Wednesday, November 23, 2016

CÓ CHUYỆN THAY NGỰA GIỮA DÒNG ? (Lữ Giang)




Được đăng ngày Thứ tư, 23 Tháng 11 2016 15:21

Kể từ khi Donald Trump, nhà kinh doanh đã từng phải đối phó với 4.095 vụ án và đang phải đối phó với nhiều vụ án nữa, được tuyên bố đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, báo chí Mỹ và thế giới đã nói quá nhiều về nhân vật này, từ các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà chính trị, các nhà phân tích hay bình luận… đến người bình dân chỉ biết suy nghĩ theo cảm tính, cũng tham gia tranh luận.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã viết bài "Donald the Destroyer" (Donald Trump kẻ hủy diệt) để mô tả những tác hại cho Hoa Kỳ khi bầu Donald Trump làm tổng thống.

"Donald the Destroyer"

Trang nhà mentalhealth.com, một tổ chức chuyên nghiên cứu về các bệnh tâm thần, dưới đề mục "Diagnose President-elect Trump" (Chẩn đoán Tổng thống được bầu Trump) đã lên tiếng yêu cầu đưa Donald Trump đi khám nghiệm để xem ông ta có mắc các chứng bệnh tâm thần sau đây hay không : chứng tự cao tự đại (narcissistic), chứng hoang tưởng (paranoid) và chứng chống lại xã hội (psychopathic). Theo trang nhà này, kẻ mắc những chứng đó không thích hợp (unfit) để làm tổng thống.

Vấn đề được đặt ra là tại sao một người như thế lại được bầu làm tổng thống Mỹ ?

Có nhiều cách trả lời.

Căn cứ theo giáo khoa thư

Bỏ ra ngoài những tranh luận ồn ào dựa vào cảm tính và sợ sự thật, chúng ta thử xem các nhà phân tích đã nói gì về sự thắng cử của Donald Trump và sự thất tại của bà Clinton.

Trên đài BBC ngày 9/11/2016, phóng viên Anthony Zurcher ở Bắc Mỹ đã đưa ra 5 lý do khiến Donald Trump thắng cử : lý do thứ nhất làn sóng da trắng ủng hộ Trump ; lý do thứ hai là một Donald không hạ được ; lý do thứ ba là người ngoài cuộc ; lý do thứ bốn là nhân tố Comey và lý do thứ năm là tin vào bản năng.

Đa số các nhà nghiên cứu đã đưa "chủ nghĩa dân túy" (populism) trong sách giáo khoa ra để giải thích. Chữ "túy" trong chữ Hán có nghĩa là tinh hoa. Gọi là "dân túy" để kích động người dân, coi họ là tầng lớp tinh hoa, phải đứng lên tranh đấu để bảo vệ nguyện vọng và quyền lợi của họ, đòi hỏi phải thay đổi hệ thống chính trị và xã hội.

Khởi đầu nó phát xuất từ Nga vào cuối thế kỷ 19 bằng tư tưởng dân chủ nông dân, cho rằng có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng hình thức các công xã nông thôn. Đó là động lực chính của cuộc cách mạng vô sản.

Nhưng nông dân cũng như giới bình dân không có tổ chức chặt chẻ, không có lãnh đạo, biết rất ít về tình hình đất nước và thế giới, không có tư tưởng chủ đạo, tranh đấu không có chiến lược chiến thuật… nên thường bị biến thành công cụ của các thế lực khác, kể cả những kẻ hoạt đầu chính trị. Do đó, sau khi dùng nông dân và công nhân để cướp chính quyền, Đảng cộng sản đã thực hiện kế hoạch tiêu diệt các thành phần có thể lãnh đạo nhóm "dân túy" chống lại họ, đó là nhóm "trí, phú, địa, hào". Thực hiện khẩu hiệu "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ", Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ được vị thế của đảng sau khi chiếm miền Bắc.

Trong bài "Populism, Past and Present" (Chủ nghĩa dân túy, quá khứ và hiện tại), ông Shlomo Ben-Ami, cựu bộ trưởng ngoại giao Israel, đã nhận định rằng dường như, hiện nay, gần như không có chế độ dân chủ phương Tây nào được miễn dịch với chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Đối với những người ủng hộ việc Anh ra khỏi EU (Brexit), quốc gia-dân tộc bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn là EU. Tất nhiên, không chỉ Châu Âu bị cuốn vào chủ nghĩa dân túy. Hoa Kỳ, nơi mà Donald Trump được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên, cũng đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Trump đã vẽ đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, và vu vạ cho toàn cầu hóa (đặc biệt là người nhập cư) và những nhà lãnh đạo "quyền uy", những người đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm chống lại những người công nhân bình thường ở Mỹ. Khẩu hiệu của ông ta : "Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America great again), là màn trình diễn cao nhất của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ sai lầm.

