Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 19-12-2016
Hôm
nay là ngày 538 « đại cử tri » Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, khép lại một giai đoạn
bầu cử đầy kịch tính, từ đầu tháng 11/2016. Khả năng ông Donald Trump chính thức
được bầu chọn là điều gần như chắc chắn. Chính sách đối ngoại của tổng thống thứ
45 của Hoa Kỳ là chủ đề chính của La Croix. Bài « Phân hóa thể hiện rõ qua
thành phần chính phủ Trump » chỉ ra ba thế lực chính sẽ định hình chính sách đối
ngoại của nước Mỹ.
La Croix dự báo chính sách đối ngoại của Donald
Trump dựa trên việc đối chiếu giữa quan điểm chính trị của ông Trump với thành
phần chủ chốt của chính phủ tương lai, vừa được chỉ định. Tờ báo Công Giáo khẳng
định, cho dù ông Trump đã liên tục thay đổi quan điểm trong quá trình tranh cử
để thu hút cử tri, cần khẳng định rằng có nhiều điều ổn định trong nhãn quan
chính trị của Donald Trump.
Theo nhà nghiên cứu Thomas Wright – thuộc Viện
Brooking, nhiều quan điểm của Donald Trump về chính trị thế giới đã định hình từ
cuối những năm 1980, đặc biệt phải kể đến « ba ý tưởng lớn » ẩn
đằng sau khẩu hiệu « Nước Mỹ trên hết ».
Thứ nhất là Hoa Kỳ đang phải chi trả quá nhiều tiền
để bảo đảm an ninh cho các đồng minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước
Vùng Vịnh. Thứ hai là, phản đối các hiệp ước mậu dịch tự do của Hoa Kỳ, đặc biệt
với các nước như Trung Quốc hay Mêhicô, và thứ ba là sự hâm mộ của ông Trump đối
với « các lãnh đạo độc tài và các chế độc đoán », trước hết là
mô hình Nga với tổng thống Putin.
Vấn đề theo La Croix là, trong giai đoạn hiện tại,
chưa rõ là các quan điểm trên đây của ông Trump sẽ được ê kíp cầm quyền mới thực
thi như thế nào.
Phe
« dân túy », phe « chiến binh tôn giáo » và phe « truyền thống »
Theo nhà chính trị học Thomas Wright, chính quyền
Trump là một tập hợp hỗn tạp của ba phe chính : phe « dân tộc chủ nghĩa
- dân túy », phe « chiến binh tôn giáo » và phe
« truyền thống ».
Đại diện của phe « chiến binh tôn giáo »
là tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai và thượng nghị sĩ
Jeff Sessions, người được chỉ định vào chức bộ trưởng Tư Pháp. Quan điểm của
hai người này - được quần chúng của đảng Cộng Hòa ủng hộ - là « Hoa Kỳ
đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh toàn cầu chống lại Hồi Giáo cực đoan, mối
đe dọa sống còn đối với thế giới phương Tây Do Thái – Thiên Chúa Giáo ».
Theo quan điểm của họ, tổng thống Nga Putin, người bảo vệ các giá trị truyền thống,
được lại là « một đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến này ».
Đối thủ của phe « chiến binh tôn giáo »
là phe « truyền thống », với đại diện là tướng James Mattis, bộ
trưởng Quốc Phòng tương lai. Cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Đông dường
như ít đồng tình với quan điểm thân Nga trong vấn đề Syria. Một đại diện khác của
phe này là ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson, chủ tịch tập đoàn dầu khí
ExxonMobil. Nhân vật này có khả năng sẽ hướng Donald Trump về một chính sách đối
ngoại « quốc tế hơn, có nghĩa là ít mang tính bảo hộ hơn ».
Cố vấn chiến lược tương lai của Nhà Trắng, doanh
nhân Stephen Bannon, có thể coi là đại diện cho phe « dân tộc chủ nghĩa
dân túy ». Ông Stephen Bannon vốn là giám đốc chương trình tranh cử của
Donald Trump. Doanh nhân Stephen Bannon vừa « ủng hộ các chương trình
kinh tế lớn trong nước », theo chủ trương « chủ nghĩa dân tộc
kinh tế », vừa là đệ tử của « cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ
nghĩa phát xít Hồi Giáo ».
Theo La Croix, « cuộc chiến tranh giành ảnh
hưởng giữa ba phe hứa hẹn sẽ khốc liệt », đặc biệt trong các vấn đề
như xung đột Trung Cận Đông, chủ nghĩa khủng bố, thỏa thuận về hạt nhân Iran,
quan hệ với Nga, Trung Quốc, hay chống biến đổi khí hậu. Theo nhà chính trị học
Thomas Wright, cạnh tranh giữa các thế lực trong nội bộ một chính quyền cũng là
điều bình thường, thậm chí là cần thiết, và việc đọ sức với các đồng minh chắc
chắn sẽ dễ dàng hơn là đối đầu với kẻ thù thực sự.
