Thạch Đạt Lang
Posted
by adminbasam on 25/01/2017
Lần
đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 240 năm lập quốc, vào ngày thứ bảy
21.01.2017 vừa qua, đã xảy ra hàng trăm cuộc biểu tình chưa từng có, đồng loạt
nổ ra khắp nơi trên nước Mỹ (và cả thế giới), phản đối tổng thống vừa tuyên thệ
nhậm chức. Ở tiểu bang California, từ San Francisco, San Jose, tới Los Angeles,
Long Beach, Santa Ana, San Diego… Ở Washington, từ Seattle tới Portland, qua
Chicago (Illinois), Austin (Texas), Minneapolis, New York tới Washington D.C.
Riêng
tại Washington D.C, báo chí ước lượng có hơn 1 triệu người tham gia, căn
cứ vào số lượng người dùng xe điện ngầm làm phương tiện di chuyển. Ở thành phố
Los Angeles, ước tính lên tới 750.000 người tham gia. Và nhiều cuộc
biểu tình diễn ra ở các thành phố lớn, nhỏ khác, mà hai giáo sư Jeremy Pressman
và Erica Chenoweth, thuộc trường Đại học Connecticut và Denver cho biết, có khoảng 680 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn
quốc, ước tính lên đến 5 triệu người.
Mời
xem video clip ghi lại cảnh người dân ở TP Los Angeles xuống đường biểu tình:
Bird's Eye-View of Women's Marches Across the Country
NBC News - Published
on Jan 22, 2017
Bên
cạnh đó, những tin tức về ngày lễ nhậm chức cũng gây tranh cãi không ít giữa
chính quyền của ông Trump với các cơ quan truyền thông, báo chí, càng khiến cho
tình hình chính trị nước Mỹ trở nên căng thẳng. Sự cố gắng chứng tỏ, có tính trẻ
con của ông Trump, khi cãi về số lượng người tham dự lễ nhậm chức của mình, cùng với
sự nói dối trắng trợn, đầy vẻ đe dọa ngấm ngầm của Sean Spicer, phát ngôn viên
và là thư ký báo chí tòa Bạch Ốc với giới truyền thông, cho thấy ông Trump và nội
các đang gặp sự chống đối dữ dội vì vi phạm quyền lực thứ tư. Về lời nói dối trắng trợn
của ông Sean Spicer, sau đó một cố vấn của Trump là bà Kellyanne Conway đã chữa
lửa bằng xăng khi gọi đó là Alternative Facts (tức là “sự thật
thay thế”, thật mà… không thật!)
Tuy
nhiên đó chỉ là điều xảy ra trong xã hội Mỹ, của người dân bản xứ. Trong cộng đồng
người Việt hải ngoại (NVHN), một cộng đồng di dân với 0,6% trên tổng số dân Mỹ,
lại khác hẳn, sự phản đối tổng thống Donald Trump tương đối ít ỏi, khiêm nhường.
Môt vài bài viết có nhận định tiêu cực về Donald Trump, sự mâu thuẫn giữa lời
nói và việc làm cũng như về diễn văn nhậm chức của vị tổng thống thứ 45 này của
Mỹ đều bị ném đá tới tấp, như một bài viết của tôi trên Dân Làm Báo. Thật buồn
cười khi những người đã kích, vu khống, chửi bới không hề biết tôi là ai và
thay vì phản biện bằng facts, hay lý luận những điều tôi đưa ra, họ chỉ chửi,
suy diễn bâng quơ về cá nhân tôi.
Bản
thân tôi tin rằng, đa số những người đưa ra ý kiến công kích các bài viết chỉ
trích ông Trump là những người, một là mang nặng hận thù với chế độ CSVN, mong
muốn chế độ này nhanh chóng sụp đổ để đất nước có được tự do, dân chủ, trở nên
hùng cường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Tàu Công về kinh tế cũng như chính trị,
hai là bất mãn với 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama và đảng Dân Chủ cũng
như sự lươn lẹo, gian dối của bà Hillary Clinton trong tham vọng quyền lực.
Do
căm thù chế độ CSVN, những tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ về chính sách kinh tế,
giao thương hàng hải ở biển Đông, đối ngoại với Tàu Cộng của Donald Trump… dễ
làm thỏa mãn tâm lý bực tức, căm thù của nhiều NVHN so với chính sách ngoại
giao mềm dẽo dưới thời ông Obama. Họ chờ đợi phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trước sự
bành trướng, lấn áp VN ở biển Đông của Tập Cận Bình.
