Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 25-12-2016
Nước
Nga của ông Putin đang nổi lên như một cường quốc có khả năng can thiệp giải
quyết các chuyện lớn của thế giới. Tuần báo L’Obs có bài phỏng vấn chuyên gia địa
chính trị François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, trụ sở tại
Luân Đôn, xung quanh hiện tượng mới nổi lên được gọi là « Putin hoá » thế giới.
Theo chuyên gia François Heisbourg, « với việc
Aleppo thất thủ và sự can thiệp của Kremlin vào bầu cử Mỹ, giờ đây nước Nga
đang áp đặt quy tắc của mình lên trường quốc tế, thêm vào đó là phong trào dân
tuý thân Nga ở châu Âu đang lên cao. Những hiện tượng đó khiến người ta cảm thấy
một hình thái « Putin hoá đang tiến bước ». Theo ông, tổng thống Nga Putin đã
biết dùng chiến tranh như là một công cụ hiệu quả để đạt được mục đích chính trị.
Vậy ông Vladimir Putin đã thành công như thế nào
trong chiến lược của mình ?
Chuyên gia Heisbourg nhắc lại, hồi tháng Hai năm
2007, trong hội nghị an ninh tại Munich, Putin đã lớn tiếng tuyên bố rằng nước
Nga đang trở lại và thế giới cần phải tính đến nước Nga. Khi đó không mấy ai
tin lời ông. Tuy nhiên trong vòng 10 năm sau, « ông Putin đã biết biến Nhà Nước
Nga thành một Nhà Nước chiến lược linh hoạt, có khả năng đưa ra các quyết định
mạnh mẽ và thực thi nhanh chóng các quyết định đó ».
Việc sáp nhập Crimée là một thí dụ điển hình. Chỉ
vài giờ sau khi người đồng minh là tổng thống Ukraina, Ianoukovitch bị lật đổ,
Putin đã kín đáo triển khai hàng nghìn lính giấu mặt để chuẩn bị sáp nhập bán đảo
này với một tốc độ kinh ngạc. Ông Heisbourg nhận định : « Chính sự lanh lẹ đó
cho phép Nga, một nước có GDP không bằng Tây Ban Nha, trở lại trung tâm bàn cờ
thế giới ».
Vẫn theo chuyên gia François Heisbourg, trong các
quan hệ quốc tế, nước Nga của ông Putin giờ phủ nhận hoàn toàn khái niệm tính
quốc tế, trong khi mà các nước châu Âu vẫn tiếp tục tin vào sức mạnh của luật
pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Ông Heisbourg khẳng định, với trào lưu «
Putin hoá » đang lên mạnh, chắc chắn thế giới sẽ phải thích nghi với hoàn cảnh
mới đó.
Có điều là hiện tượng Putin hóa này đang mở rộng ra
như là một hình thức lãnh đạo đặc biệt. Chuyên gia Heisbourg gọi đó là « tính độc
đoán chuyên quyền mới ». Theo ông đó điều có thể thấy ở các mô hình chính phủ
như ở Hungari với tổng thống Orban, ở Ba Lan hay ở Thổ Nhĩ Kỳ.
« Chuyên quyền » là bởi vì ở đó Quốc Hội đang dần trở
thành một phòng đăng ký các quyết định của một lãnh đạo, quyền lực tập trung
vào một người hay một nhóm người trung thành, và mọi ý kiến quan trọng không phải
được đưa ra từ thượng tầng Nhà nước.
Chuyên gia Heisbourg kết luận : « Trong sự chuyển động
của thế giới hiện nay, Putin đang tạo cảm giác là người làm chủ được số phận đất
nước mình, vì thế ông ta trở thành hình mẫu rất lôi cuốn, thậm chí rất phổ biến
».
*
2016
: Một năm lịch sử
Các tuần báo Pháp trong số cuối cùng của năm chủ yếu
giành để nhìn lại những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong năm. Tuần san Le
Point đánh giá : « 2016, một năm lịch sử ».
Xã luận của Le Point nhận xét : « Lịch sử không tịnh
tiến theo đường thẳng mà nó giậm chân tại chỗ, rồi bất ngờ tăng tốc…. Nếu như
năm 1989, lịch sử đã chứng kiến bức tường Berlin sụp đồ để khép lại thế kỷ 20 bằng
thất bại cuối cùng của chủ nghĩa toàn trị trước dân chủ, thì 2016 là năm xác định
lại những đường nét của thế kỷ 21 ».
Tóm tắt những diễn biến nổi bật trên thế giới trong
năm, Le Point ghi nhận 2016 là năm mà : « Trung Quốc của Tập Cận Bình bước vào
vị thế cường quốc toàn cầu, trong lúc mà Hoa Kỳ đẩy nhanh tốc độ thu mình ; nước
Nga của Vladimir Putin đã chiến lĩnh lại trung tâm của cuộc cờ ngoại giao với
châu Âu. Thanh thế của Nga còn được củng cố thêm bằng các nhân vật thân Nga thắng
cử ở Bulgari, Moldavia ».
Le Point cũng ghi nhận thêm ở khu vực Trung Đông, Thổ
Nhĩ Kỳ của ông Recep Tayyip Erdogan cũng đang xích lại gần với Nga để xếp
phương Tây như là một đối thủ chính của họ.
Xã luận của Le Point kết luận : Phương Tây đang
không chỉ mất độc quyền của chủ nghĩa tư bản và lịch sử mà còn bị mất đi ý
nghĩa những giá trị của họ ».
