Sunday, January 29, 2017

ĂN TẾT NGÀY XƯA, ĂN TẾT NGÀY NAY (Chú Chín Cali)




29/01/2017

Nhớ lại hồi xưa ăn Tết sao mà vui quá, “Vui như Tết”.

Lúc ấy tôi được10 tuổi, đất nước thái bình dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chỉ trong một thời gian ngắn (1055-1964) người dân miền Nam đã lột bỏ cái xác tả tơi để khoác lên chiếc áo màu xanh hy vọng. Kinh tế và nền giáo dục nhân bản phát triển rần rộ. Trẻ con được đi học. Nhà tranh vách lá được thay thế bằng nhà gạch mái tôn, mái ngói. Trên đường xe cộ dập dìu. Dưới sông ghe thuyền tấp nập. Sau mùa gặt hái rảnh rang, lúa đầy bồ, lại rủng rỉnh ít tiền trong túi nên người người thoải mái vui chơi ba ngày Tết.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè

Tết đến khi ngọn gió Chướng giao mùa thổi rào rào làm lao xao cây cỏ là lúc Mai vàng kết nụ và Sua Đủa đơm bông.Trời xanh gió lộng. Chim Cu từ đâu về gáy rân trong vườn. Chim Cưởng trong mùa sinh sản cải cọ ỏm tỏi trên ngọn cây dông cao vút, nở hoa đỏ chói trước nhà. Căn nhà lá của ba tôi ở nhà quê xôn xao rộn rịp với đám con học ở tỉnh về ăn Tết.

Khi cả nhà đông đủ, Ba chèo ghe chở cả nhà đi chợ quận sắm Tết. Chợ Tết vui lắm, tấp nập người mua kẽ bán. Bến ghe chật nít ghe thuyền đủ loại, đủ cở, từ chiếc ghe tam bản nhỏ xíu cho đến chiếc ghe chài to lớn dềnh dàng, hai mắt sơn đỏ tươi, có tròng đen tròng trắng.

Dọc bờ sông ven chợ là những “thớt” dưa hấu chất cao tới đầu. Năm nào Ba cũng lựa mua một cặp “dưa nhất” để chưng trên bàn thờ, và chục trái dưa nhỏ để ăn dần. Loay hoay mấy vòng chợ để coi hàng, chọn lựa, rồi kì kèo giá cả nên khi mua sắm đủ các món cần thiết thì mặt trời đã đứng bóng. Mọi người kêu đói bụng. Ba hôm nay chơi xộp, đãi cả nhà ăn hủ tiếu quán chú Xè, nước lèo thơm phức. Ăn uống no nê, Ba chèo thuyền về nhà. Chuyến đi, ghe nhẹ lại nước xuôi nên rẻ nước đi nhanh nhưng chuyến về ghe nặng lại ngược dòng nên Ba phải hì hục chèo, đổ mồ hôi hột mà ghe cứ bò chậm như rùa, phải phụ bơi đằng mũi. Chiếc ghe chở khẳm với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ ăn Tết, có cả mấy chậu bông Vạn Thọ vàng và két xá xị mà con nít nhà nghèo chỉ được uống khi bị ấm đầu nóng lạnh.

Ngày xưa đâu có tủ lạnh để giữ thức ăn tươi nên khi vừa đi chợ về mọi người xúm vào lo nấu nướng. Thịt nạt đùi đươc quết nhuyễn làm nem, thịt ba rọi ram vàng thơm phức xắt nhỏ trộn với bì và thính gói làm món “bì” (giống như Tré miền trung). Con nít bị sai chạy đi tìm lá dông để gói nem, gói bì. Gan và thịt heo được luộc chín, áo lớp cám bên ngoài để làm “thịt phai”, xỏ xâu treo trên sào cho thoáng gió giữ được lâu. Năm nào ăn Tết nhà cũng làm lạp xưởng. Mấy chị ngồi cạo ruột heo trên sông, mỡ nổi lều bều làm cá cá lòng tong tụ đến từng bầy nổi đầu lố nhố. Thêm keo mắm tép xếp hàng trên bếp, khạp dưa cải muối chua, nồi thịt kho rệu và nồi khổ qua hầm to tướng. Dân quê quanh năm ăn uống đơn sơ, có gì ăn nấy, chỉ trừ ba ngày Tết là được ăn uống thả dàn, đúng là “ăn Tết”. Ba Má có con đông nên đã nuôi sẳn bầy vịt Xiêm lai mập ú, và bầy gà giò đã biết gáy ó o.