Trump với khẩu hiệu Make America great again

Hãng thông tấn ABS-CBN nhận định rằng đối với hàng triệu cử tri là người da trắng không có trình độ đại học, những lời khiếm nhã của ông Trump nhằm vào người gốc Latinh, người Hồi giáo và phụ nữ… dù chỉ là chuyện phiếm của đàn ông, nhưng đã làm tâm lý của họ biến động.

Những cử tri ủng hộ ông Trump còn hoan nghênh ông với tư cách là một "hiệp sĩ da trắng" thành thạo làm ăn, có thể giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng ngoại thương, có thể đặt lợi ích quốc gia lên trên những thỏa thuận quốc tế như hạt nhân Iran hay biến đổi khí hậu - xa vời với lợi ích sát sườn.

Có thể nói, cử tri Mỹ sợ điều gì, ông Trump đã nói đúng tim đen của họ. Cho dù ông chưa biết những điều ông hứa hẹn sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng ông cứ nói đại và đã có được lá phiếu của họ. Quả thật, những người suy nghĩ theo cảm tính rất dễ bị đánh lừa.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi báo động "chủ nghĩa dân túy mị dân" (demagogic populism) của Donald Trump sẽ lan qua Châu Âu.

Did Comey mess up ? Oh, Yes !

Nhưng nhìn các số phiếu mà bà Clinton đã được, nhiều nhà phân tích không tin chủ nghĩa dân túy đã giúp Donald Trunp đánh bại bà Clinton. Cho đến ngày 10/11/2016, số phiếu phổ thông mà bà Clinton chiếm được đã lên đến 62.523.126 trong khi ông Trump chỉ được 61.201.031, tức bà Clinton hơn ông Trump 1.322.095 phiếu.

Trước ngày 28/10/2016, sự tin tưởng vào bà Clinton đã lên cao đến mức bà quyết định từ bỏ vận động cho mình và đi vận động cho các ứng cử viên thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ. Đùng một cái, sao quả tạ đã giáng xuống !

Roger Parloff, chủ biên của tạp chí Fortune, đã đặt cây hỏi : "Did Comey mess up ?" (Có phải Comey đã làm hỏng không ?), rồi ông ta tự trả lời "Oh, yes !" (Quả đúng như vậy !). Sau đó ông ta đưa ra các bằng chứng và lý lẽ để chứng minh sự xác quyết của ông. Tuy nhiên, trước khi trình bày các lý lẽ của Roger Parloff, chúng tôi thấy cần nói rõ bà Hillary Clinton đã phạm tội gì mà bị FBI điều tra ?

1. Những vi phạm của bà Hillary Clinton
Nguyên tắc chung của hình luật là "Nulla pena sine lege", tức không có luật định thì không có tội phạm. Đa số vẫn tin rằng bà Clinton đã phạm tội không dùng máy chủ của Bộ Ngoại giao để chuyển tin đi mà dùng máy chủ của cá nhân. Nhưng trong hình luật của Mỹ không có tội phạm nào như thế cả.

Bà Clinton đã bị điều tra xem có vi phạm điều 18 U.S. Code hay không. Đó là điều luật quy định về tội "tiết lộ thông tin mật" (Disclosure of classified information).

Sau khi điều tra, ngày 5/7/2016, ông James Comey đưa ra bản tuyên bố nói rằng "không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào cho thấy cựu ngoại trưởng Hillary hoặc trợ lý của bà có ý định vi phạm pháp luật trong vấn đề xử lý các thông tin mật, dù rằng họ đã vô cùng bất cẩn trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm và tối mật". Do đó, không thể truy tố bà ta được.

2. Đánh lừa quần chúng để hạ bà Clinton
Bổng dưng ngày 28/10/2016, 11 ngày trước ngày bầu cử, James Comey đưa ra tuyên bố FBI đang điều tra một loạt email mới có liên quan tới cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân trước đây của bà Clinton.

Giám đốc Phòng Điều tra Trung ương (FBI) James Comey

Xem vào nội dung của vụ điều tra, chúng ta có thể thấy ngay đây chỉ là chuyện ruồi bu : xem laptop của ông Weiner, FBI thấy có một số thư bà Clinton gởi cho bà Huma Abedin. Thế là James Comey la làng lên FBI đang xem "chúng có chứa những thông tin mật hay không". Donald Trump lập tức lên tiếng hoan nghênh sự việc này, còn bà Clinton thách FBI công bố những email đó.

Đa số quần chúng, kể cả một số người tự xưng là tiến sĩ hay bác sĩ, đều không phân biệt được từ điều tra đến truy tố (prosecution) và kết án (conviction) còn rất xa, nên tin rằng chuyến này bà Clinton chết rồi !

Nhưng ngày 6/11/2016, tức trước ngày bầu cử 2 ngày, FBI lại tuyên bố không có bằng chứng để truy tố bà Clinton tiết lộ thông tin mật. Lúc đó, có nhiều người đã gởi phiếu bầu khiếm diện hay đã đi bầu rồi.

