Thursday, December 15, 2016

SYRIA : ALEPPO THẤT THỦ, NGA THẮNG LỚN, MỸ & ÂU CHÂU BẤT LỰC (tin tổng hợp)




Đăng ngày 15-12-2016 

Mới cách đây không lâu, phiến quân Syria còn mơ đến ngày lật đổ được chế độ Bashar al-Assad và nắm quyền kiểm soát toàn thể đất nước. Thế nhưng hiện nay, giấc mơ này đang tan thành mây khói, và theo giới phân tích, được hãng tin Pháp AFP ngày 14/12/2016 tham khảo, sự kiện họ bị đuổi khỏi Aleppo sẽ đánh dấu ngày tàn của phong trào nổi dậy.

Chuyên gia Sam Heller thuộc cơ quan nghiên cứu Mỹ Century Foundation đã tóm gọn suy nghĩ trên khi nhấn mạnh rằng do việc Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria, mang giá trị biểu tượng rất cao đối với phong trào nổi dậy thuộc phe đối lập, thất bại của họ tại nơi này sẽ trở thành hồi chuông báo tử, cho dù ngoài Aleppo, lực lượng nổi dạy vẫn còn kiểm soát một số vùng, đặc biệt là gần như toàn bộ tỉnh Idleb ở miền đông bắc.

Trả lời AFP, ông Heller dự đoán là việc để mất Aleppo « có ý nghĩa là phong trào đối lập không còn là một lực lượng có khả năng thách thức chính quyền Damas và giành quyền kiểm soát trên cả nước ».

Hơn một năm sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Syria, nối tiếp theo phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập tại các nước lân cận, và bị chế độ Bachar al-Assad đàn áp đẫm máu, vào tháng Bảy năm 2012, phong trào nổi dậy Syria đã mở cuộc tấn công vào Aleppo, giành được quyền kiểm soát một phần của thành phố, biến nơi đó thành cứ địa của mình.

Vào khi ấy, phong trào đối lập Syria như diều gặp gió, lại được sự hỗ trợ của một số cường quốc phương Tây, các nước vùng Vịnh, và Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên đã tin rằng họ có thể lật đổ chế độ al Assad, và không ngần ngại tuyên cáo với thế giới rằng họ là « đại diện hợp pháp » của người dân Syria.

Thế nhưng, trong những tháng gần đây, đặc biệt là kể từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng năm 2015, phiến quân Syria đã bị một loạt thất bại trên chiến trường, mà gần đây nhất là tại Aleppo, nơi mà họ đang bị trực xuất hoàn toàn.

Đối với chuyên gia Yezid Sayigh, một trong những nhà nghiên cứu chính của Trung Tâm Carnegie về Trung Đông, thì tình hình đã chuyển biến đến mức « vượt qua điểm mà phe đối lập có thể xoay chuyển cục diện ». Theo nhà phân tích này, phong trào nổi dậy « không còn đủ số chiến binh cần thiết, cũng như không gian địa lý để mở lại một cuộc phản công lớn ».

Các nhà quan sát cho rằng, sau Aleppo, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy sẽ là tỉnh Idleb. Có điều là nơi này lại nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh trước đây của Al Qaeda của Syria. Sự hiện diện của thành phần Hồi Giáo cực đoan và lực lượng thánh chiến tại Idled rõ ràng là cản lực đối với các nước phương Tây vẫn muốn giúp đỡ phong trào nổi dậy.

Theo chuyên gia Aron Lund, thuộc Century Foundation, « Một khi bị đánh giá là không thể cứu chữa, phong trào nổi dậy sẽ không còn nhận được một cách vô thời hạn và dồi dào chi viện từ nước ngoài ».Phiến quân hiện cũng còn có mặt ở tỉnh Deraa ở miền Nam và trong khu vực Ghouta, ngoại ô xung quanh Damas. Tuy nhiên, tại cả hai nơi này, họ cũng đều phải lùi bước trước đà tiến của quân chính phủ.

Tóm lại, với sự kiện các vùng lãnh thổ họ kiểm soát ngày càng teo tóp, phe đối lập chính trị ở Syria sẽ ngày càng yếu thế, và ảnh hưởng của họ đang trở thành con số không.

---------------------

Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 14-12-2016

Hồ sơ chính của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là sự kiện Aleppo, thành trì của quân nổi dậy Syria từ năm 2012 coi như đã thất thủ rơi vào tay quân chính phủ. Vụ việc được hầu hết các báo ghi nhận như là sự bất lực của phương Tây và cộng đồng quốc tế trên tất cả các mặt trận, chính trị, quân sự, ngoại giao và cả nhân đạo.

