Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 27-02-2017
Hôm
nay, 27/02/2017, Trung Quốc cử phái viên cao cấp nhất đến Hoa Kỳ. Chuyến công
du được cho là một hành động của Bắc Kinh muốn sưởi ấm mối quan hệ với
Washignton sau hàng loạt công kích của tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào
Trung Quốc.
Ông Dương Khiết Trì phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung,
Washington, ngày 24/06/2015.CHRIS KLEPONIS / AFP
Theo AFP, tối hôm qua, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa
Xã loan báo, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì có
chuyến công du Mỹ trong hai ngày 27 và 28/02.
Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một quan chức cao
cấp nhất chính quyền Bắc Kinh kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng hôm
20 tháng Giêng vừa qua.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc
kinh tế hàng đầu thế giới đang cố gắng xích lại gần nhau sau các phát biểu của
tổng thống Trump về quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng như về quan hệ với Đài
Loan.
Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế
của Trung Quốc nhân định, chuyến đi của ông Dương Khiết Trì có thể còn nhằm chuẩn
bị cho cuộc gặp giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, hãng tin Trung Quốc không đưa chi tiết cụ
thể nào về chuyến thăm Mỹ của ông Dương Khiết Trì. Bản tin của Tân Hoa Xã chỉ
cho biết chung chung là ông Dương Khiết Trì sẽ “hội đàm với các quan chức
cao cấp của Mỹ về các quan hệ song phương vì lợi ích chung”. Thông tin cũng
không cho biết đặc sứ Trung Quốc có được tổng thống Donald Trump tiếp hay
không.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ
phú Donald Trump đã không ít lần lên án Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh
trong quan hệ làm ăn với Mỹ. Ông Trump còn tố Trung Quốc đã “ đánh cắp” hàng
triệu công ăn việc làm của người Mỹ.
Sau khi đắc cử, Donald Trump lại liên tục có những
phát biểu và động thái làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quan hệ hai nước, trong
đó đặc biệt có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, thách thức
chính sách một nước Trung Quốc đã được hai nước tôn trọng từ năm 1979. Tuy
nhiên, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đầy, ông
Donald Trump đã có thay đổi, với việc cam kết tôn trọng nguyên tắc theo đó Đài
Loan là một bộ phận của Trung Quốc.
----------------
Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 27-02-2017
Báo
Pháp Les Echos hôm nay dành tựa trang nhất cho hồ sơ quan hệ kinh tế Trung Quốc
– Hoa Kỳ : « Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump ». Nửa
năm trước kỳ Đại hội chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh « tăng trưởng
chựng lại, nợ công tăng vọt, căng thẳng với tân chính quyền Trump »,
chủ tịch Trung Quốc quyết định « bổ nhiệm người thân cận vào nhiều vị
trí chủ chốt » của nền kinh tế.
Việc bổ nhiệm nói trên vừa nhằm chuẩn bị cho cuộc
chiến kinh tế với Mỹ trong những tháng trước mắt, vừa là một bước trung gian
cho cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, có ý nghĩa quyết
định đối với tương lai của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trước thềm Đại hội
19.
Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan,
trưởng khoa chính trị học, Đại học Báp-tít Hồng Kông, với các bổ nhiệm mới này,
ông Tập Cận Bình muốn « củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ những
đòn bẩy của chính sách kinh tế quốc gia…. Tăng trưởng giảm tốc và Trump trở
thành tổng thống đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung hóa cao độ ».
Quốc Hội Trung Quốc khai mạc cuối tuần này sẽ phải
chấp nhận một tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể
từ 26 năm qua. Về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ phi mã, đặc
biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương, là hết sức nan giải với Bắc
Kinh, nhiều định chế quốc tế, như IMF, đang thúc đẩy Trung Quốc phải « hành
động kiên quyết ».