Bài
viết này không có ý trình bày sự việc với NVHN, những người ủng hộ, yểm trợ ông
Donald Trump và nội các của ông với hi vọng ông sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,
VN đối với họ ra sao, không quan trọng. Mục đích của bài chỉ phân tích giữa lời
nói và viêc làm của ông Trump để từ đó nêu ra được thực chất của vấn đề đối với
những người còn quan tâm đến tình hình chính trị ở VN, những người mong muốn Mỹ
dánh Trung Cộng sẽ đưa đến việc chế độ CSVN bị chao đảo, dễ dàng sụp đổ. Trường
hợp chiến tranh Mỹ-Trung xẩy ra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nước như Nhật, Đài
Loan, Úc, Phi, Việt Nam… bị cuốn hút vào chiến tranh, biển Đông sẽ dậy sóng, cuộc
chiến quy ước có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh nguyên tử và thế chiến thứ
III.
Như
vậy câu hỏi được đặt ra là: Xác suất để có chiến tranh Trung – Mỹ cao hay thấp,
khoảng bao nhiêu phần trăm? Thật ra không khó để có câu trả lời.
Khoan
bàn đến con người, cá tính, tham vọng của ông Trump, chỉ nói đến việc làm của
ông. Ngay sau khi nhậm chức, trang mạng của Tòa Bạch Ốc nói về vấn đề thay đổi khí hậu và luật hôn nhân đồng tính được
thành lập dưới thời ông Obama bị xóa bỏ. Trong diễn văn nhậm chức của mình, ông Donald Trump
nói câu sau đây:
“Chúng
ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của ta,
ăn cắp công ty của ta, hủy hoại việc làm của ta. Bảo vệ sẽ dẫn tới thịnh vượng và sức mạnh“.
Bán hàng sản xuất tại Trung Quốc, Indonesia và các nước khác,
liệu có phải là cách ông Donald Trump sẽ rút các hãng, xưởng về Mỹ tạo công việc
cho người dân Mỹ, bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm
của Mỹ, hủy hoại việc làm của người dân Mỹ, như miệng ông ta nói hay không?
Hơn
thế nữa, đừng quên rằng hiện Mỹ đang có vài chục tập đoàn, đại công ty, hàng
trăm nhà máy lớn như Sunkist, Sun-Maid, Ford Motors, FedEx, Johnson &
Johnson, Apple, Sysco, Microsoft, Dell, Walmart, Trader Joe´ s, Kellogg´s…ở
Trung Cộng. Trump dự định rút công ty nào, tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn nào
sẽ theo lời Trump đưa hãng, xưởng quay lại Mỹ khi chính những nhà máy sản xuất hàng hóa của Trump vẫn nằm
ở Trung Quốc?
Việc
bổ nhiệm tướng về hưu TQLC James Mattis vào vị trí bộ trưởng quốc phòng cũng
như đề cử Rex Tillerson làm bộ trưởng ngoại giao chỉ là một nước cờ khôn ngoan,
khéo léo với đầu óc, tính toán của một thương gia trên bàn cờ quốc tế sắp tới
trong mục đích ép buộc Trung Cộng phải lùi bước ở biển Đông, nhượng bộ Mỹ trong
vấn đề giao thương hàng hải cũng như kinh tế.
Chỉ
một ngày, sau khi tướng James Mattis nhận nhiệm vụ bộ trưởng quốc phòng, quân đội Mỹ đã tấn công các vị trí đóng quân, căn cứ
tiếp liệu của ISIS 31 lần ở Iraq , Syria. Điều này cho thấy Donald Trump sau
khi bắt tay với Putin, quyết tâm dứt điểm ISIS. Nếu dẹp được ISIS hoàn toàn,
Trump có thể yên lòng ở Trung Đông, đem lại an ninh hoàn toàn trong nội địa Mỹ,
từ đó Trump sẽ rảnh tay đối phó với Trung Cộng.
