Friday, January 27, 2017

DONALD TRUMP SẼ BỊ GIẾT, BỊ LẬT ĐỔ TRONG MỘT CUỘC ĐẢO CHÍNH hay BỊ LUẬN TỘI ? (Paul Wood - Spectator)








Paul Wood - Spectator
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Posted by adminbasam on 27/01/2017

Tổng thống được bầu nhậm chức, tất cả những gì Washington có thể nói là chuyện đó rồi sẽ kết thúc một cách tồi tệ đến mức nào.

“Kẻ thù nguy hiểm nhất của chính phủ cộng hoà”, Alexander Hamilton viết, xuất phát “chủ yếu từ mong muốn của các chính phủ nước ngoài nhằm giành được những vị trí và ảnh hưởng quá mức trong các hội đồng của chúng tôi. Có cách nào tốt hơn là đưa tay sai của họ vào những cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Bang?”

Lời cảnh báo của Hamilton nhằm chống lại “âm mưu và tham nhũng”, được công bố vào năm 1788, làm người ta nghĩ tới Washington hiện nay, kẻ thù của Donald Trump ở thành phố này coi ông ta là “chuyên viên gây ảnh hưởng” của Nga, bị Điện Kremlin mua chuộc hay tống tiền. Nhà lãnh đạo mới hành động theo đúng cách của Nixon, gây chiến với phương tiện truyền thông, với cộng đồng tình báo, với “giới quyền uy” và “hệ thống suy đồi”, ngay khi ông ta ngồi vào vị trí của mình phía sau bàn làm việc trong Văn phòng Bầu dục. Vụ bê bối – nếu đúng là như thế – bây giờ chắc chắn sẽ có tên là “Watersportsgate”. Có thể hiểu rằng, tương tự như Nixon, cuối cùng Trump có thể sẽ bị buộc phải ra đi?

Đặt hỏi câu hỏi như thế trong tuần lễ nhậm chức của vị Tổng thống mới dường như là vô lí. Tuy nhiên, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã công bố các phiên điều trần về “những mối liên kết giữa Nga và những người có liên quan tới các chiến dịch chính trị”. Chủ tịch đảng Cộng hòa của Ủy ban đã đưa ra tuyên bố nói rằng cuộc điều tra sẽ là “lưỡng đảng” và “khi cần, sẽ có giấy triệu tập những người làm chứng … Uỷ ban sẽ theo dõi các thông tin tình báo dù chúng có dẫn đến đâu”. Nếu nhân viên hay bạn bè của Trump đã gặp các quan chức Nga nhằm phối hợp các cuộc tấn công mạng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì chỉ một từ cho trường hợp này: tội phản quốc, tội nặng nhất trong “những tội và vi phạm pháp luật đặc biệt” được hiến pháp quy định làm căn cứ để luận tội. Nhưng người Trump đã phủ nhận, nói rằng không có bất kỳ cuộc gặp nào như thế. Và nếu đã có những cuộc họp như thế thì người ta đã thảo luận những vấn đề gì? Và nếu có bất kỳ cuộc thảo luận nào làm cho Ủy ban của Thượng viện quan tâm thí Trump có biết hay không? Tổng thống Mỹ đã biết những gì và biết khi nào?

Nếu, nếu, nếu – một dãy dài những chữ nếu. Quan trọng là, hầu như chưa có cuộc thảo luận công khai nào tại quốc hội – từ cả hai đảng – về việc luận tội Trump. Một trong số rất ít người nói công khai về khả năng này là nữ nghị sĩ Maxine Walters, đảng Dân chủ, đúng như người ta chờ đợi. Bà nói với kênh truyền hình MSNBC rằng Trump “ôm Putin rất chặt … Tôi không tin ông ta, tôi không nghĩ rằng người Mỹ tin ông ta, và ông ta sẽ không thoát được đâu. Chúng tôi sẽ điều tra ông ta và tìm cho ra mối liên hệ mà ông ta nhận được là gì”. Rồi bà kết luận: “Hãy cùng nhau tìm hiểu … liệu chúng ta có thể đưa một người có thể là con tin của Nga và Putin vào chức vụ quan trọng nhất trên thế giới hay không”. Một phụ tá cao cấp của quốc hội nói với tôi rằng các đảng viên Dân chủ hạ viện, vì những lí do chiến thuật, sẽ giữ mồm giữ miệng cho đến lễ tuyên thệ nhậm chức. Họ công nhận rằng đa số đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện không ủng hộ những phiên điều trần này, mà đấy chính là nơi khởi sự những lời buộc tội. Hiện chưa phải là năm 1974 (năm luận tội Nixon – ND).

