Wednesday, November 2, 2016

TIN CẬP NHẬT THỨ TƯ 2/11/2016 (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên
POSTED BY CHUYENHOAVIETNAM  THÁNG MƯỜI MỘT 2, 2016

Tin Thế Giới

1. Tổng thống Philippines thả ngư dân Việt Nam — Cựu tổng thống Philippines Ramos bỏ rơi ông Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/11 đích thân tiễn 17 ngư dân Việt Nam, được thả sau khi bị bắt vì đánh cá trái phép tại nước này.
Ông Duterte ra lệnh trả tự do cho 17 người, bị bắt từ hôm 8/9, sau khi ông thăm Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Duterte nói ông thả họ vì những ngư dân này chỉ đi vào vùng biển Philippines lúc thời tiết xấu.
Ông nói cả Philippines và Việt Nam là quốc gia nhỏ bị các nước giàu hơn “đè nén”.
“Vì thế chúng tôi xem Asean là quan trọng. Láng giềng đôi khi phải làm gì đó để bảo vệ lợi ích của mình.”
Một con tàu của ngư dân Việt Nam, lúc rời khỏi thị trấn cảng Sual, đã mang theo biểu ngữ: “Tổng thống Duterte. Xin cảm ơn.”
Cũng tại buổi lễ, ông Duterte, 71 tuổi, lại phê phán Hoa Kỳ vì Washington chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông, làm khoảng 3.700 người chết trong vòng bốn tháng.
Thời gian qua, ông Duterte đã tập trung thắt chặt quan hệ với các nước trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc.
Hồi tháng 10, Tổng thống Duterte đã thăm Trung Quốc. – BBC

***
Cựu tổng thống rất có uy tín tại Philippines, ông Fidel Ramos đã quyết định thôi không làm đặc phái viên phụ trách Trung Quốc cho đương kim tổng thống Duterte. Chính ông Duterte đã loan báo vụ từ chức vào hôm qua 01/11/2016.
Năm nay 88 tuổi, ông Ramos là một chính khách lão luyện, đã đóng một vai trò then chốt trong chiến dịch lật đổ chế độ Marcos trước khi lên làm tổng thống Philippines từ 1992 đến 1998. Từ khi ông Duterte nhậm chức cuối tháng 6, ông Ramos là một đồng minh rất đắc lực của tân tổng thống.
Trước báo chí hôm qua, ông Duterte giải thích ông Ramos bất đồng với ông trên hai chủ đề : chiến dịch chống ma túy và chính sách ngoại giao xa rời Mỹ. Ông Duterte cho là ông Ramos là một nhà quân sự, từng được đào tạo ở West Point, và không muốn “đối đầu” với Mỹ.
Cựu tổng thống Ramos được đề cử là đặc sứ của ông Duterte bên cạnh Trung Quốc để cải thiện quan hệ rất căng thẳng giữa Philippines-Trung Quốc. Tháng 8 ông đã đến Hồng Kông để làm ‘tan băng’, nhưng đã vắng mặt trong chuyến đi Trung Quốc tháng 10 của ông Duterte.
Trên đài GMA7, cựu tổng thống Ramos giải thích ông từ chức vì đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng qua lời lẽ của ông Duterte, giới phân tích đã nhìn thấy các bất đồng sâu đậm giữa hai ông Ramos và Duterte.
Ông Ramos là một những chính khách hiếm hoi công khai chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đã làm hơn 4000 người thiệt mạng.
Về chính sách ngoại giao chủ trương chia tay với Hoa Kỳ của đương kim tổng thống, ông Ramos, tháng 10 vừa qua đã tự hỏi: “Chúng ta đang từ bỏ hàng thập niên đối tác quân sự, phối hợp chiến thuật, trang bị vũ khí, tình đồng đội… một cách dễ dàng như thế sao?”
Cũng liên quan đến chính sách đối ngoại của Philippines, phát biểu trước báo chí tối qua, tổng thống Philippines cho biết là ông muốn tổ chức các chiến dịch quân sự và cảnh sát chung với Malaysia chống lại lực lượng Hồi Giáo Abu Sayyaf đang hoành hành ở miền Nam Philippines, bắt cóc thủy thủ ở dọc vùng ranh giới trên biển giữa hai bên, tác hại đến thương mại.
Theo ông Duterte giải thích vấn đề này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong lịch trình làm việc khi ông Duterte gặp thủ tướng Najib Razak và những lãnh đạo cấp cao khác tại Malaysia vào tuần tới đây. – RFI

2. Biển Đông: Hảỉ quân Trung Quốc và Malaysia tăng cường hợp tác — Hiệu ứng domino ở Biển Đông? — Washington: Đông Nam Á không rời xa Mỹ ngả theo TQ — Sau Philippines, Malaysia xích gần TQ

Nhân chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Malaysia Najib Rzak, Bắc Kinh và Kuala Lumpur đã ký một văn kiện chính thức vào ngày 01/11/2016, quyết định cho Hải Quân hai bên hợp tác với nhau nhiều hơn tại khu vực Biển Đông.
Hợp tác Hải Quân Trung Quốc-Malaysia trên Biển Đông được ghi trong một bản thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Khi được hỏi về vấn đề này, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân xác nhận rằng hai nước “không đề cập đến các chi tiết của hợp tác quốc phòng nói chung, mà chủ yếu tập trung vào hợp tác hải quân”.
Đối với ông Lưu Chấn Dân, Trung Quốc và Malaysia là hai quốc gia ven biển Biển Đông, cho nên “cần phải tăng cường hợp tác hải quân để đảm bảo hòa bình và ổn định” ở Biển Đông và “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau”. Theo quan chức này, thỏa thuận quốc phòng song phương giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Thủ tướng Malaysia là lãnh đạo thứ hai của một quốc gia có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đến thăm Bắc Kinh trong vỏn vẹn hai tuần, và cũng như tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Najib Razak đã có thái độ nhẹ nhàng hẳn khi đề cập đến tranh chấp Biển Đông với láng giềng phương Bắc.
Ngay từ tháng 10, ông Najib cho biết là Malaysia sẽ không thỏa hiệp về yêu sách Biển Đông của mình, nhưng xác định là muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán hòa binh, một điều rất hợp ý Trung Quốc.
Chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Malaysia vẫn tiếp tục, và ngày mai ông sẽ được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiến.
Trong một bài xã luận đăng trên tờ China Daily (Trung Quốc) ngày 02/11, Thủ tướng Najib bất ngờ lên tiếng đả kích phương Tây khi cho rằng “Những nước lớn nên đối xử công bằng với những nước nhỏ.” Theo ông, “Nững cựu đế quốc thực dân không nên lên lớp những quốc gia mà họ từng đô hộ về cách giải quyết các vấn đề nội bộ”. – RFI