Như vậy là sau một tháng liên tục hứng chịu làn mưa bom bão đạn của quân chính phủ Bachar al-Assad dưới sự yểm trợ từ các lực lượng đồng minh của Damas, đặc biệt là của không quân Nga, phần lãnh địa nhỏ bé còn lại của lực lượng nổi dậy ở Aleppo đang rơi vào tay của quân Bachar al-Assad.

Bắt đầu với nhật báo Libération. Trang nhất tờ báo để trắng gợi cảm giác như một tấm bia mộ với duy nhất hàng tựa : « Nơi đây mồ chôn Aleppo », bên các trang trong tờ báo minh họa nhiều tấm ảnh lớn ghi lại cảnh thành phố, từng một thời là thủ phủ kinh tế sầm uất của Syria nay chỉ là một đống đổ nát mênh mông.

Xã luận của Libération lấy tiêu đề « Nỗi ô nhục». Theo tờ báo, ô nhục ở chỗ cộng đồng quốc tế đã bất lực chứng kiến trực tiếp, nỗi thống khổ của thường dân Aleppo, bị kẹt giữa cơn mưa bom đạn băm nát thành phố, một bên là quân đội al-Assad cùng các đồng minh của họ và một bên là của quân nổi dậy.

Trong khi đó trang nhất của Le Figaro chạy tựa : « Putin và Assad chiến thắng trên đống đổ nát Aleppo ». Le Monde cũng có chung nhận định trên với bài viết « Putin, người thắng trận lớn ». Tờ báo nhấn mạnh « sự né tránh của người Mỹ và các nước châu Âu đã giúp Nga làm chủ cuộc chơi » ở Syria.

Le Monde khẳng định, « việc chế độ Damas chiếm lại thủ phủ kinh tế này là bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria và cũng là một thất bại của các nước phương Tây. Hậu quả của nó có thể sẽ rất nặng nề, trước tiên là cho các nước châu Âu ».Trong những tuần tới đây sẽ lại có làn sóng ồ ạt người tị nạn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và điểm đến cuối cùng vẫn sẽ là các nước châu Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là « Washington cũng như các cường quốc phương Tây khác trong gần 5 năm qua ra sức ủng hộ cuộc nổi dậy dân chủ, với thất bại này uy tín chiến lược của họ bị đảo lộn ».

Le Monde cay đắng nhận thấy : « Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chưa bao giờ Mỹ và các nước châu Âu lại tỏ ra bất lực trước Matxcơva như bây giờ ». Nhật báo chỉ rõ nguyên nhân « chính những thái độ né tránh của các nước phương Tây lặp đi lặp lại nhiều lần đã cho phép Kremlin trở thành người chủ ván cờ tại Syria từ khi Nga bắt đầu can thiệp ủng hộ chế độ Assad hồi tháng 9/2015 ». Đến giờ phương Tây mới thấy tuyệt vọng.

Tờ báo trích dẫn ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Đối ngoại Pháp nhận định : «Vladimir Putin hiểu rõ sự lựa chọn thoái lui của Washington và thiếu quyết tâm của các nước châu Âu … và sẽ là ảo tưởng khi tin rằng ta có thể ngăn những gì người Nga làm tại Syria trước khi chính quyền mới ở Mỹ đi vào hoạt động ».

Vẫn theo Le Monde, thì đây là một bài học cho Washington cũng như Paris và Luân Đôn. Matxcơva từ một năm nay đã làm tất cả để cứu chế độ Damas, đó là điều mà các nước phương Tây đã không làm được đối với phe đối lập ở Syria.

Nga không chỉ huy động không quân mà còn triển khai hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400 để khóa chặt bầu trời Syria. Rõ ràng như vậy thì mục tiêu không còn chỉ là cuộc chiến chống khủng bố. Cách can thiệp của Nga đã giúp họ làm chủ hoàn toàn cuộc chơi, chặn mọi khả năng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.

Le Monde khẳng định, điều không thể chối cãi là « Vladimir Putin là người thắng lớn của trận chiến Aleppo. Về mặt quân sự, quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng tác chiến ở xa trong chiến dịch đầu tiên ngoài không gian Xô Viết cũ. Về ngoại giao, đó cũng là thành công. Cuộc khủng hoảng Syria đã đưa Matxcơva trở lại thành người đối thoại ưu tiên, thậm chí đặc biệt của Washington, giống như thời chiến tranh lạnh ».

