03.10.2016
Nhắc đến Bắc Ninh, người ta thường nhớ đến những làn
điệu dân ca quan họ ngọt ngào của một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn
hoá và lịch sử bậc nhất đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng giờ đây, khi về Bắc Ninh, trong
mớ âm thanh ồn ào, hỗn tạp vẫn vang lên hàng ngày, người ta lại nhận ra âm hưởng
chủ đạo của nó không còn là những làn điệu quan họ da diết, xao xuyến lòng người,
hay khúc hoan ca về đời sống kinh tế vượt lên so với mặt bằng xung quanh, mà
thay vào đó là những tiếng ta thán, phẫn nộ của dân chúng về tình trạng tham
nhũng trắng trợn, tràn lan diễn ra từ thôn xóm cho đến cấp tỉnh.
Liên tiếp trong hai ngày 10/8 & 19/8 vừa
qua, một số công dân đại diện cho dân oan cũng như những người dân chống tham
nhũng ở Bắc Ninh đã gửi Tâm thư cho một loạt lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phản
ánh về những sai phạm, tham nhũng của lãnh đạo, chính quyền các cấp ở Bắc Ninh.
Trong bức Tâm thư ngày 10/8, các tác giả đã liệt kê một loạt vụ điển hình trong
hàng trăm vụ việc mà người dân đã khiếu kiện hàng chục năm qua, diễn ra trên hầu
khắp mọi huyện thị trong tỉnh.
Trước lời kêu gọi của bà con, ngày 26/9 vừa qua,
chúng tôi đã trực tiếp về thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh để tìm hiểu tình hình thực tế.
Từ Sơn là một vùng đất nổi tiếng với hoạt động sản
xuất kinh doanh đồ gỗ. Phần lớn các làng nghề ở đây đều chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ
nghệ, với những “tên tuổi” từ hàng trăm năm qua như Đồng Kỵ, Phù Khê hay Hương
Mạc. Nhờ sự phát triển của các làng nghề cũng như sự tháo vát, năng động trong
hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân địa phương nên từ lâu Từ Sơn đã trở
thành một vùng quê trù phú.
Với mật độ dân số cao gấp 2 lần mức bình quân vùng đồng
bằng sông Hồng, gấp 1,8 lần Hải Phòng, gấp 1,2 lần mật độ dân số Hà Nội, đất
đai ở Từ Sơn trở thành một thứ tài nguyên đắt đỏ, không thua kém mấy so với các
đô thị lớn trong cả nước.
Đất đai ngày càng có giá nên các quan chức ở Bắc
Ninh cùng các công ty sân sau của họ thi nhau nặn ra đủ thứ dự án để thu hồi đất
đai, ruộng vườn của người dân với giá đền bù rẻ mạt trước khi phân lô và bán với
giá cao gấp hàng chục lần so với mức đền bù. Ban đầu, mức giá đền bù thu hồi đất
ruộng ở đây chỉ là 40 triệu VNĐ/sào (1 sào = 360m2). Nhờ sự kiên trì
đấu tranh của bà con, mức đền bù được nâng lên 320 triệu/sào. Trong khi đó, giá
đất phân lô mà chủ đầu tư bán ra “bèo” nhất cũng là 10 triệu VNĐ/m2,
thậm chí có những vị trí lên đến trên 50 triệu VNĐ/m2.
Với chế độ sở hữu đất đai mơ hồ, với sự bao che,
dung túng của những cái ô khủng ở cấp tỉnh và trung ương, cũng như sự vô cảm,
vô trách nhiệm của những cá nhân hữu trách trong bộ máy, tình trạng tham nhũng
đất đai ở Từ Sơn đang diễn ra hết sức trắng trợn, nghiêm trọng trong suốt nhiều
năm qua.
Các quan chức ở Từ Sơn thậm chí còn ngang ngược đến mức
cho lấp ¾ sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa bàn thị xã để xây chợ gỗ cho thuê và
phân lô bán nền, rồi lại bỏ ra hàng trăm tỷ VNĐ từ ngân sách nhà nước để nạo
vét và xây bờ kè ở phía bờ sông đối diện. Theo ước tính của người dân địa
phương, chỉ riêng trong “dự án” này, khoản lợi nhuận mà đám quan tham và sân
sau của họ thu được cũng đã lên đến hàng nghìn tỷ.