Les Echos đặc biệt chú ý đến ba nhân vật mới được bổ
nhiệm. Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), 72 tuổi, lãnh đạo Ủy Ban Cải Cách
và Phát Triển Nhà Nước (NDRC), là người từng làm việc cùng Tập Cận Bình trong
những năm 1980, khi ông Tập còn là phó thị trưởng thành phố Hạ Môn (Xiamen). Ủy
Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước phụ trách các chính sách lớn, như kế hoạch
kinh tế năm năm, hay chủ trương « con đường tơ lụa » - một dự
án trung tâm trong chiến lược kinh tế và ngoại giao toàn cầu của ông Tập Cận
Bình. Tiếng nói của ủy ban này rất quan trọng trong bối cảnh « tính bền
vững của mô hình tăng trưởng Trung Quốc » hiện đang bị thách thức.
Tập Cận Bình cũng bổ nhiệm một chiến hữu khác vào
cương vị bộ trưởng Thương Mại. Ông Chung Sơn (Zhong Shan), 61 tuổi, từng
là người cộng sự lâu năm khi ông Tập còn là bí thư tỉnh Chiết Giang trong những
năm 2000. Tân bộ trưởng Thương Mại sẽ phải thương lượng gay go với Hoa Kỳ và
Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh « chủ nghĩa bảo hộ và dân túy dâng
lên tại phương Tây » và « thương mại toàn cầu có chiều hướng
chững lại ».
Nhân vật quan trọng thứ ba được Les Echos chú ý là Quách
Thụ Thanh (Guo Shuqing), lãnh đạo Uỷ ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng
Trung Quốc (CBRC), 60 tuổi, người rất có khả năng sẽ trở thành thống đốc Ngân
Hàng Trung Ương Trung Quốc. Ông Quách Thụ Thanh, từng « nổi tiếng là một
nhà cải cách kiên cường trong lĩnh vực điều chỉnh các thị trường hối đoái»,
sẽ phải đối mặt với một lĩnh vực, được coi là hết sức khó cải cách, nơi mà
« mức nợ xấu của các ngân hàng rất cao » và « hệ thống tín dụng
ngầm » hoành hành.
Nhìn chung trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia
kinh tế Eric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại
(CEFCC) tại Hồng Kông, Tập Cận Bình « đã thiết lập nhiều nhóm làm việc
quy mô nhỏ, do ông trực tiếp chủ trì, để có khả năng tác động trực tiếp đến các
quyết định ».
*
Bắc
Kinh « im lặng » trước các cú đá của Trump
Cũng trong hồ sơ quan hệ Trung – Mỹ, Les Echos, có
bài « Đối mặt với các cú đá của Trump, Bắc Kinh im lặng ».
Theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, để hiểu chiến lược hành động giới chính trị
Trung Quốc, cần đọc cuốn « Binh pháp » (hay « Nghệ thuật
chiến tranh ») của Tôn Tử, tác giả thời cổ đại Trung Quốc, rất đề cao
« thời điểm hành động phù hợp ». Bắc Kinh sẽ « để cho tân tổng thống Mỹ
thể hiện hết sự hỗn loạn, rồi mới ra tay ».
Một loạt ví dụ cho thấy điều này : Những lời lẽ đao
to búa lớn như tuyên bố xem xét thay đổi chính sách với Đài Loan, sẵn sàng ngăn
chặn Trung Quốc tiếp cận với đảo nhân tạo ở Trường Sa, hay lên án chính sách hạ
giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã chỉ nhận được những phản ứng vừa
phải, thậm chí là « sự im lặng của Bắc Kinh ».
Les Echos phê phán các quyết định của tổng thống Mỹ,
đặc biệt trong việc chấm dứt hiệp định thương mại TPP với các nước châu Á –
Thái Bình Dương, hành động chẳng khác nào «tự lấy súng bắn vào chân
mình », trong bối cảnh Trung Quốc đang mưu toan áp đặt quyền thống trị.
*
Tân
cố vấn an ninh Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Nga
Vẫn về Hoa Kỳ, Le Figaro có chùm bài về tân cố vấn
an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng McMaster, người được ví với vị tướng
huyền thoại « Patton », tư lệnh lực lượng Mỹ chống quân đội
phát xít Đức tại châu Âu trong Thế Chiến Hai. Tướng ba sao Herbet Raymond
McMaster, 54 tuổi, từng nổi danh trong hai cuộc chiến tại Irak và Afghanistan,
một người được cấp trên trực tiếp là David Petraeus từng là tư lệnh quân đội Mỹ
tại hai chiến trường này, đánh giá là « một chỉ huy xuất sắc, một người
lính thực thụ và một anh hùng trong chiến đấu ».
