Tuesday, January 31, 2017

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, NGÃ BA ĐƯỜNG LỊCH SỬ - KỲ 2 (FB Lang Anh)


Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (tiếp)
Những người cộng sản ở hầu hết các nước đều giành được quyền cai trị theo những cách thức giống hệt nhau. Bằng những khẩu hiệu tuyên truyền về một xã hội ảo tưởng, họ đặt trước mặt những người nghèo và thất học một cái bánh vẽ và xúi họ vào lò lửa chiến tranh. Tuy nhiên cơn điên dại tập thể cuối cùng cũng qua đi và hầu hết người dân nhận ra mình đã bị lừa vì không hề thấy sự bình đẳng cũng như phồn thịnh ở đâu mà chỉ thấy những ông chủ mới. Cho đến khi hàng loạt chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, nhân loại và chính người dân các nước đó đã phải trả những cái giá quá mức nặng nề. Dẫu sao họ đã gặp may vì cuối cùng cũng thoát khỏi một thứ quái vật ghê sợ trong lịch sử.
Tôi không phủ nhận rằng đã có những lớp người cộng sản sống vì lý tưởng với niềm tin cuồng tín rằng mình duy nhất đúng. Họ sẵn sàng phạm những tội ác không ghê tay để tiêu diệt và buộc những người khác phải nghe mình. Giữa những người cộng sản cuồng tín thời kỳ đầu và những tay đao phủ của nhà nước hồi giáo IS hiện nay có sự tương đồng giống hệt nhau: Khi cắt cổ người, chúng đều cho rằng mình đang làm vì điều đúng.
Với thứ bùa thiêng về một xã hội ảo tưởng, nơi con người có thể hưởng thụ theo nhu cầu bất chấp năng lực tạo ra của cải, những người cộng sản thế hệ đầu đã rất thành công trong việc nhồi sọ và lôi kéo con người. Họ đặc biệt thành công ở những xã hội đói nghèo với nền tảng dân trí thấp. Nhưng có lẽ khả năng trại lính hoá xã hội, triệt hạ tri thức độc lập mới là thứ vũ khí siêu hạng của những người cộng sản. Lenin và những đệ tử của ông ta đã diệt không gớm tay những người Mensevich và Trotsky, dù họ cùng là những đệ tử của Marx. Tất nhiên là bằng chuyên chính vô sản, số phận của trí thức và những kẻ thù giai cấp còn lại thì cực kỳ thê thảm. Mao Trạch Đông diệt hàng chục triệu người và tận diệt mọi tri thức đối lập cũng như các đối thủ chính trị trong Đại Cách Mạng văn hoá. Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh cũng dìm chết mọi tư tưởng độc lập bằng cuộc thanh trừng nhân văn giai phẩm. Họ hành động rất giống nhau dù quy mô khác biệt nhau và mục đích thì chỉ có một: Tạo ra một xã hội tê liệt về tư duy và chỉ biết cúi đầu. Ở đây có lẽ nên có một nhận xét công bằng, Hồ Chí Minh không tàn bạo như hai tiền bối của ông ta. Trong hầu hết trường hợp, Hồ Chí Minh luôn tìm cách nấp phía sau giật dây và đẩy thuộc cấp ra hứng chịu búa rìu (Trường Chinh với cải cách ruộng đất, Tố Hữu với nhân văn giai phẩm).
Tuy nhiên những xã hội cộng sản đời đầu nhanh chóng đối diện với thực tại mà họ không thể vượt qua. Do xuất phát từ một lý tưởng sai lầm, họ thất bại trong việc tạo ra đủ của cải vật chất nuôi sống xã hội. Mục tiêu về sự công bằng thì lại càng xa vời vì cách thức họ kiểm soát quyền lực độc tài tự thân nó là gốc rễ tạo ra bất bình đẳng. Cuối năm 1980, sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đánh dấu sự cáo chung của phong trào cộng sản toàn cầu.