Le Monde khẳng định chiếm lại Aleppo chưa phải là chiến tranh kết thúc hay tình hình Syria đã ổn định. Nhưng giờ đây Nga có thể áp đặt những điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Genève. Và ông chủ điện Kremlin đang gặp thiên thời địa lợi nhân hòa, khi mà tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump không giấu thiện chí tái lập mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin ngay sau khi nhậm chức.

Bachar al-Assad củng cố vị thế trở lại
Thế thượng phong của Nga ở chiến trường Syria còn là một đòn bẩy cho sự tồn vong của chính quyền Bachar al-Assad. Le Figaro nhận định, với chiến thắng Aleppo : Bachar al Assad trở thành trung tâm của ván cờ Syria.

Tờ báo nhận định : « gần sáu năm sau khi cuộc chiến bùng phát, việc Aleppo thất thủ đã cụ thể hóa sự trở lại của Bachar al-Assad trên chính trường quốc tế. Giành chiến thắng Aleppo, tổng thống Syria đã phá tan viễn cảnh thay đổi chính quyền. Chủ trương, « thay đổi chế độ » mà các nước phương Tây mong đợi đã không xảy ra được ở Syria. Aleppo thất thủ có thể sẽ báo trước sự biến mất vĩnh viễn của lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria vì khả năng hành động và quân số của họ đang ở mức thấp nhất. Nhiều người trên thế giới sẽ tìm thấy ở đây một lập luận mới bảo vệ cho việc tổng thống Syria ở lại ».

Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Bachar al Assad sẽ còn nắm giữ quyền lực lâu dài ở Syria, cho dù đó là một đất nước hoang tàn đổ nát, nhưng ông ta vẫn là người trị vì.

------------------------------

December 13, 2016
.
Cuộc chiến ở Allepo giữa các phe phái đến hồi kết thúc nhưng đã khiến hàng ngàn người dân Syria thiệt mạng và thế giới đang lên án cũng như kêu gọi các bên bảo vệ người dân vô tội, cư dân Syria chạy trốn bạo lực trong khu Bustan al-Qasr bất ổn, đến ở khu phố Fardos Aleppo vào ngày 13 tháng 12 năm 2016, sau khi quân đội chế độ tái chiếm khu vực này.

Việc quân đội Syria giành được nhiều khu vực ở Aleppo đặt phiến quân vào thế thất bại. Phiến quân bị mất hơn 90% lãnh thổ mà họ từng kiểm soát ở đông Aleppo từ khi quân chính phủ đẩy mạnh tấn công để giành toàn quyền kiểm soát thành phố cách đây một tháng. Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã nhận được các báo cáo về việc các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Syria đã giết chết ít nhất 82 thường dân ở bốn khu vực khác nhau trong thành phố Aleppo.

Hôm thứ Ba, Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ cảnh báo có hàng ngàn người dân ở miền đông Aleppo “không có nơi an toàn” và kêu gọi những người tham gia chiến đấu bảo vệ dân chúng. Lời kêu gọi được đưa ra khi các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad gia tăng cuộc hành quân tái chiếm những quận do phiến quân kiểm soát còn lại ở miền đông Aleppo.

Nhiều người dân đang chạy trốn, một số khác đi theo các chiến binh của phe nổi dậy vào các quận mà họ vẫn còn chiếm giữ, nhưng hầu hết dân chúng tiến đến vùng do chính phủ kiểm soát ở phía tây Aleppo. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 13.346 thường dân đã rời khỏi các quận do phe nổi dậy kiểm soát trong 24 giờ qua.

Theo tổ chức quan sát Nhân quyền Syria, có trụ sở ở Anh, trong tháng qua có ít nhất 415 thường dân, bao gồm 47 trẻ em, đã bị giết chết trong khu vực do phiến quân chiếm giữ, và hàng trăm người khác bị thương.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng cảnh báo về “những tội ác chống lại nhiều thường dân” tại thành phố Aleppo, Syria. Ông kêu gọi tất cả các bên, nhất là chính phủ Syria và các đồng minh, có biện pháp bảo vệ dân thường.

Cố vấn nhân đạo Liên Hiệp Quốc Jan Egeland trước đó nói rằng Syria và Nga “phải chịu trách nhiệm” trước bất kỳ hành động tàn bạo nào do dân quân ủng hộ chính phủ gây ra.

Một quan chức Mỹ am tường về tình hình Aleppo cho biết “khoảng 50,000 người vẫn đang sống dưới bom đạn” ở Aleppo trong lúc Nga bác đề xuất ngừng dội bom để tạo điều kiện cho người dân và những trẻ em bị thương sơ tán. (Hình ảnh : Getty Images 




No comments:

Post a Comment