Saturday, January 28, 2017

ĐÁNG SỢ HƠN CHIẾN TRANH (Ngô Thị Kim Cúc)




Ngô Thị Kim Cúc 
27 THÁNG MỘT, 2017
.
Ảnh tác giả
.
“Mỗi người làm việc bằng hai/ để cho chủ nhiệm mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân…”.

Lần đầu tiên ra miền bắc vào giữa năm 1976, nghe văn học dân gian châm biếm thói tham-ô-kiểu-nông-thôn-nghèo, tôi đã phì cười nhưng rồi nhanh chóng ngậm miệng lại và bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc. Thật thảm thương khi kết quả của việc xà xẻo, cắt xén, chấm mút của công, rốt cuộc cũng chỉ đủ để ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp mua được cái đài (tên gọi của radio thời đó) hay cái xe (cũng chỉ là xe đạp). Ghê gớm hơn chút nữa là xây được cái sân, cái nhà (đúng chuẩn “nhà ngói sân gạch” của nông thôn miền bắc). Và tất cả những gì bòn rút được của dân cứ phơi chần dần ra trước mắt mọi người, ai cũng nhìn thấy, nên nếu bị tóm lấy gáy mà vặn vẹo, tra hỏi xem tiền ấy từ đâu ra, chắc chắn khó có câu trả lời suôn sẻ. Không còn đường để chối cãi. Và sẽ phải trả giá.

Bởi vì thời ấy- thời chiến, tất cả phải dành cho tiền tuyến Miền Nam, từ con người cho tới của cải (“quân không thiếu một người, thóc không thiếu một cân”), những gì còn sót lại ở nông thôn hầu như chẳng đáng là bao, nên của cải tham ô được cũng chỉ có thể tới chừng đó là hết.

Nó hoàn toàn khác với ngày nay, sau khi xu thế phát triển xã hội buộc phải thay đổi theo kinh tế thị trường, cho dù vẫn luôn cần một tính từ đi kèm: kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Người ta bắt đầu làm quen với những cuộc gặp gỡ để ký kết các hợp đồng kinh tế, làm quen với sự thương lượng cùng đối tác để sau đó đặt bút ký những chữ ký rất có giá trị về mặt tiền bạc, hàng hóa. Những bữa tiệc ăn-trả-bữa của thời mới tập sự làm kinh tế nườm nượp thịt thà, ngập ngụa bia rượu. Nhiều thực khách phải vào phòng vệ sinh móc họng ụa ra để có thể tiếp tục ngồi lại trong những tiệc tùng dầm dề tăng một tăng hai tăng ba ấy… Nhưng đó mới chỉ là bước đầu học cách kiếm tiền và tập tò ăn chơi, chẳng là gì so với những bước nhảy vọt trong đẳng cấp sau này.

Sự hội nhập với thế giới đã đồng thời nâng cao trình độ của những tiệc tùng kinh tế. Không còn kiểu nông dân quê mùa chém to kho mặn, rượu quý và các món cao cấp thượng hạng nhập từ nước ngoài đã trở nên quen thuộc. Người ta tập cho mình những thụ hưởng sang trọng của bậc phú gia, đại gia, với xe siêu hạng, đồ dùng siêu hạng, nhà cửa choáng lộn nhức mắt, chẳng hề kém cạnh so với những triệu phú tỉ phú các nước Âu Mỹ…

“Luật chơi” đã trở thành bài bản, những con số phần trăm cũng thành chuyện thường ngày. Quá khứ đài-xe-sân-nhà tội nghiệp đã trôi tuột biến mất vào những thế kỷ xa xôi mông muội tận đẩu đâu… Giờ đây, những dự án tỉ đô, trăm triệu đô đã làm thay đổi cả nhũng gì tưởng chừng không bao giờ có thể…

***
Chỉ thời gian ngắn sau khi tiếng súng chấm dứt vào tháng Tư năm 1975, cha tôi háo hức đưa các con về quê Phú Bông- Gò Nổi sau gần mười năm bị bom đạn ngăn cắt bởi chiến tranh lan rộng. Cây cầu trên khúc sông Thu Bồn chảy ngang quê tôi đã sụp đổ từ lâu, chúng tôi phải qua đò và sau đó phải đi bộ rất xa, hỏi đường rất nhiều lần để cuối cùng về tới chỗ mà cha tôi cho rằng đó là vườn cũ nền cũ ngôi nhà của ông bà nội. Tôi nhìn và thấy chỉ có cỏ tranh cao lút đầu bên cạnh chi chít hố bom, cái này chồng lên cái kia, nhiều không kể xiết. Mặt đất không còn chỗ nào lành lặn vì đây là vùng tự do oanh kích. Trên mặt cha tôi lộ rõ vẻ thất vọng đau khổ không cách gì che giấu. Suốt mấy mươi năm sống ở Đà Nẵng, ông chỉ tâm tâm niệm niệm tới ngày hòa bình sẽ mang tất cả con cái về lại quê cũ, nơi mà gia đình cả hai bên nội ngoại từng có cuộc sống sung túc nhờ nghề tằm tơ dệt lụa.