***
Đầu tiên là Philipines, nay đến lượt Malaysia đang bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc, đó là nhận định của tờ nhật báo Mỹ The Wall Street Journal trong một bài báo đăng trên mạng ngày 01/11/2016, với hàng tựa “Các quân cờ domino ở Biển Đông”.
“Hiệu ứng domino”, đó là cụm từ mà báo chí phương Tây thường sử dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhất là để nói về nguy cơ các nước Đông Nam Á lần lượt rơi vào tay Cộng sản khiến Hoa Kỳ phải can thiệp vào Việt Nam.
Theo nhận định của The Wall Street Journal, tuy hiện nay khó có khả năng là hiệu ứng domino xảy ra ở vùng này, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang rất lo ngại sau khi Philippines bất ngờ “xoay trục” sang Trung Quốc, một hành động rất có thể là mở màn cho một đợt thay đổi liên minh bên trong ASEAN.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak là lãnh đạo mới nhất của Đông Nam Á được Trung Quốc trải thảm đỏ đón tiếp ở Bắc Kinh. Trước chuyến đi này, ông Najib đã loan báo rằng quan hệ kinh tế Malaysia-Trung Quốc, vốn đã rất mạnh (với 56 tỷ đôla trao đổi mậu dịch năm ngoái), sẽ được tăng cường hơn nữa.
Theo The Wall Street Journal, đầu tư của Trung Quốc vào “con đường tơ lụa hàng hải” qua eo biển Malacca có thể sẽ được gia tăng nhân chuyến viếng thăm của thủ tướng Rajib. Một công ty của Trung Quốc đã trúng thầu dự án 13 tỷ đôla xây dựng một tuyến đường xe lửa từ bờ biển phía Đông đến Kuala Lumpur.
Yếu tố gây quan ngại nhất, theo tờ The Wall Street Journal, là quyết định của Malaysia mua ít nhất là 4 chiếc, thậm chí mua đến 10 chiếc tàu chiến do Trung Quốc chế tạo. Hợp đồng mua vũ khí này không hẳn là đồng nghĩa với một sự chuyển hướng chiến lược, nhưng hợp đồng quan trọng đầu tiên của Kuala Lumpur mua thiết bị quốc phòng của Trung Quốc có giá trị biểu tượng đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên các vùng lãnh thổ mà Malaysia đang nắm giữ và các tàu cá cũng như tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Theo The Wall Street Journal, bối cảnh hiện nay không lấy gì là khả quan, vì gần đây Malaysia đã loan báo rằng ngân sách quốc phòng sẽ cắt giảm mạnh các chi tiêu cho lực lượng không quân và hải quân, làm hạn chế khả năng phòng thủ mà Malaysia rất cần vì đây là một quốc gia nằm chia Biển Đông thành hai phần. Kế hoạch thành lập một đơn vị đổ bộ cũng đã bị hũy bỏ, khiến Malaysia không thể hợp tác với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, không dễ gì mà tìm được nguồn tài chính để mua tàu chiến của Trung Quốc.
Theo nhận định của tờ nhật báo Mỹ, về mặt chiến lược thì đối với Hoa Kỳ, Malaysia không quan trọng bằng Philippines, nhất là quần đảo Philippines có vị trí như là tiền đồn ở Biển Đông. Tuy vậy, Malaysia cũng nằm ở vùng phía Nam của Biển Đông, kéo dài từ Vịnh Thái Lan đến phía đông đảo Borneo.
Malaysia có các mối quan hệ quân sự lâu năm với Hoa Kỳ, nhưng có quan hệ trực tiếp và mang tính lịch sử quan trọng hơn với Úc, thông qua các hiệp định phòng thủ giữa hai nước. Úc tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Malaysia và vẫn tiến hành các chuyến bay tuần tra bên trên Biển Đông từ bán đảo Malaysia.
Theo The Wall Street Journal, ít có nguy cơ thủ tướng Najib tuyên bố cắt đứt hoàn với các đồng minh nói trên, giống như tổng thống Philippines Duterte đã làm trong chuyến đi thăm Trung Quốc. Ông Najib cũng không có tư tưởng căm ghét Mỹ giống như ông Duterte. Theo chính sách cân bằng quan hệ ngoại giao, thủ tướng Najib đã đưa Malasyia gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (do Hoa Kỳ khởi xướng). Thế nhưng các cuộc điều tra tư pháp của Mỹ, khởi động từ tháng 7 năm nay, nhắm vào quỹ phát triển 1MDB, đang làm lung lay vị thế của cá nhân ông Najib.
Vừa vất vả đối đầu với phe đối lập trong nước, vừa cần đến đầu tư của Trung Quốc để bù đắp các khoản thiếu hụt trong ngân sách Nhà nước, chiếc la bàn ngoại giao của thủ tướng Najib đã hướng về phương Bắc đến Trung Quốc, nguồn cung cấp tài chính rất hào phóng mà không gây khó dễ gì cả. Như vậy, ông Najib đã quay trở lại với di sản của bố ông, người đã bình thường hóa bang giao với Trung Quốc vào năm 1974.
Theo The Wall Street Journal, rất có thể là Malaysia sẽ dần dần rút ra khỏi các cuộc tập trận hoặc những hoạt động có thể bị Bắc Kinh xem là “mang tính gây hấn”. Kuala Lumpur cũng có thể sẽ có thái độ thận trọng hơn trong hồ sơ Biển Đông, giành ưu tiên cho đàm phán song phương.
Tờ nhật báo Mỹ cũng nêu trường hợp của Thái Lan, cũng là đồng minh ký kết hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ giống như Philippines, nhưng tình hình chính trị ở nước này đang rất là vô định và hợp đồng mua tàu ngầm của Trung Quốc cũng đang được xem xét.
Còn về phần Singapore, tuy không phải là đồng minh, nhưng nước này là đối tác quốc phòng phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ. Nếu Philippines dưới quyền lãnh đạo của ông Duterte tiếp tục đường lối “lập dị” như hiện nay, Singapore, một đảo quốc trung tâm tài chính khác thường, có thể sẽ trở thành một quốc gia “bình thường” mới.
Theo The Wall Street Journal, chuyến viếng thăm Trung Quốc của thủ tướng Najib có thể sẽ là điểm tận cùng (của xu thế “xoay trục” sang Trung Quốc). Thông tin trong tuần này về việc Úc và Indonesia đang thảo luận dự án tuần tra chung trên Biển Đông cho thấy là bên ngoài khuôn khổ liên minh truyền thống với Mỹ, các quốc gia trong vùng hoàn toàn có thể liên kết với nhau. Nếu như thế chúng ta có thể bớt lo ngại về hiệu ứng domino ở vùng Biển Đông. – RFI