Bánh phòng là đặc trưng của ngày Tết. Cả xóm nghe “linh kinh, lạch cạch” tiếng quết bánh phòng. Nó dính chèo nhẹo vào chày nên rất khó nhấc lên, chỉ có anh Xinh phụ việc nhà tôi mới quết nổi. Bánh phòng chỉ to bằng cái miệng tô, nhưng khi nướng sẽ phòng to như cái sàng gạo (cỡ cái nón lá).

Ở quê, ngày bắt đầu rất sớm khi mặt trời chưa mọc. Gần Tết đêm lại tối thui như mực. Mấy anh em tôi tuy sợ ma nhưng phải đi ôm củi để đốt than cho Ba nướng bánh phòng, bánh tráng, trong khi Má lược cà phê cho cả nhà ăn sáng, uống cà phê, khác với ngày thường ăn cơm ngày ba bữa. Buổi ban mai trời lành lạnh mà được ngồi sưởi ấm bên đống lửa hồng, ăn bánh tráng bánh phòng, uống cà phê sữa sao mà hạnh phúc quá.

Nhà ba tôi cái gì cũng có sẵn, kể cả gạo cũng được xay giả tại nhà. Cây trái có trong vườn. Gà vịt cá tôm nuôi sẳn. Thỉnh thoảng Ba đăng cái “ụ” ghe trước nhà bắt cá tôm cả rổ. Ba lại có cái “nò” đặt ở mương ranh. Những con nước rong chảy mạnh, khi đổ nò cá lòng tong, cá bóng nhảy long chong. Nhà có cái vườn rau cạnh bên sàn nước cung cấp đủ loại rau củ. Rau càng cua, lá cách, rau cải trời, rau má, mọc hoang, xách rổ đi một vòng là kiếm đủ ăn. Đó là chưa kể các loại đọt ăn được như đọt bầu, bí, xoài, sung, đọt nhản lồng…Quanh năm không bao giờ nhà đi chợ trừ ngày Tết hoặc ngày giỗ.

Hôm nay Ba tát “đìa” ăn Tết. Ba canh con nước ròng thật sát để khai bộng. Nước chảy ào ào làm cạn gần hết nước trong đìa. Phần còn lại phải tát với cái thùng thiếc. Khi đìa gần cạn, cá tôm hốt hoảng chạy nhảy lung tung. Tôm càng quơ râu đỏ càng xanh tua tủa, nhưng khi đụng đến là chúng búng đuôi vọt mất. Phải kiên nhẫn đợi cho đến khi nước thật cạn rồi mặc tình mà chộp bỏ vào thùng. Phải chụp trên đầu để không bị chúng búng đuôi làm đổ máu tay. Cá lóc, cá trê, lóc ngược lên cao tìm chổ trú. Tôi lúc ấy đủ lớn nên được xuống đìa bắt phụ cá tôm, ngoại trừ mấy con cá trê thì không dám đụng đến, để cho Ba xử, vì chúng có ngạnh nhọn hoắt. Nếu bị ngạnh đâm, nhất là cá trê trắng, sẽ thấy mấy ông trời, vết thương sưng vù, bị sốt bỏ ăn là cái chắc. Hai thằng em nhỏ không được xuống đìa, đứng trên bờ chỉ chỏ.

Rồi dài dài là các ngày lễ lộc, cúng tế mà đối vơi trẻ con là những bữa ăn ngon: ngày đưa Ông Táo, (23 tháng Chạp), lễ Thanh Minh (24-25 tháng Chạp), rước Ông Bà (28-30 tháng chạp), cúng Tất Niên, cúng Giao Thừa... Hết Tết phải đưa Ông Bà (mùng 3-4). Có người ăn Tết đến ngày hạ Nêu (mùng 7) mới đưa Ông Bà, cúng Tất.

