Luật sư Ngô Ngọc Trai
Posted by adminbasam on
06/10/2016
Hôm 3/10 người ta phát hiện ông Viện trưởng viện kiểm
sát huyện Quốc Oai, Hà Nội bị đâm ba vết thương trên người trong phòng làm việc.
Nhiều nghi vấn cho rằng một kẻ nào đó đã bị đối xử bất công và xâm hại quá đáng
nên đã làm liều. Nhưng sau khi được cấp cứu và hồi tỉnh lại ông viện trưởng
khai rằng đã tự gây thương tích cho mình.
Đây mới chỉ là lời khai ban đầu trong tình trạng
tinh thần chưa ổn định nên có thể thay đổi. Nhưng dù thế nào đi nữa thì đây
cũng là sự việc đáng chú ý, bộc lộ cho thấy tồn tại mối bất ổn trong hoạt động
của nền tư pháp cấp địa phương là cấp huyện ở Việt Nam.
Cấp
huyện có gì đặc biệt?
Một đặc điểm nổi bật ở các địa bàn cấp huyện lâu nay
đó là chính quyền quá mạnh trong khả năng chi phối áp đặt đối với dân chúng.
Các thiết chế như Ủy ban nhân dân huyện, Công an huyện,
Tòa án huyện, Viện kiểm sát huyện, Mặt trận tổ quốc huyện, Hội đồng nhân dân
huyện, Huyện ủy… tất cả là những phân nhánh hợp thành tạo nên một chính quyền
huyện.
Các thiết chế này về nguyên tắc có chức năng kiểm
tra giám sát lẫn nhau, qua đó quyền lợi của dân chúng ngõ hầu được bảo vệ. Ví
như Hội đồng nhân dân giám sát Ủy ban nhân dân và các thiết chế khác, hay như
Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát hoạt động điều tra và xét xử.
Nhưng thực tế vì nhiều lý do, yếu tố giám sát kiểm
soát phòng ngừa lẫn nhau hầu như mất tác dụng. Khiến cho lối hành xử lạm quyền
làm sai xâm phạm quyền lợi người dân là phổ biến.
Về hội đoàn thì chỉ có các hội do chính quyền lập ra
để tập hợp các thành phần dân chúng là được phép hoạt động, và các hội này là
cánh tay nối dài của cấp chính quyền khiến cho chính quyền toàn trị mạnh thêm
lên so với dân chúng.
Ở các huyện thì lại thiếu vắng những định chế dân chủ
bảo vệ dân quyền như luật sư, nhà báo hay các nhà hoạt động xã hội. Thiếu vắng
các doanh nhân lớn, các nhà trí thức có uy tín tên tuổi sinh sống ở các huyện.
Điều này khiến cho khả năng lên tiếng phản ánh về các vấn đề trong dân chúng gặp
nhiều khó khăn.
Cho nên tóm gọn lại là chính quyền quá mạnh so với
người dân. Và trong nhiều vụ việc thì thường người dân phải cam chịu khuất phục
trước cường quyền.
Hệ lụy
cho tư pháp
Cỗ máy tư pháp là một bộ phận cấu thành của bộ máy
chính quyền cho nên cũng có thể nói là ngành tư pháp quá mạnh so với từng bị
can bị cáo.
Thực tế thì mỗi bị can bị cáo nhỏ bé như con sâu cái
kiến trước một nền tư pháp cấp huyện như vậy.
Việc các cơ quan tư pháp cấp huyện quá mạnh so với từng
bị can bị cáo thì có ảnh hưởng gì tới việc thực thi công lý? Tư pháp mạnh chẳng
phải sẽ giúp thực thi công lý tốt hơn hay sao?
Thực tế không đơn giản, không phải cứ làm sai thì phải
chịu, cứ có tội thì phải đi tù. Nhiều kẻ phạm tội thừa hiểu cái nguyên lý nhân
quả đó và sẵn sàng chấp nhận gánh chịu.