3. Những vi phạm của James Comey
Theo ông Roger Parloff, chủ biên của tạp chí Fortune, khi chơi trò nói trên James Comey phạm hai lỗi lầm lớn :

Lỗi lầm thứ nhất : Công tố viện chỉ công bố tội phạm của một nghi can khi đã có lệnh truy tố, không bao giờ công bố khi đang mở cuộc điều tra. James Comey đã vi phạm nguyên tắc này.

Lỗi lầm thứ hai : Theo thông lệ, trong 60 ngày cuối cùng trước một cuộc bầu cử, cơ quan chính quyền phải tránh làm bất cứ điều gì có thể được coi là can thiệp chính trị vào cuộc bỏ phiếu. Ông James Comey cũng đã vi phạm thông lệ đó.

Ông Roger Parloff cho biết có trên 100 viên chức công tố hay tư pháp đã ký một lời tuyên bố phê bình James Comey đã vi phạm các quy tắc nói trên.

Thượng nghị sĩ Leader Harry Reid nói rằng luật The Hatch Act 1959 cấm các nhân viên công quyền dùng quyền của mình gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử. James Comey cũng đã vi phạm đạo luật này.

Trên tạp chí The Atlantic, nhà báo Adam Serwer nhận xét : "Bằng cách can thiệp bậy vào cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ông Comey đã làm tổn hại trước mắt và lâu dài quyền lợi nước nhà và nền dân chủ Mỹ. Mức tổn hại này lớn hơn rất nhiều so với những chỉ trích gay gắt nhất dành cho bà Clinton trong vụ án "Email gate".

Ông Steven Aftergood, Giám đốc Dự án Bí mật Chính phủ thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ nói : "Hành động của ông Comey là hành động hủy hoại".

Thay ngựa giữa dòng ?
Nhiều người không tin James Comey đã tự ý làm các điều vi phạm luật pháp và tai hại nói trên. Phải có một lệnh từ cấp trên cao đưa xuống ông mới hành động như vậy. Phải chăng vì thấy sức khỏe của bà Clinton không còn đủ để đảm nhận những công việc sẽ được giao phó trong những năm tới, nên đã có quyết định thay ngựa giữa dòng ?

Tờ Washington Post ngày 11/11/2016 đã đăng bài "‘Prediction professor’ who called Trump’s big win also made another forecast : Trump will be impeached" cho biết ông Allan Lichtman, giáo sư American University ở Washington, người đã tiên đoán đúng ông Donald Trump sẽ đắc cử, nay lại tiên đoán tiếp ông Trump sẽ bị quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa luận tội (impeach) và ông Mike Pence sẽ lên thay thế.

Allan Lichtman, Giáo sư American University of Washington

Trong cuộc tranh cử vừa qua, nhìn 4 nhân vật liên hệ trên các diễn đàn là bà Clinton, Thượng nghị sĩ Tim Kaine (phó), ông Trump và Thống đốc Mike Pence (phó), người ta thấy mỗi khi tranh luận, mặt ông Trump láo liên và biến sắc liên tục, sau đó đến Thượng nghị sĩ Tim Kaine. Mặt bà Clinton tuy thỉnh thoảng cũng biến sắc nhưng vẫn giữ được bình tĩnh. Chỉ riêng Thống đốc Mike Pence là luôn giữ được bình tỉnh khi tranh luận, giống như ông Obama.

Người mà lúc tranh luận mặt cứ biến sắc liên tục khi nghe người khác trình bày là người nóng nảy, độc đoán, luôn tự coi mình là đúng, không chấp nhận ý kiến của bất cứ ai. Akhenaten, một nhà tư tưởng Ai Cập đã nói :

"Người khôn thường nghi ngờ, và thay đổi tâm trí của mình ; người dại thì cố chấp, và không nghi ngờ ; anh ta biết tất cả mọi thứ nhưng không biết sự ngu dốt của chính mình".

Nhận định theo cảm tính, không cần biết thực tế đang diễn biến như thế nào, cũng là một hình thức cố chấp.

Ông Pence có sắc tướng của một người lãnh đạo hơn ông Trump nhiều. Có thể Pence là người đã được chọn từ trước ?

Ông Allan Lichtman nói :
"Tôi sẽ có một dự báo khác. Họ (đảng Cộng hòa) không muốn ông Trump làm tổng thống, bởi họ không thể kiểm soát được ông ấy. Cũng rất khó đoán xem ông Trump sẽ làm gì". (They don't want Trump as president, because they can't control him. He's unpredictable).

Với kiểu nói năng và hành động như Donald Trump, lúc nào Quốc hội cũng có thể luận tội (impeach) ông ta một cách dễ dàng.

Hãy chờ xem

Ngày 24/11/2016
Lữ Giang






No comments:

Post a Comment