Mươi ngày trước Tết chúng tôi hí hửng được theo ba về quê nội tảo mộ ông bà và để có dịp gặp gở anh em bà con bên nội. (Ba tôi lập nghiệp ở quê ngoại). Quê ngoại tôi là xứ nước ngọt (Cái Mơn), quanh năm ruộng vườn cây trái xanh tươi, trái hẳn với bên nội là xứ nước mặn, rừng lá mọc đầy sông rạch, đồng khô cỏ cháy trong mùa nắng (Thạnh Phú). Trong khi Ba và mấy chú chén thù chén tạt, mấy đứa nhỏ, có đứa mới gặp lần đầu, kéo nhau đi câu cua bắt cá, bẩy chim bắt chuột. Những kỷ niệm nầy không bao giờ quên được.

Mùng một Tết. Nhà nghèo cũng như nhà giàu đều “vui như Tết”. Trẻ con quần áo mới tung tăng theo cha mẹ thăm viếng ông bà chú bác bà con. Trên đường quê kẻ qua người lại, tới lui thăm viếng, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp. Đi đâu cũng trà nước, bánh mức, rồi tiệc tùng ăn nhậu. Không khí vui tươi, pháo nổ lẹt đẹt đì đùng với tiếng trống múa lân văng vẳng. Vui lắm.

Tết ở Việt Nam ngày nay không giống như  xưa. Hội chợ Tết được tổ chức tại Sài Gòn vô cùng “hoành tráng” với chi phí khổng lồ, là mồ hôi nước mắt của người dân, phô trương sự phồn thịnh giả tạo với người ngoại quốc. Người xem đông như kiến, nhưng sự giả tạo trơ trẻn phô bày vì đúng ngày Tết dân chúng Sài Gòn đổ dồn ra xa lộ về quê đi tìm cái Tết thật của mình nơi quê hương nghèo khổ. Gia đình đùm túm nhau trên chiếc xe gắn máy về quê, rồi lại hối hả trở về thành phố để kịp đi làm. Chuyến đi mang lỉnh kỉnh quà cáp cho gia đình, chuyến về tải đồ ăn về thành phố. Bến xe đò, xe lửa, phi trường hỗn độn xô bồ. Người ta xô đẩy, giành giựt nhau. Những đoạn đường ra vào ra thành phố bị ùn tắt kẹt cứng, khói xe mù mịt. Trẻ con mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại, ngủ gà ngủ gật trông rất thảm. Cái Tết “hoành tráng” ở Sài gon không phải của họ. Cái Tết của họ là ở quê nhà, nơi có cha mẹ già đang trông ngóng những đứa con phải lưu lạc tìm sống.

Ở quê người ta lo kíếm ăn, không mấy ai lo ăn Tết. Họ ăn Tết qua loa trong phạm vi gia đình, vui cảnh đoàn tụ một vài hôm rồi lại chia tay. Không ai rảnh rang tới lui thăm viếng. Không tiếng pháo nổ, không thấy có con nít tung tăng trong quần áo mới nên buồn thiu. Mùng hai Tết chợ búa đã mở cửa, sinh hoạt trở lại bình thường. Dân chúng không thể để mất một ngày kiếm ăn để vui chơi, trừ những gia đình có Việt kiều về, hoặc gia đình quan chức, “áo gấm về làng” bằng xe hơi bóng loáng.

Tết ở Việt Nam ngày nay sao mà buồn quá. Cái hồn Tết ngày xưa không còn nữa.

Ở Mỹ thì ngược lại. Mọi người nao nức tưng bừng ăn Tết. Từ ngày có chợ Tết Việt Nam, nhiều Việt kiều không về Việt Nam ăn Tết nữa. Hằng năm ước tính có đến 200,000 - 300,000 Việt kiều tụ hợp về khu Little Saigon để cùng nhau ăn Tết, để tìm lại những cảm giác Tết theo truyền thống Việt Nam mà mọi người đều khao khát.

