Tạp ghi Huy Phương
December 18, 2016
.
Bùi Bảo Trúc tại tòa soạn Người Việt năm 2015.
(Hình: Huy Phương)
.
Người ta nói, người dậy sớm “có cả thế giới trong
tay,” thì tôi cũng xin nói thêm, “biết được tất cả mọi chuyện sớm hơn mọi người.”
Cũng vì cái tội dậy trễ, mãi đến 12 giờ trưa Thứ Bảy tôi mới được tin Bùi Bảo
Trúc qua đời qua điện thoại của Phan Dụy ở Houston, mà nguồn tin này lại phát
xuất từ gia đình Trần Duy Đức, một người ở không xa tôi đến mấy dặm đường.
Đây cũng là một tin khá đột ngột, vì mấy năm nay tôi
biết tin Bùi Bảo Trúc mổ tim rồi sau đó được một thời gian, bỗng yếu đi, bỏ rất
nhiều sinh hoạt đang thực hiện, qua làn sóng phát thanh thì lúc có lúc không.
Ngày trước lúc còn khỏe, chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở quán Song Long, rồi
Bùi Bảo Trúc bỏ thói quen ngồi quán. Sau này ông không còn đủ sức đến trụ sở của
Little Saigon Radio cũng là đài truyền hình Hồn Việt, mà chỉ còn nói chuyện từ
nhà với thính giả qua mục “Ngày Này Năm Xưa,” phát thanh mỗi ngày vào lúc 10
sáng, từ California.
Cách đây hai tuần, còn được gặp Bùi Bảo Trúc qua điện
thoại, gần đây có ngày mừng nghe tiếng ông trở lại trên đài phát thanh, ngày Thứ
Tư, texting với ông câu nhắn, không thấy hồi âm, thì đêm Thứ Sáu, ông đã ra đi.
Không ngờ! Hai tiếng “không ngờ” chúng ta vẫn thường dùng, vì chẳng bao giờ hiểu
nỗi sự sống sự chết, và biết được lúc nào chúng ta bỏ cuộc đời này ra đi.
Bùi Bảo Trúc ra đi, để lại trong lòng bạn bè, độc giả,
thính giả của ông nhiều thương tiếc. Thương là vì chúng ta đã mất đi một người
bạn thân tình, tiếc là tiếc cho một con người lịch lãm, tài hoa khó kiếm. Những
trang báo, những câu chuyện qua làn sóng phát thanh, những talk show, Bùi Bảo
Trúc đang thực hiện trên đài truyền hình, khi ông ra đi, có thể nói là không có
người thay thế. Bùi Bảo Trúc uyên bác hay Bùi Bảo Trúc có một trí nhớ tốt cũng
là một cách nói. Sách vở và giấy bút không thể nào giúp cho một người “host”
trong vòng nửa giờ trên đài phát thanh hay truyền hình làm việc trôi chảy, nếu
không có một trí nhớ tốt.
Có trí nhớ tốt chưa đủ, mà người dẫn chương trình dù
chúng ta thấy mặt hay chỉ nghe tiếng nói phải có cái duyên dẫn dắt câu chuyện.
Trong vòng nửa giờ, người nghe cảm thấy chưa hả dạ thì đã đến giờ tạm biệt, xin
hẹn gặp lại chương trình sau, và có cái gì đó để người nghe có thể mong đợi, đến
giờ này, ngày mai mở lại chương trình để đón nghe giọng nói thân quen của một
chương trình kế tiếp.
Bởi vậy, khi Bùi Bảo Trúc ra đi, chúng tôi thật sự mất
một người bạn quý, nhưng tôi hiểu sự mất mát lớn lao khó bù đắp của chương
trình “Ngày Này Năm Xưa” của Little Saigon Radio và “Chào Hoàng Hôn” của Hồn Việt
TV. Giọng nói và khuôn mặt của Bùi Bảo Trúc đã là một điều gì đó rất quen thuộc,
hẹn giờ, với tất cả khán, thính giả của các cơ quan truyền thông rất phổ cập
này.
