Monday, January 16, 2017

SỨC MẠNH THỰC SỰ CỦA NGA TRONG TẤN CÔNG MẠNG : CÂU HỎI CHƯA CÓ LỜI GIẢI ĐÁP (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 16-01-2017

« Chúng ta không biết gì về sức mạnh tấn công mạng thực sự của Nga », đó là kết luận của ông Andrei Soldatov, một phóng viên điều tra người Nga khi được tờ báo Libération phỏng vấn. Andrei Soldatov là chuyên gia về tình báo Nga từ năm 1999 và chuyên gia về sức mạnh tin học từ năm 2011.

Nhà báo Andrei Soldatov đánh giá việc điện Kremlin can dự vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ là có thật, cho dù việc chứng minh là rất tế nhị. Những kẻ tấn công tin tặc chắc chắn đã không dùng những phương pháp cao siêu mà chỉ dùng những mẹo cơ bản để ăn cắp mật khẩu.

Điều nguy hiểm là không ai biết gì về sức mạnh tin tặc thực sự của Nga, cũng như khả năng tấn công một hệ thống, phá vỡ mật mã, thâm nhập vào các mạng lưới, vì những vụ tin tặc vừa qua nhắm vào Mỹ chỉ là những thủ thuật mang tính xã hội, tức là dò tìm mật khẩu, hay giăng bẫy khiến mọi người tự để lộ thông tin … Nhưng chưa một vụ tấn công mạng nào từng được thực hiện từ những máy tính siêu hạng đặt tại trụ sở tình báo KGB của Nga.

Liên quan tới bản báo cáo dài 35 trang mới được công bố tuần trước về mối liên hệ giữa Donald Trump và điện Kremlin, phóng viên Andrei Soldatov nhận xét có vẻ như bản báo cáo được soạn thảo rất vội vàng, với rất nhiều lỗi, nhiều thông tin không thể kiểm chứng và không có bất cứ bằng chứng nào về vụ ăn chơi thác loạn của Donald Trump trong phòng khách sạn.

Tuy nhiên, bản báo cáo phản ánh tương đối đúng cách thức ra quyết định ở điện Kremlin. Có vẻ như đích thân Putin đã tham gia chỉ đạo mà không có ý kiến của các bộ trưởng, thay vào đó là sự tham gia của các nhân vật ngoài chính phủ. Không phải tình báo hay quân đội nhúng tay vào các cuộc tấn công mạng, mà Putin đã tuyển chọn đội ngũ hacker từ khắp nơi trên thế giới để tấn công tin tặc phương Tây. Huy động lực lượng ngoài chính phủ vào những nhiệm vụ nhạy cảm đã trở thành đặc trưng riêng của điện Kremlin, vừa để tránh rủi ro, vừa để có thể « phủi tay » nếu chẳng may vụ việc bị lộ.

Trả lời câu hỏi của Libération về việc liệu có đúng là tình báo Nga nắm trong tay « tài liệu nhằm gây hại » cho Donald Trump, chuyên gia Andrei Soldatov trả lời là có lẽ là như vậy. Theo dõi người nước ngoài nổi tiếng khi họ tới Nga (kể cả khi người đó không phải là chính trị gia) là thói quen lâu nay của KGB.

Tình báo Mỹ tin là việc đưa Donald Trump lên nắm quyền là một dự án « dài hơi » của Nga, nhưng theo phóng viên Soldatov, xây dựng một chiến lược dài hạn lại không phải thói quen của tổng thống Nga Vladimir Putin. Các quyết định của Kremlin chỉ đơn thuần là «chiến thuật ». KGB chỉ muốn phá Hillary Clinton vì Matxcơva tin là bà Clinton sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Ở Nga, không ai ngờ là Donald Trump thắng Clinton.

Hàng loạt sự kiện, hành động liên tiếp xảy ra trong năm 2016 khiến người ta nghĩ rằng đó là kế hoạch, chiến lược của Nga. Nhưng chuyên gia Soldatov tin rằng đây chỉ là « một loạt phản ứng mang tính thời cơ » của Nga. Chẳng hạn, đợt tấn công tin tặc đầu tiên của Nga nhắm vào đảng Dân Chủ dường như là nhằm phản ứng lại vụ tai tiếng Panama Paper mà Matxcơva nghĩ là một vụ tấn công nhắm vào cá nhân Putin và bạn bè thân cận của ông. Và chẳng ai nghĩ là việc can dự của Nga lại gây ra « chuyện lớn » tới như vậy ở Mỹ.

