Friday, October 21, 2016

QUÁ TRÌNH SUY THOÁI CỦA PHƯƠNG TÂY & LÀM SAO NGĂN CHẬN NÓ ? (Javier Solana & Strobe Talbott, The New York Times)




Javier Solana và Strobe Talbott
20-10-2016

Trong suốt gần 70 năm qua, Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước châu Âu là khu vực rộng lớn của hòa bình, thịnh vượng và dân chủ. Cộng đồng xuyên Đại Tây Dương đã phát triển, bao gồm hơn 900 triệu người của hơn 30 quốc gia. Cộng đồng này là tấm gương cho sự hợp tác khu vực ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Đông Nam Á, và được coi là trụ cột của trật tự tự do trên thế giới.
Thành tích đạt được đó đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Những mối liên kết bên trong châu Âu đã bị yếu đi, nhưng năm nay là tồi tệ nhất. Tháng trước, ông Jean-Claude Juncker, quan chức cao cấp nhất của Liên minh châu Âu, nói rằng Liên minh đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng mang tính sống còn”.

Trong khi đó, hai đảng chính của Mỹ đã tỏ ra lạnh nhạt với những hiệp định thương mại với châu Âu và châu Á. Donald J. Trump hoan nghênh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu của Anh, đồng thời chế giễu các đồng minh của Mỹ và ca ngợi nhà lãnh đạo độc tài, Tổng thống Vladimir V. Putin, một người lo sợ và đang tìm cách phá hoại tình đoàn kết của phương Tây.

Với những áp lực như thế, năm sau có thể trở thành năm quyết định liệu phương Tây có thể vượt qua những khó khăn hiện nay hay không. Bài học quan trọng nhất của thời hiện đại là chủ nghĩa quốc tế đã giữ cho thế giới ổn định, trong khi quay lại với chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến tạo ra rối loạn và tàn phá.

Sau Thế chiến I, đã xảy ra một loạt sự kiện điên rồ và thất bại: Hiệp ước Hòa bình mang tính hủy diệt kẻ thù ở Versailles, sự bất lực của Hội Quốc Liên, vụ Đại Suy Thoái và sự xuất hiện của chủ nghĩa toàn trị. Kết hợp lại, chúng làm cho vụ xung đột thứ hai trở thành hiện tượng không thể tránh được.

Các nước giành được chiến thắng trong Thế chiến II quyết tâm không để lặp lại những sai lầm của các bậc tiền bối. Họ tìm được trong lịch sử của nền văn minh phương Tây những lời giáo huấn có thể áp dụng được cho cộng đồng các quốc gia được xây dựng không chỉ trên cơ sở những giá trị, lợi ích và thiết chế mà mọi người cùng chia sẻ, mà còn trên cơ sở liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Họ đã có nhiều thứ để dựa vào: chính thể lý tưởng của Pericles (không phải vài người mà nhiều người cai trị), các Liên minh Hanseatic (một hiệp ước về thương mại và quốc phòng thời Trung Cổ), Thời đại Khai sáng, cuộc vận động mở cửa thị trường và phân công lao động nhằm làm gia tăng của cải của các quốc gia do Adam Smith khởi xướng, và niềm tin của Immanuel Kant, rằng “nền hòa bình vĩnh cửu” phụ thuộc vào các quốc gia dân chủ có nền thương mại mạnh mẽ.

Bước đầu tiên hướng tới một châu Âu thống nhất là thị trường chung về than và thép. Pháp và Đức, kẻ thù trong cả hai cuộc Thế chiến, đã trở thành đối tác trong sản xuất và thương mại thời bình. Các kiến trúc sư của Dự án châu Âu, cam kết gắn bó những đặc điểm của tinh thần đoàn kết Đại Tây Dương, dựa vào cảm hứng từ thành công của Mỹ trong việc tạo lập các quốc gia độc lập và mới, từ 13 thuộc địa lúc ban đầu thành “liên minh hoàn hảo hơn”. Tiến bộ của châu Âu theo hướng đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có Kế hoạch Marshall, cú khởi đầu mạnh mẽ cho quá trình phục hồi kinh tế thời hậu chiến của lục địa này và đảm bảo cho sự tồn tại trong suốt 42 năm của NATO, như một lá chắn trong cuộc đối đầu với Liên Xô.

Sự sụp đổ của siêu cường đã lung lay vào năm 1991 thúc đẩy quá trình phát triển của Cộng đồng Kinh tế châu Âu thành Liên minh châu Âu. Quyết định của NATO, chấp nhận các thành viên mới từng là chư hầu của Liên Xô và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô làm cho quyết định cho Liên minh châu Âu trong việc kết nạp các nước này trở thành khả thi.

Khắp nơi, ai cũng nói tới hợp nhất: Làm cho chính sách của từng quốc gia dân tộc hài hòa với nhau thành chính sách chung của cả châu Âu, làm cho việc hợp tác trở thành dễ dàng hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau trở thành có lợi cho tất cả mọi người.

