Wednesday, December 14, 2016

HÀNG TẾT TRUNG QUỐC ĐỔ BỘ SANG VIỆT NAM (Nhóm Phóng Viên RFA)




Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-12-14

Trong lúc người dân miền Trung đang còng lưng chống chọi với lũ lụt, nhà cửa hư hại, ruộng vườn tan nát và tài sản tiêu tán, thậm chí mạng người cũng mất…thì ở phía Bắc Việt Nam, hàng Tết từ Trung Quốc đã đổ bộ sang Việt Nam suốt hơn một tháng nay. Có thể nói rằng đây là mối nguy rất lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân miền Trung nói riêng!

Đủ các loại hàng Trung Quốc

Một người chuyên đi hàng từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, tên Vinh, chia sẻ: “Nói chung là bao nhiêu năm nay, từ ngày xưa rồi, Việt Nam mình tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều mà. Nhiều, hàng gì cũng có, từ hàng điện tử, tiêu dùng, may mặt và có thể cả thực phẩm nữa vì nó xuất sang Lạng Sơn nhiều mà…”

Ông Vinh cho biết thêm là dự tính của hầu hết các nhà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, Tết này sẽ chọn thị trường miền Trung làm chủ lực. Bởi với nhiều trận lụt đi qua, ruộng vườn, nhà cửa tan nát như đã thấy, người miền Trung sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính, thu nhập không có. Trong trường hợp này, hàng giá rẻ, hàng có mẫu mã tương đương của Trung Quốc sẽ là mặt hàng chủ lực dành cho miền Trung và các nhà buôn tin rằng miền Trung sẽ là nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều nhất.

Ông này cho biết thêm là trong đợt hàng trái cây, gồm cam và táo vừa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, ước chừng 30 ngàn tấn, trong đó, số lượng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã chiếm gần 15 ngàn tấn, số còn lại rải đều trên khắp đất nước Việt Nam. Và đáng quan tâm hơn nữa là hầu như tại thị trường miền Trung, số lượng gần 15 ngàn tấn cam Trung Quốc được tiêu thụ nhanh chóng, gần như đã bán hết trên thị trường. Số trái cây khác tại miền Trung cũng được tiêu thụ rất nhanh bởi giá thành rẻ, hình dáng bắt mắt và hợp với túi tiền vốn ít ỏi của người miến Trung sau lũ lụt.

Một người chuyên cung cấp hàng điện tử Trung Quốc về Lạng Sơn, tên Lan, hiện tại đã mở rộng chủng loại hàng sang các mặt hàng Tết, chia sẻ: “Cái đó mình thấy người ta bán trong quán tạp hóa nên mới biết chứ ban đầu em có đi loại hàng đó đâu. Thì bánh kẹo Tết, điện tử, chứ hàng Trung Quốc bao giờ sang đây mà không nhiều, thực phẩm, trái cây. Mứt thì có mứt dừa, cà rốt, các thứ ấy…”

Bà Lan cho biết thêm rằng hàng Trung Quốc nói chung không thể tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Đà Nẵng, mà chủ yếu tập trung ở các tỉnh nghèo. Với kinh nghiệm gần hai mươi năm chạy hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, bà Lan nói rằng không có thị trường nào tiêu thụ hàng Trung Quốc mạnh hơn thị trường miền Trung. Bắt đầu từ Thanh Hóa vào tận Phú Yên, thậm chí lan sang Ninh Thuận, Bình Thuận, hầu như chỉ có những tỉnh miền Trung vốn cẳn cỗi, nghèo khổ mới chuộng mặt hàng rẻ mà bắt mắt của Trung Quốc.
Đóng vai những người tập tọ đi buôn hàng Trung Quốc đưa vào Tây Nam Bộ và tỏ vẻ lo lắng khi thực phẩm, đặc biệt là trái cây Trung Quốc vận chuyển vào nơi đây quá xa xôi, có thể hư hại trên đường đi. Khi nghe chúng tôi bày tỏ lo lắng, bà Lan cười, nói rằng chúng tôi chưa có chút kinh nghiệm nào, nếu buôn hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc thì sợ hư hỏng trên đường đi bởi nông dân Việt Nam chỉ biết dùng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc tăng trọng nhưng không biết dùng thuốc bảo quản. Riêng hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là hàng trái cây, để đánh bại nông dân Việt Nam, nông dân Trung Quốc đã kết hợp thuốc tăng trưởng, tăng trọng và thuốc bảo quản thực phẩm rất nhuần nhuyễn.