*
Biển Đông : « quân bài » ngư-dân quân của Bắc Kinh
Được Bắc Kinh nuông chiều, được vinh dự đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình, đảo Hải Nam - hòn đảo lớn nhất Trung Quốc và ngư dân trên đảo giữ vai trò quan trọng trong chiến lược mà Trung Quốc sử dụng để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á.

Đàm Môn là cảng cá trên đảo Hải Nam và là cảng cá của Trung Quốc nằm gần quần đảo Trường Sa nhất. Trong bài viết có tiêu đề « Biển Đông : Ngư-dân quân phục vụ Bắc Kinh », nhật báo Le Monde cho biết đối mặt với Philippines, Việt Nam và Đài Loan, Bắc Kinh đã liên tục « dí tốt » để thử lòng kiên nhẫn của từng nước.

Năm 2013, ngư dân Hải Nam đã đón một vị khách đặc biệt. Đó là nhân vật số 1 của Trung Quốc, người mới được bầu làm chủ tịch nước. Một nhà buôn nói với Le Monde là ông rất tự hào vì chuyến thăm của Tập Cận Bình. Ông Tập đến cảng Đàm Môn để khuyến khích ngư dân tới quần đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, đặc biệt là các ngư dân mà gia đình có truyền thống đánh bắt tại khu vực này từ nhiều thế hệ.

Trước đó 1 năm, Tập Cận Bình đã lên một con tàu kéo lưới rê đang neo tại bãi cạn Scarborough. Vây quanh ông Tập là các ngư dân Đàm Môn. Họ những người đánh bắt trái phép các loài hải sản quý hiếm chứ không phải các ngư dân đánh bắt cá thông thường. Chính họ đã tấn công các tàu của Philippines.

Quy định về bảo vệ các loài hải sản quý hiếm trong khi trữ lượng cá giảm đã khiến ngư dân đảo Hải Nam ngày càng lệ thuộc vào viện trợ của nhà nước. Nhà chức trách đảo Hải Nam đã cho thay hàng loạt con tàu gỗ nhỏ bằng tàu vỏ thép cỡ lớn. Tiền trợ cấp mua nhiên liệu phục vụ mục đích bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng tăng theo cấp số nhân. Ngay cả trong giai đoạn cấm đánh bắt trong năm, ngư dân Hải Nam vẫn cho tàu ra tới tận Trường Sa, vì mỗi lần như vậy, họ nhận được tiền, nhất là khi họ lưu lại Trường Sa một, hai tháng. Theo các chuyên gia, khoản tiền hỗ trợ này có thể lên tới 5.000 – 10.000 euro cho mỗi chuyến tàu tới Trường Sa.

Một số ngư dân cảng Đàm Môn và các cảng khác trên đảo Hải Nam được giao trọng trách đặc biệt : họ được tổ chức thành các đội dân quân biển và thường xuyên được huy động theo yêu cầu của chính quyền, thường xuyên tham gia vào các vụ đụng độ trên biển với tàu của các nước khác.

Được thành lập năm 1985, trong suốt nhiều năm sau đó, dân quân biển Đàm Môn được giao nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho đồn tiền tiêu ở Trường Sa. Chính đội dân quân biển này đã tham gia trực tiếp vào vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012. Và chính họ đã tham gia bảo vệ dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, chống lại cái mà Bắc Kinh rêu rao gọi là « sự quấy rối » của các tàu Việt Nam vào năm 2014.

Theo Le Monde, ông Andrew Erickson - chuyên gia Mỹ về dân quân biển Trung Quốc - đánh giá là đội dân quân biển Đàm Môn gồm khoảng 100 người với 12 chiếc tàu. Và dường như Tập Cận Bình đã coi đội dân quân biển Đàm Môn là « hình mẫu » để triển khai các đội dân quân biển khác ở Hải Nam. Chuyên gia Erickson nhấn mạnh là dân quân biển cho phép Trung Quốc vừa đạt được mục tiêu, vừa tránh được nguy cơ đụng độ quân sự và tránh được hình ảnh « ngoại giao pháo hạm ».

