Sunday, February 5, 2017

CÁC CÔNG TY "HIGH TECH" MỸ TÌM KHÔNG ĐỦ NHÂN VIÊN CÓ TRÌNH ĐỘ (Lê Tâm)



Lê Tâm (theo NYT)
February 4, 2017

Khi công ty kỹ thuật Siemens Energy mở cơ xưởng sản xuất động cơ turbine ở thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina, có khoảng 10,000 người đến nộp đơn cho 800 công việc nơi đây.

Thế nhưng chưa tới 15% trong số này đậu được kỳ thi khảo sát sơ khởi về đọc hiểu, viết và làm toán, dành cho những người có trình độ học lớp 9.

“Trong cơ xưởng của chúng tôi, cứ chừng 10 mét là có một máy điện toán,” theo lời ông Eric Spiegel, từng là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành chi nhánh Siemens ở Mỹ, vừa mới nghỉ hưu thời gian gần đây.

“Người thợ làm việc trên sàn nay cần có khả năng chuyên môn hơn ngày trước. Ngày nay không có việc làm nào trong cơ xưởng Siemens cho những người chỉ có bằng trung học.”

Và đây cũng là điều nhìn thấy ở các đại lý xe máy cày John Deere, vốn phải sửa các xe cơ giới dùng trong nông nghiệp, có thể trị giá tới cả triệu đô la, gắn hàng chục máy điện toán khác nhau. Sửa xe máy cày, máy gặt ngày nay cũng đòi hỏi sự hiểu biết về toán, khả năng nhanh chóng nhận định và giải quyết vấn đề.

“Hộp đồ nghề của người thợ ngày hôm nay là máy điện toán,” theo lời ông Andy Winnett, người điều hành chương trình nông nghiệp của công ty tại đại học cộng đồng Walla Walla ở tiểu bang Washington.

Đây là những loại công việc trả lương cao mà Tổng Thống Trump từng đổ lỗi cho các thoả thuận thương mại là làm mất đi, và hứa sẽ mang trở lại cho giới lao động. Nhưng căn cứ theo một cuộc nghiên cứu của đại học Ball State University, có gần 9 trong số 10 việc làm biến mất ở Mỹ từ năm 2000 là vì con người bị máy móc thay thế chứ không phải do nhân công ở các quốc gia khác.

Ngay cả trong trường hợp các công việc này quay trở lại, một mảnh bằng trung học sẽ không còn đủ để giúp nhận vào xưởng. Vậy mà trong các cuộc tranh luận chính trị về các công việc bị mất đi, không ai nhắc tới các khả năng cần có cho công việc trên sàn hãng xưởng ngày nay, cũng như công việc đào tạo các khả năng này.

Nhiều người tin rằng giải pháp cho vấn đề là có thêm nhiều người Mỹ đi học đại học. Nhưng đi học đại học không có nghĩa là sẽ có mảnh bằng cử nhân hay tốt nghiệp đúng theo thời hạn.

Nhiều học sinh trung học ghi danh vào đại học bốn năm trong khi thật sự không có đủ kiến thức căn bản để theo học hay không hiểu rõ là mình vào trường để làm gì. Các dữ kiện của chính phủ Mỹ cho thấy chưa tới 22% sinh viên Mỹ ra trường sau bốn năm. Và dù các đại học cộng đồng hai năm được coi là một giải pháp khác cho việc đào tạo các chuyên viên cán sự, có tới 80% những người ghi danh nơi đây cho biết họ có ý định tiếp tục học lấy bằng cử nhân, hoặc ra trường với mảnh bằng không chuyên môn, ít có giá trị khi kiếm việc làm.

Học sinh tại Mỹ thực ra chỉ có ít chọn lựa để chuẩn bị cho các công việc làm đòi hỏi khả năng chuyên môn ở tầm trung bình, những loại công việc cần có hơn bằng trung học nhưng thường không cần bằng cử nhân.

Tổ chức National Skills Coalition ước tính rằng các công việc đòi hỏi khả năng chuyên môn trung bình trong kỹ nghệ điện toán, y tế, xây cất, sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao, cùng là các lãnh vực khác, chiếm khoảng 54% thị trường việc là, nhưng chỉ có 44% nhân viên là được huấn luyện đúng mức.

Trước tình trạng thiếu nhân viên có tay nghề, ngày càng nhiều các công ty cộng tác với các trường đại học cộng đồng để cho người sinh viên khả năng học vấn cần thiết cho thị trường lao động hiện nay, cùng là khả năng đặc biệt cần có để làm việc trong các công ty này.

Công ty John Deere đưa ra chương trình học và tặng các máy móc nông cơ cho một số trường đại học cộng đồng để huấn luyện chuyên viên cho hệ thống đại lý của họ.

Ở trường Walla Walla, mỗi khoá có từ 15 tới 20 sinh viên theo học chương trình do John Deere bảo trợ. Họ học ở trường và thực tập ở đại lý, nên khi ra trường là có sẵn việc với mức lương sơ khởi trung bình vào khoảng $40,000.

Giáo sư Anthony P. Carnevale, giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Và Lao Động tại đại học Georgetown University, nói rằng có khoảng 40% công việc đòi hỏi khả năng chuyên môn trung bình trả hơn $55,000 một năm; với khoảng 14% trả hơn $80,000. Trong khi đó mức lương trung bình của người trẻ có bằng cử nhân là $50,000.

Do gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên cho cơ xưởng ở Charlotte, công ty Siemens năm 2011 thành lập một chương trình tập sự học nghề cho học sinh lớp 12 ở các trường trung học địa phương, trong đó bao gồm 4 năm tập sự học nghề với bằng cán sự cơ khí ở trường đại học cộng đồng Central Piedmont Community College. Khi hoàn tất chương trình này, họ không bị nợ tiền học và có mức lương hơn $50,000 một năm.

Tuy nhiên, thuyết phục được các học sinh và cha mẹ của họ nghĩ đến chương trình tập sự học nghề như ở Walla Walla còn là điều khó khăn, vì đây vẫn là một khái niệm không thông dụng ở Mỹ. Ở Âu Châu, sự kiện một chỉ huy cao cấp khởi nghiệp từ chương trình tập sự học nghề là điều bình thường.

Nhưng ở Mỹ, hình thức này thường gắn liền với các công việc lao động chân tay như xây cất và không được đánh giá đúng mức, mãi cho đến vài năm trở lại đây.

 -------------------------








No comments:

Post a Comment