***
Sau các hoạt động ngoại giao liên tiếp của Philippines và Malaysia được giới quan sát đánh giá là nhằm xích lại gần với Trung Quốc, hôm qua, 01/11/2016, Washington đã lên tiếng phủ nhận đó là những động thái rời xa Mỹ để ngả theo Trung Quốc của các nước Đông Nam Á.
Chính quyền Obama vẫn coi Hiệp Hội các nước Đông Nam Á ASEAN là trọng tâm trong chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á –Thái Bình Dương. Thế nhưng gần đây, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực là Philippines, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Rodrigo Duterte liên tiếp tỏ thái độ bất cần Mỹ. Đặc biệt trong chuyến công du Trung Quốc tháng trước, tổng thống Philippines còn tuyên bố “chia tay với Mỹ” và tỏ ý muốn quân Mỹ rút khỏi Philippines.
Sau ông Duterte, đến lượt lãnh đạo Malaysia tới Bắc Kinh ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng với Trung Quốc, vào lúc quan hệ giữa Kuala Lumpur và Washington đang có dấu hiệu căng thẳng. Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Thái Lan cũng đã có những rạn nứt.
Được hỏi về các diễn biến nói trên tại khu vực Đông Nam Á, hôm qua, phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ John Kirby đã giải thích rằng chính sách xoay trục của Mỹ về châu Á –Thái Bình Dương không liên quan gì đến Trung Quốc. Ông John Kirby nói tiếp: “Về ý kiến cho rằng nhiều người ( ở châu Á) đang quay lưng lại với Mỹ để ngả theo Trung Quốc, thì không thể khẳng định qua những hiện tượng được”.
Bình luận về mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc của một số nước trong vùng Đông Nam Á gần đây, quan chức ngoại giao Mỹ đánh giá đó là những động thái tích cực nhằm “giảm căng thẳng trong vùng như trong khu vực Biển Đông”.
Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước, chủ yếu là các nước ASEAN, từ nhiều năm qua, dù không tỏ rõ nhưng Mỹ vẫn thiên về bênh vực các nước Đông Nam Á. Mục tiêu của Washington là tạo đối trọng về quân sự và kinh tế với Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ -ASEAN hồi tháng 9 vừa qua tại Lào, tổng thống Obama đã nhắc lại rằng lợi ích của Mỹ đối với Châu Á-Thái Bình Dương không phải là “sự thất thường thoảng qua”, mà đó là “sự phản ảnh các lợi ích quốc gia căn bản” về lâu dài. – RFI

***
Malaysia hôm 2/11 ký thỏa thuận mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc cũng như cam kết sẽ cùng với Bắc Kinh xử lý song phương tranh chấp biển Đông.
Đây có thể được coi là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, sau khi Tổng thống Philippines tuyên bố “ly khai” Hoa Kỳ khi tới thăm Trung Quốc, theo Reuters.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng nhiệm Malaysia Najib Razak, truyền thông Malaysia đưa tin, hai chiếc tàu sẽ được đóng ở Trung Quốc và hai cái còn lại sẽ được đóng ở Malaysia.
Đây là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của Malaysia với Bắc Kinh, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Theo thông tin ông Najib loan báo với hãng tin Bernama của nhà nước Malaysia, 14 thỏa thuận trị giá hơn 34 tỷ đôla đã được ký trong chuyến công du kéo dài một tuần của ông tới quốc gia đông dân nhất trên thế giới.
Ngoài Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, Malaysia cũng là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trên vùng biển được coi là giàu tài nguyên này.
Hãng tin Reuters cho rằng chuyến công du của ông Najib một lần nữa lại có thể gây trở ngại cho chính sách của Mỹ về Đông Nam Á.
Trong một bài phân tích hôm 31/10, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần hơn với Trung Quốc không những làm giảm căng thẳng tranh chấp ở biển Đông mà còn gia tăng sự cạnh tranh [về ảnh hưởng] giữa liên minh Mỹ – Nhật và Trung Quốc. – VOA
3. Tổng thống Park Geun-hye thay cả thủ tướng và bộ trưởng tài chính
Tổng thống Nam Hàn bổ nhiệm tân thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính trong bối cảnh vụ bê bối khiến bà có nguy cơ mất chức.
Bà Park Geun-hye đang bị công kích về các hành vi của người bạn cũ Choi Soon-sil.
Hôm 31/10, bà Choi bị bắt giữ vì cáo buộc can thiệp vào công việc chính phủ và lợi dụng quan hệ để tạo ảnh hưởng.
Tám ngân hàng cũng bị bố ráp vì liên quan đến vụ bê bối, truyền thông Nam Hàn đưa tin.
Những người chỉ trích nói rằng bà Choi lợi dụng sự gần gũi với tổng thống để thu hút tiền đầu tư vào các quỹ mà bà điều hành, cũng như biển thủ ngân quỹ nhà nước và chỉ đạo các quyết định của Tổng thống.
Vụ bê bối khiến người dân tức giận.
Kim Byong-joon, trợ lý cấp cao của một cựu tổng thống được bổ nhiệm giữ chức thủ tướng thay thế Hwang Kyo-ahn. Vai trò thủ tướng chỉ mang tính biểu tượng tại Nam Hàn, nơi quyền lực tập trung vào tay tổng thống.
Yim Jong-yong, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính, được chọn làm tân Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng, thay thế Yoo Il-ho.
Một tân bộ trưởng về an ninh cũng đã được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ.
Choi Soon-sil là ai?
Con gái của ông Choi Tae-min, một lãnh tụ giáo phái, người từng là cố vấn thân cận cho bà Park cho tới khi ông qua đời vào năm 1994.
Bà Choi, 60 tuổi, có một con gái 20 tuổi tên Chung Yoo-ra, một vận động đua ngựa từng thi đấu tại Asian Games 2014. – BBC
4. MH370 ‘không có ai điều khiển và lao thẳng xuống biển’
Chuyến bay MH370 có nhiều khả năng đã mất điều khiển và lao thẳng từ độ cao xuống Ấn Độ Dương, theo đánh giá của một báo cáo mới.
Chiếc Boeing 777 với 239 người trên khoang vào tháng 3/2014 đã bị coi là ‘mất tích’ trên đường bay từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh.
Nhưng trong số các mảnh vỡ dạt vào bờ biển các đảo ở Ấn Độ Dương và bờ Đông của châu Phi, người ta đã tìm thấy cả một mảnh của cánh máy bay.
Căn cứ vào dấu va đập khi tiếp nước, các nhà phân tích từ Cục An toàn Hàng không Úc (ATSB – Australian Transport Safety Bureau) nay cho rằng máy bay đã không mở phần cánh tà để chuẩn bị cho quá trình đáp xuống.
Điều này tạo ra suy đoán không có phi công nào điều khiển trong buồng lái khi chiếc phi cơ lao xuống nước.
Trước đó, có giả thuyết một phi công muốn lái chiếc máy bay lượn trên không rồi đáp xuống mặt nước.
Nay thì có vẻ như nó đã lao thẳng xuống nước.
Báo cáo của Úc cũng nói số liệu từ vệ tinh cho thấy “một cú lao xuống từ rất cao và tăng tốc”.
Theo giám đốc phụ trách công tác tìm kiếm của ATSB, ông Peter Foyle nói với các nhà báo rằng tất cả những yếu tố này “khiến có thể rút ra kết luận là có ai điều khiển máy bay hay là không”. – BBC
Tin Hoa Kỳ

