Sunday, January 8, 2017

THỦ TƯỚNG ANGELA MERKEL : MỤC TIÊU KẾ TIẾP CỦA NGA (Jochen Bittner - DieZiet & The New York Times)




Jochen Bittner   -  DieZiet & The New York Times
Trùng Dương chuyển ngữ
Thứ Sáu, ngày 06 tháng 1 năm 2017
.
Vladimir Putin và Angela Merkel vào năm 2012.  (Ảnh Thomas Peter/Reuters) 
.
Lời giới thiệu:

Ba ngày trước khi bước sang năm mới, vào buổi chiều thứ Năm, chị bạn thân từ hồi còn lê la ở ghế trung học hiện cư ngụ bên Miền Đông điện thư qua, nửa Anh nửa Việt không có dấu (tôi tự ý bỏ dấu cho dễ đọc), chắc viết trên iPad còn đang tập xử dụng và chưa quen bỏ dấu. Thư mang tựa “Mất bò mới lo làm chuồng”: “Chắc mày đang xem CNN hay NPR hôm nay vụ Obama took steps sanction Nga vụ hacking dính tới bầu cử, hình như nó làm cả năm trời rồi?” chị bạn viết. “35 thằng diplomat Nga bị trục xuất và nó hăm trả đũa… What’s next? World War 3?”

Tôi trả lời bạn là cuộc điều tra vụ tin tặc Nga đã diễn ra từ nhiều tháng nay cho đến bây giờ chính phủ ông Obama mới có phản ứng vì những tế nhị chính trị trong thời gian bầu cử. Tuy Mỹ “đã mất bò” nhưng vẫn cần “làm chuồng” là để cảnh báo thế giới, đặc biệt Đức và Pháp là hai nước sẽ có bầu cử trong năm 2017, về một thao túng có thể xẩy ra của Nga như vụ tin tặc trong thời gian bầu cử vừa qua tại Mỹ. Những thông tin thu thập được, tôi bảo với bạn, sẽ giúp  những quốc gia dân chủ này có thêm trang bị để đối phó với những tấn công tin tặc có thể xẩy ra. Do đấy, việc “làm chuồng” dù đã “mất bò”là cần thiết.

Hôm đầu năm, bài đầu tiên đập vào mắt tôi trên trang tin quan trọng của tờ The New York Times là bài bên dưới của nhà báo Đức Jochen Bittner, luật gia và bình luận gia cộng tác với tuần báo Đức Die Zeit (The Time) và The New York Times, chuyên viết về chính tình Âu châu, chính sách an ninh, khủng bố, tình báo và luật pháp. Bài viết có tựa đề “Angelea Merkel, Russia’s Next Target”. Tôi đọc một hơi, chợt thấy mình nhớ lại thập niên 1980 khi khả năng Anh ngữ đủ cho phép tôi tim hiểu về chiến dịch tuyên truyền hết sức tinh vi của Liên bang Sô Viết Nga dạo ấy, cảm thấy cần chia sẻ với độc giả một cái nhìn có thẩm quyền vế tình hình chính trị của Đức Quốc, một đồng minh thân nhất bây giờ của Hoa Kỳ sau khi Anh Quốc đã “ôm cầm sang thuyền Brexit”. Đã hẳn là tình thân này cũng chỉ tới ngày 20 này khi TT Obama giao quyền lại cho ông Trump, mà sau đó thì không ai biết tương lai sẽ ra sao, kể cả mối thân tình mới chớm hiện nay giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump tuy ngưỡng mộ ông Putin như một người có cá tính mạnh. Song tôi không tin là ông Trump sẽ đủ khả năng trí tuệ và kinh nghiệm chính trị để đối đầu với một người trưởng thành từ cái lò gián điệp K.G.B. của thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng ông Trump có một “vũ khí”, đó là lòng tự ái cao ngất trời đến làm ông mù quáng, và phản ứng nông nổi tức thời cho tới nay tôi chưa thấy ai đã ngăn nổi, mà chỉ mới thấy những người quanh ông, kể cả một số nhà lãnh đạo trong đảng Cộng Hoà đang nắm trong tay vận mệnh nước Mỹ, “dón dén” đi quanh lựa lúc đúng để phát biểu với hoặc nhẹ nhàng khuyên can ông. Điều này không khỏi gợi trong tôi hình ảnh về loại cửa tự động xoay quanh ta thường thấy dẫn vào những toà nhà kiến trúc cận đại, như tại các phi trường chẳng hạn: người vào phải chờ đúng lúc để nhẩy vào một trong bốn cái khoang đang xoay vòng để có thể lọt vào toà nhà, nếu không thì sẽ bị kẹt, người một nơi, hành lý có bánh xe kéo một nẻo. Tôi chưa gặp ông Trump bao giờ, và cũng chẳng có nhu cầu, nhưng căn cứ vào những gì đọc và thấy, tôi nghĩ mình có thể hình dung ra ông. Trong vài ngày tới, ông sẽ trở thành người quyền lực nhất thế giới, và là người duy nhất của Hoa Kỳ nắm trong tay mật mã vũ khí hạt nhân. Điều này hy vọng sẽ có thể phải khiến ông Putin sẽ phải cẩn thận hơn? Mong vậy thay. Nhưng điều chị bạn lo ngại về một Đệ tam Thế chiến, tôi hồi âm mấy chị bạn trong nhóm điện thư, không hẳn là vô căn cớ. Có thể chị bạn tôi, vốn rất nhạy cảm, đã có một linh tính nào đó?