Tôi đưa nhà tôi đi xem chợ hoa ở Phước Lộc Thọ và Hội chợ Tết Việt Nam. Cả một rừng hoa rực rở với đầy đủ các loại kỳ hoa dị thảo. Không khí chợ Tết thật tưng bừng náo nhiệt. Có múa lân đốt pháo, có bầu cua cá cọp, có hoa Mai hoa Đào hao Cúc, có bánh tét bánh chưng. Khu ăn uống đầy đủ các món ăn truyền thống Việt Nam. Khu giải trí tưng văn nghệ giúp vui, biểu diễn thời trang, thi hoa hậu áo dài. Ngày Tết các chùa Việt Nam đầy nghẹt tín đồ đi lể cầu an, hái lộc, xem đốt pháo múa lân, xem trình diễn văn nghệ. Đó là chưa kể các hội đoàn, các nhà hàng tổ chức “countdown”  để đón Giao Thừa. Mọi người  nao nức ăn Tết, vui chơi, hồn nhiên như ngày xưa ăn Tết ở Việt Nam.

Hàng năm cuộc diễn hành xe hoa trên phố Bolsa với sư tham dự của nhiều cộng đồng bạn đã trở thành một tuyền thống của người Việt tị nạn, một chứng minh hùng hồn sự trưởng thành của cộng đồng người Viêt trong xả hội Mỹ và sự thành công của nổ lực bão toàn văn hóa phong tục Việt Nam ở hải ngoại.

Ngoài ra một điểm son đáng được ca tụng là sự dấn thân của giới sinh viên, dẫu sinh trưỡng ở Mỹ, lại là thành phần năng động nhất trong việc tổ chức hội chợ Tết, đã tích cực góp phần trong việc kết nối cộng đồng người Việt hải ngọai với nhau. Thế hệ trẻ đã dấn thân và sẵn sàng tiếp nối ông cha gánh vác các trọng trách mà cộng đồng giao phó.

Vui thì vui lắm, nhưng riêng tôi sao vẫn thấy thiếu thốn cái gì đó làm niềm vui không trọn vẹn. Với tôi, hoa Mai hoa Đào có nở đầy sân cũng không làm Tết đến. Quê tôi có ngọn gió Chướng đầu năm thổi xạc xào cây cỏ, có chim cu gáy rộ trong vườn thì Tết mới thật sự về, mới làm hoa Tết trong tim tôi nở rộ. Vợ chồng tôi đi chợ Tết như một người du khách đi thưởng ngoạn ngày lễ hội Xuân. Con cái thì đông, nhưng ăn Tết thì chỉ có hai vợ chồng già dẫn nhau đi xem chợ Tết, mua ít món cần thiết và hoa quả để chưng bàn thờ cho ra vẻ Tết.

Hôm ba mươi Tết. Nhà tôi sửa soạn xong mâm cơm cúng tất niên, và phần tôi thì đã chuẩn bị xong mấy bình hoa Cúc, hoa Đào, nhang đèn đầy đủ. Năm nay tôi có ý định rước ông bà về ăn Tết. Tôi đem ý định nầy bàn với nhà tôi thì bị bà đặt lên vấn đề rất thực tế. Bà bảo:

-  Rước Ông Bà về mình phải trân trọng, nhang đèn cơm nước hằng ngày. Không lẽ ông rước Ông Bà về ăn Tết rồi cho Ông Bà ngồi chơi xơi nước cho tới ngày đi à?

- Thì mình ăn cái gì cúng cái đó, miễn là có tấm lòng. Ông Bà không chấp nhất đâu.

- Vậy ông biểu tôi hằng ngày cúng cereal, oatmeal, phở, hủ tiếu, rồi đổi món bún bò Huế phải  hôn?

-  Bậy nè, mình cúng chay, rau quả gì cũng được mà, tùy ở tấm lòng mình.