Người ta dùng nhiều danh xưng để nói về Bùi Bảo
Trúc, nhà văn, ký mục gia, nhà báo, ký giả, có sự hiểu biết rộng rãi, hay một
MC lịch lãm, duyên đáng trên sân khấu. Ông cũng là giáo sư Anh Ngữ tại Hội Việt
Mỹ từ năm 1965 và London School ở Sài Gòn của ông Nguyễn Ngọc Linh, nhưng ít ai
gọi ông là giáo sư. Đối với ông hai tiếng gọi thân thiết “nhà báo” là đủ: “Nhà
báo Bảo Lâm.”
Bùi Bảo Trúc là một người sinh hoạt từ trong nước ra
đến ngoài nước, có dịp đi đây đó nhiều, được nhiều người biết và biết đến nhiều
người, nhưng không thể dùng tiếng “quảng giao” để nói đến ông, nếu hiểu theo
đúng nghĩa “quảng giao” là giao thiệp rộng rãi với nhiều người. Bùi Bảo Trúc có
nhiều bạn bè nhưng con số giao tiếp không nhiều, vì ông có một cá tính đặc biệt,
kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt. Đối với Bùi Bảo
Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã
giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì
nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác
ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.
Có lần, trong một tiệm ăn, một bác sĩ “dược thảo,”
chưa quen biết gì, đã bước đến bàn ăn của Bùi Bảo Trúc, ngỏ lời nhờ ông đứng ra
quảng cáo giúp cho thương vụ bán thuốc của mình, ông đã đáp lại rất nặng lời,
những lời mà tôi nghĩ không tiện ghi lại ở đây. Bùi Bảo Trúc là vậy!
Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối
viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc
lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,”
là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.
Bởi vậy, ông có nhiều người thương mà cũng không thiếu
người ghét, ngay cả khi ông mất, còn có người theo đuổi kê kích ông.
Trên đời, người đào hoa và hào hoa chưa hẳn là người
có hạnh phúc. Bùi Bảo Trúc không nằm trong những người có biệt lệ. Trong sinh
hoạt thường ngày, ông vẫn nhận mình là người “cơm hàng cháo chợ,” ăn uống thất
thường, không có người thân sống gần bên cạnh, có lẽ vì như vậy, mà lúc đã luống
tuổi, sức khỏe ông giảm sút rất nhanh.
Có những câu chuyện xảy ra trong đời, mà Bùi Bảo
Trúc cảm thấy ray rứt khôn nguôi, hối hận, xem đây như là những chuyện sai lầm
nhất của cuộc đời mình. Một người sống như thế làm sao có thể là một con người
hạnh phúc trên đời này được.
Trong những ngày cuối đời, thấy Bùi Bảo Trúc không
được vui. Một người thân thiết với ông, qua dòng nước mắt, đã nói với chúng tôi
rằng, Bùi Bảo Trúc thấy không còn tha thiết với cuộc sống này nữa. Vậy cuối
cùng, thì sự ra đi cũng là ý muốn của ông.
Bùi Bảo Trúc ơi! Mong ông đừng chấp trách, phiền lòng,
ông thích nói thật thì nhớ đến ông hôm nay, tôi cũng nói sự thật mọi điều.
Bùi Bảo Trúc đã không còn ở trên đời này nữa! Bùi Bảo
Trúc ra đi rồi thật sao!
Thất thập cổ lai hy! Mới bước qua ngưỡng cửa “thất
thập” chưa bao lâu mà ông đã bỏ anh em ra đi. Cái chết của Bùi Bảo Trúc không
phải là non yểu mà cũng là một cái chết sớm, vì ông còn những việc đang làm và
phải làm. Vẫn biết sống chết là lẽ vô thường, nhưng sao cái chết của ông làm
cho chúng tôi ngậm ngùi khôn xiết.