Song nền tư pháp quá mạnh lại lạm quyền và làm tình
làm tội con người ta. Nó moi móc kiếm chác từ mỗi bị can bị cáo, khiến cho nhiều
người tán gia bại sản khi lâm vào vòng lao lý không lối thoát.
Nhiều trường hợp bị bắt nhốt và khi ở trong trại thì
bị làm tình làm tội đủ điều. Ví như cho ăn cơm như ăn cám lợn. Một bị can cho
tôi biết khi bị giam ở công an huyện Thanh Oai thuộc Hà Nội người ta băm rau trộn
cơm cho mỗi suất ăn như cám lợn.
Hoặc có trường hợp bị hành hạ đánh đập đến tử vong
như Đỗ Đăng Dư ở huyện Chương Mỹ vì gia đình không thường xuyên quan tâm gửi tiền
và quà vào.
Nhiều trường hợp chỉ liên quan này nọ nhưng cũng bị
sách nhiễu triệu tập nhiều lần lấy lời khai, đe dọa khởi tố, khiến ảnh hưởng đến
công việc sự nghiệp.
Cho nên ở nền tư pháp cấp huyện không đơn giản là có
tội thì phải bị đi tù, mà vì quyền hành quá lớn không bị giám sát nên nó còn
làm tình làm tội và làm tiền con người ta, khiến cho tư pháp méo mó, công lý ngả
nghiêng.
Thực
trạng tư pháp huyện
Hiện không có dữ liệu thống kê đánh giá hay nghiên cứu
khoa học nào về năng lực thực thi công lý của các nền tư pháp cấp huyện ở Việt
Nam, nhưng có thể nhận định là còn rất nhiều vấn đề bất cập tồn tại.
Hãy hình dung về năng lực thực thi công lý của các
cơ quan tư pháp huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu, huyện Mường Lát của tỉnh
Thanh Hóa, hay huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên sẽ cho ta nhiều suy ngẫm.
Môi trường pháp lý ở những nơi đó hẳn không thân thiện
thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền công dân. Người dân chắc cũng chẳng nghe
nói đến công lý bao giờ.
Để giảm đi tình trạng lạm quyền làm sai, để bị can
không trở thành nạn nhân của nền tư pháp bất công thì phải yêu cầu các nhánh
trong bộ máy chính quyền phải làm tốt công việc kiểm soát phòng ngừa lẫn nhau.
Đó là giải pháp khả dĩ có thể làm ngay vì đó là các
thiết chế có sẵn và nguồn nhân lực sẵn có, như thiết chế Viện kiểm sát, hay
Đoàn Đại biểu quốc hội, Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Các thiết chế này
có chức năng giám sát nhưng lâu nay làm kém nên để xảy ra tiêu cực. Còn khi làm
tốt vai trò thì một bị can gặp bất công có thể tìm đến các thiết chế này để được
bênh vực bảo vệ.
Ngoài ra là cần tạo điều kiện cho sự phát triển của
các thiết chế dân chủ như luật sư, nhà báo hay các Hội đoàn xã hội dân sự. Bằng
cách sửa luật dẹp bỏ các rào cản hoạt động, kiến tạo môi trường thân thiện thuận
lợi để các hội nghề nghiệp này phát triển.
Người dân phải được quyền thành lập các hội đoàn xã
hội dân sự để tìm kiếm cơ chế hữu hiệu tự bênh vực bảo vệ quyền lợi, thay vì
tham gia một cách hình thức vào các hội đoàn do chính quyền lập ra. Sự lớn mạnh
của xã hội dân sự sẽ là một đối trọng để công quyền giảm tránh việc lạm quyền.
Tựu chung lại là cần nhìn ra được những vấn đề của nền
tư pháp cấp huyện, cải thiện nó giúp tạo lập cơ chế hiệu quả để cho người bị bất
công được bảo vệ. Tránh để tồn tại sự bế tắc quẫn bách làm liều, như trong vụ
việc của ông Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Quốc Oai mới đây.
No comments:
Post a Comment