Tuesday, November 1, 2016

PHỐ WALL NÓI KHÔNG VỚI DONALD TRUMP (The Economist)




Theo Trí thức trẻ/Economist


Lần đầu tiên, Phố Wall phản đối một ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hoà.

·         Ai ủng hộ Donald Trump?

Theo truyền thống, Phố Wall luôn đứng về phía Đảng Cộng Hoà, bởi phe bảo thủ tại Mỹ, phần lớn là thành viên Đảng Cộng Hoà, thường đề xuất mức thuế thấp, hỗ trợ thương mại tự do và giảm bớt các quy định kinh doanh. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Phố Wall đang đi ngược lại truyền thống nhiều năm của mình.

Theo kết quả thăm dò các nhà quản lý quỹ đầu tư của Ngân hàng Merrill Lynch vào tháng 10 vừa qua, Donald Trump trở thành tổng thống chính là một trong những mối đe doạ lớn nhất tới thị trường tài chính.

Một nghiên cứu của Justine Wolfers từ Đại học Michigan và Eric Zitzewitz từ Đại học Dartmouth chỉ ra rằng sau cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, khả năng bà Hillary Clinton giành chiến thắng đã tăng lên 6 điểm trên các thị trường đặt cược. Đồng thời, sau cuộc tranh luận đầu tiên, thị trường chứng khoán tăng điểm, trong khi đó, giá vàng và Trái phiếu kho bạc (hai loại tài sản đem lại lợi nhuận khi các nhà đầu tư sợ rủi ro) lại giảm.

Nghiên cứu kết luận thị trường tài chính đang trông đợi nền kinh tế trong và ngoài nước phát triển dưới sự lãnh đạo của bà Hillary thay vì ông Trump.

Ông Trump khác xa hình mẫu truyền thống của Đảng Cộng Hoà; và đây chính là điều khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Nếu ông Trump giành chiến thắng, không một ai có thể chắc chắn được ông sẽ đưa ra những quyết định gì về cả chính sách kinh tế và ngoại giao. Nguyên nhân không chỉ bởi vì những tuyên bố của ông rất mơ hồ và không nhất quán; mà còn bởi đội ngũ cố vấn chính sách của ông cũng không hề giống những đội ngũ cố vấn thường thấy của các ứng viên tranh cử tổng thống trước đây. Vì vậy, rõ ràng, ủng hộ ông Trump chính là bước vào một vùng đất đầy rủi ro.

Một loạt tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử cũng khiến các nhà đầu tư “đau đầu”. Về thương mại, ông Trump đe doạ sẽ huỷ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và tiến hành nhiều biện pháp mạnh trước nguy cơ gián đoạn kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng tuyên bố sẽ mạnh tay trục xuất nhóm dân di cư bất hợp pháp - điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng lao động của Mỹ.

Chưa hết, ông Trump còn thể hiện mong muốn rút lui (hoặc ít nhất là tái đàm phán) khỏi các liên minh phòng thủ của Mỹ - một hành động có thể gây ra nhiều rủi ro địa chính trị.

Các nhà đầu tư cũng lo lắng về thái độ của ông Trump với nữ thống đốc Jenet Yellen của Cục Dự Trữ Liên Bang (FED). Ông Trump từng ám chỉ sẽ bổ nhiệm một ứng viên cứng rắn hơn vào vị trí này khi nhiệm kỳ của bà Yellen kết thúc vào tháng 1 năm 2018 hoặc thậm chí là sớm hơn. Rõ ràng, các nhà đầu tư không hứng thú gì với viễn cảnh FED sẽ thắt chặt các chính sách hay bất cứ điều gì đe doạ đến hoạt động độc lập của FED.

Tất cả những yếu tố trên đều sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính nước Mỹ, mà còn tới cả thị trường tài chính toàn cầu.

Tất nhiên, nguy cơ không chỉ đến từ phía ông Trump. Việc Đảng Dân Chủ kiểm soát Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện cũng có thể tác động tiêu cực tới thị trường. Cụ thể, quyền lực trong tay những thành viên chủ chốt trong Đảng như ông Bernie Sanders hay bà Elizabeth Warren, những người ủng hộ việc tăng thuế và áp dụng nhiều quy định hơn, sẽ được tăng cường.

Theo quan điểm của thị trường, kịch bản ít tổn hại nhất chính là bà Hillary giành chiến thắng nhưng quyền kiểm soát Nghị Viện vẫn thuộc về Đảng Cộng Hoà. Theo bà Kate Moore của tập đoàn quản lý quỹ đầu tư BlackRock, chính phủ phân chia quyền lực sẽ có tác động tích cực tới kinh tế. Không chỉ vậy, kịch bản này còn có thể tạo ra một yếu tố kích thích tài khoá nhẹ có lợi cho thị trường.