Trump
chống lại CIA
Vẫn về bầu cử Mỹ trước cuộc bỏ phiếu của các đại cử
tri hôm nay, cơ hội đảo ngược tình thế là rất hẹp. Tuy nhiên, trong những ngày
gần đây có nhiều tiếng nói trong chính quyền Mỹ lên án mạnh mẽ can thiệp của
Nga, kể cả tổng thống mãn nhiệm Obama. Báo Le Monde có bài xã luận « Donald
Trump chống lại CIA ».
Sau hàng loạt cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ, về
việc Nga sử dụng tin tặc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dẫn đến kết
quả có lợi cho ông Trump, đến lượt tổng thống tân cử phản ứng. Ông Trump hứa hẹn
sẽ xử lý chính cơ quan tình báo quốc gia. Theo Le Monde, với nguyên thủ quốc
gia tỉ phủ bất động sản, các định chế của nền cộng hòa Hoa Kỳ có nguy cơ bị xâm
phạm nghiêm trọng.
Hệ
thống đại cử tri Mỹ có thể cải tổ được
Về phần mình, báo Libération có hồ sơ « Cơ hội
cuối cùng để tống khứ Trump », với câu hỏi : « Liệu các đại cử
tri có nghe theo lời kêu gọi nổi dậy của một bộ phận công chúng ? ».
Theo tờ báo, điều này là « rất ít có thể, nhưng cuộc tranh luận về tính
công bằng của hệ thống bầu cử Mỹ thì đã được đặt ra ».
Libération dẫn lời chuyên gia về luật Hiến pháp Mỹ
Richard Pildes, ghi nhận : Hiến pháp Hoa Kỳ là « một trong những hiến
pháp phức tạp, khó sửa đổi nhất thế giới ». Cuộc bầu cử mà ứng cử viên
với gần 3 triệu phiếu bầu nhiều hơn cuối cùng lại là người thua cuộc cho thấy
tính bất công của hệ thống bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia luật Mỹ, định
chế này gần như là bất di, bất dịch cho dù đông đảo công chúng bác bỏ nó.
Con đường duy nhất để cải tổ hiện nay, theo ông, là
thay đổi phương thức lựa chọn « đại cử tri » tương tự như mô
hình của hai tiểu bang Maine và Nebraska, nơi các đại cử tri được chọn không dựa
trên số lượng phiếu bầu của toàn tiểu bang, mà theo từng đơn vị bầu cử. Cải
cách theo hướng này có thể sẽ khiến cho quan điểm của các đại cử tri đại diện
sát hơn cho lá phiếu của cử tri. Mà một cải cách như vậy không buộc phải thay đổi
Hiến pháp.
*
Biển
Đông : « Ngưỡng mới » trong quan hệ Trung – Mỹ
Một trong các điểm nóng chờ đợi chính quyền Trump là
tại Biển Đông. Le Figaro trong bài « Trung Quốc thách thức nước Mỹ tại
Biển Đông » cho biết sự kiện vừa xảy ra cuối tuần qua, khi hải quân Trung
Quốc tịch thu một tầu ngầm không người lái, đang hoạt động thăm dò đại dương tại
khu vực ngoài khơi Philippines, cách vịnh Subay khoảng 90 km.
Cho dù, Bắc Kinh đã chấp nhận hoàn trả chiếc tầu
này, Le Monde khẳng định vụ việc này là một ngưỡng mới, cho thấy Trung Quốc
đang tỏ ra quyết đoán hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng tranh chấp
ở Biển Đông, cụ thể là với Philippines.
*
Aleppo
sụp đổ, thế giới chấm dứt một thời kỳ
Khu vực phía đông thành phố Aleppo, Syria, sắp sửa
rơi hoàn toàn vào tay chính quyền Damas. Các cường quốc phương Tây, trước hết
là Pháp, ráo riết vận động ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, nhằm đạt được một nghị
quyết của Hội Đồng Bảo An nhằm sơ tán hàng chục ngàn người tị nạn đang bị kẹt lại
trong một số khu phố nhỏ do quân nổi dậy kiểm soát, để tránh nguy cơ tắm máu.
Báo Libération có hồ sơ « Thế giới sau sự sụp
đổ của Aleppo ». Bài bình luận « Trung Đông, sự chấm dứt của một
thời kỳ Mỹ » của nhà chính trị học Gilles Dorronsoro, nhận định sự sụp
đổ của Aleppo, được coi là thủ phủ của phe nổi dậy, mang ý nghĩa biểu tượng
quan trọng không chỉ đối với khu vực Trung Đông. Bởi vì đây là lần đầu tiên,
phương Tây « vắng mặt trong một cuộc khủng hoảng lớn ».
