Lê Mạnh Hùng
February 15, 2017
Có lẽ chưa nơi nào mà việc ông Trump muốn xây một bức
tường với Mexico gợi cho người ta những ký ức không vui nhiều bằng tại Berlin.
Những ký ức đó đã là động lực dẫn đến việc tuần trước hàng ngàn người dân
Berlin tụ tập dưới trời lạnh băng giá tại Khải Hoàn Môn khổng lồ Brandenburg
Gate, nơi mà bức tường Berlin được dựng trước đây, để phản đối dự án xây bức tường
dọc theo biên giới với Mexico của ông Trump cũng như là quyết định nay bị tòa
án tạm hoãn thi hành cấm công dân thuộc bảy nước đa số là Hồi Giáo nhập cảnh
vào nước Mỹ.
“Chúng tôi đã có một bức tường tại đây, chia Berlin ra làm đôi. Chúng tôi
biết những bức tường nó chia rẽ người ta đến mức nào,” một người biểu tình nói với phóng viên tờ Christian Science Monitor
trong lúc đám biểu tình vừa đi vừa ca trên đường tiến tới tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ.
Dựa trên kinh nghiệm lịch sử của mình với bức tường
đã nằm sừng sững trong suốt 28 năm tại Berlin, nhiều người Ðức thấy những lời
nói của ông Trump về một bức tường như vậy thật là khó chịu. Ðứng trước một
phong trào dân túy cực hữu đang gia tăng tại Ðức và nhiều nơi khác ở Châu Âu
cũng như là những hàng rào tương tự được dựng lên tại nhiều nơi để ngăn chặn
làn sóng di dân, họ cảm thấy chúng biểu tượng cho một sự đóng cửa tổng quát đối
với những văn hóa và tư tưởng mới.
“Tường tạo ra sự cô lập và kỳ thị,” đó là nhận
định của đô trưởng Berlin, ông Michael Muller, sau khi ông Trump đưa ra sắc lệnh
xây bức tường cách ly với Mexico chỉ chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức. Và
ông viết thêm, “Vào lúc này, vào lúc mở đầu
của thế kỷ thứ 21, chúng ta không thể chỉ đơn giản từ chối không chấp nhận nó
khi mà tất cả những kinh nghiệm lịch sử của chúng ta bị bỏ không thèm ngó đến bởi
dân tộc mà nhờ họ chúng ta có tự do, dân tộc Mỹ.”
Theo giám đốc tổ chức thiện nguyện Berlin Wall
Foundation Axel Klausmeier thì một trong những bài học lớn nhất mà người ta học
được từ bức tường Berlin là “không một bức
tường nào có thể kéo dài một cách vĩnh cửu.” Bức tường có thể cho một giải
đáp ngắn hạn nhưng về lâu về dài không hữu hiệu gì trong việc ngăn chặn nhưng
người di dân nếu họ muốn đến. Và ông Klausmeier đưa ra một lời mời sẽ dẫn ông
Trump đi tham quan bức tường Berlin mà nay chỉ còn lại vài mảnh dọc theo thành
phố Berlin trong trường hợp ông Trump quyết định có đến thủ đô của nước Ðức.
Ông Klausmeier nói: “Có thể rằng ông ta sẽ
bị hấp dẫn bởi mô hình lịch sử này.”
Tuy nhiên Joerg Forbrid, một nhà nghiên cứu cao cấp
về Trung và Ðông Âu cho viện nghiên cứu German Marshall Fund cảnh cáo rằng không
nên quá lạm dụng sự so sánh lịch sử giữa bức tường Berlin và bức tường mà ông
Trump dự tính xây dọc theo biên giới Mexico: một cái để ngăn chặn người ta trốn
ra và một cái để giữ không cho người ta vào. Mặc dù vậy theo ông Forbrid, bức
tường Berlin là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự vô hiệu của những bức tường
như vậy trong việc hoàn thành mục tiêu người ta muốn, nhất là nếu đứng trước những
đối kháng mạnh mẽ. Theo ông Forbrig, “Những
người nào nhất định muốn thoát ra thì sẽ tìm thấy đường tuy rằng nhiều khi với
những nguy cơ rất lớn. Ước muốn của con người muốn vượt qua sự ngăn cách nhân tạo
thì mạnh hơn và lớn hơn bất kỳ một thứ bê tông nào mà người ta có thể tạo ra.”
Và ông cũng đặt vấn đề là làm sao một bức tường dọc
theo biên giới với Mexico có thể ngăn chặn việc di dân bất hợp pháp khi mà theo
Twe Research Center có đến 50% những người di dân bất hợp pháp nhập cảnh Mỹ qua
con đường hợp pháp tỷ như các chiếu khán du học hoặc là du lịch.
Theo ông Jochen Staadt, giáo sư về sử nước Ðức tại
viện đại học Berlin Tự Do (Free University Berlin): “Một bức tường không ngăn chặn được người ta muốn tự do, muốn có một cuộc
sống tốt hơn và tìm cách có một đời sống mới tại một nơi mà người ta nghĩ là tốt
hơn quê hương mình.”
Giáo Sư Staadt chỉ ra các sinh viên của trường đại học
ông đã giúp như thế nào những người dân Ðông Ðức tìm cách ra khỏi Ðông Berlin
trong những ngày đầu khi bức tường mới được xây, chẳng hạn giúp họ “lấy thông hành Thụy Sĩ hoặc là đào đường hầm.”
Bức tường ông Trump định xây là tăng thêm vào số 652
dặm hàng rào kẽm gai vốn đã chạy dọc theo biên giới với Mexico và chắc chắn
cũng sẽ gặp phải những chống đối gay gắt tương tự.
Bức tường mà ông Trump muốn xây chỉ là triệu chứng của
một hiện tượng trong đó người ta nghĩ rằng đóng cửa xã hội mình sẽ giúp cho người
ta giải tỏa được cảm giác bị đè bẹp bởi sự cởi mở dẫn đến việc du nhập tràn ngập
những con người, tư tưởng, và tôn giáo mới vào trong xã hội mình. Ðây là một hiện
tượng không chỉ thuần túy xảy ra tại Mỹ. Thành ra theo Giáo Sư Forbrig: “Phong trào chống Hồi Giáo tại Ðức, Brexit tại
Anh hay là Front National tại Pháp, tất cả cũng chẳng khác gì với những gì ông
Trump vẫn nói và nay đang làm. Nó đều là xung động cô lập hóa. Tường và lệnh cấm
nhập cảnh chỉ là những triệu chứng của một căn bệnh xã hội chung.”
No comments:
Post a Comment