5. Bầu cử Mỹ: khoảng cách giữa 2 ứng cử viên thu hẹp dần — Donald Trump cố tập hợp đảng Cộng Hòa
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump không tiếc lời đả kích nhau giữa lúc khoảng cách biệt giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang thu hẹp dần, buộc cả hai phải phấn đấu để lấy lại đà giữa lúc cuộc vận động bầu cử đang bước vào giai đoạn cuối. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang tìm cách hướng sự chú ý của công luận nhắm vào ông Trump trở lại sau khi bỏ ra nhiều ngày để chỉ trích Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) về quyết định mở lại cuộc điều tra về việc bà sử dụng email thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ.
Bà Hillary Clinton hôm thứ Ba 1/11 đi vận động ở bang Florida cùng với Alicia Machado, cựu Hoa hậu Hoàn vũ, người đã tố cáo ông Trump là đã có lời lẽ xúc phạm về ngoại hình của cô thời ông còn là chủ nhân cuộc thi hoa hậu hoàn vũ.
Bà Hillary Clinton đả kích ông Trump về những vấn đề liên quan tới bản chất và cá tính của ông, đặc biệt là cách ông đối xử với phụ nữ:
“Ông Trump không coi phụ nữ chúng ta như những con người với đầy đủ tính chất con người, với những ước mơ, những mục tiêu nhắm tới, và những khả năng riêng. Ông ta đã chứng minh rõ rệt điều đó trong suốt chiến dịch vận động. Tôi xin nói điều này, ông ta hoàn toàn sai lầm. Ông ta sai lầm về cả phụ nữ lẫn nam giới ở đất nước này. Ông Trump đã cho thấy bản chất thực của ông ta. Vào ngày thứ Ba tới đây, hãy chứng minh cho ông ta thấy chúng ta là ai.”
Trong khi đó tại một cuộc tập hợp chính trị ở bang Pensylvania, ông Trump thề sẽ huỷ bỏ luật chăm sóc sức khoẻ với giá phải chăng, được coi như một thành tựu chủ yếu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama. Chương trình thường được gọi là Obamacare đang bị săm soi giữ lúc một thành phần người tiêu thụ phải chi thêm tiền để duy trì chương trình bảo hiểm y tế của mình và gia đình.
Ông Trump nói:
“Tôi sẽ yêu cầu Quốc hội triệu tập một phiên đặc biệt để chúng ta có thể huỷ bỏ và thay thế chương trình đó. Đây sẽ là một vinh dự lớn cho tôi, cho các bạn, và cho tất cả mọi người ở đất nước này bởi vì Obamacare phải được thay thế. Chúng ta sẽ thực hiện việc đó, và sẽ hành động nhanh chóng, thật nhanh chóng. Chương trình đó là một thảm hoạ!”
Ông Trump đã lên kế hoạch để dự 3 cuộc tập hợp chính trị trong ngày hôm nay, thứ Tư2/11 tại Florida, một trong những bang được coi là bang sống còn đối với ông để có thể đạt được 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để giành chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc.
Bà Hillary Clinton hôm nay sẽ đến Arizona, một tiểu bang theo truyền thống ngả về Đảng Cộng hoà, nhưng giờ có một dân số gốc Châu Mỹ La tinh đông đảo hơn, vốn bất bình về lập trường cứng rắn chống di dân của ông Trump, và cam kết của ông sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ.
Các cuộc thăm dò mới nhất mà đối tượng là những cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, cho thấy cuộc chạy đua giữa bà Clinton và ông Trump quá sít sao để có thể xác quyết ai thắng ai thua, trong khi các đối tượng còn cân nhắc nên trao lá phiếu của mình cho ai, với hai sự lựa chọn khác, là ứng cử viên có lập trường tự do Gary Johnson và ứng cử viên của Đảng Xanh Jill Stein. – VOA