Chung quanh đây người ta đang rộn ràng chuẩn bị đón
Giáng Sinh và Năm Mới, mà Bùi Bảo Trúc lại vẫy tay từ biệt cuộc đời. Hình như đối
với những người luống tuổi, những ngày cuối năm không bao giờ là những ngày
vui. Rồi sẽ còn ai nữa, sắp bỏ “cuộc chơi?”
Sáng mai này, thức dậy, rất nhiều người theo thói
quen mở đài phát thanh hay đài truyền hình, sẽ nhớ nhiều đến ông.
Thôi, “Bạn Ta!” Xin đừng nói lời vĩnh biệt!
Người xưa nói, cái chết như trở về đi trên con đường
làng xưa! Ông đã được trở về, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về thôi!
------------------------------
.
.
Tính
tới nay, bốn mươi năm đã qua. Gần một nửa thế kỷ, thời gian đủ dài để nhìn lại
những sai sót, những lầm lẫn, những chuyện không hay đã xẩy ra để tránh
lập lại, và ít nhất là nhận lỗi, để đưa ra một lời xin lỗi. Mặc dù lời xin lỗi
đó có muộn màng, có quá muộn màng đi chăng nữa. Tôi rất thích cách nói này của
tiếng Anh: tôi nợ anh một lời xin lỗi, I owe you an apology. Khi
mắc hay thiếu nợ thì phải trả, không có chuyện bỏ qua được.
Ngay sau khi những chiếc T-54 chạy vào thành phố Sài
Gòn, ủi sập một cánh cổng và cầy nát thảm cỏ của dinh Độc Lập (một cách không cần
thiết), thì cái việc không hay đó cũng bắt đầu.
Trong cuốn Giải Phóng (1976) của
Tiziano Terzani, một nhà báo người Ý, viết về ngày 30 tháng Tư năm 1975, có một
bức ảnh đen trắng chụp một nữ du kích đứng tại góc đường Tự Do và Lê Lợi, có thể
là trong ngày đầu tiên khi quân đội miền Bắc tiến vào kiểm soát thủ đô miền Nam.
Người nữ du kích mặc quần áo đen, khăn rằn, mặt mũi vẩu viu, vẫn chưa hoàn hồn,
vẻ kinh ngạc còn nguyên trong ánh mắt. Cảnh Sài Gòn đã tạo ra nét hoảng hốt đó.
Người Sài Gòn sau những kinh hoàng đầu tiên, đã kéo
nhau ra đường tung hô những thay đổi, ngây thơ tưởng như làm như thế, họ sẽ được
những bánh sắt xe tăng đối xử tử tế, nhẹ nhàng hơn. Những hình ảnh chụp cảnh đốt
sách báo ở ngoài đường, hay cảnh tham dự cuộc diễn hành của quân “giải phóng”
người ta thấy nhiều phụ nữ mặc những chiếc áo dài đẹp để mừng “đoàn quân chiến
thắng”.
Nhưng chỉ vài ba ngày sau đó, cái ngây thơ đó đã bị
dội cho những chậu nước lạnh buốt và tàn nhẫn. Nói là tàn nhẫn thì cũng vẫn còn
là nhẹ. Phe chiến thắng quay lại đưa ra những đối xử tàn bạo ngay sau đó. Những
kiểu ăn mặc của người Sài Gòn bị chiếu cố lập tức. Ở đầu đường, góc phố, các
thanh niên bị chặn lại, những mái tóc bị những nhát kéo nham nhở làm cho ngắn
đi, những chiếc quần ống hơi chật bị cắt cho rộng ra để có thể lọt một cái
chai. Thời trang cách mạng, bưng biền không chấp nhận kiểu ăn mặc như thế. Những
chiếc quần jeans biến mất vào trong những góc tủ quần áo hay chạy ra chợ trời
cùng với những kiểu quần áo “đồi trụy” tàn dư của Mỹ Ngụy phản động.
