Thursday, February 16, 2017

CHU KỲ BÁN RÃ CỦA NƯỚC MỸ (Trần Dương)




14/2/2017

Chắc là Vyacheslav Butusov và nhóm Nautilus Pompilius huyền thoại không thể hình dung được rằng câu nói “Vĩnh biệt nước Mỹ” của họ đến bây giờ, khi những ồn ào của chiến dịch tranh cử 2016 ở Mỹ đã lắng xuống, lại vang vọng trở lại. Thực chất, nước Mỹ đã bắt đầu thủ tục ly hôn. Quá trình này có thể kéo dài hàng chục năm, cũng có thể phá hủy đất nước trong chốc lát.

Quý vị không tin ư? Xin hãy nhớ rằng vào năm 1990 thì dù có nói với bất kỳ công dân Soviet nào rằng sau một năm Liên Bang sẽ tan rã thì người đó đều không tin. Việc tách ra của các nước cộng hòa vùng Baltic còn có người ngờ đến, chứ việc lãnh đạo ba nước cộng hòa khác hội nhau ở Belovezha thực chất để ký kết về việc giải tán đại cường quốc thì ngay cả bọn người ‘bài Xô’ máu me nhất cũng không tin nổi. Vậy mà nó đã xảy ra 25 năm trước, vào ngày 8 tháng 12 năm 1991.

Кhi nào thì xảy ra “thỏa thuận Belovezha của Mỹ”? Không thể biết trước. Nhưng bóng ma của cuộc gặp giữa các thống đốc, ví dụ của California, Texas và Iowa ở một công viên Yellowstone nào đó đã hiển hiện sau chiến thắng của Donald Trump trước giới tinh hoa Hoa Kỳ.

Trong bài này, chúng tôi thử lượng định những khả năng để Hợp Chủng Quốc biến thành Tán Chủng Quốc. Nhiều yếu tố dẫn đến điều này đã xuất hiện từ lâu, những yếu tố khác mới xuất hiện gần đây, nhưng tất cả đều có thể dẫn đến một kết cục, một thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI.


SỰ GIA TĂNG CỦA CHỦ NGHĨA LY KHAI SAU CHIẾN THẮNG CỦA DONALD TRUMP

Với những người không thích sự đe dọa của một siêu cường duy nhất trên thế giới, thời điểm tỉ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng thực sự là ngày hội, mặc dù có thể hơi sớm. Nó làm những người chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ vui mừng vì hai lý do. Thứ nhất, những kế hoạch của vị tân tổng thống sẽ giải phóng đất nước này khỏi công việc nặng nề và vô bổ là làm “sen đầm quốc tế”. Thứ hai, sự chia rẽ sẽ gia tăng trong giới chóp bu của Mỹ, và không phải chỉ trong giới đó.

Không phải chỉ tại các salon của giới chóp bu mới xuất hiện ý tưởng về việc tách bang California cùng với “cỗ máy ước mơ” Hollywood khỏi chính quyền độc tài ở Washington D.C. Nhiều sinh viên Mỹ đã đốt những là cờ sao vạch, một việc chưa từng xảy ra có lẽ từ thời nội chiến ở giữa thế kỷ XIX, khi một số vũng đã nổi dậy. Bằng cách này cách khác, lực lượng chống Trump ở quanh Hollywood đang mạnh dần.

Mặt khác, những tư tưởng ly khai thực ra cũng không phải là mới đối với nước Mỹ ngày nay. Sau chiến thắng của Barack Obama thì nhiều bang vốn đã chán chính sách chiều lòng dân chúng nhưng kém hiệu quả của đảng Dân Chủ cũng đã thể hiện sự chống đối. Tất nhiên là khi đó phong trào chưa lan rộng như hiện nay. Khi đó có ai đó đã nửa đùa nửa thật đề nghị tách bang Alaska vốn được mua rẻ từ nước Nga và trả về cho chủ nhân đích thực của nó. Rồi bỗng ý tưởng đó được nhiều người biết đến và được hàng chục ngàn người dân Mỹ ủng hộ. Hiện giờ thì điều tương tự đang diễn ra ở California, nơi cũng có người Nga sinh sống.

Hiện giờ thì tinh thần ly khai ở Mỹ có vẻ vẫn còn chưa nghiêm túc, nhưng hãy nhớ rằng việc tỏ thái độ ly khai của dân các nước cộng hòa vùng Baltic cũng từng bị dân các vùng khác của Liên Xô coi là trò hão huyền. Không loại trừ rằng làn sóng chống Trump trong sinh viên hiện nay một khi nào đó sẽ là “Maidan Trẻ” và lớn dần thành những cuộc diễu hành đòi chủ quyền, dẫn đến sự tan rã của liên minh vĩ đại giữa các bang ở Bắc Mỹ.