Trên thực tế, theo Le Figaro, tân cố vấn an ninh quốc
gia của tổng thống Mỹ vốn là người thường đưa đưa ra những sáng kiến trên thực
địa, trái ngược với các cấp chỉ huy, đặc biệt nổi tiếng là trận chiến thiết
giáp « 73 easting », chống chế độ Hussein tại Irak, đã đi vào
lịch sử quân sự Mỹ. Cũng tại Irak, vào năm 2005, tướng McMaster đã « bình
định một cuộc nổi dậy», nhờ dựa vào dân chúng địa phương, khi buộc các binh
sĩ phải học tiếng địa phương, phong tục tập quán địa phương…
Theo Le Figaro, tại Nhà Trắng, tướng McMaster sẽ phải
học cách làm việc với các trung tâm quyền lực khác trong chính quyền Trump, có
vị thế hơn, đặc biệt là cố vấn chiến lược của tổng thống Steven Bannon. Theo một
chuyên gia quân sự, « các đồng minh tự nhiên » của viên cố vấn
an ninh quốc gia này sẽ là bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, bộ trưởng Nội Vụ Kelly
và ngoại trưởng Tillerson.
Về quan hệ Mỹ - Nga, theo Le Figaro, quan điểm của
tướng McMaster cho đến nay là chuẩn bị cho « các cuộc chiến tương
lai » quy mô lớn, mà nguy cơ bùng nổ là cao nhất kể từ 70 năm nay,
trong đó, « đối thủ hàng đầu sẽ là Nga ». Theo tướng McMaster,
nguy cơ chiến tranh với Nga là cao hơn với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, với Iran,
lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan và Pakistan và hay Bắc Triều Tiên sở hữu
vũ khí hạt nhân.
Theo Le Monde, quan điểm của tướng McMaster là không
thuận theo chủ trương liên minh với Nga, như tổng thống Donald Trump từng có xu
hướng nghĩ đến.
*
Nga
: Phim « Một con người quá tự do »
Về tình hình chính trị Nga, Le Figaro giới thiệu bộ
phim tài liệu về nhà đối lập nổi tiếng Boris Nemtsov, bị ám sát cách nay đúng
hai năm, ngay sát điện Kremlin.
Chủ nhật vừa qua, tại nhiều thành phố lớn khắp nước
Nga đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành, với hàng nghìn người tham gia, để tưởng nhớ
nhà đối lập, nguyên phó thủ tướng dưới thời Elsin, nhiều cuộc biểu trong số đó
đã không được chính quyền cho phép, nhưng được nhắm mắt làm ngơ. Cũng trong dịp
này, bộ phim tài liệu về cuộc đời nhà đối lập mang tựa đề « Một con người
quá tự do » đã được trình chiếu.
Nữ đạo diễn Vera Krichevskaya, đồng tác giảm bộ
phim, nhận xét : « Như điều thường xảy ra ở nước Nga, người ta chỉ nhận
ra người anh hùng sau khi họ đã chết ».
Boris Nemtvos từng được coi là người thừa kế của
Elsin, nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến chống lại các tập đoàn lợi ích
chi phối chính quyền Nga. Từ chỗ là một phó thủ tướng, ông đã trở thành nhà đối
lập, tham gia vào các cuộc biểu tình đơn độc trên đường phố, và thậm chí đã phải
vào tù. Vụ sát hại Boris Nemtsov là « hồi chuông báo tử cho một thế hệ
các nhà tranh đấu ». Vào thời điểm ông qua đời, theo một thăm dò dư luận,
có đến 40% người Nga thơ ơ với cái chết của ông. Theo một nhà luật học, thì vụ
sát hại Boris Nemtsov đã khiến nhiều người sợ hãi và hậu quả của tình trạng này
sẽ có thể còn kéo dài.