Trong những năm 1970, trước khi thuật ngữ này có ý nghĩa tiêu cực, “Eurocrats” (quan chức châu Âu) ở Brussels từng tự hào là đội tiên phong của xu hướng toàn cầu, mà họ đang truyền bá bằng một từ ít được sử dụng: Toàn cầu hóa. Hầu hết mọi người đều nói rằng, mở cửa thị trường thu hẹp đáng kể sự bất bình đẳng giữa các khu vực giàu và nghèo trên thế giới, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đặc biệt là ở châu Á. Nhược điểm của toàn cầu hóa trong khu vực đã phát triển, nhất là ở Bắc Mỹ và châu Âu – lương thưởng giảm sút, công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp mở cửa cho đối thủ cạnh tranh nước ngoài có nguy cơ bị mất - dường như có thể quản lý được với điều kiện là kinh tế thế giới phát triển nhanh.

Trong suốt những năm 1990, nói chung, các nền kinh tế tiếp tục phát triển, thu nhập trung bình gia tăng, có nhiều việc làm và các thị trường đều báo hiệu tương lai tươi sáng. Năm 2007, chỉ số công nghiệp Dow Jones lên tới mức cao kỷ lục. Một năm sau, đồng euro đạt giá trị tối đa, so với đồng USD. Nhưng trong vòng có mấy tháng, ngành ngân hàng và nhà ở của Mỹ bị phá sản, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Gần 9 triệu người Mỹ mất việc làm và cũng gần từng ấy chủ nhà bị tịch thu nhà cửa, phải giao lại nhà hoặc phải bán tống bán tháo. Người nghèo và tầng lớp trung lưu gặp nhiều khó khăn nhất.

Đại Suy Thoái làm châu Âu bị thiệt hại nhiều nhất. Buôn bán với phần còn lại của thế giới suy giảm mạnh và thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là khu vực nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải. Cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy và làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết trong cơ cấu của chính Liên minh châu Âu. Ngay cả trong những giai đoạn thuận lợi cũng đã có những căng thẳng giữa nước cho vay và nước đi vay. Đồng tiền chung, đồng euro, áp đặt chính sách chung về tiền tệ và tỷ giá hối đoái cố định, nhưng hội nhập tài chính giữa các quốc gia thì lại chưa diễn ra. Khiếm khuyết đó làm cho châu Âu phản ứng chậm trước cuộc khủng hoảng nợ công và làm cho nhiều người mất việc làm.

Năm ngoái xảy ra hết tai họa này đến tai họa khác. Một loạt những vụ tấn công khủng bố làm cho người ta lo lắng thêm về vấn đề an ninh; quyết định của Anh rời khỏi EU dấy lên lo ngại về sự lây lan của “những vụ ra đi” khác; và dòng người nhập cư cùng với người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi đã tạo ra gánh nặng lên thị trường lao động, lên các dịch vụ xã hội vốn đã căng thẳng và châm ngòi cho những bất an trong xã hội.

Các chiến dịch bầu cử ở Hoa Kỳ cũng tho thấy tình trạng bất ổn tương tự. Nhiều người Mỹ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các khu công nghiệp, có thái độ bi quan về tương lai và hoài cổ về quá khứ dường như tốt đẹp hơn. Cũng như ở châu Âu, thái độ ngờ vực giới ăn trên ngồi trốc và giới chuyên gia đang lan rộng và người ta nồng nhiệt chào đón những kẻ mị dân có tinh thần bài bác giới quyền uy.

Phản ứng tiêu cực như thế đi kèm với những mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ trong kinh tế, biệt lập trong chính sách đối ngoại, chủ nghĩa xô vanh và bài ngoại trong chính trị. Đấy chính là hỗn hợp độc hại mà những người nhìn xa trông rộng và những người ủng hộ tinh thần đoàn kết Đại Tây Dương ở Bắc Mỹ và châu Âu đã tìm cách ngăn chặn khi họ đặt nền móng cho nó.

May mắn là, người quản lý di sản đó vẫn nắm quyền ở hầu hết các nước phương Tây. Và nhiều công dân của các nước thuộc Liên minh châu Âu, đặc biệt là thế hệ trẻ, có xu hướng coi mình là người châu Âu, không phụ thuộc quốc tịch của họ. Mặc dù Anh rời EU, nhưng điều đó cũng đúng đối với nhiều người Anh.

Nhưng các quan chức dân cử của châu Âu phải đối mặt với nhiệm vụ rất nặng nề. Họ phải thuyết phục được đa số công dân của mình rằng 27 quốc gia thành viên nằm trong Liên minh châu Âu có thể bảo vệ mình tốt hơn là không có Liên minh.

Để làm như vậy, các thiết chế của EC cần phải hợp lý hóa quá trình ban hành quyết định, trong khi phải tăng cường các biện pháp phối hợp. Đặc biệt, họ phải chứng minh tính hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố, dù đấy là những kẻ xâm nhập từ Trung Đông hay những tên tự sinh ra ở trong nước thì cũng thế. Những cuộc tấn công do các công dân châu Âu gây ra trong năm nay khẳng định rằng cần một chiến lược dài hạn nhằm giải quyết sự ghẻ lạnh và cực đoan hóa trong cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu.

