Thursday, January 5, 2017

GIÁM ĐỐC TÌNH BÁO : NHẤT ĐỊNH NGA TẤN CÔNG TIN TẶC BẦU CỬ MỸ (tin tổng hợp)




VOA
06.01.2017
.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper (ở giữa) điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 05/01/2017.
.
Giới chức tình báo hàng đầu của Mỹ ngày 5/1 báo cáo Quốc hội ông nhất mực tin rằng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào đảng Dân chủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, bất chấp những hoài nghi từ Tổng thống đắc cử bên đảng Cộng hòa về những phát hiện liên quan đến vai trò này của Moscow.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, James Clapper, khẳng định ông tin tưởng cao độ rằng Nga đã tấn công tin tặc các định chế và các nhân vật bên đảng Dân chủ cũng như phổ biến tuyên truyền và tin giả nhắm vào cuộc bầu cử ngày 8/11/16.

“Đánh giá của chúng tôi hiện nay còn quả quyết hơn” hôm 7/10 khi chính phủ lần đầu tiên tố cáo Nga nhúng tay vào việc này, ông Clapper nhấn mạnh tại buổi điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Tổng thống tân cử Donald Trump đã tỏ ra hoài nghi về những đánh giá cho rằng Nga nhắm mục tiêu cuộc bầu cử. Nhiều nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rất cảnh giác Moscow và không tin lời ca tụng của ông Trump về Tổng thống Nga cũng như các nỗ lực của ông hàn gắn rạn nứt Nga-Mỹ.

Ngày mai, 6/1, ông Trump sẽ được các lãnh đạo tình báo tường trình về các vụ tấn công tin tặc nhắm vào đảng Dân chủ trong giai đoạn trước khi diễn ra cuộc bầu cử mà tỷ phú bất động sản này đã bất ngờ chiến thắng.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói: “Tôi nghĩ chúng ta chưa từng gặp một chiến dịch nào can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng ta trực tiếp và táo bạo như trường hợp này.”

Ông Clapper, người sẽ rời chức khi ông Trump lên làm Tổng thống vào ngày 20 tới đây, không liệt kê việc làm của Nga là ‘hành động chiến tranh’, giải thích rằng quyết định đó ngoài phạm vi chức năng của văn phòng ông.

Dù ông Clapper không nêu rõ điều gì khiến ông tin tưởng rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công tin tặc vừa qua, nhưng kết luận này được các cơ quan tình báo như CIA và một số công ty an ninh mạng tư nhân tán đồng.

Moscow bác cáo buộc về tin tặc. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần rồi ra lệnh trục xuất 35 người Nga bị tình nghi làm gián điệp và ban hành chế tài đối với hai cơ quan tình báo Nga mà ông cho là có dính líu trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào các tổ chức chính trị Mỹ như Ủy ban Dân chủ Toàn quốc.

--------------------------
VOA
05.01.2017
,
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper, giữa, nói chuyện với Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, tại Điện Capitol, Washington, 5/1/2017.
.
Việc Nga bị nghi là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ là chủ đề của hai phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ diễn ra hôm nay, thứ năm 5/1. Trong cùng ngày, Tổng thống Barack Obama sẽ được báo cáo về kết quả một cuộc điều tra do ông hạ lệnh tiến hành về cùng đề tài này.

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ thị các cộng đồng tình báo xem xét khả năng có sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử năm 2008, là cuộc bầu cử đã đưa ông vào Toà Bạch Ốc. Một quan chức Mỹ xác nhận với VOA rằng ông Obama hôm nay sẽ được báo cáo kết quả cuộc điều tra, và Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng sẽ nhận được báo cáo này vào ngày mai, thứ Sáu 6/1.

Ông Trump vẫn tiếp tục chất vấn việc tình báo Mỹ phát hiện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử vừa rồi.

Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đều kết luận rằng chính phủ Nga đứng đằng sau vụ tin tặc năm 2016, và cố ý tiết lộ các tài liệu thông qua trang mạng WikiLeaks để khuynh đảo cuộc bầu cử.

Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ sẽ lắng nghe lời giải trình của Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers, và Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách tình báo Marcel Lettre.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ John McCain hôm thứ tư miêu tả sự can thiệp của Nga là một "hành động chiến tranh."

Phát biểu với báo chí tại điện Capitol, ông nói:
"Nếu các ông tìm cách phá hoại các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, thì điều đó có nghĩa là các ông đã tìm cách phá hoại cả một quốc gia.”
“Hành động chiến tranh có nhiều cấp độ khác nhau. Tôi không nói rằng đây là một cuộc tấn công nguyên tử. Tôi chỉ nói rằng khi bạn tấn công cấu trúc cơ bản của một quốc gia, thì đó là một hành động chiến tranh".

Phiên điều trần kín tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện sẽ có sự góp mặt của giới chức đặc trách an ninh mạng Danny Toler và các giới chức Bộ Ngoại giao Victoria Nuland và Gentry Smith.