Trong lúc đó, những người cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam loay hoay tìm cách thay đổi để kéo dài thời gian cai trị. Họ thấy rằng có thể vay mượn nền kinh tế thị trường vốn có năng lực nổi trội để tạo ra của cải ở phương Tây, và dựa vào đó làm bầu sữa nuôi sống cho bộ máy cai trị độc tài của mình. Trung Quốc tiến hành những cải cách cho phép sự hiện diện của đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân vào cuối những năm 1970. Việt nam nối gót chậm hơn, vào khoảng cuối những năm 1980. Cả hai chế độ cộng sản này đều gặp may, vì các nước phương Tây sau khi chứng kiến sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đã cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc hay Việt Nam cũng sẽ phải từ bỏ con đường bế tắc ấy. Vốn nước ngoài và công nghệ đổ vào những đất nước này và tạo ra những nguồn lực mới. Trong khi đó việc giành được quyền tồn tại cũng khiến các lực lượng tư nhân tham gia vào việc tạo ra của cải. Tuy nhiên đây cũng là lúc đánh dấu sự tuyệt chủng của những người cộng sản cuối cùng. Các lợi ích kinh tế được tạo ra cùng với quyền lực độc tài không được kiểm soát đã khiến toàn bộ đội ngũ cai trị tại Trung Quốc và Việt Nam nhanh chóng thoái hóa và đánh mất chút niềm tin lý tưởng cuối cùng. Kết quả là họ trở thành một tập đoàn tội phạm gắn kết với nhau bởi những khẩu hiệu chẳng ai còn tin và các món lời được tạo ra từ bòn rút ngân sách, từ việc lạm dụng quyền lực hoặc kiếm lợi từ lợi thế thông tin bất bình đẳng. Thực tế chế độ cộng sản đã chết từ lâu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, còn lại chỉ là một tập đoàn cai trị độc tài tham nhũng dưới cái vỏ cộng sản.
Hai thứ bùa thiêng từng giúp những người cộng sản nắm quyền là cái bánh vẽ về một xã hội bình đẳng thì nay đã chẳng còn lừa gạt được ai khi chính họ đang là một đẳng cấp ưu tiên với mọi đặc quyền. Tuy nhiên, thứ vũ khí siêu hạng còn lại là kiểm soát thông tin và tiêu diệt mọi trí thức có năng lực tư duy độc lập thì họ vẫn đang làm rất tốt. Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội cực kỳ ngặt nghèo và thanh trừng khốc liệt mọi trí thức đối lập. Việt Nam cũng đàn áp và triệt hạ không tiếc tay mọi trí thức phản biện với hàng loạt án tù. Bên cạnh đó, họ vẫn tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động tuyên truyền để có thể lừa gạt càng lâu càng tốt những thành phần dân trí thấp nhằm kéo dài thời gian tồn tại. Tất nhiên đó là những nỗ lực không có ngày mai vì theo thời gian, khi chứng kiến tình trạng tham nhũng lan tràn, khi đối diện với sự tận diệt môi trường, những món nợ khổng lồ mà những tay cộng sản tham nhũng mang về cho đất nước, sự tuyên truyền của bộ máy cộng sản ngày một mất thiêng. Và cuộc cách mạng Internet đã bồi thêm những đòn trí mạng vào bức màn sắt kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền của những chế độ cộng sản. Họ càng lúc càng mất khả năng kiểm duyệt và bóp nghẹt các luồng tư tưởng tự do. Bên cạnh đó chính nền kinh tế thị trường mà họ vay mượn từ các xã hội phát triển phương tây đã tạo ra sự hội nhập và giao lưu văn hoá mà họ không thể chặn lại được. Vấn đề mà tất cả các lãnh tụ cộng sản đều nhận ra: Không phải là có tồn tại được hay không mà là còn tồn tại được bao lâu nữa?
Những căn bệnh trầm kha mà Trung Quốc và Việt Nam đang mắc phải gần như giống hệt nhau. Một bộ máy tha hoá tham nhũng đến tận gốc rễ với hiệu năng cai trị ngày càng suy giảm. Các nguồn tài nguyên cạn kiệt và môi trường bị tàn phá nặng nề đến mức mất khả năng duy trì cuộc sống thông thường. Tình trạng bất công lan tràn với nạn lạm dụng quyền lực của bộ máy cai trị đã bị lưu manh hoá. Gánh nặng nợ công đè ngập cổ người dân cộng với mức thuế phí nặng nề trong khi các dịch vụ an sinh xã hội vô cùng tồi tệ.
Nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ 5 của chế độ cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình cố gắng tìm lối thoát bằng một cuộc đại thanh trừng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi, nhắm mục tiêu vào những đối thủ chính trị của ông ta và những thành phần quan chức tham nhũng không nằm trong phe cánh của Tập. Nhưng hơn ai hết Tập Cận Bình hiểu rất rõ rằng ông ta đang dựa vào một phe cánh tham nhũng để triệt hạ phe cánh còn lại. Cái gọi là đấu tranh tham nhũng của Tập Cận Bình tự thân nó thất bại ngay từ đầu khi không giải quyết được sự cai trị độc tài: Quyền lực độc tài không được kiểm soát tự thân nó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tập triệt hạ được một phe nhưng nếu Tập tước đoạt quyền lợi hoặc chĩa mũi dùi vào phe cánh đang phò trợ ông ta thì khi đó cái gì sẽ bảo vệ được Tập?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thanh trừng được đối thủ chính trị lớn nhất của mình tại đại hội XII có vẻ cũng muốn thừa thắng xông lên với một chiến dịch học theo Tập Cận Bình. Nền chính trị của Việt Nam có độ tản quyền cao hơn và do đó dù có học theo thì Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chẳng diệt nổi muỗi, chưa nói gì đến ruồi hay hổ. Và mục đích chống tham nhũng tự thân nó mâu thuẫn ngay từ đầu với nền chính trị độc tài.
Lá bài nguy hiểm nhất của Tập Cận Bình nhằm kéo dài thời gian cai trị lại chẳng dính dáng gì đến bộ máy nhà nước hay các tư tưởng tự do. Nó chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nối tiếp nhau vun xới như một giải pháp dự phòng cho các bất ổn xã hội.
(Khá dài rồi, đành nợ các bạn phần kế tiếp vào ngày mai. Dù sao tôi vẫn còn vài ngày nghỉ nữa)
*
*
Phong trào cộng sản toàn cầu, được khởi xướng từ những nhà tư tưởng thủy tổ là Marx và Engels, cho đến khi được nhào nặn thành một nhà nước thực tế bởi một người có tư duy thực dụng là Lenin, đã trải qua một thời kỳ dài với những phép thử liên tiếp về mặt tư tưởng. Hầu hết những lý luận cốt lõi của lý thuyết cộng sản đều khá mù mờ, với nền tảng là một xã hội ảo tưởng dựa trên khao khát và hiện nay thì đã bị phủ nhận hoàn toàn. Trong khi đó, con đường mà những đệ tử của Marx tìm cách đến với xã hội chỉ có trong mơ đó thì lại đầy rẫy sai lầm. Kết quả của những phép thử về mặt tư tưởng này là một thế giới bị cày xới bởi những biến động xã hội sâu sắc. Có nhiều triệu sinh mạng đã phải trả giá trong những cuộc chiến đẫm máu, nhiều quốc gia chìm vào vài chục thập niên trong bóng tối để đến lúc nhận ra thì đất nước đã phải trả giá nặng nề và họ lại phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát, trong khi phần còn lại của thế giới đã có những bước tiến quá xa trong lộ trình hướng tới văn minh.
Thời hoàng kim của những lý thuyết cộng sản là những năm 1960. Khi đó người ta thống kê được trên dưới 100 quốc gia áp dụng theo hoặc mô phỏng theo các mô hình tổ chức xã hội mang sắc thái cộng sản. Sự đào thải của thực tế là một phép thử rất đắt giá. Ngày nay chỉ còn năm quốc gia tự nhận là hậu duệ của những nhà cách mạng cộng sản, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Lào và CuBa. Toàn bộ các chế độ cộng sản còn lại đều đã bị lịch sử đào thải. Với 5 chế độ cộng sản còn đang thoi thóp, họ cũng chẳng còn chút bóng dáng nào của những mô hình xã hội mà họ tuyên bố kế thừa. Cốt lõi lý luận của họ đều đã bị chính họ đào thải về mặt thực tiễn, phần còn lại chỉ là một xã hội lai căng quái đản giữa thể chế cai trị độc tài và nền kinh tế thị trường vay mượn từ các nước phương tây. Trong năm quốc gia đó, Trung Quốc đạt được những bước tiến rất mạnh mẽ trong khoảng 45 năm qua và hiện được coi là cường quốc số hai thế giới. Việt Nam có những cải cách vay mượn học theo ở một trình độ thấp hơn và lọt tốp các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, trong khi đó, Bắc Triều Tiên thoái lui trở lại thành một xã hội phong kiến, hai quốc gia kế chót còn lại thì đang ngấp nghé bởi những trào lưu hứa hẹn sự tan rã của các chính thể độc tài.
