Monday, November 28, 2016

NHỮNG TÊN ĐỒ TỂ CỦA ĐẠO ĐỨC (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
26-11-2016

Khổng Tử viết, “Bọn giả nhân giả nghĩa là những tên đồ tể của đạo đức.” Câu này -như nhiều danh ngôn khác- đều mơ hồ vì không có hoàn cảnh áp dụng vào thật tế cuộc sống. Nhưng lần này chúng ta có một trường hợp không những đã vô cùng thật tế mà lại còn mang tính thời thượng giúp tìm hiểu xem vị triết gia Tầu, thời thượng cổ muốn nói gì với năm chữ “đồ tể của đạo đức.”

Câu chuyện bắt đầu từ thẩm phán Amos Mazzant; ông này là thẩm phán liên bang ngồi xử án tại tòa Sherman, Texas; hôm thứ Ba 22 tháng 11, 2016 ông ký lệnh cấm (injunction) 4.2 triệu công nhân Texas, và hàng trăm triệu công nhân trên khắp liên bang Hoa Kỳ không được hưởng tiền lương phụ trội, khi họ làm thêm, ngoài giờ làm việc. Nếu ông đủng đỉnh, khoan thai chậm ký chín ngày nữa thì mỗi gia đình công nhân nghèo đã tháng tháng lãnh được thêm vài trăm tiền OT - overtime.

Thông thường lương công nhân không nhiều, nên có được bao nhiêu giờ OT, là cắm đầu, cắm cổ nhận làm hết; tuy nhiên luật lệ ấn định số lương tối đa của công nhân là $455/mỗi tuần, $23,660/mỗi năm, làm thêm bao nhiêu giờ cũng không lãnh được lãnh nhiều hơn.

Để giải quyết tình trạng “làm thêm việc mà không được lãnh thêm tiền,” Tổng Thống Obama ban hành một đạo luật khác, ấn định số lương tối đa hàng tuần là $913, và hàng năm là $47,476 -gấp đôi mức lương cũ. Đạo luật “Obama lương” được dự trù áp dụng kể từ ngày mùng 1 tháng Chạp 2016, nhưng một tuần trước ngày đó -ngày công nhân được tăng lương tối đa- ông tòa Mazzant ký lệnh cấm, căn cứ theo đơn thưa của ông Ken Paxton, Bộ Trưởng Tư Pháp Texas.

Hoa Kỳ có 50 tiểu bang, thì 21 tiểu bang đưa luật “Obama lương” ra tòa, nhưng ông Mazzant là thẩm phán liên bang nên lệnh cấm của ông có giá trị toàn quốc.

Ken Paxton

Amos Mazzant

Con số những công nhân Texas hưởng lương OT nhờ luật “Obama lương” được ước tính là 4.2 triệu; những người đó đang ngóng chờ bộ Lao Động kháng cáo injunction của thẩm phán Mazzant; nhưng chính phủ Obama đang trong thời gian chuyển giao quyền hạn cho tân chính phủ Donald Trump, không còn khả năng bênh vực công nhân nữa.

Cầm đầu vụ kiện chống luật “Obama lương” là ông Paxton; cùng đứng đơn với Paxton là Bộ Trưởng Tư Pháp Nevada, 19 tiểu bang khác đồng ý “ăn theo”; thắng kiện Paxton ra tuyên cáo, nói bản injunction đã ngăn cấm không cho đạo luật OT mới gây tổn hại cho người công nhân Hoa Kỳ.

Bản tuyên cáo viết, “luật OT (overtime) tác hại bằng cách giới hạn tính linh động trong liên hệ giữa chủ nhân và công nhân để tính tiền làm overtime; luật còn tự quyền ấn định số lương overtime quá cao, khiến giới chủ nhân phải cắt bớt giờ làm việc của công nhân; luật OT chỉ đẹp mắt khi đăng lên báo, nhưng trên thật tế nó làm mất đi tính uyển chuyển thương lượng giữa chủ nhân và công nhân. Còn giữ chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp Texas, tôi không để việc đó xảy ra.”

Nhờ tòa án cắt quyền hưởng lương OT của trên 4 triệu công nhân Texas, mà Paxton vẫn nói là ông bênh vực giới công nhân không bị cắt bớt giờ OT -những giờ làm thêm mà không được lãnh thêm lương!