***
Còn không đầy một tuần đến cuộc bỏ phiếu, hai ứng viên đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ có một chiến lược vận động đó là đả kích nhau không nương tay. Ứng viên Donald Trump đang nắm được một lợi thế và đang khai thác đến cùng: Vụ email của bà Hillary Clinton mà FBI vừa thông báo mở lại điều tra. Ông Trump đồng thời cố gắng tập hợp lại đảng Cộng Hòa.
Thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio, tường thuật từ Washington:
“Trong phe của Trump, chiến lược là phải khai thác triệt để vụ thư điện tử của Hillary Clinton, đồng thời trở lại những hồ sơ cơ bản trong cuộc vận động : từ việc xây dựng bức tường chống nhập cư ở phía nam, việc bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, lên án các hiệp định thương mại và đe dọa truy tố đối phương.
Donald Trump và ứng viên phó tổng thống của ông, Mike Pence biết là cần phải có tất cả các lá phiếu của phe Cộng Hòa, cho nên cố quên đi những bất đồng, chỉ trích gay gắt thậm chí những lời thóa mạ nhau trước đây, và ra sức tập hợp các nghị sĩ, và các đại biểu dân cử.
Trong cuộc mít tinh hôm qua, 01/11, tại Pennsylvania, ứng viên phó tổng thống Mike Pence đã kêu gọi đoàn kết trong đảng Cộng Hòa để bầu Donald Trump làm tổng thống Hoa Kỳ.
Có lẽ lời kêu gọi này đến hơi trễ, sau các lời thóa mạ vang lên trong cuộc vận động. Tuy nhiên, cuối cùng thì chủ tịch Hạ viện, Paul Ryan đã bỏ lá phiếu của ông vào thùng phiếu cho Donald Trump nhân cuộc bỏ phiếu trước thời hạn, và hôm qua, thứ Ba, đã thừa nhận là ông không hề hay biết là Donald Trump đến làm mít tinh ngay tại bang Michigan của ông.
Còn John Kasich, ứng viên tổng thống bỏ cuộc ngay vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, thì đã ghi tên ông McCain trên phiếu của mình, quên rằng McCain là ứng viên tổng thống năm 2008.
Bà Hillary hôm qua tổ chức mít tinh ở Florida, một tiểu bang then chốt, đã trở lại chủ đề phụ nữ, để đả kích Donald Trump là “một nhân vật thô bạo, chuyên miệt thị và tấn công phụ nữ.”
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố hôm qua, 1/11, của ABC/Washington Post, Donald Trump qua mặt bà Hillary Clinton, hơn 1 điểm, 46% – 45%. – RFI

6. Quan chức Mỹ tiếp chính trị gia hàng đầu TQ ở New York
Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ hôm qua, 1/11, đã hội đàm với một quan chức cao cấp của Trung Quốc nhằm thu hẹp bất đồng và gia tăng hợp tác giữa hai cường quốc.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price được AP trích lời nói rằng hai bên đã “xem xét các tiến bộ nhằm mang lại một mối quan hệ song phương hiệu quả, ổn định và bền vững hơn”.
Một thông cáo của Nhà Trắng cung cấp ít thông tin chi tiết về cuộc gặp của ông John Kerry và bà Susan Rice với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Chính quyền của Tổng thống Obama đã củng cố quan hệ với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu, nhưng mối bang giao song phương gặp trở ngại về một số chuyện khác như căng thẳng ở biển Đông, cũng như sự khiêu khích của Bắc Hàn, một đồng minh của Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng cuộc họp âm thầm này có lẽ là cơ hội thảo luận cuối cùng với ông Dương, người từng làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ ở Washington, trước khi một tân chính quyền nhậm chức vào tháng Một năm sau.
Một thông cáo của Trung Quốc nói rằng đôi bên đồng ý duy trì các cuộc trao đổi cấp cao nhằm mở rộng hợp tác thực chất và kiểm soát các bất đồng để quan hệ Trung – Mỹ tiến chắc về phía trước.
Chính quyền của Tổng thống Obama thời gian qua đã duy trì chính sách tái cân bằng về châu Á – Thái Bình Nhương, nhưng Trung Quốc cho rằng đây là việc làm kiềm chế nước này.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ vấp phải trở ngại khi Philippines và Malaysia đồng loạt ngả về Bắc Kinh, xa dần Hoa Kỳ. – VOA

Tin Việt Nam

7. Luật sư Thuận: Triển khai Nghị quyết 04 ‘không đơn giản’
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 30/10 đã ban hành Nghị quyết 04 của Trung ương Đảng. Nghị quyết do ông Nguyễn Phú Trọng ký nêu ra các dấu hiệu về việc đảng đang biến chất, và xác định các biện pháp để chỉnh đốn đảng.
Toàn văn nghị quyết được đăng trên nhiều báo Việt Nam, chỉ ra 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những thuật ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam thường dùng để nói về việc nhiều đảng viên không còn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản và mong muốn áp dụng một hệ thống chính trị khác.
Cụ thể, Nghị quyết 4 viết rằng “một bộ phận không nhỏ đảng viên” trong những năm gần đây “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh … đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’ … đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, phát triển ‘xã hội dân sự’.
Về suy thoái đạo đức, lối sống, nghị quyết chỉ ra các vấn đề trong các đảng viên như cá nhân chủ nghĩa, tranh chức, tranh quyền, lạm quyền, tham ô, tham nhũng, không trung thực; quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân; lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn có những đảng viên đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, hoặc dính líu vào các tệ nạn xã hội khác.
Để xử lý các vấn đề kể trên, nghị quyết xác định 4 nhóm giải pháp bao gồm: công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế chính sách; kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Sau khi được công bố, nghị quyết đã thu hút sự quan tâm lớn của đảng viên và nhân dân. Luật sư Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức ở Việt Nam, nói nghị quyết cho thấy Đảng Cộng sản đã nhận thấy nguy cơ về sự tồn vong của đảng. Tuy nhiên, vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tự giải quyết các vấn đề:
“Chống tham nhũng, chống suy thoái bắt đầu đặt ra từ Đại hội lần thứ 8, bây giờ đã chuyển sang năm thứ 26 rồi. Nhưng câu chuyện nó không giảm mà ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Bệnh tham nhũng, suy thoái đã nhập vào tạng phủ con người rồi. Bóc ra để mà chống cái chuyện đó là một chuyện không đơn giản một chút nào. Với tư cách là một người trong đội ngũ của Đảng Cộng sản, tôi cho rằng việc triển khai nghị quyết này cũng không đơn giản. Cái cơ thể mà mình tự mổ xẻ, tự xử lý rõ ràng là không đơn giản. Theo tinh thần nghị quyết, tự mổ xẻ, tự phê phán, tự làm chính trị tư tưởng, thì rõ ràng tôi cho là giải pháp sẽ không đáng bao nhiêu”.
Luật sư Thuận bổ sung thêm rằng riêng trong việc chống tham nhũng ở Việt Nam, khi nhà chức trách cần truy tố, khởi tố những người là đảng viên, họ vướng một rào cản là Chỉ thị 15 do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ban hành năm 2007.
Theo chỉ thị, cơ quan bảo vệ pháp luật nếu muốn truy tố một đảng viên phải báo cáo cho đơn vị đảng đang quản lý đảng viên đó biết. Đơn vị đó phải kỷ luật đảng viên như khai trừ đảng hoặc cảnh cáo rồi cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể truy tố, khởi tố vụ án. Ông Trần Quốc Thuận khẳng định “muốn xử một đảng viên mà có cương vị thì cũng không đơn giản một chút nào”.
Năm 2015, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại một hội nghị về phòng chống tham nhũng rằng công an thành phố “cũng phải chấp hành Chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.
Với thực tế là Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề lớn, kể cả đặt ra sự tồn vong của đảng, song cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng ở thời điểm này ông chưa thấy có lực lượng nào có thể thay thế ngay đảng này. Ông nói:
“Nhìn tất cả các lực lượng chính trị-xã hội thì chưa thấy lực lượng nào thay thế ngay Đảng Cộng sản được. Cho nên kỳ này, Đảng Cộng sản tự chỉ bệnh, tự chữa bệnh cho mình. Còn tự chữa bệnh cho mình không được, có thể là tự diễn biến, tự chuyển hóa thành một tổ chức nào đó mà nó không còn được như cũ. Chứ còn nói lực lượng nào đứng ra thay thế thì đến bây giờ tôi nhìn thấy ở Việt Nam, kể cả lực lượng nước ngoài về thì cũng chưa đủ sức, chưa có lực lượng nào có thể thay thế được”.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân quan tâm và bình luận về Nghị quyết 04. Một số người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lo sợ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì đó có thể chính là “tự đổi mới”, “tự sáng tạo” để đối phó với những thách thức mới hoặc tận dụng những cơ hội mới đặt ra cho đất nước. – VOA