Các ngư dân Đàm Môn được bảo vệ kỹ càng : Họ được trang bị hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc (tương đương như hệ định vị GPS của Mỹ), và trong trường hợp xảy ra đụng độ ở Trường Sa, họ không ngại ngần gọi chi viện. Một ngư dân ở cảng cá Á Châu, Hải Nam huêng hoang nói với phóng viên Le Monde « Trung Quốc không còn sợ một ai nữa ! (…) Chúng tôi rất mạnh, chúng tôi không sợ chiến tranh ». Cảng cá Á Châu được khánh thành hồi tháng 08/2016, có thể đón 800 tàu cá, và trong những năm sắp tới có thể đón tới 2000 tàu cá. Tại cảng cá Á Châu, người ta thấy nhiều con tàu mới được trang bị tối tân, với nhiều người mặc quần soóc và áo kaki, rất hùng hổ vặn vẹo phóng viên của Le Monde : « Các ông làm gì ở đây ? Làm thế nào mà các ông tới được đây ? Các ông không được phép chụp ảnh ở đây ! » Một người lái xe ba bánh vận chuyển hàng ở cảng Á Châu nói với Le Monde : « Họ ở đây là để bảo vệ chúng tôi ». Có vẻ đây chỉ là những người « đội lốt » ngư dân mà thôi.
Nhưng Le Monde nhận xét là ván bài Biển Đông vẫn chưa ngã ngũ. Hãy cùng chờ xem thái độ của Donald Trump, ông chủ mới của Nhà Trắng.

*
Trung Quốc chưa bao giờ nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu tới như vậy
Vẫn liên quan tới Trung Quốc, nhưng trên lĩnh vực kinh tế, trong bài viết có tiêu đề « Trung Quốc chưa bao giờ nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu tới như vậy », nhật báo Les Echos cho biết mức nhập khẩu đồng, sắt dầu lửa và đậu nành của Trung Quốc trong năm 2016 đã đạt kỷ lục. Do giá đồng giảm, nhu cầu sản xuất lại tăng, nhập khẩu đồng đã tăng 30%, nhưng Les Echos dự báo nhập khẩu đồng năm 2017 sẽ giảm, chủ yếu do sản xuất đồng trên thế giới giảm sút. Tranh thủ giá dầu thô giảm mạnh, Bắc Kinh cũng đã nhập dầu lửa ở mức cao nhất kể từ năm 2010. Riêng về than đá, sau khi nhiều mỏ than ở Trung Quốc bị đóng cửa, nhập khẩu than của nước này đã tăng 25% so với năm 2015. Tờ báo kinh tế của Pháp dự báo nhìn chung, xu hướng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất tăng sẽ còn tiếp tục vì sản xuất trong nước ngày càng suy giảm.

*
Pháp : 40% người có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm
Về thời sự nước Pháp, trên lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix trích nội dung một cuốn sách điều tra của Christhophe Dubois và Eric Pelletier cho biết 40% số người có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan làm việc trong các ngành nghề nhạy cảm có liên quan tới an ninh. Một nguồn tin giấu tên cho các tác giả cuốn sách biết tại các bộ Quốc Phòng, Nội Vụ và Tư Pháp, có khoảng 30 người có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan. Từ năm 2012 đến năm 2015, Pháp phát hiện 17 cảnh sát có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan, chủ yếu thông qua trang phục, các phát biểu sau vụ khủng bố tòa soạn báo biếm họa Charlies Hebdo hay qua các yêu cầu xin chuyển công tác vì lý do tinh thần và tôn giáo. Phần lớn những cảnh sát này còn trẻ, được tuyển dụng vào ngành cảnh sát vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, đây chỉ là các nhân viên làm việc trong ngành cảnh sát chứ không phải các sĩ quan hay thanh tra cảnh sát.

*
2016 : Năm đen tối của điện ảnh Pháp trên thị trường quốc tế
Chuyển sang lĩnh vực văn hóa, vẫn nhật báo Les Echos cho biết năm 2016 là năm ít khán giả quốc tế tới rạp xem phim Pháp nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Trong suốt cả năm 2016, trên toàn thế giới, chỉ có 34 triệu lượt khán giả tới rạp xem phim Pháp, với doanh thu phòng vé chỉ đạt 230 triệu euro. Điều này có nghĩa là số vé bán được giảm 69% và doanh thu giảm 63%.
Nhưng Les Echos tỏ vẻ lạc quan khi cho rằng tình hình năm 2017 sẽ khả quan hơn, đặc biệt với bộ phim « Valérian » của Luc Besson theo dự kiến ra rạp vào tháng 07/2017.





No comments:

Post a Comment