30/12/2016
Cái tít như trên thật là khó lọt tai những kẻ cầm chịch
trong đảng và nhà nước Việt Nam. Lọt tai sao được khi kẻ viết nhổ thẳng nước bọt
vào mặt mình?
Nhưng xin các bác/các chú hãy bình tĩnh. Hai câu hỏi
quan trọng sau đây cần thật tĩnh tâm nhắc nhau cùng suy gẫm xem: Có phải đất nước
hiện đang rơi xuống vực như một con thuyền thủng chìm dần xuống nước mà chưa
tính ra cách làm sao kéo lên nổi? Và một trong những lý do chủ chốt gây nên
tình trạng đó là vấn đề quy hoạch cán bộ của nhà nước và đảng? Hãy thử lật ngược
vấn đề lại: Nếu việc quy hoạch cán bộ lâu nay là đúng, không chọn nhầm phải những
tên lưu manh, chiếm đoạt hàng chục nghìn tỷ của dân, vẽ ra các dự án ngu xuẩn để
trục lợi, và làm cho mọi việc ngày càng rối như tơ vò, hẳn đến nay sau chiến
tranh đã hơn 40 năm, cả nước phải được vực dậy từ lâu chứ đâu có ngày một hỗn
loạn bê bối như nó đang “hiện tồn”.
Đi vào cụ thể, những vụ việc kinh tế lâu nay đã nghe
nhàm, xin đề cập một việc khác. Một vụ lũ lụt miền Trung chẳng hạn, làm chết đến
234 người dân vô tội, thế mà các quan chức chúng ta không người nào và không ở
đâu biểu lộ một mảy may xúc động, trong khi, đó chính là hậu quả kinh hoàng của
các con đập thủy điện cứ kế tiếp theo nhau mọc lên dọc theo giải đất vừa hẹp vừa
dốc của miền Trung từ bấy đến nay. Mà thủy điện là trách nhiệm của ai? Cứ dò thật
kỹ mà xem, có con đập nào không dính dáng đến tiển và lợi của một quan chức hay
một nhóm con cái sân sau quan chức nhà ta không nào. Câu trả lời thẳng thắn phải
là: không có vị quan hoặc cựu quan chức nào vô can ở đây cả. Vậy thì, cái chết
oan uổng của 234 nhân mạng ấy lẽ nào không làm cho những kẻ đã hưởng lợi trên
những con đập kia có chút động tâm? Họ đã mất hết phẩm chất người cần
có trong tim gan của họ. Thậm chí đến nhà nước mà cũng làm ngơ, không tổ chức
được một lễ mặc niệm chung, cũng tuyệt không một bài viết “quan phương” nào
trên các công báo gọi là bày tỏ sự chia sẻ của đảng và Chính phủ với nỗi đau của
dân chúng. 234 người, con số kinh khủng ấy dưới mắt cán bộ cầm quyền Việt Nam bỗng
trở thành nhỏ tí, bởi hàng ngày vẫn diễn ra như cơm bữa vô số cái chết vô cớ,
lãng nhách, chết tai nạn giao thông, chết hỏa hoạn, chết khi lội qua sông suối,
chết trong đồn công an, chết do đánh giết nhau giữa phố, chết vì bị cướp... đã
làm cho trái tim và khối óc người chức trách đâm ra chai lỳ mất rồi.
Vậy, nói rằng bộ máy cầm chịch hiện nay đã mất phản
xạ cần thiết trước mọi nỗi bất hạnh của nhân dân hỏi có đúng hay không đúng?
Nói rằng không phải tất cả nhưng có không ít quan chức Việt Nam đã trở thành những
kẻ vô cảm, không chỉ vô cảm mà còn kiếm chác nỗi đau của con người hỏi
có đúng hay không đúng?
Khó nghĩ quá, nhưng không gọi họ là lưu manh thì chẳng
còn biết gọi bằng gì.
Bauxite
Việt Nam
---------------------------------------------------------------
Việt
Nam: ‘Quy hoạch’ là sắp đặt lưu manh làm lãnh đạo
December 29, 2016
.
Võ Thanh Hà (phải)
cánh tay phải của Vũ Huy Hoàng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Sabeco và Vũ Quang Hải
(giữa), con trai Vũ Huy Hoàng, phó tổng giám đốc Sabeco. (Hình: Tuổi Trẻ)
.
VIỆT
NAM – Bộ Công thương Việt Nam vừa chính thức công
bố quyết định xử lý một số trường hợp được “quy hoạch” không đúng quy định và
loại bỏ hàng loạt lãnh đạo của bộ này trong tương lai.
