Tuesday, November 29, 2016

MÁU CUBA TRONG CƠ THỂ VIỆT NAM (Trần Trung Đạo)





Báo Thanh Niên ngày 27 tháng 11 đăng một bài viết của Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ CSVN tại Cuba với tựa “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. 

Câu nói đó là của Fidel Castro phát biểu để ủng hộ CS Bắc Việt trong chiến tranh thôn tính miền Nam. Năm 1973, khi trở lại Việt Nam lần thứ ba, Castro đã lần nữa lập lại lời cam kết sẵn sàng góp máu.

Trước khi trình bày việc “góp máu” Cuba, thiết nghĩ nên lượt qua tình trạng và số lượng tù nhân chính trị tại Cuba vì số lượng tù ảnh hưởng đến số lượng máu. 

Theo nhà xã hội học Juan Clark, chuyên gia hàng đầu về tình trạng áp bức tại Cuba, đã có khoảng 60 ngàn tù nhân bị giam trong các trại “cải tạo” khắp Cuba trong thập niên 1960. Cuba có hơn 550 nhà tù trên khắp đảo. 

Theo cơ quan mật vụ Đông Đức Stasi, nhà cầm quyền CS Cuba giam giữ 15 ngàn tù nhân. Tuy nhiên, cơ quan Stasi không tính các nhà tù quân sự, trong đó giam khoảng 25 ngàn tù nhân thuộc giới đồng tính, lãnh đạo các tôn giáo, các thành phần “chống phá cách mạng”, v.v...

Mặc dù chiếm Cuba từ tháng Giêng 1959, mãi đến 2006, nhà cầm quyền CS Cuba vẫn còn giam giữ khoảng từ 339 đến 1000 tù nhân chính trị. 

Trở lại với tuyên bố của Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. Đó không phải là câu để cổ võ tinh thần mà là câu nói thật. 

Cuba đã từng “đóng góp” máu của người Cuba để chuyền cho thương binh CSVN trong thời chiến. Tuy nhiên, có hai điểm chính của sự kiện góp máu Fidel Castro cố tình che giấu; thứ nhất, đó không phải là máu của dân Cuba tự nguyện hiến mà là máu của những tù nhân bị chế độ CS Cuba kết án tử hình, và thứ hai, không phải máu tặng không mà CS Bắc Việt phải trả lại Cuba 50 đô-la cho mỗi túi. Với 7 túi máu, mỗi tử tù đem lại cho nhà nước CS Cuba một thu nhập 350 đô-la. Như đã viết ở trên, Cuba có nhiều ngàn tử tù bị hành quyết tập thể; do đó, thu nhập từ xuất cảng máu hàng năm không phải nhỏ.

Tin tức này rất dễ gây xúc động cho các thương binh miền Bắc nên người viết xin ghi nguồn thật chi tiết. Độc giả chỉ cần google là đọc được nguyên văn.

Theo điều tra của Wall Street Journal ngày 30 tháng 12, 2005, bà Mary Anastasia O'Grady đăng lại báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ Châu (InterAmerican Human Rights Commission) ngày 7 tháng Tư, 1967: 

"Vào 27 tháng Năm, 1966, 166 người Cuba, gồm dân sự và quân sự, bị tử hình, và phải tiến hành thủ tục y tế rút máu trung bình bảy túi mỗi người. Lượng máu này được bán cho Cộng Sản Việt Nam với giá 50 đô-la mỗi túi với hai mục đích vừa kiếm tiền đô và vừa đóng góp vào cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Cộng."

“Mỗi túi máu tương đương nửa lít. Việc trích một lượng máu như vậy từ một người bị kết án tử hình gây cho nạn nhân tình trạng mất máu não, không còn ý thức, và tê liệt. Khi máu được trích xong, nạn nhân được hai người lính đặt lên cáng và khiêng tới địa điểm hành quyết.”

Chủ trương rút máu này có lịch sử bắt đầu từ nước CS anh em Đông Đức trước đây khi cơ quan an ninh nổi tiếng tàn ác Stasi rút máu tù để bán cho Hồng Thập Tự Bavarian. Cộng Sản Cuba áp dụng phương pháp của CS Đông Đức nhưng với tầm mức quy mô hơn.