Việc làm đó quả là đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa, tay móc túi nhà nghèo, miệng vẫn xoen xoét kể công với những người bị bóc lột. Khổng Tử gọi những người đó là “đồ tể của đạo đức” vì họ giết chết đạo đức như anh đồ tể thọc huyết heo.

Lệnh của thẩm phán Mazzant cấm thi hành luật OT sẽ được áp dụng tại những tiểu bang Texas, Nevada, Alabama, Arizona, Arkansas, Georgia, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maine, Michigan, Mississippi, Nebraska, New Mexico, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Utah và Wisconsin.

Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan nhận định, “Tổng Thống Obama muốn đưa đạo luật OT ra áp dụng trước khi ông rời khỏi chính trường; ông tưởng là ông giúp giới công nhân, thật ra ông làm hại họ.” Ông Marc Freedman, chánh sở nghiên cứu về Luật Lao Động của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ nhận định, “Luật OT đã trở thành dĩ vãng, vì sẽ không ai đứng ra khiếu nại án lệnh của thẩm phán Mazzant.”

Ông Ross Eisenbrey thuộc viện Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế (Economic Policy Institute) tuyên bố, “Án lệnh Mazzant bắt công nhân làm thêm giờ, không lãnh thêm tiền; do đó giúp giới doanh nhân thành công nhiều hơn.”

Trả lời câu hỏi “nhiều hơn” là bao nhiêu, Bộ Lao Động chiết tính và tìm ra con số $1.5 tỉ -$1.2 tỉ đi vào túi công nhân dưới hình thức “lương overtime”, (bằng 1 lần rưỡi [150%] lương thường ngày) và $300 triệu tiền giấy tờ, sổ sách, và mướn kế toán viên giữ sổ OT. Hiện nay, mỗi năm giới chủ nhân trả cho công nhân $8,000 tỉ Mỹ kim tiền lương mỗi năm; nếu không xé được luật Obama lương, số tiền phải trả thêm sẽ tạo thêm một chi tiêu mới bằng với 0.03% của số lương chủ phát cho công nhân.

Dù không đáng bao nhiêu, dù sứt mẻ chỉ bằng với 0.03% số tiền lương trả ra cho công nhân, nhưng tiền cũng vẫn là tiền, tiền cắt, tiền đồng cũng là tiền, nên giới doanh nhân đang khen ngợi cả hai ông Paxton và Mazzant giúp Hoa Kỳ tiến bộ hơn, nhờ tránh được những phung phí tạo suy nhược kinh tế. 

Tiền cắc, tiền đồng cũng vẫn là tiền

Tiền giấy cũng là... tiền

Dù được Tổng Thống Obama bổ nhiệm, nhưng Chánh An Mazzant không đồng ý với ông tổng thống mãn nhiệm là hành pháp có quyền chen vào việc chủ nhân trả lương cho công nhân. Có thể ông hành xử đúng; 4.2 triệu công nhân Texas (trong tổng số 159.463 triệu người) mất tiền OT có người nào chỉ trích ông đâu, trong lúc hàng ngàn chủ nhân xí nghiệp đang ca tụng ông. Và cũng có thể ông Paxton đi đúng hướng chính trị.

Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi chưa được giải đáp, câu, “Nguyên nhân nào khiến những công nhân bị ông Paxton chặn lương OT vẫn hăng hái bỏ phiếu bầu ông ta?” Paxton bước vào chính trường từ 15 năm nay, lần đầu tiên ông được cử tri bầu vào Hạ Viện Texas đại diện quận 70 là năm 2002, cho đến năm nay, chưa lần nào ông thất cử.

Thành tích chính trị này hùng hồn bác bỏ triết lý “bọn giả nhân giả nghĩa là những tên đồ tể đạo đức” của Khổng Tử. Có thể việc Paxton nói ông bênh vực giới công nhân, giúp họ không bị cắt bớt giờ OT -những giờ làm thêm mà không được lãnh thêm lương- không phải là thái độ giả nhân giả nghĩa, mà là nhân nghĩa thật.

Sắp lui khỏi chính trường, có thể ông Obama đủ rảnh rỗi để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi này; dù sao ông cũng là một học giả chính trị chủ trương thuyết công bằng lợi tức giữa chủ và công nhân.





No comments:

Post a Comment