Tổng thống Obama đã đáp trả hành động của Nga vào tuần trước bằng một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cơ quan tình báo hàng đầu của Nga, đồng thời trục xuất 35 nhân viên hoạt vụ của tình báo Nga.

Hãng tin Reuters hôm thứ Tư trích lời một số quan chức Mỹ tường thuật rằng sau cuộc bầu cử 8 tháng 11, chính phủ Tổng thống Obama đã nhận thông tin tình báo được đánh giá là ‘bằng chứng thuyết phục’ rằng Nga đã tuồn thông tin lấy được từ những vụ tấn công mạng nhắm vào Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ cho WikiLeaks, thông qua một bên thứ ba.
Các giới chức nói rằng chính những thông tin đó đã khiến Tổng thống Obama hành động để đáp trả Nga.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục nghi ngờ kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử vừa rồi.

Trong khi đó ông Trump luôn ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, gần đây nhất vì đã không trả đũa các hành động của chính phủ Tổng thống Obama, trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Trong một tin nhắn trên Twitter hôm thứ Tư, ông Trump nói bất cứ ai cũng có thể thâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và cho rằng chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đối thủ của ông, đã hớ hênh và lẽ ra phải cẩn thận hơn.

Lập trường của ông Trump trước sau bênh vực Nga và tổng thống nước này, đã khiến tổng thống đắc cử Mỹ có lập trường đối nghịch với các chính khách dòng chính cũng như công chúng Mỹ, theo nhận định của ông Brian Katulis, một chuyên gia về an ninh quốc gia.

"Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã kêu gọi mở một cuộc điều tra đặc biệt vào các hoạt động của Nga, còn đi xa hơn những gì Tổng thống Obama đã chỉ thị các cơ quan tình báo làm. Nếu nhìn vào các cuộc thăm dò công luận Mỹ, ta thấy có mối quan tâm sâu sắc về vai trò mà Nga có thể đóng trên các mặt trận khác nhau trong quá trình bầu cử của chúng ta. Về bản chất, Tổng thống đắc cử Trump đã đặt mình bên ngoài dòng chính của quốc gia mà ông sẽ cai trị liên quan tới vấn đề này và Nga, ông đứng bên ngoài chính sách đối ngoại lưỡng đảng của Mỹ vốn vẫn theo dõi Nga với một mức độ hoài nghi nhất định".

Thượng nghị sĩ John McCain đã không do dự khi lên án Nga:
"Chúng tôi sẽ làm việc trong Quốc hội để đề ra những biện pháp chế tài quyết liệt hơn nhằm chặn đứng các cuộc tấn công khác nữa vào nước Mỹ. Chúng tôi sẽ làm việc trên cơ sở lưỡng đảng để đạt mục tiêu đó."

Ông McCain chỉ ra rằng Quốc hội sẵn sàng chống lại ông Trump về vấn đề này.
Thượng nghị sĩ John McCain nói:
"Chúng tôi muốn làm việc với tân tổng thống Mỹ, nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm trong tư cách là các nhà lập pháp phải đối phó với một cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ."

Ông Trump đã đề cử một doanh nhân ngành dầu hoả bang Texas có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga vào chức bộ trưởng ngoại giao. Hiện không rõ liệu các nghị sĩ Mỹ có ủng hộ sự chọn lựa đó trong bối cảnh các quan hệ đang xấu đi với Nga.

----------------------------------

Minh Anh RFI
Đăng ngày 05-01-2017

Lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ ngày 05/01/2017 điều trần trước Quốc Hội về những lời cáo buộc tin tặc Nga can dự trong bầu cử tổng thống. Trong khi đó, tổng thống tân cử Donald Trump vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ nghi kị đối với các cơ quan tình báo này.

Theo Reuters, ông James Clapper – giám đốc Tình báo Quốc gia, Mike Rogers – giám đốc cơ quan an ninh NSA và ông Marcel Lettre – thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo  điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Ủy ban này do thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, John McCain lãnh đạo. Ông cũng là người chỉ trích Putin mạnh mẽ.

Cả ba lãnh đạo cơ quan an ninh giải trình về những mối đe dọa mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt. Buổi điều trần diễn ra một tuần sau khi ông Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, nghi ngờ họ hoạt động gián điệp cũng như các lệnh trừng phạt nhắm vào hai cơ quan tình báo của Nga được cho là đã can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Về phần mình, ông Donald Trump vẫn kiên định lập trường, tỏ rõ thái độ nghi ngờ tính hiệu quả vào các cơ quan tình báo Mỹ. Một thái độ mà nhiều nghị sĩ Cộng Hòa đánh giá là gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết :

« Buổi họp với các cơ quan tình báo liên quan đến tin tặc Nga đã bị dời vào ngày mai thứ Sáu 06/01/2017. Có thể họ muốn có thêm thời gian để lập hồ sơ. Thật là kỳ lạ ». Chính với tin nhắn này mang hơi hướm âm mưu mà ông Donald Trump tỏ thái độ ngờ vực đối với CIA và FBI.