Đề án Cuba Archive, một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận trích lời một cựu tù nhân Cuba bị tù từ 1963 đến 1968 tại nhà tù Boniato, Santiago de Cuba kể lại: “Nhà tù Boniato vào năm 1963 có khoảng 5,000 tù nhân. Mỗi buổi sáng hai hay ba tù nhân trên đường ra pháp trường phải ghé lại trạm rút máu của bịnh viện nhà tù, phía sau phòng đóng kín. Bởi vì tôi là một tù nhân tật nguyền, không thể đi bộ nên tôi bị giữ tại bịnh viện nhà tù. Dù họ không cho thấy nạn nhân, tôi chỉ đứng cách đó 20 mét và có thể nghe mọi thứ. Chúng làm tương tự như thế cho mọi tù nhân bị tử hình.”

Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS) trong báo cáo vào tháng Tư 1967 cũng đã tố cáo thực tế rút máu tù nhân tại nhà tù La Cabaña Fortress. Ngoài máu tử tù, thân nhân của tù nhân cũng phải bị “hiến máu” trước khi được phép thăm viếng. Con số thân nhân thăm tù và bị rút máu lên đến nhiều chục ngàn người. 

Rút máu trong cơ thể người sống trước khi bắn chết là hành động dã man, phi nhân và vi phạm mọi luật quốc tế trong đó có The Code of Ethics of Blood Donation and Transfusion thuộc International Society of Blood Transfusion (ISBT) đã được Liên Hiệp Quốc chấp nhận.

Tử hình tập thể chấm dứt vào khoảng năm 1967 sau khi có cuộc nổi dậy của nông dân, nhưng kỹ nghệ xuất cảng máu của Cuba vẫn được tiến hành và nhận mức thu trung bình 30 triệu đô-la từ năm 1995 đến 2012. Giới cầm quyền CS Cuba không chỉ xuất cảng máu sang Việt Nam mà còn sang nhiều quốc gia khác trong đó có Canada.

Trong một bài viết ngắn trên Facebook mới đây, người viết có nhấn mạnh với những tội ác tày trời như thế, lẽ ra Fidel Castro, dù cao tuổi bao nhiêu, cũng phải sống để đối diện với sự thật và trả lời những câu hỏi của người dân Cuba. 

Người dân bao giờ cũng là những người thực sự có quyền phán xét cuối cùng. Không một lãnh tụ thế giới nào tránh khỏi bị kết án nếu họ làm sai. Nhưng không, Fidel Castro chết nhẹ nhàng, chết êm thấm sau khi thọ đến 90 năm. 

Castro qua đời mà không bị ai rút hết máu trong người cho đến khi bất tỉnh, như trường hợp anh nông dân 24 tuổi Angel Moisés Ruíz Ramos hay không đau đớn như trường hợp cô gái Lydia Peacuterez 25 tuổi có thai 8 tháng, bị cai tù đá vào bụng, máu của cô và của hài nhi cùng chảy cho đến khi hai mẹ con cùng chết trong nhà tù Cuba.

Nhiều người phê bình nhà cầm quyền CSVN tổ chức “Quốc tang” đúng ra nên gọi là đảng tang dành cho Fidel Castro, nhưng nghĩ cho cùng việc Nguyễn Phú Trọng và giới cầm quyền CSVN khóc cho Fidel Castro, lãnh tụ CS cuối cùng của thế kỷ 20 còn sót lại, cũng phải. Họ khóc cho Castro và cũng khóc cho chính họ. Castro có may mắn chết già nhưng liệu giới cầm quyền CSVN có được may mắn như thế hay không. Chưa chắc.


________________________________________

Tham khảo:

- Paul Hollander. (Oct 15, 2008). Political Violence: Belief, Behavior, and Legitimation. Political Science. (trang 148-150)

- Cuba: Forced blood extraction from political prisoners before execution. Report of July 2015. Cuba Archive.

- Mary Anastasia O'Grady. (Dec 30, 2005) Counting Castro's Victims. The Wall Street Journal.

- Cuba’s blood exports: a scandalous business (2004). Cuba Archive.

- Thanh Niên, 27/11/2016, "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình".




No comments:

Post a Comment