HÌNH THÀNH CÁC BANG “VĨNH VIỄN DÂN CHỦ” VÀ “THƯỜNG TRỰC CỘNG HÒA”

Chiến thắng của tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, vốn chỉ dựa vào sức mạnh của công ty gia đình, như một tia chớp, đã cho thấy những mâu thuẫn được tích tụ giữa các bang. Tất nhiên trước đây chúng ta cũng đã đoán được rằng sự thống nhất của Hợp Chủng Quốc ở mức độ nhất định chỉ là bề mặt, nhưng đến giờ thì điều này đã trở nên quá rõ ngay cả với những người lạc quan nhất ở đất nước của McDonalds và Coca-Cola. Sự ngăn cách giữa các bang miền bắc và miền nam hay miền đông và miền tây là quá lớn đến mức không thể che đậy. Và dù có che đậy kiểu gì thì trong lúc bang Texas bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ một Trump thất thường, bang California tự do lại thích Hilary Clinton hơn, và hơn thế, còn thể hiện ý đồ hợp pháp hóa việc dùng cần sa. Làm sao mà một đất nước mà vùng này cho dùng ma túy dạng nhẹ, vùng khác thì xử tử hình kẻ phạm tội bằng cách tiêm thuốc độc, lại có thể thống nhất? Hình dung ra cảnh những vùng đó chia tay nhau thì dễ hơn nhiều. Đặc biệt vì nhiều vùng đã xa cách nhau từ lâu, không chỉ về lãnh thổ mà cả về mức độ phát triển văn hóa – tinh thần. Có những bang trong nhiều cuộc bầu cử liên tiếp bầu cho đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa. Chỉ có vài vùng có sự dao động, và chính ở đó quyết định ai là tổng thống của cả nước Mỹ. Như đã biết, trong năm 2000 thì chiến thắng của George Bush (Con) là do bang Florida mang lại, mà chênh lệch chỉ vài trăm phiếu. Một khi các bang dao động đã quyết định, trong khi các bang khác bảo toàn sự trung thành với đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa, thì có thể xảy ra việc một đảng luôn thắng. Điều này sẽ gây ra sự bất bình của các bang khác do luôn ở phái thiểu số. Khi đó sẽ có thể xuất hiện một liên bang mới không tán thành sự cai trị của Washington D.C. Cái cớ bên ngoài của việc chia tách, khác với thế kỷ XIX, có thể sẽ là quan điểm về ma túy hoặc hôn nhân đồng tính, quyền sử dụng vũ khí hoặc nạo phá thai; nói chung là tất cả những thứ ngăn cách những người Mỹ bảo thủ với những người cách tân. Còn trong trường hợp xuất hiện những khó khăn kinh tế thì các bang giàu sẽ muốn được độc lập.

Những ý đồ chia tách đầu tiên không trùng với thời điểm Donald Trump được bầu làm người thống lĩnh quân đội mà xuất hiện cùng với những bóng ma đầu tiên của suy thoái kinh tế ở Mỹ. Nói đúng hơn, chúng xuất hiện đã lâu, nhưng được giấu kín trong các loại bong bóng xà phòng. Những kẻ khéo léo tạo ra chúng ở Wall Street nhân rộng chúng ra trong khi vẫn duy trì sản phẩm chính của kinh tế Bắc Mỹ – đồng dollar xanh vĩnh viễn. Nhưng dù sợi dây có mềm dẻo đến đâu thì cuối cùng nó cũng sẽ đứt.

Đúng vậy. Hợp Chủng Quốc tạm thời có thể đẩy một phần các vấn đề của chính mình sang các quốc gia khác bằng cách chuyển giao những mẩu giấy để thanh toán và trì hoãn giải quyết những vấn đề khác, trút chúng lên đầu các thế hệ sau dưới dạng nợ quốc gia khổng lồ. Nhưng sớm muộn gì thì, giống như vụ vỡ bong bóng bất động sản năm 2008, sự bê bối này cũng sẽ lộ ra. Mà nếu tính đến quy mô được tính bằng hàng ngàn tỉ dollar của nó thì hậu quả có thể so sánh với sự phun trào của siêu hỏa sơn Yellowstone. Vì vậy mà càng đáng ngạc nhiên với chiến thuật của phái tự do trong ban kinh tế vĩ mô của chính phủ Nga khi muốn tiếp tục để Nga dựa vào một đất nước từ lâu đã sống trong nợ nần. Việc đó cũng giống như đem tiền đổ vào miệng cái núi lửa có thể phun trào bất kỳ lúc nào. Hành động như vậy là mù quáng còn vì một lý do là khi số người nghèo tăng lên, ở Mỹ sẽ gia tăng sự phân hóa trong thu nhập của các công dân. Kết cục là anh thợ luyện kim bị sa thải ở Detroit có thể tuyên bố: “Nuôi New York thế đủ rồi!”, hoặc đó là Arkansas hay Kansas, chưa nói đó là Nga. Nhiều khả năng nhất là các bang giàu có sẽ là những bang đầu tiên đòi các bang khác thanh toán. Họ có cái để mất và có những cái không muốn mất. Để làm việc đó, có thể sẽ có ba quý ông nào đó từ các bang có ảnh hưởng nhất gặp nhau tại một nơi kín đáo và chìa ra một tờ giấy vẽ đường viền chấm dứt lịch sử 300 năm của Hợp Chủng Quốc. Trong điều kiện sa sút nhanh chóng và thị trường rối loạn, mỗi vùng của Hợp Chủng Quốc đều sẽ thấy phần mình bỏ vào cái chảo chung là quá lớn. Ở Liên Xô trước đây, nhiều nước cũng đã tính toán như vậy, và thực ra là tính quá lên. Còn ở Mỹ thế nào thì sắp tới chúng ta sẽ thấy.