Về phía phụ nữ thì những chiếc áo dài cũng ngừng xuất
hiện. Những chiếc không hoa lá, mầu mè sặc sỡ thì với mấy nhát kéo để làm cho mất
đi những nét thời trang bay bướm của những ngày trước khi bưng biền tiến vào.
Hai chục năm Hà Nội nhem nhuốc áo cánh, quần vải thô không thể chốc lát điều chỉnh
để có lại được cảm quan nghệ thuật trong lãnh vực ăn mặc. Cách ăn mặc của phụ nữ
Sài Gòn chắc chắn làm cho những người như cô nữ du kích vừa từ bưng vào thành
phố không vui.
Thế nên phải dẹp cái thứ thời trang không thích hợp
với lối ăn mặc của cách mạng. Kiểu ăn mặc đó là kiểu đồi trụy. Cái đẹp cách mạng
không có lối ăn mặc như thế.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những chiếc áo dài
mini của tuổi trẻ Sài Gòn, những kiểu áo đẹp thầm kín chững chạc hơn, vai
raglan, không eo cũng biến mất…
Sài
Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh
tay tà áo sát vòng eo…
Guốc
cao gót nhỏ mây vào gót
Áo
lụa trăng mềm bay xuống thơ…
(Nguyên Sa)
Nhưng rồi cũng không lâu sau đó, những chiếc áo dài
đồi trụy thấy dần dần xuất hiện trở lại. Chúng được mua ở chợ trời của những
người chủ của chúng để giải quyết những cơn túng quẫn của trận phá sản kinh tế
diễn ra ở miền Nam. Những chiếc áo ấy được đem ra Bắc, được đem ướm vào những
hính hài thô kệch, và bỗng biến những nét thô kệch ấy giảm đi ít nhiều. Những
chiếc áo đó được đem ra mặc, và từ từ xuất hiện nhiều hơn khi người ta thấy
chúng giúp làm bớt đi những nét quê kệch của người mặc. Chúng được dùng làm kiểu
mẫu để đo may và cắt những chiếc áo mới.
Những chiếc áo dài từ đó dần dần không còn bị coi là
đồi trụy nữa. Cán bộ nhà nước quay sang mặc chúng trong các dịp lễ lạc, tiếp
tân và vợ của các lãnh tụ cũng diện chúng trong những chuyến xuất ngoại với chồng.
Hết vợ Trương Tấn Sang lại đến vợ Ba Ếch… mụ nào cũng lôi những chiếc áo may
theo kiểu áo dài của thời đồi trụy Mỹ Ngụy, nhưng không thấy một con khỉ đột
nào đòi cắt hai vạt trước sau như hồi năm 1975 nữa. Những cuộc trình diễn thời
trang ở trong nước cũng đem trình diễn toàn những chiếc áo dài từng có lúc bị
coi là đồi trụy và thiếu cách mạng tính, không tượng trưng cho nét đẹp bưng biền,
giải phóng…
Bọn ngợm từng xúc phạm, mạ lị, bôi bẩn những chiếc
áo dài phải xin lỗi những chiếc áo dài mới phải.
Nhưng có lẽ cũng chẳng cần tới lời xin lỗi của một bọn
quen trò nhổ rồi lại liếm nữa. Cứ lôi những chiếc áo dài đồi trụy ra mặc cũng
đã là tự chúng nó chửi cha chúng nó lên rồi.
Những chiếc áo dài đều biết điều đó!
Bùi
Bảo Trúc
------------------------------------
Diễn Đàn Thế Kỷ - Chủ Nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2016
BBC Tiếng Việt -
19 tháng 12 2016
20/12/2016
17/12/2016
17/12/2016
Nguoi Viet Online - December
18, 2016
9-8-2015
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2016
Du
Tử Lê - 19 Tháng Mười Hai 2016
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2016
Các
bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Phuong Chi - Published
on Mar 9, 2013
No comments:
Post a Comment