Giấc mơ ấy đã bị thực tế sổ toẹt một cách phũ phàng. Bên dưới lớp cỏ dày và vô vàn những hố bom chắc chắn còn rất nhiều bom mìn chưa nổ, và không biết đến bao giờ mới có thể phục sinh dưới bàn tay con người.

Sau lần đầu tiên đó, tôi còn quay lại Gò Nổi nhiều lần nữa để viết bài, và tôi biết rằng ở vùng đất được gọi tên là “cối xay thịt” này, chiến tranh đã giết sạch tất cả nam thanh niên nhiều lứa. Cứ thế hệ này lớn lên cầm súng và sau đó bị chết, thế hệ sau lớn lên, lại tiếp tục cầm súng và lại hy sinh. Cứ như vậy, trắng cả làng. Đến nỗi sau hòa bình xã không có đủ người để làm việc, phải xin bổ sung người từ các nơi khác. Cái giá để có được hòa bình là giá máu, quá nhiều máu.

Và người dân Việt xứng đáng được sống bình yên hạnh phúc với những gì họ đã phải hy sinh để có hòa bình.

***
Tôi còn nhớ, khi công trình đại thủy nông Phú Ninh được khởi công và tiến hành, người dân Quảng Nam- Đà Nẵng đã vui sướng đến ngần nào. Suốt thời gian dài, tiến độ trên công trường luôn là điều mà người ta tìm đọc trên mặt báo. Mỗi công việc dù nhỏ nhất đều được mọi người thực hiện bằng tất cả tầm lòng và hình như còn có chút gì đó thiêng liêng. Một mảnh gỗ nhỏ, một xác lá rụng cũng không được phép lẫn vào cát xây dựng, cát phải sạch đến mức tối đa để tránh nguy cơ bê tông có thể bị rò rỉ nước sau này.

Và quả thật Phú Ninh đã làm thay đổi cả đời sống hàng ngày lẫn tập quán làm nông của dân Quảng, một Phú Ninh luôn tưới tiêu đúng quy trình, đúng trách nhiệm. Những con kênh bê tông dẫn nước qua vùng cát khô hạn của huyện Thăng Bình cũng đồng thời là đường để chạy xe cho người lớn, đường đi học của trẻ con. Nước Phú Ninh đã thay đổi đồng ruộng Quảng Nam, đem lại những vụ mùa với sản lượng mà trước đó chưa bao giờ có được.

Có lẽ Phú Ninh là thành tựu tiêu biểu nhất của Quảng Nam Đà Nẵng trong thời kỳ đầu làm kinh tế. Đó không chỉ là kết quả từ sản lượng mà còn là giá trị của lòng tin khi người dân cảm thấy mình thật sự là đối tượng được phục vụ.

Tôi không biết trên cả nước và cho tới hiện nay, có bao nhiêu công trình kinh tế được người dân tin yêu như dân Quảng với Phú Ninh…

***
Bởi vì chỉ mới đây, mùa hè năm 2016, khi nhìn thấy gương mặt tuyệt vọng của những ngư dân cầm trên tay những xác cá, cầu gai, san hô… bị chết bởi chất thải độc từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh, trong người tôi như có luồng nước đá chảy qua, lạnh ngắt. Đáy biển đã thật sự bị hủy diệt, và không biết để phục hồi như trước thì cần mấy mươi năm. Ngư dân không thể đánh bắt và đem bán thứ cá đã bị nhiễm độc, đành phải bỏ nghề, bỏ biển. Thông tin người dân lũ lượt đi thi tiếng Hàn để xuất khẩu lao động nghe như tiếng khóc than của biển. Đang yên ổn làm nghề trên quê hương bên cạnh cha mẹ vợ con, bỗng chốc ngư dân các tỉnh miển trung bị rứt khỏi gia đình và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, trở thành kẻ làm thuê khốn khổ trên xứ người, tha phương cầu thực.

Trên đất Quảng Nam, những trận động đất dồn dập từ thủy điện Sông Tranh liên tục xuất hiện cả năm qua trên mặt báo, và vào cuối mùa mưa lũ vừa rồi, người dân còn được tặng thêm nước xả từ hồ thủy điện. Những thủy điện làm theo kiểu Sông Tranh cũng dìm sâu người dân các tỉnh miền trung khác dưới biển nước, với cùng một lý do: xả lũ để bảo vệ hồ chứa. Tài sản, nhà cửa, tính mạng người dân đã bị đặt thấp hơn nhiều so với quyền lợi của người chủ công trình.

Chúng ta vẫn biết chiến tranh là một trong những mối nguy đáng sợ nhất trong đời sống con người. Nhưng liệu còn thứ gì có thể đáng sợ hơn cả chiến tranh? Và người dân Việt, sau cái giá rất đắt để có hòa bình, liệu cuộc sống của họ hiện nay có thể được coi là đã yên bình, hạnh phúc?

———————————————–
Bài này đã in trên báo Lao Động Miền Trung & Tây Nguyên số Tết Đinh Dậu 2017




No comments:

Post a Comment