*
Cách
mạng Nga 1917, cuộc cách mạng bị Putin lãng quên
Trở lại với tuần báo L’Obs. Hồ sơ chính của số báo
ra tuần này là nhìn lại cuộc cách mạng Nga năm 1917, mà l’Obs gọi là năm đã làm
đảo lộn tất cả. Năm 2017 sẽ đánh dấu 100 năm cuộc cách mạng vô sản Nga, đó cũng
là điểm khở đầu cho những biến động lịch sử của thế giới trong thế kỷ 20.
Trong hồ sơ dày về sự kiện lịch sử đó, Le Point ghi
nhận, nếu như tổng thống Vladimir Putin vẫn ca ngợi Staline như là một anh hùng
ái quốc thì nhân vật số 1 của Nga hiện nay lại cố gắng lờ đi dịp kỷ niệm 100
năm cuộc cách mạng 1917. Theo Le Point : « Với Putin đó là một cuộc cách mạng bị
lãng quên », tựa của bài báo.
Theo giới thạo tin tại Matxcơva, điện Kremlin đã lưỡng
lự rất nhiều về vấn đề kỷ niệm 100 năm cách mạng 1917, nhưng cuối cùng đã đi đến
quyết định : Sẽ không có nghi lễ chính thức, không có diễu binh hoành tráng hay
bắn pháo hoa như lễ mừng chiến thắng chủ nghĩa phát-xít. Cả tổng thống Putin
cũng như thủ tướng Medvedev sẽ không có diễn văn nào về sự kiện. Không một ngân
sách nào của quốc gia dự chi cho sự kiện. Ngoại trừ chỉ có Hội Sử Học Nga kết hợp
với sự chỉ đạo của Kremlin tổ chức cuộc hội thảo về chủ đề này.
*
Amazon,
người khổng lồ đáng sợ
Chuyển qua chuyện làm ăn kinh tế. L’Obs có bài « mặt
sau của Amazon ». Theo tờ báo, tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện
tử toàn cầu do Jeff Bezos sáng lập đang không chỉ gây lo sợ nơi các tập đoàn
thương mại lớn như Carrefour hay Walmart, mà cả những đại công ty như
Microsoft, Netflix hay FedEx cũng đang run sợ trước sự bành trướng của Amazon.
Lý do là vì nhà bán hàng trên mạng này đang sử dụng
những công nghệ tiên tiến nhất nhằm phục vụ cuộc chính phục trọn vẹn « hành
tinh bán lẻ ».
Để chứng minh cho sức mạnh của người khổng lồ trong
lĩnh vực phân phối hàng hoá Amazon, bài viết mở đầu bằng một giai thoại : « gần
đây trong một lần ghé thăm Silicon Valley, một ông chủ lớn của Pháp có hỏi ông
chủ tịch tổng giám đốc Microsoft một câu : « Ai là đối thủ cạnh tranh đáng sợ
nhất của ông ? ». Vị khách người Pháp đồ rằng câu trả lời sẽ là những cái tến
như Google, Apple hay IBM… Nhưng ông đã lầm.
Kỳ phùng địch thủ của người khổng lồ tin học lúc này
lại là công ty bán lẻ Amazon, đóng trụ sở chính tại Seatle. « Siêu thị toàn cầu
» đó là nơi 304 triệu khách hàng lui tới thường xuyên mua sắm 200 triệu sản phẩm
mỗi năm. Theo Le Point, đó mới chỉ là phần nhìn thấy ngay của « cỗ máy bán hàng
» đáng sợ, nằm dưới sự điều khiển của Jeff Bezos từ năm 1994.
Không phải là nhà sáng tạo như Apple, nhưng bằng
khoa học quản lý dữ liệu và nghệ thuật hậu cần cũng như chăm sóc khách hàng mà
Amazon đã phát minh ra các hoạt động mới để có được mức tăng trưởng hàng năm
20%.
Giờ đây khách hàng trên khắp thế giới không chỉ mua
sắm quà Noel qua mạng của Amazon mà còn có thế xem phim, nghe nhạc, đọc sách, cất
giữ dữ liệu …. Tất cả đều có thể trên Amazon.
Theo tuần báo L’Obs, Amazon đang lấn dần lãnh địa
internet bằng vô số ứng dụng. Không những thế, lo xa trước việc các hãng vận tải
như FedEx, UPS hay dịch vụ bưu điện truyền thống, không đáp ứng được nhu cầu vận
chuyển hàng hoá ngày càng lớn của mình, Amazon tự trang bị thêm đội bay bằng
các máy bay vận tải lớn Boeing 767, đội xe tải riêng. Gần đây hãng đang thử
nghiệm dùng tàu lượn không người lái để giao hàng.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và đang bị tố cáo
không lành mạnh này, Amazon đã bóp chết hoặc thôn tính rất nhiều doanh nghiệp .
Tuần báo L’Obs cho biết thêm, khi đang vận động
tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần tố Jeff Bezos không trả đủ
thuế, vi phạm luật chống độc quyền. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu ông Trump có dám
gây chuyện với ông chủ của tờ báo nổi tiếng « Washington Post » đồng thời cón
là chủ tịch tập đoàn vừa giành từ tay IBM hợp đồng 600 triệu đô la để được quyền
quản lý giữ liệu của CIA trong vòng 4 năm tới ?
Câu trả lời của tờ báo là "Không !". Người
duy nhất, một ngày nào đó, có thể khiến Amazon phải run sợ, có lẽ đó là đối thủ
Trung Quốc Alibaba của Mã Vân (Jack Ma).
No comments:
Post a Comment