Từ hội nhập, được người châu Âu coi là lá bùa bỗng có sức sống mới. Thay vì cách ly người di cư và người xin tị nạn trong những ốc đảo trong lòng thành phố Brussels hay ở ngoại Paris, một số thành phố châu Âu đang tìm cách gia tăng tốc độ đồng hóa bằng cách cung cấp nhà ở, giáo dục và đào tạo nghề giá rẻ. Trong những hoàn cảnh bình thường, khởi động và tài trợ cho những chương trình như vậy đã là việc khó. Nhưng hiện nay, khó khăn còn lớn hơn nhiều, đấy là khi hầu như tất cả các chính phủ Tây Âu đều rút vào thế thủ, một số còn đối mặt với những thách thức trước cuộc bầu cử vào năm tới từ các đối thủ mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Tổng thống Putin cũng rất thành công trong việc khuấy động cảm giác bất an và sợ hãi trước các thất bại của phương Tây. Điện Kremlin đang ủng hộ những đảng phái có thái độ hoài nghi EU, ngoài ra họ hăm dọa các nước láng giềng của Nga và tìm cách rút lại các biện pháp trừng phạt sau khi nước này sáp nhập một cách bất hợp pháp bán đảo Crimea và can thiệp vào miền đông Ukraine. Trong cuộc đấu tranh với những biện pháp phá hoại đó, liên minh NATO cần tăng cường lực lượng nhằm ngăn chặn sự tan rã về chính trị của châu Âu - và đây phải là ưu tiên quan trọng nhất của bất kỳ chính quyền mới nào ở Hoa Kỳ trong tương lai.

Vị Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ - do sự bế tắc giữa nhánh hành pháp và lập pháp và ước muốn hướng nội của xã hội - sẽ đối mặt với những thách thức ở trong nước. Chiến dịch tranh cử tổng thống gây chia rẽ và làm mất tinh thần hiện nay cũng có thể phủ bóng đen lên tương lai.

Do những khó khăn như thế mà các chính phủ phương Tây cần phải giải quyết những lo lắng chính đáng của người dân về ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Họ phải củng cố sự đồng thuận chính trị mới, nhằm khôi phục sự ủng hộ của công chúng đối với nền thương mại quốc tế, tự do và công bằng. Thuyết phục các nước mới công nghiệp hóa, với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, áp dụng chính sách về lao động và bảo vệ môi trường công bằng hơn và phải tôn trọng nhân quyền, là chưa đủ. Họ phải thực hiện những hành động nhằm khắc phục hậu quả ngay ở trong nước mình. Người lao động dễ bị tổn thương ở các nước đã phát triển xứng đáng có mạng lưới an sinh xã hội hoàn hảo hơn, cũng như được hưởng những cơ hội tái đào tạo đầy tham vọng và hiệu quả trong các lĩnh vực đang phát triển của nền kinh tế.

Cũng cần phải lưu ý tới quan điểm của công dân rằng hệ thống hiện nay là chưa công bằng. Đã đến lúc cải các các ngành kinh doanh lớn. Những công ty mới thâm nhập thị trường cần phải có những cơ hội tốt hơn, thị trường hiện nay đang bị chi phối bởi những công ty siêu-độc quyền. Các tập đoàn có trụ sở ở Mỹ không được lợi dụng quy định về thuế khóa, tạo điều kiện cho họ chuyển lợi nhuận sang những khu vực có thuế suất thấp.

Muốn cho toàn cầu hóa trở thành bền vững về mặt chính trị, thì phải làm cho nó trở thành công bằng hơn về mặt kinh tế. Những biện pháp như thế có thể thuyết phục được đủ người ở cả bình diện toàn cầu, khu vực và quốc gia rằng họ cũng có thể chia sẻ thành quả của làn sóng thịnh vượng mới.

Khôi phục tiến bộ xã hội trên quy mô như thế sẽ chỉ thành công nếu nó được tất cả các tầng lớp xã hội tin tưởng. Nhưng, đổi mới và hướng đi phải bắt đầu từ bên trên. Trong việc lôi kéo sự ủng hộ của cử tri đối với tinh thần đoàn kết Đại Tây Dương, thế hệ lãnh đạo phương Tây đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất và phức tạp nhất trong 70 năm qua.

*
Javier Solana là một cựu bộ trưởng ngoại giao của Tây Ban Nha, đại diện cao cấp cho chính sách đối ngoại và an ninh chung của Liên minh châu Âu và tổng thư ký NATO.

Strobe Talbott là chủ tịch của Viện Brookings và là một cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: nytimes.com
The Decline of the West, and How to Stop It
By JAVIER SOLANA and STROBE TALBOTT
OCT. 19, 2016


No comments:

Post a Comment