8. Bến Tre phạt người đăng video có thông tin sai về Chủ tịch Quốc hội
Nhà chức trách tỉnh Bến Tre hôm 2/11 đã xử phạt người đăng một đoạn video lên Facebook với “thông tin sai sự thật” về Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Báo chí Việt Nam cho hay người bị phạt là một nam thanh niên có tên Nguyễn Chí Khương, 23 tuổi, ngụ ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm.
Hôm 28/10, Khương đã quay một đoàn xe lớn có còi hú và đèn ưu tiên, sau đó đăng tải lên Facebook và mô tả đó là “đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre”.
Thông tin này đã gây khó chịu đối với nhiều người trên mạng xã hội vì họ cho rằng bà Ngân “phô trương”, “lãng phí”.
Tuy nhiên, nhà chức trách đã sớm bác bỏ thông tin của Khương. Hôm 30/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre nói đó là đoàn xe “tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016”.
Khi bị triệu tập gặp nhà chức trách, Khương nói việc đăng đoạn video chỉ có “mục đích câu like”. Anh này đã nhận lỗi, xin lỗi và gỡ bỏ clip.
Tin cho hay Khương đã bị xử phạt Nghị định 174 của Chính phủ, nhưng không rõ mức phạt là bao nhiêu.
Bình luận về vụ việc này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, nói với VOA:
“Cư dân mạng xã hội bây giờ có thể nhận ra được một điều rằng không phải bất cứ thứ gì trên mạng xã hội cũng có thể share, lan truyền mà không có cái ý thức trách nhiệm kiểm chứng xem các thông tin đó có đáng được truyền tải hay không. Rõ ràng là họ đang tiếp tay cho những bất ổn trong xã hội”.
Khi đoạn video được đăng, nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội cũng đã chia sẻ tiếp, nhưng sau đó, khi nhận ra video có thông tin sai, họ đã hủy bỏ việc chia sẻ và xin lỗi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. – VOA

9. Tại sao Việt Nam cứ cháy là chết?
Một đám cháy tại quán karaoke ở Hà Nội hôm 1/11 làm 13 người thiệt mạng khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam cứ “cháy là chết” và số người chết lại cao.
Chị Bích Phượng, một người trực tiếp chứng kiến quá trình chữa cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, tỏ ra bức xúc khi chứng kiến sự việc và nhận xét với VOA về công tác chữa cháy tại Việt Nam:
“Tôi cho là rất kém. Tôi đã xem những cái clip chữa cháy ở nước ngoài, ít ra là không phải chỉ có một vòi nước, mà nó phải chụm lại nhiều vòi nước để tập trung vào dập kiểu nước biển. Mà đây chỉ có 1, 2 cái. Mỗi biển chỉ có 1 vòi thôi. Nước thì lúc mạnh lúc yếu. Mà tôi thấy rất kỳ lạ là khi nước mạnh, họ cứ xịt vào cửa kính. Trong khi đó các khung nhà khác đang có lửa, khói bốc lên thì họ lại không dập vào chỗ đấy. Tôi mới tức mình tôi bảo không hiểu họ phun vào chỗ đấy để làm gì nhỉ. Cái thứ hai nữa, lửa cháy ở tầng trên mà họ không phun, lại phun ở tầng dưới là chỗ chả có lửa gì cả. Phun rất lâu. Mà tôi nói với bạn thế này, một cái xe cứu hỏa như thế nó bé lắm, anh phun như thế thì một tí là hết nước. Lúc mà tôi thấy khói đã vãn rồi, gần như là lửa không còn thấy nữa, thì họ lại không tiếp tục làm cho nó dứt điểm đi. Lúc đó họ lại dừng lại. Một lúc sau khói lại cuồn cuộn bốc lên. Xe cứ xếp hàng dài bên cạnh, ý là chờ thằng kia hết nước thì mới vào. Tôi cho là ở đằng trước, khi mà anh hết nước thì anh phải lùi ngay ra chỗ khác để cho xe khác tiến vào, hoặc là trên mặt phố đấy rất rộng, ít ra nó có chỗ để có thể cho 3, 4 xe tập trung bắc vòi vào trong đó”.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, khẳng định với VOA rằng lực lượng PCCC luôn “làm hết sức mình” trong điều kiện có được và công tác PCCC đòi hỏi phải có sự cộng tác của xã hội, của người dân.
“Tôi nghĩ rằng để làm tốt việc phòng cháy chữa cháy, tôi nghĩ lực lượng PCCC không chưa đủ, mà nó còn đòi hỏi ý thức của mỗi người, của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề tuân thủ các quy định về pháp luật PCCC. Còn đương nhiên khi xảy ra sự cố, thì trong những điều kiện và phương tiện hiện có, chúng tôi đã hết sức cố gắng để làm tốt và làm tròn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều khi do sự cố quá lớn, hoặc do điều kiện trong ngôi nhà, văn phòng khi xảy ra các sự cố, nhiệt độ rồi các điều kiện khói… dẫn đến những thiệt hại về nhân mạng. Chuyện này thì không ai muốn. Nhưng khi đã xảy ra các sự cố thì mọi sự việc xảy ra trong ứng phó, chúng tôi thấy là chúng tôi đã hết sức cố gắng”.
Một số ý kiến trên mạng cho rằng ngoài phương pháp tiếp cận, trang bị và phương pháp chữa cháy, những bất cập trong việc tuân thủ quy định an toàn phòng cháy trong xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy ở Việt Nam gây thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 1/11 đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng trên.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Cánh sát PCCC Hà Nội, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, được báo Tuổi Trẻ hôm 2/11 dẫn lời cho biết quán karaoke trước đây là nhà dân và được chuyển đổi sang kinh doanh karaoke. Cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Giới chức Việt Nam cho biết chủ đầu tư cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động sau khi đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, quán karaoke này vẫn đón khách trong quá trình hoàn thiện giấy tờ.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho biết là do thợ hàn bất cẩn khi sửa chữa tầng 2 của quán.
12 trong số 13 nạn nhân của vụ cháy là học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện Chính trị quốc gia, trong đó có 1 cán bộ của Hà Nội. Những nạn nhân này gặp nạn khi tổ chức liên hoan sau khi thi xong.
Những vụ cháy gây thiệt hại tài sản và nhân mạng cao liên tục xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần.  Ngoài những vụ cháy ở các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, chỉ riêng các vụ cháy tại cơ sở tư nhân, nhà riêng, cũng đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Hồi tháng 5/2015, một vụ cháy do chập điện cũng tại quán karaoke ở Hà Nội đã giết chết 5 người. Tháng 4/2014, một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM, cháy khiến 7 người trong gia đình tử vong. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có hơn 10 vụ cháy xảy ra ở các quán karaoke tại Việt Nam.
Sau vụ cháy hôm 1/11, tin cho hay từ ngày 2/11, cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy của toàn bộ 1.204 quán karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội. – VOA