Về bộ phim « Một con người quá tự do »
vừa được công chiếu tại Nga, Le Figaro nhận xét, « trái ngược với nhiều
lo ngại, phim đã được công chiếu, mà không gặp sự cố ». Có một trường
hợp phim bị đưa ra khỏi chương trình, nhưng được giải thích không phải là do áp
lực của điện Kremlin.
*
Pháp
: Điều tra tiếp hay tạm ngưng, thế khó của thẩm phán
Trở lại với nước Pháp, Libération chú ý đến cuộc
tranh luận về việc : Tư pháp có nên tiếp tục phận sự của mình trong các điều
tra nhắm vào hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong thời gian tranh cử hay
không ? Tờ báo thiên tả nhận xét : Việc cùng một lúc, có hai ứng cử viên – là
Marine Le Pen và François Fillon - đứng trước nguy cơ bị khởi tố là « một
điều chưa từng có » trong lịch sử chính trị Pháp, đặt các thẩm phán
vào một vị trí khó khăn.
Các thẩm phán đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng
nan. Tiếp tục các điều tra, với nguy cơ hành động này gây ảnh hưởng đến cuộc bầu
cử, hay tôn trọng thỏa thuận ngầm về việc ngưng điều tra mỗi lần diễn ra tranh
cử, nhưng điều này sẽ củng cố một cảm nhận về việc những người có thế lực đứng
trên luật pháp, không bị trừng phạt, cho dù có phạm pháp.
Libération lên án hai ứng cử viên. Bà Marine Le Pen
có thái độ hai mặt, « một mặt ủng hộ cảnh sát và quyền lực của nhà nước,
nhưng mặt khác, không tuân thủ lệnh triệu tập của các thẩm phán »
trong nghi án tham nhũng đang được điều tra dính đến đảng của bà. Và về phần
mình, ứng cử viên Fillon « kêu gọi dùng thể thức phổ thông đầu phiếu để
rửa sạch danh dự bị hoen ố, hơn là cung cấp các bằng chứng cho thấy mình vô tội ».
*
Chung
kết Le Pen – Macron ?
Cũng về bầu cử Pháp, tờ báo thiên hữu Le Figaro quan
tâm trước hết đến « tình trạng báo động của cánh hữu », sau kết
quả một thăm dò dư luận mới, cho thấy ứng cử viên đối lập cánh hữu François
Fillon bị mất hai điểm, chỉ còn 20% người ủng hộ, tụt xa đằng sau ứng viên độc
lập Emmanuel Macron, 25%, và Marine Le Pen 27%.
Le Figaro đặt câu hỏi : « Phải chăng sẽ là
trận chung kết Le Pen – Macron ? ». Nếu điều này xảy ra thì « lần
đầu tiên trong lịch sử, không có ứng viên cánh hữu cộng hòa hay đảng Xã Hội nào
lọt được vào vòng hai ».
*
Nhạc
kịch « Uylisse trở về »
Báo La Croix giới thiệu vở nhạc kịch « Uylisse
trở về », được công diễn tại Paris, bắt đầu từ ngày mai, tại nhà hát
Théâtre des Champs-Élysées. Vở diễn được Claudio Monteverdi sáng tác tại thành
Venise, nước Ý, cách nay gần 5 thế kỷ.
Đạo diễn vở nhạc kịch, bà Mariame Clément, người
Pháp gốc Iran, cho biết bà rất vui sướng khi hai hình tượng huyền thoại cổ đại
Ulysse và người vợ Peneloppe đã được hóa thân bởi hai giọng ca « xuất
chúng » của nền nhạc kịch đương đại Pháp, nghệ sĩ Rolando Vilazon với
giọng nam cao và Magdalena Kozena với giọng nữ trung ấm áp.
Nữ nhạc trưởng Emmenuelle Hain tâm sự, sáng tác của
Monteverdi sẽ chuyển đến công chúng « những xúc cảm nguyên vẹn »
về cuộc hành trình huyền thoại hàng nghìn năm về trước, khi người anh hùng
Ulysse gặp lại người vợ thân yêu sau 20 năm đằng đẵng, với hết khổ nạn này đến
khổ nạn khác. « Mọi thứ đã đổi thay, nhưng không gì thay đổi ! ».
No comments:
Post a Comment