Theo nhà phân tích Michael Zezas tại ngân hàng Morgan Stanley, những ứng cử viên tổng thống có kiến thức cơ bản về thuế doanh nghiệp thường ủng hộ những kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp chuyển thu nhập nước ngoài về trong nước và hạn chế khấu trừ thuế các khoản thanh toán lãi suất.

Điều này cho thấy “Tổng thống” Hillary Clinton, người luôn sẵn sàng hợp tác với Đảng đối lập ngay từ khi còn là nghị sĩ, có thể đạt được thoả thuận với các Viện do Đảng Cộng Hoà kiểm soát về vấn đề giảm thuế để loại bỏ các khoản khấu trừ.

Cuối cùng, dù ông Trump có ý định giảm thuế cho người giàu và tăng giá cả hàng hoá ảnh hưởng đến người nghèo (thông qua áp dụng thuế quan lên các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc), nhưng trong mắt các nhà đầu tư phố Wall, ông luôn là một người theo chủ nghĩa đại chúng.

Ngược lại, mặc dù bà Hillary đã lên kế hoạch tăng thuế thu nhập và thắt chặt xử lý thuế thặng dư vốn, nhưng ngay từ đầu, bà đã được đánh giá là ứng cử viên của Phố Wall. Các kế hoạch của bà đều thể hiện đúng những quan điểm của Đảng Dân Chủ.

Thị trường tài chính rõ ràng không hề mong đợi ông Trump giành chiến thắng. Bỏ phiếu cho ông Donald Trump là điều mà không một nhà đầu tư nào muốn làm.

Quỳnh Mai
Theo Trí thức trẻ/Economist

-------------------------------
XEM THÊM :

Theo Trí thức trẻ/Economist
Thứ 2, 17/10/2016, 12:00

Thống đốc NHTW Mexico nhận định chỉ nguyên mức thuế 35% cũng đủ để tạo thành một “cơn bão” giáng xuống nền kinh tế nước này. Các chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng GDP của Mexico sẽ giảm 5%.


Khi được hỏi ông nghĩ gì về kế hoạch xây một bức tường chắn giữa biên giới Mexico và Mỹ của Donald Trump, một quan chức của Mexico đã mỉm cười và mở điện thoại lên. Ông mở ra một tấm bản đồ Mexico từ năm 1824, khi các bang California, Texas và vùng ngày nay là vùng phía Tây Nam của nước Mỹ đều thuộc về Mexico. “Chúng tôi sẵn lòng trả tiền để xây bức tường đó”, ông nói đùa hóm hỉnh.

Đối với phần lớn người Mexico, viễn cảnh Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới không vui vẻ đến vậy. Ứng viên của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ áp mức thuế 35% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và sẽ xóa bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thống đốc NHTW Mexico nhận định chỉ nguyên mức thuế 35% cũng đủ để tạo thành một “cơn bão” giáng xuống nền kinh tế nước này. Các chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng GDP của Mexico sẽ giảm 5%. Viện Peterson dự đoán chính sách bảo hộ thương mại của Trump sẽ thổi bùng lên một cuộc chiến thương mại, đẩy nước Mỹ vào thời kỳ suy thoái và đến năm 2019 nước Mỹ mất đi 4,8 triệu việc làm.

Đến thăm hai thành phố tràn đầy ánh nắng mặt trời Tijuana (Mexico) và San Diego (California), bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của mối quan hệ giữa hai nước. Đường biên giới ngăn cách giữa hai thành phố chính là đường biên giới nhộn nhịp nhất ở Tây bán cầu. Người Mexico băng qua đây để tới công ty làm việc, đi mua sắm và thăm bạn bè. Người Mỹ hướng về phía Nam để nghỉ ngơi trên bãi biển và tìm tới dịch vụ nha khoa giá rẻ. Là người của đảng Cộng hòa, thị trưởng thành phố San Diego Kevin Faulconer coi công việc của mình là xóa đi những rào cản trên biên giới, thúc đẩy hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia.

Kể từ khi NAFTA được thông qua, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mexico đã tăng hơn 6 lần. Mexico là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của Mexico. Hai nước “không còn đơn thuần bán những sản phẩm đã hoàn thiện cho nhau mà cùng nhau xây dựng mọi thứ”. Mỹ và Mexico đã cùng nhau tạo nên lợi thế để hình thành một nền kinh tế khu vực “siêu cạnh tranh”.

Ví dụ, trong một nhà máy khổng lồ ở Tijuana, hàng trăm công nhân mặc đồng phục màu xanh đang lắp ráp những chiếc tai nghe. Plantronics, công ty Mỹ sở hữu nhà máy này, luôn được bình chọn là một trong những nơi làm việc tốt nhất ở Mexico.

