Saturday, December 3, 2016

TRUMP & CUỘC ĐIỆN THOẠI 40 NĂM MỚI CÓ MỘT LẦN (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
December 3, 2016

Nói thế nào cũng đúng. Giải thích thế nào cũng chẳng sai.

Bảo rằng ông Trump mới làm chuyện ngoạn mục khi nói chuyện qua  điện thoại với bà tổng thống Đài Loan cũng đúng, cho rằng chuyện ông vừa làm khiến mọi người giật mình cũng chẳng sai. Bảo rằng dường như ông Trump muốn thách thức Trung Quốc cũng đúng, cho rằng ông Trump chưa nhậm chức mà đã đẩy Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao tới chỗ phải chữa cháy cũng… đúng nốt.

Chuyện gây sôi nổi trong chính trường Hoa Kỳ bắt đầu từ trưa Thứ Sáu, mùng 2 tháng Mười Hai 2016, khi văn phòng Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đưa ra bản tin ngắn, cho hay bà Thái Anh Văn, Tổng Thống Đài Loan gọi điện thoại chúc mừng ông tỷ phú sắp sửa lãnh đạo nước Mỹ. Theo bản tin, ông Trump và bà Thái Anh Văn có nói tới quan hệ chặt chẽ giữa đôi bên “về kinh tế, chính trị và an ninh,” đồng thời Tổng Thống Tân Cử Trump còn ngỏ lời chúc mừng bà Tổng Thống Đài Loan, người mới đắc cử hồi đầu năm nay.

Từ Đài Bắc, thông cáo do Văn Phòng Tổng Thống Đài Loan đưa ra nói rõ hơn, cho thấy không chỉ gọi điện thoại chúc mừng vị tổng thống tân cử Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo Đài Loan còn muốn cuộc nói chuyện này sẽ mở đầu “cho mối quan hệ vững chắc hơn giữa đôi bên,” hy vọng Hoa Kỳ trong “sẽ tiếp tục giúp đỡ để Đài Loan có cơ hội tham gia và đóng góp” với cộng đồng thế giới, đồng thời tiết lộ hai nhà lãnh đạo cũng nói đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng “để người dân có thể hưởng đời sống tốt hơn và an ninh hơn.”

Chuyện lãnh đạo một nước bạn gọi điện thoại chúc mừng một vị tổng thống đắc cử là chuyện bình thường, nhưng ít nhiều, chuyện tổng thống đắc cử Hoa Kỳ nói chuyện với tổng thống Đài Loan là điều khiến mọi người ngạc nhiên, đồng thời gây tranh cãi. Lý do: năm 1979 Hoa Kỳ quyết định cắt quan hệ chính thức với Đài Bắc để công nhận Bắc Kinh, từ đó đến giờ chưa một vị tổng thống Mỹ hay tổng thống đắc cử Mỹ nào nói chuyện với người lãnh đạo Đài Loan.

Cũng cần nói rõ hành pháp Mỹ vẫn duy trì mối “quan hệ bán chính thức” với Đài Loan, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng thông qua đạo luật mang nội dung “có trách nhiệm” giúp Đài Loan bảo vệ an ninh quốc phòng, “nhưng đồng thời cũng có những quy định cả Đài Loan lẫn Hoa Kỳ đều ngầm hiểu phải tôn trọng,” theo một viên chức ngoại giao Mỹ từng làm việc tại Văn Phòng Đại Diện Hoa Kỳ ở Đài Bắc. Viên chức này trình bày rõ hơn: trong những quy định “ngầm hiểu” đó, “Hoa Kỳ đồng ý để máy bay của tổng thống Đài Loan quá cảng ở Mỹ nhưng không đáp ở Washington D.C., hai bên vẫn cử người mang chức đại sứ dù chỉ làm trưởng văn phòng đại diện trao đổi thương mại-văn hóa đặt ở thủ đô 2 phía, phòng thương mại-văn hóa này hoạt động với tính cách tư nhân chứ không phải chính thức,” và đương nhiên “cũng ngầm hiểu là có cả quy định lãnh đạo hai bên không nói chuyện trực tiếp với nhau” để cả hai phía “không phải đối phó với trở ngại ngoại giao với Trung Quốc.”

Nhưng tại sao chuyện tổng thống đắc cử Trump nói chuyện điện thoại với người lãnh đạo Đài Loan xảy ra?

Tin từ Washington D.C. và từ Đài Bắc cho biết cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 10 phút đồng hồ “chẳng phải là chuyện tình cờ” mà “được dàn xếp trước.” Tờ Taipei Times cũng như ông Alex Huang, phát ngôn viên của Tổng Thống Đài Bắc kể lại “chuyện được sắp xếp bởi một nhân viên đang làm việc với ông Trump có lòng ủng hộ Đài Loan,” được ông Trump đồng ý sau khi dàn cố vấn “trình bày cho ông biết về những vấn đề liên quan đến Đài Loan và tình hình eo biển Đài Loan” ám chỉ những căng thẳng đang xảy ra giữa hai chính phủ Bắc Kinh và Đài Bắc.