Một giáo sư đại học, ông Robert Kuttner, đã bắt đầu chiến dịch luận tội Tổng thống. Ông đang tìm cách triệu tập một “cơ quan độc lập của luật gia rất có uy tín và những chuyên gia hàng đầu khác” để lập bộ “hồ sơ về những vụ lạm dụng làm căn cứ cho quá trình luận tội”. Bộ hồ sơ (từ này đã được nhiều người ở Washington hưởng ứng) sẽ được trao cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện nếu, như Kuttner hy vọng, sẽ có những phiên điều trần để luận tội. “Bạn phải để cho ông ta nhậm chức”, ông nói với tôi, tương tự như phân tích người phụ tá của Quốc hội. “Phải xem hoạt động nào của ông ta trong thời gian làm tổng thống đáng bị đem ra luận tội. Phải tích lũy bằng chứng… cho đến mức các thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội cảm thấy cần phải tách ra khỏi Trump … với Nixon là như thế”.

Giáo sư Kuttner hy vọng vào điều khoản thù lao trong Hiến pháp Mỹ, điều khoản này nói rằng nếu không được phép của Quốc hội thì các quan chức không thể nhận quà tặng của các nước khác. “Trump không thể không trộn lẫn lợi ích cá nhân của mình với nhiệm vụ Tổng thống. Đơn giản là ông ta không thể tự kiểm soát, không biết phải hành xử như thế nào”.
Những người cha lập quốc cho rằng hối lộ của các nước khác nguy hiểm đến mức họ đã đưa thù lao vào điều khoản đầu tiên của bản hiến pháp mới. Họ đã nghĩ tới vụ tai tiếng liên quan đến Benjamin Franklin. Ông này được vua Pháp tặng hộp thuốc lá nạm kim cương. Franklin chỉ được phép giữ hộp thuốc sau khi Quốc hội đồng ý.

Các luật sư của Trump cho rằng điều khoản thù lao không áp dụng cho ông ta. Còn Trump thì nói, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times ngay sau bầu cử, rằng “Điều luật này này hoàn toàn đứng về phía tôi, có nghĩa là Tổng thống không thể có xung đột lợi ích”. Sau đó, ông ta đã công bố kế hoạch đưa doanh nghiệp của mình thành công ty ủy thác (Trust) – mặc dù, nó được các con trai của ông điều hành, khác hẳn với những công ty ủy thác mà những vị tổng thống khác từng sử dụng. Luật sư của ông, bà Sherri Dillon, nói tại một cuộc họp báo về vấn đề này như sau: “Sẽ không có vụ giao dịch mới nào với nước ngoài nào trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Trump. Giao dịch mới trong nước thì được, nhưng sẽ được kiểm tra một cách gắt gao”.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nhà ngoại giao nước ngoài bắt đầu đặt khách sạn của Trump ở Washington? Nếu các ngân hàng nước ngoài cho các công ty của ông ta vay với lãi suất thấp? Nếu các công ty nước ngoài mua lại những căn hộ ở Trump Tower? Trump hoàn toàn đúng khi nói rằng ông chẳng có mấy lợi ích kinh doanh ở Nga, nhưng tiền của người Nga đã đổ vào bất động sản ở New York và vào công ty của Trump (người con trai của ông, Donald Junior, thừa nhận như thế).