“Quy hoạch” là cách chính quyền Việt Nam gọi việc sắp
đặt những cá nhân được lựa chọn từ trước, đưa những cá nhân này đi theo lộ
trình nhất định để tích lũy uy tín, kinh nghiệm, sau đó bổ nhiệm làm lãnh đạo hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương.
Trước nay, “quy hoạch” vẫn được xem là phương thức hợp
pháp hóa việc mua quan, bán chức, xây dựng, phát triển bè cánh. “Quy hoạch”
nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam không có chỗ cho hiền tài.
Quyết định vừa kể của Bộ Công thương Việt Nam là lần
đầu tiên xóa bỏ “quy hoạch” sắp đặt nhân sự chủ chốt của một bộ trong tương
lai. Lần đầu tiên yếu tố không đúng qui định được nêu ra khi bản chất lưu manh
của những cá nhân được “quy hoạch” làm lãnh đạo không thể giấu ai được nữa.
Theo quyết định thì các nhân vật như Trịnh Xuân
Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Xuân Hà đều đã được “quy hoạch” làm Thứ trưởng Bộ
Công thương, giai đoạn từ 2016 đến 2021. Cả ba đều liên quan đến hàng loạt
scandal.
Chẳng hạn Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản
trị của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Sau khi gây ra những thua
lỗ đáng ngờ khiến PVC mất 3,200 tỷ đồng, ông Thanh được rút khỏi PVC để về làm
Trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công thương ở miền Trung. Rồi từ miền Trung
quay về Hà Nội làm Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng của Bộ Công thương. Sau đó
được luân chuyển về Hậu Giang làm Phó chủ tịch tỉnh này và trở thành đại biểu
Quốc hội. Chuyện vỡ lở, ông Thanh biến mất trước khi dư luận đẩy công an Việt
Nam đến chỗ phải khởi tố nhân vật này vì có dấu hiệu tham nhũng.
Nhân vật thứ hai bị loại khỏi “quy hoạch” Thứ trưởng
Bộ Công thương là ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông
Sơn đang bị giam vì gây thiệt hại cho Ocean Bank 770 tỷ đồng khi làm Tổng giám
đốc Ocean Bank. Nếu không bị khởi tố vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi
thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái các quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, có thể giờ này ông Sơn
đang chỉ đạo hai ngành công nghiệp và thương mại của Việt Nam.
Nhân vật thứ ba bị loại khỏi “quy hoạch” Thứ trưởng
Bộ Công thương là ông Võ Thanh Hà. Ông Hà được xem là “cánh tay phải” của ông
Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương suốt hai nhiệm kỳ ông [Nguyễn Tấn] Dũng làm
Thủ tướng Việt Nam. Ông Hoàng vừa bị cảnh cáo trước toàn đảng, toàn dân vì hàng
loạt sai phạm liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự bất xứng, với những dấu
hiệu rất rõ ràng về việc cố tình phát triển bè cánh. Từ vị trí thư ký của ông
Hoàng, ông Hà trở thành Phó văn phòng rồi Chánh văn phòng Bộ Công thương, sau
đó được điều động về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco (Tổng công ty Bia-Rượu-Nước
giải khát Sài Gòn), nơi mà lương hợp pháp lên tới cả tỷ đồng/năm.
Quyết định xử lý một số trường hợp được “quy hoạch”
không đúng quy định của Bộ Công thương Việt Nam cũng đã hủy bỏ việc bổ nhiệm
hàng loạt cá nhân như Vũ Đình Duy làm Cục phó Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường
công nghiệp. Ông Duy từng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu
khí (PvTex). Sau khi PvTex ngốn hết 7,000 tỷ đồng nhưng không thể hoạt động. Giống
như ông Thanh, ông Duy đột nhiên biến mất trước khi bị điều tra.
Rút lại việc trao cho ông Vũ Quang Hải, con ông Vũ
Huy Hoàng hàm Vụ phó, thu hồi quyết định điều động ông Hải làm Phó tổng giám đốc
Sabeco kiêm Kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam.
Rút lại việc trao cho bà Vũ Thúy Huệ hàm Vụ phó, thu
hồi quyết định điều động bà Huệ làm đại diện Bộ Công thương ở Văn phòng Tổng cục
Năng lượng tại Sài Gòn. Bà Huệ được xem là người gài một doanh nhân toan tố cáo
tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nơi chồng bà làm Phó tổng giám đốc vào tù
vì “tống tiền”.
Cần lưu ý “quy hoạch” nhân sự của Bộ Công thương sẽ
không có giá trị nếu không có sự phê duyệt của các viên chức lãnh đạo Chính phủ
và lãnh đạo Đảng CSVN. Dẫu “quy hoạch” bị hủy bỏ vì những lý do vừa kể nhưng
không có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm vì phê duyệt quy hoạch này.
No comments:
Post a Comment