Nghĩa là thuốc tăng trưởng và tăng trọng giúp cho vụ thu hoạch cam và táo chỉ diễn ra trong vòng một tháng thay vì ba tháng tại Việt Nam, từ khi cây cam, cây táo trổ hoa, nông dân Trung Quốc đã cho bơm thuốc tăng trưởng, gia súc thì dùng thuốc tăng trọng, trái cây và gia súc phát triển cực nhanh, vụ thu hoạch rút ngắn, sau đó, trước khi xuất vườn, họ cho bơm một đợt thuốc bảo quản. Loại thuốc này khiến cho một trái cam đã chín có thể tồn tại ít nhất là ba tháng trong bất kỳ môi trường nào, miễn là đừng vượt quá 50 độ C và đừng lạnh dưới 0 độ C thì trái cây vẫn cứ tươi bình thường.

Điều bà Lan chia sẻ lý giải tại sao cùng là cam, mà trái cam mua từ vườn của người nông dân Hà Tĩnh, Nghệ An mang về để chỉ được chưa đầy 10 ngày đã chuyển màu và thối. Trong khi đó, trái cam mua ngoài chợ về để gần ba tháng vẫn không thấy héo hoặc thối. Nhưng bà Lan cũng chia sẻ thêm là thực sự bà không biết mức độ nguy hiểm của thực phẩm sau khi dùng thuốc hóa học quá nhiều đó sẽ đến đâu. Bà này tỏ ra lo lắng khi một số đồng nghiệp của bà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đều bị ung thư mà theo bà thì có vẻ như họ đã quá tin tưởng vào hàng Trung Quốc nên đã dùng và tiếp xúc với nó quá nhiều, dẫn đến hậu quả bệnh tật, chết chóc…

Hàng Tết đã tràn ngập thị trường

Một tài xế chuyên chở hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, chia sẻ: “Hàng Tết thì trên Lạng Sơn nhiều, toàn hàng Tàu. Nhưng hàng Tết thì về hết rồi, nhưng mà đi buôn thì người ta buôn hết rồi, tầm này vãn rồi, giáp Tết rồi thì làm được bao nhiều…!”

Theo anh này, hiện tại hàng Tết của Trung Quốc đã có mặt đầy đủ trên 64 tỉnh thành Việt Nam. Bởi hiện nay không ai còn nhắc đến các chuyến hàng Tết trên cửa khẩu nữa mà đã chuyển sang các loại hàng bình thường để tiêu thụ cho dịp sau Tết. Các chuyến hàng Tết đã đóng lại cách thời điểm chúng tôi ghé Lạng Sơn chừng một tuần.

Tìm hiểu thêm về vấn đề buôn bán hàng Tết từ Trung Quốc về Việt Nam, tài xế này cho biết là việc này dễ như lật bàn tay. Vì buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam luôn đạt mức một vốn bốn lãi nên các nhà buôn sẵn sàng chung chi mạnh tay cho nhân viên an ninh cửa khẩu. Chỉ cần có quen biết, có đường dây làm ăn nhịp nhàng với nhau thì cả nhà buôn và an ninh cửa khẩu cùng giàu. Dường như buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là một cú áp phe lớn và bền bĩ giữa nhà buôn với an ninh cửa khẩu. Và hàng Trung Quốc chỉ ngưng đổ vào Việt Nam khi và chỉ khi đóng các cửa khẩu Việt – Trung. Nhưng chuyện này có vẻ không bao giờ xảy ra, bởi hiện tại, hàng Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam với lưu lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một cái Tết nữa sắp về, đời sống của người dân miền Trung Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn không có gì khởi sắc. Sài Gòn ngày càng bị ngập nặng, đồng bằng Sông Cửu Long đang bị xóa dần bởi các con sông cạn dòng, núi rừng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn trơ trọi vì nạn lâm tặc lộng hành, biển miền Trung bị đầu độc bởi Formosa, ngư dân xếp lưới, thủy điện thả sức xả đập nhấn miền Trung Trong biển nước… Nhìn chung, năm 2016 là một năm khốn khó đối với Việt Nam. Sắp tới đây, mối nguy hàng Trung Quốc độc hại và rẻ tiền tràn lan trong dịp Tết sẽ là đầu mối của nhiều thứ bệnh tật và đau khổ lâu dài.

----------------------

CÁC TIN KHÁC :







No comments:

Post a Comment