Nhận thấy bài này tự nó đã cô đọng, tuy vậy, vẫn đầy ắp thông tin, và đặc biệt đến từ một người nắm vững nội tình Đức Quốc  nói riêng và Âu châu nói chung, có tính thẩm quyền; do đấy là quyết định dịch nguyên văn bài bình luận của Bittner.  -- Trùng Dương

--------------------

HAMBURG, Germany – Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Nga phản ứng đối với việc Tổng thống Obama trục xuất các nhà ngoại giao của họ vào hôm thứ Năm, nhằm trừng phạt Kremlin đã thao túng cuộc bầu cử năm 2016, bằng cái nhún vai tập thể. Moscow hình như có vẻ bằng lòng bỏ qua chuyện đó, biết rằng vào ngày 20 tháng Giêng Ông Obama sẽ bị thay thể bởi một người ái mộ mình trong tòa Bạch Ốc và một người bạn cũ tại Bộ Ngoại giao [tức Ngoại trưởng tương lai Rex W. Tillerson, giám đốc ExxonMobile và là bạn chính thức của nước Nga – chú thích của người dịch, CTCND].

Tuy nhiên, sự thay đổi này thực ra vừa ngọt lại vừa đắng; Tổng thống Vladimir Putin cũng đồng thời bị mất đi ông ngáo ộp thân thương vậy. Trong một tương lai có thể đoán được, Hoa Kỳ khó có thể được coi là một kẻ thù của đất nước. Vậy thử đoán xem ai có đủ điều kiện để làm, ờ xem nào, bà ngáo ộp đây? Angela Merkel.

Vị thủ tướng Đức là một mục tiêu toàn hảo. Đức sẽ có bầu cử tổng quát mùa thu tới, và với các chính trị gia có cảm tình với Moscow ngày một gia tăng, bà có thể tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư như một nhà lãnh đạo Âu châu duy nhất dám đương đầu với một nước Nga mới lấy lại niềm tự hào.

Từ hồi vùng Crimea bị Nga sáp nhập vào năm 2014, Bà Merkel đã là tiếng nói đương nhiên trong việc trừng phạt Nga. Năm kế đó, bà đã mở rộng vòng tay đón một triệu tị nạn vào Đức, và thúc đẩy các nước Âu châu làm việc tương tự -- do đấy, trong cái nhìn của những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc đồng chủng, làm loãng đi văn hoá Âu châu. Và bà vẫn còn tin ở một Cộng đồng Âu châu đồng nhất, hội nhập, thành lũy của những giá trị khai phóng, ít ra một cách tiềm ẩn, một bức tường thành chính trị và kinh tế đối lại với Nga.
Có vẻ như Nga có thể đang âm mưu đối đầu với Bà Merkel và các đồng minh của bà vào năm 2017 điều mà họ đã làm đối với Bà Hillary Clinton và các nhà Dân chủ khác ở Mỹ vào năm 2016.

Nói đâu xa, năm ngoái những tin tặc đã xâm nhập hệ thống điện toán của Đảng Dân chủ, biết tới trong thế giới ảo là Fancy Bear hay Sofacy Group, cũng đồng thời đã tấn công hệ thống của Quốc hội Đức; chúng đã bị cáo buộc là ăn cắp tài liệu của các thành viên của Quốc hội. Mỗi một phát hiện về cung cách Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ cung cấp trước cho Đức mùi vị về một cuộc tranh cử xấu xa nhất, khó khăn nhất, và kiệt quệ nhất trong lịch sử cận đại của Đức.

Cái mùi vị ấy, tuy vậy, cũng là điểm lợi của nước Đức. Chúng ta biết phần nào khả năng và phương pháp kỹ thuật của Nga, và, còn quan trọng hơn, chúng ta đã khai triển được cảm giác là chúng phát xuất từ ý thức hệ -- và chính cái đó đã hướng dẫn các cuộc tấn công ra sao.

