Tuesday, November 29, 2016

NGHE "ĐẢNG TA" NÓI CHUYỆN ƠN NGHĨA . . . (Đoan Trang)




Tuesday, November 29, 2016

Việc đảng Cộng sản Việt Nam ép toàn dân phải quốc tang Fidel Castro làm cho bao nhiêu người vốn không định nói gì về sự kiện này, bây giờ khó chịu quá lại phải nói, ví dụ như tôi.

Tôi có học chút ít tiếng Tây Ban Nha, chơi tây ban cầm, và cũng từng quan tâm đến Cuba cũng như mối quan hệ quốc tế vô sản Việt - Cu. Ai học tiếng Tây Ban Nha thì đều biết Fidel Castro là nhà hùng biện nổi tiếng, và cách ông ấy phát âm chữ "r" thì tuyệt vời, maravilloso.

Ai quan tâm đến quan hệ Việt Nam - Cuba thì đều biết trong thời gian chiến tranh (kể cả chiến tranh lạnh), đảng và nhà nước Cuba đã là người bạn tốt của đảng và nhà nước Việt Nam. Fidel Castro từng nói nhiều câu nổi tiếng, đại loại như "vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình", "cần tạo ra hai, ba và nhiều Việt Nam hơn nữa". (Ở đây, Việt Nam được hiểu là Bắc Việt). Cuba xây đường xá, bệnh viện, trường học cho Việt Nam, cử chuyên gia y tế sang Việt Nam chữa bệnh cho dân. Thời bao cấp, lúc dân Việt Nam đói vàng mắt thì Cuba tặng đường mía. Đấy là chưa kể đến đội ngũ hàng trăm sinh viên Việt Nam được đảng và nhà nước cho du học Cuba, sau này trở về đều thành cán bộ, nói theo cách của tuyên giáo là đều nắm giữ những cương vị quan trọng để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Thiết tưởng Cuba thương Việt Nam đến không lời nào tả xiết, chẳng có nước nào trên thế giới này thương Việt Nam làm vậy, chứ đến như hai ông anh vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc rồi cũng bỏ rơi Việt Nam hết. (Riêng anh hai Trung Quốc thì sau khi đánh Việt Nam, dạy cho thằng em một bài học, đã trở thành cố vấn, sư phụ, bạn vàng bốn tốt của đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sách ngoại giao của đảng ta quả thật là khủng khiếp).

Nói chung, để kể về mối quan hệ thắm tình hữu nghị Việt – Cu hay nói đúng hơn là quan hệ giữa hai đảng và nhà nước anh em thì tôi kể hay hơn các dư luận viên nhiều. Vậy nên, không cần nhắc tôi những câu "sống phải có ơn nghĩa", "nghĩa tử nghĩa tận"...

Nhưng chẳng có gì biện minh được cho việc làm lố bịch của đảng Cộng sản ngày hôm nay.

- Thời chiến tranh, một nửa đất nước không phải là bạn của Cuba và không nhận được gì từ Cuba.

- Saddam Hussen cũng từng nói những lời có cánh về Việt Nam đó, sao lúc y chết, đảng không tổ chức viếng?

- Trong thời đại ngày nay, bày trò khóc thương một nhà độc tài (bất chấp luật pháp và lòng dân) là cách làm tốt nhất để thể hiện cho dân chúng và cộng đồng quốc tế thấy mình lạc hậu và lạc lõng như thế nào.

- Ngay cả thời chiến tranh và thời kỳ bao cấp hậu chiến, việc Việt Nam thân với Cuba cũng chỉ cho người ta cảm giác đó là một đám nước nghèo và kém văn minh tự co cụm lại, lủi thủi chơi với nhau. Có cái gì đó vừa đáng thương, vừa đáng buồn, vừa đáng giận.

Một lần nữa phải nhắc lại: Chính sách ngoại giao của đảng Cộng sản Việt Nam quả thật là khủng khiếp.

Người dân Cuba vẫn phải kỷ niệm 90 năm ngày sinh lãnh tụ, như thế này.
Ảnh: FB Lê Nguyễn Duy Hậu.

Còn ai nói Fidel Castro không phải nhà độc tài, thì hãy nhìn xem ông ấy ngồi ghế bao nhiêu năm? Vâng, "Người" đã là Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba từ 1959 đến 2008. Suốt nửa thế kỷ không có một cuộc bầu cử nào, "đảo tươi một dải" của các bạn đấy!

Cũng xin nói thêm, chuyện nền y tế của Cuba ưu việt, thật ra giống một huyền thoại hơn, các bạn ạ. Đừng quên là khi xảy ra động đất ở Armenia năm 1988, khi tham gia cứu trợ, các bác sĩ Việt Nam đã làm cho bạn bè quốc tế phải ngạc nhiên về trình độ (thao tác thủ công) của mình.

* * *

Lão già độc tài Fidel Castro nằm xuống, Trung ương Đảng ra thông cáo bắt cả nước để tang. Dư luận viên bảo thế là Đảng ta ăn ở có ơn có nghĩa. Ờ, thì cho là thế. Cũng cứ cho "nghĩa tử là nghĩa tận" đi.

Năm xưa khi Trung tướng Trần Độ mất, trong đám tang của ông (tháng 8/2002), người quá cố còn đang nằm trong áo quan ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, mà Trung ương Đảng vẫn kịp để Vũ Mão đọc điếu văn và tranh thủ nhét vào đó mấy câu: "Tuy nhiên, về cuối đời, ông (Trần Độ) đã phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng...".

Khi người nhà phản đối, hàng chục công an thường phục cầm gậy xuất hiện ngay lập tức, bao lấy áo quan trong tư thế sẵn sàng giáp lá cà với chủ nhà. (Tôi có mặt ở đó vào giờ phút ấy, nên tôi chứng kiến hết. Tôi còn thấy cả cảnh công an ép người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải sửa băng chữ trên vòng hoa tang thành "Kính viếng anh Trần Độ", thay vì "Kính viếng Trung tướng Trần Độ" nữa kia).

Lúc ấy sao các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước không nghĩ tới hai từ "ơn nghĩa", không nhớ tới câu "nghĩa tử là nghĩa tận" đi? Chẳng gì thì Trung tướng Trần Độ cũng từng là đồng chí của các vị cơ mà.

Posted by Đoan Trang at 2:56 PM 




No comments:

Post a Comment