Các đối thủ của Trump có thể nghĩ rằng ông ta đang làm với hiến pháp như các cô gái điếm Nga được cho là đã làm với chiếc giường trong căn phòng sang trọng ở khách sạn Ritz Carlton của tổng thống. (Đáng thương cho người dọn phòng, nếu đúng như thế). Nhưng không ai thấy băng video ghi lại cảnh làm tình của ông ta. Có nhiều khả năng đây là vụ bôi nhọ. Nhưng tốt nhất, nên dùng thuật ngữ khác của mật vụ Nga thì mới hiểu những sự kiện đang xảy ra: khiêu khích hay chơi khăm để làm cho kẻ thù dối trí. Tháng ba năm ngoái, một người trong cộng đồng tình báo Mỹ đã nói với tôi về một băng video bị nghi ngờ khác, về những khoản mà Kremlin gửi cho các cộng sự của Trump để tiến hành chiến dịch tranh cử của ông ta. Dường như các cơ quan tình báo của Estonia đã ghi được sự kiện này. Một trong những (nhiều cái chưa được chứng minh) cáo buộc trong hồ sơ do Christopher Steele, nhân viên cũ của MI6 (tình báo quân đội – ND) thu thập nói về buổi gặp gỡ mà nguồn của ông ta nói là bị người Estonia theo dõi. Nếu Ủy ban Tình báo Thượng viện không tìm thấy gì trong đống tin tức này thì các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ không bỏ phiếu về việc điều trần để luận tội. Nhưng nếu tìm được cái gì đó thì cái gì cũng có khả năng xảy ra. Lúc đó Trump có thể khiếu nại, tương tự như Nixon, để Quốc hội tìm cách lật ngược kết quả của bỏ phiếu. “Từ chức lúc này”, Nixon nói với nội các của mình khi áp lực đòi ông ta ra đi gia tăng, “thì nước Mỹ có thể đi theo hướng chính phủ đại nghị, trong đó nhánh hành pháp chỉ nắm quyền nếu giành được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của nhánh lập pháp”.

Đối với một số người ủng hộ của Trump, đây là điều tối thiểu phe đối lập có thể làm. Câu chuyện phổ biến nhất hiện nay trên trang web “tin tức” của cánh hữu, trang Infowars, có nhan đề: CIA sẽ ám sát Trump? Trang web này khuyên: “Nếu bạn đang ở nhà, hãy ở yên trong đó và chuẩn bị tránh cơn bão. Đừng tin vào các phương tiện truyền thông đại chúng; và cố gắng nhìn xem có đảo chính hay không và chính quyền hiến định có bị lật nhào hay không”.

Infowars là phương tiện của Alex Jones, ông này nói với người nghe chương trình phát thanh của mình rằng nên nghĩ đến cuộc đảo chính quân sự. Bằng chứng là lời kêu gọi thiết quân luật của bà Rosie O’Donnell trên tweetter – người dẫn chương trình truyền hình theo phái tự do này từng có tư thù với Trump. “Lần đầu tiên bạn nghe thấy chuyện này là từ tôi – Jones nói – Thưa quý vị, họ nói rằng muốn hủy bỏ kết quả bầu cử. Họ đang chuẩn bị … đang nói chúng ta cần tình trạng khẩn cấp quốc gia để làm sáng tỏ nếu Trump là gián điệp của Nga … Họ đang có kế hoạch đưa 50 triệu người Mỹ vào các trại cải tạo. Những người này có thái độ nghiêm túc đấy”.

Khá kì quặc là, trước bầu cử, tôi đã nghe thấy câu chuyện tương tự tại một bữa tiệc cocktail tự do không thể chê vào đâu được ở Washington. Đám đông khán giả là các nhà khoa bảng trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Một vị khách nói: “Nếu Trump được bầu, thì sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự. Xe tăng sẽ đậu trên bãi cỏ trước Nhà Trắng”. Trong bữa tiệc này, còn một người nữa nói với tôi như thế. Những cuộc chuyện trò ở Washington gần như là ảo giác. Luận tội – dù có là ý tưởng kì quặc tới đâu – chưa phải là khả năng lạ lùng nhất đang được thảo luận ở thành phố này khi vị Tổng thống thứ 45 tuyên thệ nhậm chức.
Paul Wood là phóng viên BBC và cộng tác viên ở New America foundation.

Paul Wood là phóng viên BBC và cộng tác viên ở New America foundation.


Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo




No comments:

Post a Comment