CÁC BANG MỸ LATIN CÓ THỂ ĐÒI CHỦ QUYỀN

Nhiều người nói rằng dân da đen ở Mỹ bầu cho Barack Obama, còn Hilary Clinton thì bị người Mỹ gốc Latin tẩy chay. Cả hai điều này đều dễ hiểu, vì người da đen thấy ở Obama một “người mình”, còn những di dân từ Mexico và Nam Mỹ thì không muốn thừa nhận đối thủ của Trump là “người minh”. Và hoàn toàn có lý là bà ta có một sự trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác với đa số họ. Là một cựu sinh viên khá giàu của Trường Luật Yale, tiến thân khá nhanh cùng với chồng, bà không tốn sức để kiếm từng dollar. Thế thì rất dễ hiểu là việc gì mà những người Mỹ gốc Latin phải lũ lượt kéo nhau đến các điểm bầu cử, kể cả khi họ sợ những dự án chống người nhập cư của Trump. Hơn thế, tại các bang mà họ chiếm đa số sẽ xuất hiện xu hướng tự cô lập.

Thực ra thì những xu hướng này không trực tiếp đe dọa sự thống nhất của Hợp Chủng Quốc. Những người nhập cư không cố đến được một nước hùng mạnh nhất để rồi lại phá hủy nó. Nhưng xu hướng tách xa khỏi trung tâm liên bang, như kinh nghiệm của Liên Xô cho thấy, có thể hủy hoại sự thống nhất tưởng chừng không thể suy suyển. Vì vậy, việc chính quyền Trump tiến hành các biện pháp ngăn chặn nhập cảnh có thể bị chặn lại bởi nguy cơ mất kiểm soát ở các bang mà số người thông cảm với dân nhập cư là rất lớn, nhất là ở Texas và Florida. Trong trường hợp có xáo trộn đặc biệt, chính hai bang này cùng với California vốn luôn có tư tưởng ly khai, sẽ là các bang chính bỏ phiếu cho việc ra đi.

Cũng xin đừng quên rằng rất nhiều phần lãnh thổ mới trở thành đất Mỹ cách đây chưa lâu. Texas và một phần đáng kể của California đã bị lấy khỏi Mexico trong cuộc chiến 1846-1848. Chỉ cần Mỹ yếu đi thì chắc chắn nước láng giềng có vẻ ngoan ngoãn nhưng không im tiếng sẽ đòi chủ quyền đối với những vùng đất bị chiếm đoạt.


HỢP CHÚNG QUỐC THỰC CHẤT LÀ MỘT LIÊN MINH LỎNG LẺO GIỮA CÁC NƯỚC RIÊNG BIỆT

Tổng thống Nga Putin từng gọi quyền ra khỏi Liên Bang của mọi nước cộng hòa thành viên được quy định bởi Hiến Pháp là “quả bom nguyên tử”. Nhưng thực chất thì dưới nền tảng của Hợp Chủng Quốc cũng đã đặt sẵn một quả bom như vậy. Có đến hai tu chính án (6 và 10) trong Hiến Pháp có thể cắt nghĩa theo cách cho phép bất kỳ bang nào tiến hành quá trình “ly hôn” với trung tâm liên bang.