Con sông Ngũ Huyện
Khê chảy qua đoạn này trước kia rộng 290m, sau khi bị san lấp (bên trái) chỉ
còn chừng 80m. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Tuy chỉ ghé thăm Từ Sơn, nhưng do bà con đã chuẩn bị
nên tại đây chúng tôi được gặp nhiều gương mặt chống tham nhũng tiêu biểu của cả
tỉnh Bắc Ninh. Họ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều bằng chứng kèm theo đơn thư tố
cáo mà họ đã gửi đến các cơ quan chức năng và công bố trên mạng.
Khối lượng đơn thư của bà con ở đây phải lên đến
hàng tạ, nhưng chúng cứ chạy lòng vòng từ nơi này sang nơi nọ rồi cuối cùng đều
rơi tõm vào im lặng. Thực ra không phải là không có đoàn này đoàn nọ từ trung
ương về kiểm tra, nhưng tất cả bọn họ đều được các đối tượng liên quan “săn
sóc” tử tế để rồi đâu lại hoàn đấy.
Một cán bộ địa phương cho chúng tôi biết: 98% số người
được coi là “đại gia” ở Bắc Ninh (không phải quan chức) là đi lên từ lĩnh vực đất
đai. Con số đó cho thấy lợi nhuận siêu khủng của các dự án nhà ở, phát triển hạ
tầng, cũng như mức độ tác oai tác quái của đám tham quan cùng các công ty sân
sau của họ. Còn quan chức trong bộ máy thì từ chủ tịch xã trở lên đã được xếp
vào hàng “đại gia” rồi.
Ruộng đất của dân
chưa đền bù xong nhưng các phương tiện thi công của chủ dự án vẫn ngang nhiên
tiến hành san lấp. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Anh Nguyễn Văn Thiểm, cán bộ văn phòng một cửa, UBND
xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, một công chức dũng cảm lên tiếng chống tham nhũng
từ nhiều năm nay, cho chúng tôi biết là riêng bản thân anh trong vòng 3 năm qua
đã gửi tới 2 tạ đơn thư. Anh bức xúc nói: “Tôi hiện đang là cán bộ, được đối mặt
với các vị lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh, nhưng không ai nói một cái gì [về
những đơn thư, vụ việc kia] cả. Nhiều khi tôi cứ nghĩ mình đây là vô chính phủ,
quá vô chính phủ, không nằm trong một tổ chức nào, dù danh nghĩa vẫn là công chức,
vẫn là đảng viên.”
Một vấn đề nhức nhối khác ở Từ Sơn nói riêng và Bắc
Ninh nói chung là nông dân bị thu hồi ruộng vườn thường không được đào tạo để
chuyển hướng ngành nghề hay bố trí công ăn việc làm phù hợp sau khi bị tước đoạt
tư liệu sản xuất truyền thống. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu là Trung Quốc,
nên tình hình giá cả rất thất thường, bấp bênh, giống như tất cả các mặt hàng
xuất khẩu khác của Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến
công ăn việc làm của lực lượng lao động nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất.
Một người dân Từ Sơn nói với chúng tôi: “Nếu bây giờ
mà xảy ra chiến sự với Trung Quốc thì khi cầm súng trong tay, đối tượng đầu
tiên mà dân chúng ở đây nhằm bắn không phải là kẻ thù từ phương Bắc kia, mà là
bọn quan tham, cường hào ác bá mới ở địa phương.”
“Thùng thuốc súng” Bắc Ninh xem ra chỉ còn chờ ngày
phát nổ.
----------------------
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
*
CÙNG TÁC GIẢ :
THÁNG 9 28, 2016
THÁNG 9 21, 2016
THÁNG 9 14, 2016
THÁNG 8 18, 2016
No comments:
Post a Comment