10. Bác sĩ Hồ Hải bị công an bắt giam
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 02/11/2016, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an Quận Thủ Đức bắt giam Bác sĩ Hồ Văn Hải, với cáo buộc “tán phát thông tin, tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet”.
Được biết, Bác sĩ Hồ Hải, 52 tuổi, là Chủ tịch kiêm người sáng lập Quĩ Khuyến Học Tây Du. Ông cũng là chủ nhân của trang blog BS Hồ Hải và trang Facebook có cùng tên, đăng tải các thông tin về khuyến học, bảo vệ môi trường, v.v…
Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về vụ bắt giữ này. – RFA

11. Trung Quốc là nước phá hoại môi trường biển Đông nhiều nhất
Chuyên gia quốc tế lên tiếng quan ngại về những hoạt động quân sự hóa và xây lấp các đảo nhân tạo và đánh bắt hải sản quá mức ở khu vực biển Đông thời gian qua vì cho rằng những hoạt động này đang tàn phá môi trường biển một cách nghiêm trọng và làm giảm đáng kể nguồn thủy sản trong khu vực.
Việt Hà phỏng vấn giáo sư John McManus, thuộc khoa sinh vật và sinh thái trường đại học Miami, Hoa Kỳ. Giáo sư là người đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường biển Đông tại các khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa qua hình ảnh vệ tinh và thực địa. Lần gần đây nhất ông đến thăm Trường Sa để chứng kiến những tác động của con người lên môi trường ở đây là vào tháng 2 năm nay. Trước hết nói về hiện trạng môi trường biển ở khu vực biển Đông, giáo sư McManus cho biết:
GS John McManus: Những loài cá ở tầng đáy như cá mackerel, cá ngừ, tất cả đều đang bị nguy hiểm. Đối với những loại cá từ rạn san hô thì đã có một số loài hoàn toàn biến mất. Đó là điều tôi chứng kiến khi tôi đến đây. Thay vì thấy những con cá lớn thường có ở đây tôi chỉ thấy một vài loại cá nhỏ như 7 cm hoặc 10 cm bơi qua các rạn san hô. Đây là một dấu hiệu rất xấu. Bên cạnh hoạt động đánh bắt cá quá mức làm tình hình ngày một thêm tệ, chúng tôi cũng thấy sự phá hoại hàng loạt đối với các rạn san hô. Có hai loại san hô, loại có vĩnh viễn và loại tái phát triển sau hai mươi năm. Những rạn san hô bị phá hủy bởi các hoạt động xây lấp đảo nhân tạo, chủ yếu được tiến hành bởi Trung Quốc, ước tính khoảng  99% và một phần nhỏ hơn là từ các quốc gia khác, ước tính khoảng 1%.  Khoảng 14 km vuông san hô sẽ không bao giờ có thể phát triển trở lại. Thêm vào đó rất nhiều rạn san hô khác bị phá hủy bởi hoạt động đánh bắt trai lớn ngoài biển. Hoạt động này tàn phá khoảng 69 km vuông ở khu vực Trường Sa. Nếu ta cộng thêm khoảng 35 km vuông ở Hoàng Sa thì chúng ta sẽ thấy có đến 104 km vuông bị phá hủy bởi hoạt động đánh bắt trai lớn ngoài biển Đông. Tổng số rạn san hô bề mặt bị phá hủy mất khoảng 10%. Con số thiệt hại của rạn san hô nằm sâu dưới đáy biển là khoảng 3%. Nó không quá lớn để làm chết hoàn toàn các rạn san hô khi con số chỉ không quá 10%. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục những hoạt động như hiện nay thì con số thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa. Cho nên chúng ta cần phải chấm dứt các hoạt động này ngay bây giờ.
Việt Hà: Từ trước đến nay chúng ta nghe nói nhiều về tầm quan trọng của biển Đông trong thương mại cũng như vị trí chiến lược. Ít người nói đến vấn đề môi trường ở đây. Theo ông những gì ông tìm hiểu được về thực trạng môi trường biển ở đây có ý nghĩa thế nào đối với khu vực?
GS John McManus: Cá là nguồn thực phẩm quan trọng ở Đông Nam Á. Ở các vùng ven biển, có khoảng hơn 200 triệu người, và có khoảng 38 triệu người sống  trong vòng khoảng 100 km từ bờ biển ở khu vực biển Đông. Khoảng 30% nguồn đạm của họ là đến từ cá. Nếu không có cá thì sẽ có hàng triệu việc làm bị mất và bạn sẽ gặp khó khăn về thiếu nguồn đạm mà không có nguồn thay thế. Cho nên về cơ bản là khu vực này sẽ phải đối mặt với nạn đói khi các nguồn cá biến mất và chúng sẽ biến mất lần lượt vì lượng cá có sẵn quá ít và chúng cứ biến mất dần. Điều quan trọng là số cá còn sót lại phải có đủ để tìm nhau để sinh con. Nhưng khi chúng có quá ít thì cũng không có cá con sinh ra.
Việt Hà: Trung Quốc từ lâu cũng áp đặt một lệnh đánh bắt cá đơn phương trên biển Đông hàng năm mà theo họ nói là để bảo vệ nguồn cá. Theo ông lệnh cấm này có thực sự giúp ích gì cho việc bảo vệ và khôi phục nguồn cá đang sụt giảm ở đây hay không?