Tuy
nhiên, Trung Cộng không phải là ISIS. Mỹ không có liên hệ kinh tế, ngoại giao,
văn hóa gì với ISIS nên việc tấn công, tiêu diệt ISIS chẳng những không bị vướng
mắc quyền lợi hay cam kết nào, mà còn được toàn dân Mỹ cũng như các nước Âu
châu ủng hộ. Nhưng phải hiểu rằng, việc tấn công ISIS chỉ để lên gân, dằn mặt
Trung Cộng, thị uy trên chính trường quốc tế, lấy sức mạnh quân sự, biểu lộ sự
sẵn sàng đối đầu bằng vũ lực làm lá bài đàm phán, chia xẻ lại quyền lợi kinh tế
toàn cầu với Trung Cộng và Nga trong thế Tam Quốc Chí mới.
Hi vọng Mỹ tấn công Tàu Cộng bằng tổng
lực với chiến tranh quy ước là điều hoang tưởng. Có thể sẽ có những va chạm, xung đột
nhỏ ở biển Đông giữa hải quân Mỹ và Tàu hoặc giữa Tàu Cộng với Nhật, Đài Loan,
Úc… nhưng chắc chắn tất cả chỉ là những cuộc so găng trình diễn, phô trương sức
mạnh, ý chí chiến đấu. Tập Cận Bình bắt buộc phải lùi ở biển Đông, nhưng Donald
Trump cũng sẽ không lấn tới quá mức để dẫn đến chiến tranh trực diện.
Vậy
Việt Nam hy vọng được hưởng lợi gì trong bàn cờ Tam Quốc mới này? Đất nước, dân
tộc VN chắc chắn là không rồi, được hưởng lợi chỉ có đảng viên, cán bộ chế độ
CS, những tư bản đỏ, những kẻ ăn theo biết nắm lấy thời cơ làm giàu.
Một
con chốt đã được đẩy qua sông. Đó là dự án khai thác khí đốt của công ty Exxon
Mobil ở thềm lục địa Viêt Nam đã tạm ngưng từ 2008, khi Trung Cộng lớn tiếng đe
dọa các công ty đang thăm dò, tìm kiếm dầu hỏa trong vùng biển đặc quyền của Việt
Nam, nay đang sắp sửa được khởi công trở lại.
Sau
khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11.2016, báo chí loan tin Rex
Tillerson được đề cử làm bộ trưởng ngoại giao, tình hình đã đổi khác. Chỉ một
tuần lễ trước khi Rex Tillerson, cựu chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil được Trump bổ
nhiệm, một hợp đồng khai thác khí đốt ở mỏ Cá Voi Xanh đã
được công ty Exxon Mobil ký kết với tập đoàn dầu khí PVN của Việt Nam.
Dự
án này sẽ đóng góp cho ngân quỹ của chế độ CS khoảng 20 tỷ USD. Chế độ CSVN sẽ
vững vàng hơn khi ngân sách bớt thiếu hụt. Bao nhiêu tỷ đô la sẽ chạy vào túi
các lãnh đạo CS? Bao nhiêu tỷ sẽ được dùng trả lương, nuôi dưỡng, duy trì lực
lượng công an, quân đội, dân phòng, dư luận viên… đông như quân Nguyên tiếp tục
đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giam cầm những người dân yêu nước, tranh đấu cho tự
do, dân chủ, chống bất công xã hội?
Hiệp
ước TPP đã bị ông Trump chính thức dẹp bỏ. Chế Độ CSVN không còn hy vọng gì về
chuyện này, vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, công đoàn độc lập… sắp tới
chắc chắn sẽ bị xiết chặt, đàn áp dữ dội hơn vì chính quyền của ông Trump chắc
chắn sẽ không can thiệp hoặc lưu tâm đến những gì xảy ra trong nội tình VN.
Tương lai đất nước, dân tộc sẽ ảm đạm, u tối hơn, xã hội sẽ ngột ngạt, bất an
hơn, nhà tù sẽ đông thêm, người dân “tự tử” chết trong đồn công an sẽ gia tăng
hơn trước.
Người
Việt hải ngoại, nhất là những người ở Mỹ, ai đã ủng hộ, yểm trợ cho tổng thống
Donald Trump với hy vọng Mỹ sẽ tấn công Trung Cộng bằng quân sự xin cứ tiếp tục…
chờ đợi. Một khi “nước Mỹ trên hết” (American First) thì dân tộc,
đất nước VN nằm ở đâu trong các chính sách, đường lối đối ngoại của chính quyền
Mỹ với tổng thống Donald Trump? Hỏi tức là trả lời vậy.
No comments:
Post a Comment