Tôi biết tánh bà xã tôi hay cãi cọ để tỏ chút uy quyền nhưng sau cùng cũng đồng ý thôi vì ít khi bà muốn phật lòng tôi. Sau chút suy tư, bà bảo:

- Ừ..thôi... cũng được. Tết nhất cũng nên có bàn thờ nhang đèn cúng quảy cho ấm nhà ấm cửa,  tập cho con cháu làm quen với phong tục Việt Nam.

Tuy nhà tôi không muốn nói ra vì sợ tôi buồn lây nhưng trong lòng  bà lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ con, vẫn nuôi hy vọng là chúng sẽ về trong ngày trọng đại nầy. Bà muốn mượn dịp cúng cơm để làm những bữa ăn ngon đãi chúng nó.

Tôi hì hục kéo cái bàn ăn ra giữa phòng khách làm bàn thờ đề bày biện mâm quả, nhan đèn và lỉnh kỉnh đồ cúng kiến. Bàn thờ dọn xong trông rất xôm tụ.

Nhang đèn đã thắp sẵn, tôi trịnh trọng làm lễ rước Ông Bà. Hôm nay là Tết, ngày gia đình đoàn tụ nhưng sao tôi thấy cô đơn quá.

Sau khi làm lễ xong, tôi thấy người mệt mỏi nên thả người trên bộ salon nhắm mắt tỉnh thần. Nhà tôi đến ngồi bên cạnh, nắm lấy cánh tay tôi có vẻ lo lắng hỏi:

-  Hôm nay là ngày Tết sao không thấy ông vui?

Tôi nhìn gương mặt tội nghiệp của bà cảm thấy thương hại, giải thích:

-  Mình có thể gạt mình, gượng làm vui, chứ mình làm sao gạt được Ông Bà. Mình rước Ông Bà về ăn tết nhưng vô tình làm Ông Bà phải buồn lây khi chứng kiến cảnh cô quạnh của vợ chồng mình trong ba ngày Tết!

Nhà tôi nắm tay tôi xiết mạnh như muốn nói lên sự đồng tình và thông cảm. Không nói một lời, chúng tôi cùng nhìn lên bàn thờ đang nghi ngút khói hương, cùng thả hồn về một thuở xa xưa, những ngày hạnh phúc khi các con còn nhỏ dại xoắn xuýt bên cha mẹ.

Chúng tôi đi thay quần áo chình tề rồi ngồi xem TV cho qua thì giờ trong lúc đợi Giao Thừa. Mệt mỏi quá, cả hai ngủ quên lúc nào không biết. 

Tôi giật mình khi đồng hồ gõ mười một tiếng. Tôi lắc tay nhà tôi nói:

-  Bà ráng đừng có ngủ để còn đón giao thừa chứ.

-  Ngủ đâu mà ngủ. Ông ngủ thì có, còn ngáy re re! Tui nhắm mắt chút mà.

Tuy “nhắm mắt chút” nhưng bà vẫn cầm chặt cái điện thoại trong tay, vẫn nuôi hy vọng là sẽ nhận được cú điện bất ngờ từ xa.

Càng về khuya, không gian càng tĩnh mịch. Bên ngoài không một tiếng động, trong nhà càng phẳng lặng hơn. Tôi mở lời trò chuyện cho nhà tôi đừng ngủ gục:

-  Hay bà gọi cho con Thùy, nhắc nó hôm nay là đêm Giao Thừa.

-  Hồi sáng tôi gọi rồi. Ông quên là bên đó bây giờ là hai ba giờ sáng rồi à?

-   Ờ… há. Cách nay mấy hôm tôi cũng có nhắc vợ chồng nó. Chắc chúng quên mất rồi. Con với cái ngày nay, chán chết!

-  Thế còn thằng John và thằng Tim? Tôi hỏi tiếp.

-  Thằng John đi chơi Hawaii với bạn gái của nó cả tuần nay không biết có về kịp không. Còn thằng Tim nói nó đang đi công tác không biết chắc ngày về.

Bà nói giọng rầu rầu. Tôi biết bà đang nhớ các con. Thấy bà tội nghiệp tôi an ủi:

-   Làm việc sở Mỹ đâu phải xin nghỉ lúc nào cũng được. Tụi nó đâu phải rảnh rang như mình, muốn đi lúc nào thì đi. Thôi bà đừng trông tụi nó nữa cho mệt.