Nhà máy này cũng là ví dụ cho thấy một đặc điểm giúp Mexico trở nên đặc biệt hữu dụng đối với các nhà sản xuất Mỹ như thế nào. Đó chính là tính tùy biến. Các khách hàng ngày càng muốn mua các sản phẩm in đậm dấu ấn cá nhân nhiều hơn đồng thời cũng muốn được giao hàng nhanh. Nhà sản xuất sẽ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu này nếu cơ sở sản xuất ở ngay bên cạnh. Plantronics cho phép khách hàng tùy chọn màu sắc và thiết kế của sản phẩm (chẳng hạn như màu xanh và không thấm mồ hôi). Sản phẩm đến tay khách hàng Mỹ và Canada chỉ sau 48 giờ. Plantronic sẽ chẳng thể làm được điều này nếu đặt nhà máy ở Trung Quốc.

Sản xuất ở Mexico càng trở nên hấp dẫn hơn kể từ năm 2010, khi mà chi phí nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Những công đoạn phức tạp nhất luôn được làm ở Mỹ, nhưng các công ty không chỉ đơn giản là kết hợp những “bộ óc Mỹ” với “sức mạnh cơ bắp” của Mexico. Mexico có nhiều kỹ sư hơn Mỹ (tính theo tỷ lệ dân số) và có thế mạnh về đào tạo nghề. Thermo Fisher Scientific, một công ty chuyên về công nghệ dùng trong y tế, thường sử dụng các kỹ sư công nghệ ở Tijuana để viết phần mềm.

Mexico không thể so được với Trung Quốc trong cuộc chạy đua sản xuất hàng loạt những hàng hóa siêu rẻ. Tuy nhiên, quốc gia này lại có thể cung cấp những dịch vụ đem lại nhiều lợi nhuận hơn. 3DR là một công ty có trụ sở ở California chuyên bán máy bay không người lái sử dụng trong các công trường xây dựng. Máy móc thường được sản xuất ở Trung Quốc nhưng công ty có một nhóm các kỹ sư mạnh về công nghệ và nói được tiếng Anh làm công việc kiểm tra, sửa chữa và hỗ trợ kỹ thuật ở Tijuana. Và, phần mang lại nhiều giá trị hơn không phải bản thân chiếc máy bay mà nằm ở các phần mềm và dịch vụ đi kèm với nó.

Theo Theodore Moran và Lindsay Oldneski đến từ Viện Peterson, đúng là vì công việc bị chuyển sang Mexico, một bộ phận lao động Mỹ có tay nghề thấp sẽ mất việc. Tuy nhiên xét về lợi ích chung thì nước Mỹ có lợi vì hàng hóa rẻ hơn nhiều. Nếu 1 gia đình Mỹ tiết kiệm được 100 USD nhờ mua máy giặt “made in Mexico” và chi số tiền này ở rạp chiếu phim, họ tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên bán vé, cho người quản lý rạp chiếu phim và “thậm chí là cho cả Brad Pitt”.

Các doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh bám chặt vào đường biên có nhiều cảm nghĩ khác nhau về kế hoạch phá tan hệ sinh thái này của Donald Trump. Một số quả quyết rằng Trump sẽ thua cuộc, một số khác thì vì e ngại mà không dám lên tiếng (vì Trump có “sở thích” liệt kê tên các công ty đang có nhà máy ở Mexico).

Tuy nhiên cũng có một số người không ngần ngại thể hiện sự thất kinh. “Có lẽ chúng tôi sẽ phải đóng cửa. Tác động là rất lớn và khủng khiếp”, giám đốc liên đoàn phát triển kinh tế khu vực San Diego nói. Đầu tháng 10, tờ nhật báo bảo thủ San Diego Union – Tribune đã công bố ủng hộ Hillary Clinton – lần đầu tiên trong lịch sử 148 năm tờ báo này ủng hộ một ứng viên của đảng Dân chủ.

Một số người cho rằng lời kêu gọi xây dựng bức tường chắn ở biên giới hay cấm cửa người Mexico và đánh thuế cao chỉ là những lời khoa trương để Trump tạo ra điểm nhấn cho chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, cho đến nay đã có thể nhìn thấy một tác động tiêu cực mà Mexico phải gánh chịu. “Trump chỉ cần có khả năng trở thành Tổng thống Mỹ là đã khiến Mexico trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài rồi”, một chuyên gia người Mexico nói. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Mỹ và Mexico đều tham gia cũng đang bị trì hoãn. Ngoài ra, vì đồng peso giảm giá, giá trị của dòng kiều hối mà người Mexico ở Mỹ gửi về quê nhà cũng giảm sút đáng kể.

Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist

------------------------------









No comments:

Post a Comment