Tuy nhiên, những cơ quan này đã thuyết phục Nhà Trắng đến mức tổng thống Barack Obama đã quyết định trừng phạt nghiêm khắc Matxcơva. Nhưng Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence vẫn giữ nguyên lập trường.

Ông Mike Pence khẳng định : « Tổng thống đắc cử đã tỏ rõ một sự nghi ngờ nghiêm túc và đúng đắn như bao người Mỹ khác, về những kết luận của các cơ quan tình báo. Tôi cho rằng nếu chúng ta nhìn vào những thất bại của các cơ quan này trong những năm gần đây, tổng thống đã nói rất rõ là ông ấy nghi ngờ về các báo cáo của họ ».

« Những sai lầm trong quá khứ của cơ quan tình báo », là một lời ám chỉ của tân phó tổng thống nhắm và những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt không bao giờ tìm thấy tại Irak.

Tuy nhiên, rất nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã lên tiếng ủng hộ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Đa số cảm thấy bị sốc vì những lời công kích nhắm vào các cơ quan tình báo Mỹ. Cũng như ông John McCain, hay như cựu đại sứ Mike Burns, họ cho rằng những lời chỉ trích của Donald Trump và những người thân cận của ông đang làm suy yếu nền an ninh quốc gia.

--------------------------

January 4, 2017

NEW YORK, New York (AP) – Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đang dùng người sáng lập tổ chức WikiLeaks, ông Julian Assange, để tạo sự nghi ngờ về kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ, theo đó cho rằng chính phủ Nga đứng sau cuộc tấn công của tin tặc vào Ủy Ban Quốc Gia Đảng Dân Chủ (DNC) trước ngày bầu cử 2016.

Ông Trump cũng nói rằng chính DNC có trách nhiệm về việc họ bị tấn công lấy cắp dữ kiện từ máy điện toán cũng như hệ thống điện thư, gồm cả của ông John Podesta, một cố vấn hàng đầu của bà Hillary Clinton.

Ông Trump tiếp tục dùng Twitter để tạo nhiều tranh cãi khi nói rằng DNC không có hệ thống phòng thủ chống tin tặc và hỏi là tại sao “DNC không trả lời về ‘những gì họ đã nói và đã làm,’” một điều có vẻ nhắc tới những gì đã bị tiết lộ khiến dẫn đến việc nữ chủ tịch DNC và các giới chức khác thuộc đảng Dân Chủ phải từ chức.

“Julian Assange nói rằng ‘một đứa trẻ 14 tuổi cũng có thể xâm nhập vào hệ thống điện toán của Podesta’ – tại sao DNC lại có thể quá khinh xuất như thế? Julian cũng nói người Nga không cho ông các tin tức này!” ông Trump gửi phát biểu qua Twitter vào sáng ngày Thứ Tư.

Sự kiện một tổng thống tân cử Mỹ coi trọng giá trị của Assange, người cùng tổ chức của ông đang bị điều tra về các tội hình sự, hơn cả các cơ quan tình báo Mỹ là điều chưa hề thấy.

Hồi năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, khi đề cập tới vụ WikiLeaks tung hồ sơ mật do binh nhì Chelsea Manning đánh cắp và chuyển cho, ông Trump nói rằng: “Tôi nghĩ đó là một sự ô nhục, tôi nghĩ phải bị tử hình hoặc gì đó.”

Ông Assange nói rằng nguồn cung cấp các điện thư bị đánh cắp từ DNC mà WikiLeaks công bố trong thời gian tranh cử không đến từ một chính phủ.

Phản ứng về những thông điệp của ông Trump gởi qua Twitter hôm Thứ Tư, một số giới chức tình báo Mỹ cho biết họ cảm thấy mất tinh thần, theo CNN.

“Không ai muốn đối đầu và bị sếp mới hiểu lầm. Nhưng chúng tôi đang sắp làm việc trong một môi trường đầy nghi ngờ và không thân thiện,” một giới chức nói với CNN.

Một giới chức khác nói thêm: “Đây là một ngày buồn, khi mà các chính trị gia tin ông Putin và ông Assange hơn người Mỹ, những người dám liều mạng hàng ngày để có các phân tích tình báo không mang tính đảng phái.”

Các cơ quan tình báo Mỹ và nhiều giới chức chính trị, ở cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đều nói rằng Nga đứng sau cuộc tấn công.

Tuy nhiên, ông Trump đến nay vẫn bác bỏ điều này, cho rằng chính phủ Mỹ không thật sự biết ai đứng sau cuộc tấn công và vẫn tiếp tục có thái coi thường các nhận định của giới phân tích gia tình báo. (V.Giang, Đ.D.)




No comments:

Post a Comment