Tin từ Washington D.C. cho hay người khởi xướng ý kiến này là ông Ed Feulner, cựu chủ tịch Viện Nghiên Cứu Heritage Foundation của cánh bảo thủ Cộng Hòa, cũng là người cuối Tháng Tám vừa rồi nhận lời tham gia trong ban cố vấn chính trị cho ông Trump, lãnh trách nhiệm giúp ông Trump “sửa soạn những điều cần phải làm” nếu đắc cử. Cũng theo tin nghe được từ giới biết chuyện tại thủ đô Hoa Kỳ, ông Feulner là người nêu ý kiến “nhưng chuyện chỉ thành hình sau khi ông được sự ủng hộ của những nhân vật bảo thủ có chung lập trường đang làm việc chặt chẽ với ông Trump.”

Những nhân vật này là ai? Một người rất quen thuộc trong giới sinh hoạt chính trị tại Washington D.C. trả lời “gồm các ông Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, hai người mới được tổng thống tân cử Trump đề cử giữ chức tổng trưởng tài chánh và tổng trưởng thương mại là ông Steven Mnuchin và ông Wilbur Ross,” đều là những người hoặc ủng hộ Đài Loan, hoặc không ưa Trung Quốc. Nhân vật yêu cầu không nêu tên này cho biết thêm “ai ai cũng biết ông Fuelner và Đại Sứ Bolton là những người hết lòng ủng hộ Đài Loan, hai ông Steven Mnuchin là tác giả của kế hoạc phải đặt Trung Quốc trong danh sách những nước cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, ngay chính chuyện đánh mức thuế tới 35% các mặt hàng Trung Quốc đưa vào thị trường Hoa Kỳ cũng là ý kiến của hai ông này.”

“Nhưng đừng quên,” nhân vật này nói tiếp, “chính ông Trump cũng từng lên tiếng bênh vực Đài Loan, cho rằng chính phủ Obama sai lầm khi không hết lòng trợ giúp Đài Bắc,” điển hình hồi Tháng Mười 2011, ông Trump từng xem việc Tổng Thống Obama hoãn bán chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan “là một thắng lợi cho Trung Quốc,” chê bai ông Obama “đã gửi tín hiệu sai lầm, khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng Washington bao giờ cũng coi trọng Trung Quốc hơn Đài Loan.” Vì thế, nhân vật này nêu nhận xét, “có lẽ dàn tham mưu của ông Trump dùng Đài Loan để chơi đòn ‘nắn gân’ Trung Quốc, cảnh báo cho Trung Quốc biết chính phủ Trump sẽ thực hiện chính sách cứng rắn với họ hơn tất cả những chính phủ Dân Chủ cũng như Cộng Hòa trước đây.”

Dựa theo những lời tuyên bố ông Trump đưa ra trong thời gian vận động tranh cử và sau ngày đắc cử, phần lớn các nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ tin rằng chính sách của chính phủ Trump sẽ cứng rắn với Bắc Kinh “hơn chính sách mềm mỏng ngoại giao của chính phủ Obama,” nhưng chuyện vị tổng thống đắc cử cầm điện thoại nói chuyện với tổng thống Đài Loan khiến Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở trong thế khó xử.

Qua nhiều hình thức khác nhau, các viên chức ngoại giao Mỹ trách cứ ông Trump “không tham khảo ý kiến” trước khi nhấc máy trả lời bà Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cũng vội vã ra thông cáo với nội dung chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc không hề thay đổi, tức Washington D.C. chỉ công nhận có một nước Trung Hoa mà Bắc Kinh là đại diện chính thức, nhắc lại quan điểm của nước Mỹ là mong muốn thấy hòa bình, ổn định, trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

Phía Trung Quốc cũng tìm cách làm nhẹ vấn đề. Tại Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chuyện gọi điện thoại chúc mừng Tổng Thống Đắc Cử Trump “là trò vụn vặt” chính quyền Đài Bắc, tin tưởng chuyện này chẳng ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ-Trung, chẳng anh hưởng gì tới “chính sách chỉ có một nước Trung Hoa” mà Hoa Kỳ đã ký kết và thi hành trong gần nửa thế kỷ qua. Điều đáng chú ý: khi đưa ra phát biểu này, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị không nhắc tới ông Trump, trong khi tại Washington D.C., nhân viên Đại Sứ Quán Trung Quốc khéo léo bắn tiếng cho mọi người biết ông Trump nói chuyện qua điện thoại với bà Thái Anh Văn “vì gia đình Trump muốn mở rộng làm ăn ở Đài Loan, chứ không phải vì tân chính phủ Hoa Kỳ muốn thay đổi lập trường với Trung Quốc.”

Chính ông Trump cũng muốn làm nhẹ chuyện. Khuya Thứ Sáu, ông gửi tin nhắn cho mọi người để tỏ vẻ hối tiếc, viết rằng bà tổng thống Đài Loan gọi điện thoại cho tôi để chúc mừng tôi đắc cử,” trình bày thêm mặc dù ông nghĩ tới chuyện Hoa Kỳ có thể bán hàng tỷ bạc võ khí cho Đài Loan “nhưng đáng lẽ tôi không nên trả lời điện thoại cà bà ta.” Điều này trái ngược hẳn với những gì bà cố vấn Kellyann Conway của ông nói chỉ ít giờ trước đó, nhấn mạnh “Tổng thống đắc cử Trump biết rất rõ tình hình, biết rõ mọi chuyện, biết người ở đầu giây điện thoại bên kia muốn nói chuyện với ông là ai.”

------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :





No comments:

Post a Comment