Còn nhà chính trị học Bertrand Badies, Viện Chính trị
học Paris, trong bài « Bài học cay đắng về sự bất lực (của
phương Tây) », đi xa hơn với nhận xét : thảm kịch Aleppo cho thấy phương Tây bất
lực chưa từng thấy kể từ khi khối cộng sản sụp đổ năm 1989, trước « các
làn sóng quốc gia chủ nghĩa ». Sự sụp đổ của Aleppo cho thấy « sự
chấm dứt của một thế giới », « sự thất bại của một phương pháp
xử lý các thảm kịch ».
Phương Tây đang phải đứng trước một tình thế tiến
thoái lưỡng nan chưa từng có, khi buộc phải lựa chọn giữa một bên là « một
chế độ độc tài vô sỉ và một thế lực Hồi Giáo cực đoan ghê tởm, giữa một nước
Nga đang phục dậy và một khoảng trống chính trị, đất sống của các lực lượng chống
phương Tây »…
Theo Bertrand Badies, tổng thống Barack Obama có ưu
điểm là người sớm hiểu ra xu thế hiện nay, trước các đồng nghiệp phương Tây khác,
đó là một nền hòa bình dựa trên sức mạnh của một siêu cường « đã hết thời »,
« chính quyền Nga cũng nên chiêm nghiệm về điều này, trước khi đến lượt
mình trở thành nạn nhân ».
*
Châu
Âu và Thổ Nhĩ Kỳ làm lành bằng liên minh thuế quan
Về thời sự châu Âu, báo kinh tế Les Echos chú ý đến
nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn quan hệ. Quan hệ giữa
Bruxelles và Ankara ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Hội nghị ngoại trưởng các nước
châu Âu ngày 13/12, không đưa ra kết luận về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp.
Sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong vòng 12 năm nay.
Trong bối cảnh như vậy, để tránh quan hệ giữa châu
Âu và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào sụp đổ hoàn toàn, chủ tịch Hội đồng châu Âu thông báo
sẽ tổ chức một thượng đỉnh châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ mới, có thể được tổ chức kể từ
tháng 4 năm tới, để bàn về một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ song
phương, đặc biệt là tái khởi động dự án thành lập liên minh phi thuế quan, kết
quả của một thỏa thuận đạt được từ năm 1995.
Đối với Ankara, đây là một điều có ý nghĩa thiết thực,
bởi nước này đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền quốc
gia mất giá mạnh, du lịch mất khách. Thỏa thuận dỡ bỏ hàng rào thuế quan được
coi là sẽ thay thế cho tiến trình gia nhập châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, coi như bị
đình chỉ, do nhiều chính sách độc đoán của tổng thống Erdogan, bị chính giới và
giới bảo vệ nhân quyền châu Âu lên án từ nhiều năm nay.
Cũng về châu Âu, trong cuộc họp hôm thứ năm vừa qua,
các lãnh đạo châu Âu đã đạt được đồng thuận về tiến trình tổ chức thương lượng
về việc Anh Quốc rời châu Âu. Theo Les Echos, các thách thức là hết sức lớn, và
quá trình xác định lại quan hệ giữa đôi bên sẽ chỉ được hoàn tất sau 10 năm.
Giám đốc quỹ Robert Schuman nhận xét : « Tình trạng bất trắc sẽ lên đến
đỉnh điểm khi các thương lượng bắt đầu ».
*
Tây
Ban Nha : Chính phủ muốn dân về nhà sớm hơn
Chính phủ Tây Ban Nha có một nỗ lực nhỏ đáng chú ý,
để đưa quốc gia phía nam này hòa nhịp với các láng giềng châu Âu, bằng cách chỉnh
lại giờ giấc làm việc. Theo kế hoạch của bộ Lao Động Tây Ban Nha, máy tính tại
các công sở, doanh nghiệp, sẽ tự động tắt vào lúc 18 giờ.
Theo nhiều nhà quan sát, cuộc cải cách « dường
như không thể dược ». Người Tây Ban Nha hiện nay có thói quen trở lại
làm việc vào buổi chiều khá muộn (buổi chiều nhiều khi được coi là bắt đầu vào
lúc 17 giờ). Nhiều người cảm thấy bình thường khi kết thúc công việc vào lúc 20
giờ. Nhiều người Tây Ban Nha thậm chí còn coi truyền thống thức khuya và sinh
hoạt rất co giãn về giờ giấc như là một « bản sắc văn hóa ».
Theo người phát ngôn của ARHOE (Hiệp hội hợp lý hóa giờ giấc làm việc), có mặt
lâu tại nơi làm không cải thiện hiệu suất làm việc.
No comments:
Post a Comment