GS John McManus: Trung Quốc có cố gắng đặt ra những lệnh đánh bắt cá trong một số tháng trong năm. Nó không bao gồm hết cả các tàu cá của Trung Quốc nhưng chủ yếu là đối với các tàu cá của Philippines và Việt Nam. Họ đưa ra lệnh đánh bắt cá để cá có cơ hội phục hồi trở lại. Nhưng đây là lệnh cấm đơn phương dẫn đến các phản đối và nó cũng có thể khiến các nước khác khuyến khích các hoạt động đánh bắt cá hơn nữa để chống lại lệnh cấm đơn phương bởi vì đây là khu vực đang tranh chấp. Để có thể kiểm soát tốt hơn các hoạt động đánh bắt cá thì điều quan trọng là các nước phải đóng băng các hoạt động đòi chủ quyền của mình. Nếu một nước nào đó đòi chủ quyền với một khu vực A mà một nước khác cũng đòi chủ quyền thì mọi người có thể nói đó là đòi hỏi chủ quyền của anh nhưng anh sẽ không được làm thay đổi gì hết trong khoảng thời gian của hiệp ước ví dụ như là 30 năm sau mới gia hạn giống như hiệp ước Nam Cực chẳng hạn. Tức là trong suốt khoảng thời gian đóng băng theo hiệp định không có bất cứ hành động nào của anh sẽ được dùng để củng cố những đòi hỏi về chủ quyền của anh. Lú đó các bên có thể nói chuyện hợp tác với nhau trong khai thác thủy sản, hay những lệnh cấm tạm thời.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về tác động của phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế PCA trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc xét về khía cạnh môi trường?
GS John McManus: Phán quyết của tòa là một bước đột phá quan trọng trong luật quốc tế. Luật có liên quan đến mục đích của luật dựa trên lịch sử, những gì đã được nói vốn đã không rõ ràng, và dựa vào những vụ kiện tương tự trong quá khứ. Vì vậy phán quyết này rất quan trọng. Nó tạo một tiền lệ để tận dụng cơ hội này làm rõ luật có nghĩa gì. Điều này là rất tốt. Bên cạnh những điểm khác của phán quyết mà mọi người đều biết về  các thực thể tại Trường Sa và đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc, có một điểm thứ ba rất quan trọng là luật cũng nói rõ về việc bảo vệ môi trường biển. Ngay cả nếu đó là vùng nội thủy hay những vùng nước thuộc chủ quyền khác của anh đi chăng nữa thì anh cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Việc phá hoại môi trường biển trong vùng biển của anh và các vùng nước xung quanh là sai luật quốc tế. Tức là trước kia thì quy định này chưa rõ ràng nhưng giờ thì đã rõ và trường hợp này có nghĩa là một nước có thể mang một nước khác ra tòa kiện nếu thấy nước đó phá hoại môi trường biển. Vấn đề môi trường lúc đầu không phải là chủ đích chính của vụ kiện nhưng sau đó đã được bổ sung. Giờ thì đã rõ là Trung Quốc đã có các hoạt động phá hoại môi trường biển. Tất nhiên các nước khác cũng vi phạm luật quốc tế khi có các hoạt đông phá hoại môi trường biển dù chỉ chiếm khoảng 1% hư hại. Tôi hy vọng là điều này sẽ làm rõ là tất cả  các nước trên thế giới phải bảo vệ môi trường biển.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. RFA

12. Tỉnh Lạng Sơn muốn nối với Trung Quốc
Tỉnh nằm giáp ranh với Trung Quốc đã đề xuất chính phủ chỉ thị cho các cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng một tuyến đường sắt nối với quốc gia láng giềng phương bắc.
Theo dự án trong tương lai, tuyến đường sắt cao tốc sẽ chạy từ thủ đô Hà Nội qua thị trấn Đồng Đăng của Lạng Sơn và nối với đường sắt Trung Quốc để phục vụ chuyên chở hàng hóa, Xinhua đưa tin, dẫn báo chí Việt Nam hôm 2/11.
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ trích UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết “mục đích là để tăng năng lực vận tải hàng hóa khi kết nối đồng bộ với đường sắt của Trung Quốc”.
Tờ báo cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết rằng “không chỉ Lạng Sơn, trước đây Hải Phòng và Lào Cai cũng đề nghị làm đường sắt tốc độ cao kết nối với đường sắt Trung Quốc nhằm tăng năng lực vận tải”.
Ông Đông được trích lời nói rằng “với điều kiện hiện nay, đây vẫn là vấn đề cần phải phân tích đánh giá tính khả thi nằm trong tổng thể phát triển”, và rằng “hiện nay về nhu cầu vận tải, tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn rồi qua Nam Ninh (Trung Quốc) không nhiều lưu lượng hàng hóa cần vận chuyển bằng đường sắt”.
Trang tin điện tử Zing News cuối năm ngoái trích lời lãnh đạo Lạng Sơn nói rằng “phía Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trần Sỹ Thanh, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã đưa ra đề xuất nói trên khi làm việc với tỉnh Lạng Sơn và ngỏ ý sẽ thu xếp vốn nếu dự án này được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 11 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, báo chí trong nước dẫn lời ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. – RFA.



No comments:

Post a Comment