Ở đây ta có thể rút ra những bài học giá trị từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Điều mà Nga làm hôm nay chính là một ấn bản điện tử của cái mà người Đức chúng tôi, trước năm 1989 [là năm Bức Tường Bá Linh bị đập bỏ, chấm dứt chế độ Cộng sản tại quốc gia này - CTCND], gọi là “Zersetzung.” Thật khó mà dịch danh từ này, song cách mô tả hay nhất là đây là một động tác chính trị tương đương với việc đổ acid vào một vật hữu cơ khiến nó biến thái và tan rã.
Các phương pháp của Zersetzung là gây hoài nghi nơi những giá trị căn bản của hệ thống khai phóng và cơ cấu của phương Tây; bóp méo và do đấy làm bất khả tín mục đích của Cộng đồng Âu châu, NATO và nền kinh tế thị trường; làm xói mòn tính khả tín của nền báo chí tự do và các cuộc bầu cử tự do. Phương cách sử dụng trong Zersetzung gồm có bôi nhọ và vu khống cá nhân (character assassination) và, qua việc phao đồn những lời dối trá và tin tức thất thiệt, tạo một vùng xám của hoài nghi trong đó các dữ kiện phải phấn đấu để tồn tại.

Chúng ta đã thấy tất cả những trò đó từ trước, do cơ quan K.G.B. và mật vụ Đông Đức Stasi hành xử: chiến tranh tâm lý, gieo rắc tin đồn, âm mưu hối lộ các chính khách xong phơi bầy họ như là tội phạm. Chúng dùng phương cách này cả trong nội bộ, đối với những nhà bất đồng chính kiến, và đối ngoại, đối với những kẻ thù phương Tây. Ông Putin và các cựu đồng nghiệp K.G.B. của ông nên biết là bây giờ thì chúng ta có một hiểu biết hơn về những trò bẩn thỉu của họ, và cách họ đã nâng cấp Zersetzung lên nhằm thích ứng với thời đại Internet.

Chính quyền có vai trò của họ, cũng cậy là các nhà báo và các nhóm dân sự. Giới báo chí chúng tôi sẽ áp lực các công ty như Facebook và Twitter phải cảnh giác trước các tin thất thiệt; chúng tôi sẽ phơi bầy những cung cách Nga dùng văn học nghệ thuật cho mục tiêu tuyên truyền chính trị [tức agitprop, một hệ thống tuyên truyền do cộng sản sáng tạo ra và đã tỏ ra rất thiện nghệ trong việc xử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, điển hình là trong Chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 – CTCND].

Dù thế, cũng quan trọng không kém là sự hiểu rõ cái ý thức hệ đã thúc đẩy các cuộc tấn công này. Vào tháng Chín, tờ báo của tôi, Die Zeit, đã phối hợp với cơ quan truyền thông ZDF phơi bầy chi tiết về kế hoạch thêu dệt tin khá tinh vi của Moscow. Chúng tôi đã nắm được gần 10,000 điện thư nói lên việc làm thế nào mà các chuyên viên ý thức hệ gần gũi với chính phủ Putin đã cố vấn ra sao chính phủ của phe dấy loạn thân Nga ở Đông Ukraine.
Trong số các điện thư có một tài liệu đã đề ra những hướng dẫn có chủ đề mà giới truyền thông đồng minh với phe dấy loạn phải tuân hành -- nếu cần, bóp méo dữ kiện và tạo tin thất thiệt. “Nước Nga ngày nay không còn là nước Nga của thập niên 1990 [khi chế độ cộng sản vừa xụp đổ - CTCND], song [là một nước Nga] nỗ lực không ngừng để tái dựng sức mạnh của Liên bang Sô viết. Nước Nga hôm nay đang ở cùng thế với phương Tây,” tài liệu đó tiết lộ. “Một cuộc tranh hùng ngoại giao toàn cầu đang diễn ra. Song Tây phương cũng đang khốn khổ trong trận chiến này, và chưa rõ ai sẽ là người thắng cuộc.”

Đã hẳn là lệnh tiến quân tương tự cũng đã được ban ra cho đoàn quân tin tặc, đoàn quân đã được sai đi để tấn công đảng Dân chủ [tại Mỹ], và giờ đây đang âm mưu để tấn công Đức Quốc.

Quá hiển nhiên là ai sẽ thua cuộc. Ông Putin và những tên ngụy tin khinh suất nên hiểu rằng điều duy nhất họ sẽ gặt hái được từ hành động xuyên tạc này là thêm một thế hệ Nga bị tiêu hao mà lẽ ra họ đã có thể giúp phục vụ đất nuớc nếu được cơ hội xử dụng khả năng trí tuệ của họ cho những thử thách chân thực và xây dựng. Một chính quyền vu khống thế giới bên ngoài để khiến cho nước Nga cảm thấy vĩ đại trở lại là chính quyền trên đường tận diệt – như đã xẩy ra trước kia.





No comments:

Post a Comment