Tuy khuyên bà như vậy, nhưng chính tôi cũng thấy buồn và cô đơn lắm.

Hai vợ chồng lại yên lặng nhìn nhau, thỉnh thoảng nhìn cái đồng hồ treo tường, lơ đãng theo dỏi chương trình trực tiếp truyền hình văn nghệ Tết trên TV, chỉ sợ lại ngủ quên.

Rồi đồng hồ gõ 12 tiếng. Giao thừa. Pháo nổ đì đùng trên TV, mọi người xôn xao la ó countdown đón mừng năm mới. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt. Khói pháo bay mịt mù cã một khu chùa.

Tôi lẳng lặng làm lễ cúng giao thừa rồi đến ngồi bên cạnh nhà tôi, không ai nói gì.

Năm mới sao buồn quá.

Sáng sớm hôm sau là ngày mùng một Tết. Tôi ngồi uống cà phê một mình nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương. Tôi nghĩ  Ông Bà trên ấy cũng đang nhìn tôi và thông cảm. Trời Cali hôm nay trở gió, khí trời mùa Đông mát lạnh.  Qua khung cửa kính hàng cây bên ngoài chao ngã lắc lư. Tôi mở cửa bước ra sân nhìn. Gió thổi rào rào cây cỏ, làm lung lay giàn hoa kiểng, đong đưa những cành Đào đầy hoa đang lao chao trong nắng ấm. Tôi mừng quá gọi giựt nhà tôi:

-  Bà ơi ra coi nè, Tết năm nay gió Chướng lại về !

Như đang sống trong mơ, tôi mừng quá kéo tay nhà tôi ra ngoài sân trong nắng ấm ban mai. Trong làn gió thổi lao xao, tôi hít thở thật sâu cái không khí dạt dào hương vị Tết trong làn gió Chướng đang về, vô cùng sảng khoái.

Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang trong túi áo của nhà tôi. Như một phản xạ, bà chụp ngay điện thoại từ tiếng reng đầu tiên. Chưa kịp “Hello”, giọng nói vui vẻ của John, thằng con trai lớn, vang vang trong speaker phone:

-  Má đó à. Con và Tim lái xe cả đêm để kịp về ăn Tết. Sắp đến nhà rồi. Năm nay tụi con xông đất nhà Ba Má đó.

Tiếng Tim nói ké vào điện thoại:

-  Happy New Year Mom, Dad.  We love you.

Nhà tôi ngước nhìn tôi với đôi mắt rưng rưng. Tôi thấy trong đuôi mắt có một nụ cười. Tết năm nay vui hơn mọi năm. Tôi cũng mỉm cười bước đến bàn thờ chấp tay mà xá.

Giờ nầy bên kia bờ đại dương, anh em tôi ở Việt Nam cũng đang ăn Tết. Một khi hồn Tết đã mất rồi, dẫu hằng năm gió Chướng có về, chim Cu có gáy, những biểu tượng nầy cũng không mang đến cho họ cảm xúc gì, không như ngày xưa nó đã từng làm xao xuyến lòng tôi.

Những người Việt lưu vong đã bỏ lại tất cả để ra đi, nhưng may mắn thay đã mang theo với họ cái linh hồn Tết Việt Nam, đã nuôi dưỡng cho nó thăng hoa, để ngày nay “Tết” đã trở thành một biểu tượng văn hóa Việt Nam đối với người Việt hải ngoại. Trong khi đó ở Việt Nam những người Cộng Sản đang bàn cải ý định loại bỏ hẳn cái Tết Việt Nam, thay thế bằng Tết Tây!

Ngày xưa những kẻ vượt biên chấp nhận mất tất cả kể cã mạng sống của gia đình mình để đổi lấy tự do, với hy vọng nếu được sống sót họ còn cơ hội gầy dựng lại tất cả. Cái Tết truyền thống Việt Nam là một thí dụ điển hình. Nếu ở lại Việt Nam họ đã mất tất cã.

Chú Chín Cali




No comments:

Post a Comment