Chừng nào Hợp Chủng Quốc vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới thì cái quyền đó chỉ là ước lệ. Nhưng điều 72 Hiến Pháp Liên Xô bảo đảm rằng “mỗi nước cộng hòa thành viên liên bang đều có quyền ra khỏi Liên Xô” cũng đã bị người ta nhìn qua kẽ ngón tay như vậy trước thời kỳ cải tổ. Dù có một cái quyền hình thức, nhưng không ai nghĩ trong đầu là nó sẽ được vận hành. Hiện giờ, nhiều người Mỹ cũng xem thường như thế đối với những khe hẹp trong bộ luật, nhưng những người ly khai của Texas hoặc California có thể dùng đến chúng. Đặc biệt khi trước mắt họ có tấm gương của những lực lượng ở Tây Ban Nha đấu tranh đòi độc lập cho xứ Catalonia và Basque, ở Anh Quốc nơi xứ Scotland sắp bay xa, chưa kể đến những thảm họa địa chính trị ở Nam Tư và Liên Xô mà chính chính quyền Hoa Kỳ đã kích động. Đường xoắn ốc lịch sử có thể vòng lại đất nước của Abraham Lincoln và Mark Twain, vốn đã mở chiếc hộp Pandora về quyền tự quyết cho những đối thủ cạnh tranh địa chính trị.

Tất cả những điều kiện đó đã nhãn tiền. Nhiều bang xích lại gần nhau chẳng qua bởi vì chúng nằm trong thành phần của một quốc gia, nhưng quốc gia này lại mang tính liên minh lỏng lẻo. Tòa án của các bang khác nhau sẽ lý giải những điều khoản này theo cách khác nhau. Ngay cả quyền hạn của vợ chồng trong hôn nhân ở các vùng khác nhau cũng không đồng nhất. Do đó, khi có biến động lớn thì sợi chỉ mỏng manh đang kết nối các vùng thành Hợp Chủng Quốc có thể không còn lành lặn. Khi đó, Hợp Chủng Quốc có nguy cơ trở thành thành tựu của quá khứ.


CALEXIT?

Кhi bài báo này viết gần xong thì chúng tôi được biết rằng quá trình tan rã của nước Mỹ, nói bằng ngôn từ của Mikhail Gorbachëv, đã khởi phát. Ở California đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Liên Bang. Những người chủ xướng quá trình phân rã của đất nước quần jeans và bò bison từ phong trào Nói Có Với California tin rằng tổ quốc nhỏ của họ sẽ rời bỏ tổ quốc lớn, và thậm chí đã ấn định ngày chia ly là 13 tháng 3 năm 2019, khi mà theo dự tính của họ sẽ diễn ra cuộc trưng cầu mà nếu thành công sẽ được gọi là Calexit, bắt chước tên Brexit. Về hậu quả, có thể so sánh nó với sự sụp đổ của La Mã Cổ Đại hoặc sự tan rã của Đế Quốc Anh.

TRẦN DƯƠNG dịch từ

*
One comment on “Trần Dương – CHU KỲ BÁN RÃ CỦA NƯỚC MỸ”

1.    Loc Nguyen
Hãy nhìn vào những thành quả phát minh của Mỹ, người ta mới nhận ra được cái mạnh mẽ của đất nước, dân tộc này: Những phát minh mà các dân tộc khác không thể làm ra này do trời ban cho , nên người có phát minh mới như Bill Gates, Warren buffet lại cho là tất cả của cải họ làm ra là do trời ban tặng họ nên họ không ngại khi trả lại cho nhân gian bao gồm mọi người trên thế giới. Tôi quan niệm quả đất của Hoa Kỳ như là một vùng đất tốt cho phong thủy , nên họ mới thành lập có vài trăm năm mà bao cái khôn ngoan của thế giới đổ dồn vào vùng đất này, sau thế chiến thứ hai nước Mỹ và người Mỹ mới lộ diện nhưng họ lại vất vả ra công giúp Nam Hàn đẩy quân Cộng Sàn ra khỏi miền Nam, họ phải đem quân giúp Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của Việt Cộng, từ năm 1975 tình hình nào có yên để họ được hưởng một ngày hòa bình! Trung Cộng đã lộ diện muốn chiếm toàn biển Đông từ năm 1974, nước Nga cũng chưa ổn định vì chế độ vẫn nắm giữ bởi những công an của chế độ cũ! Bạn thử tưởng tượng nếu giờ này nước Mỹ tan rã , nhân loại trên hành tinh này sẽ đi về đâu? Thật ra sự hiện diện của Trump cũng có một ý nghĩa của cuộc chiến chưa ngã ngũ này: Trump làm chủ nhà Trắng như chỉ cho Tàu và Nga rằng : Chúng ta cùng một phường , rồi càng ngày càng lộ ra Trump và bộ sậu có liên hệ với Nga , nhưng rồi mọi người sẽ thấy : Trong thể chế dân chủ và tự do người ta không thể để cho một vị tổng thống hành xử thất thường muốn làm gì cũng được như trong các đất nước có vị lãnh đạo độc tài. Sau ngày Obama thắng cử đã tạo ra một phong trào của nhiều nước dân chúng nổi lên chống các chế độ độc tài, sau ngày hậu của Trump có lẽ là bài học cho các dân tộc Trung Hoa và Nga. Trời lúc nào cũng chỉ phù cho kẻ thành thật, tử tế, có lòng nhân ái .



No comments:

Post a Comment