh vào cuối thế kỷ XIX. Lan Khai, Thu Hồng, Nhượng Tống, Nguyễn Duy Xuân sinh vào đầu thế kỷ XX. Kể từ khi cướp được quyền bính đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã giết chết bao nhiêu là anh tài và nhân sĩ (thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau) rồi?

Chúng ta bắt buộc phải luôn quan ngại (và canh thức) về sinh mệnh của Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng trăm tù nhân lương tâm khác, đang nằm trong vòng tay của cường quyền và bạo lực!





No comments:

Post a Comment