Sự phát triển của Trung Quốc thường được các tay tuyên huấn cộng sản tuyên truyền như một khởi đầu mới của các lý thuyết cộng sản. Trên thực tế, chính bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng hiểu rất rõ họ đang đối mặt với sự sụp đổ từ bên trong, và thời gian tồn tại của nền cái trị độc tài cộng sản ở quốc gia này là một chiếc đồng hồ đếm ngược. Sự lai căng quái đản giữa mô hình cái trị độc tài và nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam đã tạo ra những vấn nạn mà các chế độ này không thể tự giải quyết được. Toàn bộ nền tảng lý luận của họ đã bị thực tế phủ nhận và lộ rõ tính ảo tưởng, những đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất lâm vào sự khủng hoảng khi không còn lý tưởng soi đường. Trong khi đó, quyền lực độc tài và những món lợi kinh tế được tạo ra từ sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và các hoạt động kinh tế tư bản rừng rú đã khiến bộ máy cai trị của họ tha hoá nhanh chóng đến tận gốc rễ. Trên thực tế, tất cả các đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất tại Trung Quốc và Việt Nam đều không sống bằng những nguồn thu nhập công khai, họ vơ vét tiền và làm giàu nhanh chóng từ những lợi thế quyền lực và thông tin mà chế độ ban phát cho họ. Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hoá của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012: "Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước"
Hầu như không còn ai tại Trung Quốc và Việt Nam còn tin rằng chế độ cai trị có thể trường tồn. Câu cửa miệng của các quan chức Trung Quốc khi gửi vợ con và các tài sản vơ vét được ra nước ngoài là: "Cũng chẳng còn được lâu nữa đâu". Trên thực tế các xã hội như Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã biến thành những xã hội phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Nếu có những thống kê thực tế về tài sản của các Đảng viên Đảng cộng sản cỡ trung cao cấp và toàn bộ phần còn lại của đất nước thì chắc chắn rằng hầu hết các tài sản và nguồn lực kinh tế của những quốc gia này đều nằm dưới sự chi phối, sở hữu và thao túng của các hậu duệ cộng sản. Khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng hiện nay chính họ lại là một giai cấp mới, sở hữu hầu kết các nguồn lực kinh tế và sở hữu tuyệt đối về quyền lực chính trị. Tất nhiên, kiểu tồn tại của họ sẽ không thể lâu dài, vì tự thân nó là nguyên nhân của sự diệt vong. Vậy nhưng các nhà nước cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tồn tại và cố tìm mọi cách níu kéo quyền lực của mình.
Bằng cách tận diệt tài nguyên và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc tạo được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây được coi là thứ bùa thiêng để các nhà tuyên huấn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền nhằm duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, đó là sự phát triển không có ngày mai vì đó là sự vay mượn tận diệt từ tương lai để đốt hết cho hiện tại. Trong lúc các vấn nạn về tham nhũng, tha hoá, bất bình đẳng và sự kìm kẹp xã hội đến nghẹt thở càng lúc càng nặng nề. Ở chiều ngược lại là một nền tảng dân chúng ngày một khao khát tự do. Một điều gần giống như thế cũng diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên chế độ cộng sản ở Việt Nam kém thành công hơn trong việc tạo ra các thành tích kinh tế ngắn hạn (điều không may) và đồng thời cũng kém thành công hơn trong việc bóp nghẹt sự giao lưu về các lý tưởng tự do (điều may mắn). Giữa hai chế độ độc tài cộng sản có thể coi là còn hùng mạnh này, Việt Nam có nhiều cơ sở để tạo ra sự đổi thay nhanh hơn Trung Quốc.
Mặc dù biết chắc phía trước là vực thẳm, nhưng đội ngũ lãnh đạo chóp bu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tin rằng họ có thể trì hoãn được thời gian. Những nỗ lực của họ không phải để hướng tới tương lai mà là để kéo dài cái chết. Điểm kết cuối cùng là những tay cộng sản nặng túi sẽ tìm cách đào thoát khỏi con tàu sắp đắm. Còn những gì diễn ra sau lưng thì có lẽ đúng với câu ngạn ngữ cổ xưa: "Khi trẫm đã thôi trị vì thì dẫu có nạn hồng thủy trên vương quốc cũng mặc". Có những cách thức để họ có thể thay đổi và trì hoãn ngày tàn, và đó cũng chính là thứ mà các tay lý luận cộng sản cố gắng tìm kiếm. Bài viết này sẽ bàn đến những cách thức đó.
(Đêm đã khuya và đầu thì đang quay quay rồi, xin nợ các bạn phần còn lại vào ngày mai).
 

No comments:

Post a Comment