Chủ
Nhật, 10/23/2016 - 14:49 — songchi
Trong
những ngày vừa qua chúng ta lại chứng kiến cảnh đồng bào miền Trung oằn mình chống
chọi với bão lũ, phần do thiên tai phần nhân tai, do nạn xả lũ ồ ạt của một vài
nhà máy thủy điện khiến lũ chồng lũ, dẫn đến hàng ngàn căn nhà bị ngập chìm tới
tận mái, tài sản người dân bị hư hại nặng nề, hàng chục người bị chết, bị
thương và mất tích. Những hình ảnh khó khăn, tang thương của người dân vùng lũ
được báo chí và các trang mạng xã hội đưa lên khiến người Việt trong và ngoài
nước không thể cầm lòng.
Một
chiến dịch “lá rách đùm lá nát” được huy động mạnh mẽ, như truyền thống của người
VN từ xưa đến giờ vẫn thế, và vẫn là các cá nhân, tổ chức dân sự, công giáo đã
đi trước nhà nước một bước khi nhanh chóng kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ,
tìm đến tận những nơi đang có lũ, đưa quà, chia sẻ với đồng bào.
Trong
số đó nổi bật lên MC Phan Anh khi anh “nói là làm”, tuyên bố ủng hộ ngay 500
triệu VNĐ và kêu gọi đóng góp, chỉ sau 24 tiếng, đã có 10 tỷ VNĐ rót vào
tài khoản của anh. Ngay khi số tiền lên tới 8 tỉ đồng, MC Phan Anh đã ra thông
báo mong mọi người tìm một địa chỉ đáng tin cậy, một nhóm thiện nguyện khác để
chuyển tiền vì sợ sức mình có hạn, không đáp ứng nổi lòng tin cậy của bà con,
nhưng tiền vẫn tiếp tục rót vào tài khoản của Phan Anh. Sau 3 ngày, đã tăng lên
16 tỷ đồng, và nghe đâu sau đó đã lên đến 20 tỷ.
Sự
ủng hộ ấy chứng tỏ sự tin cậy của mọi người dành cho anh chàng MC này. Nhưng rồi
chuyện gì đã xảy ra trong những ngày qua?
Bên
cạnh những lời khen ngợi, thương yêu, khâm phục, chia sẻ của rất nhiều người
dành cho Phan Anh là những sự nghi ngờ, thóa mạ, dè bỉu nặng nề. Đến mức Phan
Anh phải lên tiếng tự an ủi mình vững tâm, thanh thản trước những lời thị phi,
và không muốn nhận thêm tiền vào tài khoản nữa.
Có
những người yêu quý quá mức, đã vội vàng tung hô Phan Anh là “Tân Thủ tướng của
VN”.
Thứ
nhất, những người tung hô như vậy không muốn hiểu rằng là người tốt, có tâm có
uy tín với xã hội, kêu gọi được mọi người cùng chung tay làm từ thiện và bản
thân mình đã và đang làm rất tốt viêc từ thiện đó, không có nghĩa sẽ làm được
công việc của một Thủ tướng, người phải giải quyết những việc lớn của quốc gia.
Vả
chăng, đó là một chuyện khó mà trở thành hiện thực. Trong một quốc gia độc tài
độc đảng như VN, hành trình để trở thành Thủ tướng là phải vào đảng cộng sản,
phải leo qua bao nhiêu chức vụ từ thấp đến cao, trở thành ủy viên Bộ Chính trị
rồi phải được Bộ Chính trị tiến cử, thông qua v.v… Năng lực, trình độ, kiến thức
chưa chắc đã là quan trọng nhưng quan trọng là phải trung thành với đảng cộng sản,
kiên quyết bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, đồng thời phải có quan hệ, vây cánh. Mà
muốn như vậy, không loại trừ những chuyện tiêu cực ai cũng biết như phải
"tranh thủ" tình cảm của nhân vật này nhân vật kia, phải “chạy”
ghế, đấu đá tranh giành ghế…Và hoàn toàn không phải do dân bầu lên. Ngược lại,
muốn làm Thủ tướng trong một xã hội tự do dân chủ thì phải có trình độ, năng lực,
tầm nhìn, tài đức thật sự và phải do bầu cử công khai minh bạch.
Khi
tung hô quá lố, nhiều ngưởi vô tình (hay cố ý) đã đẩy Phan Anh vào thế khó xử,
vì nhiều khi nam MC làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng muốn sẻ chia với đồng
bào chứ chưa chắc đã muốn quan tâm, dính líu gì đến chính trị, và sẽ có hại hơn
là có lợi cho Phan Anh trong một xã hội mà nhà cầm quyền rất dễ chụp mũ người
dân bất cứ chuyện gì thành ý đồ chính trị.
Hành
động yêu quý Phan Anh cho thấy sự ngưỡng mộ và khao khát lòng tốt, sự tử tế vốn
đang ngày càng trở thành hiếm hoi trong xã hội VN, nhưng sự tung hô quá mức lại
thể hiện một não trạng thích thần tượng, cái gì cũng muốn đẩy lên thành thần tượng
của nhiều người Việt. Chúng ta đã từng thấy có những người vì lên tiếng, vì hoạt
động đòi tự do dân chủ, nhân quyền đã được một số người tung hô hơi quá, khiến
bản thân người đó đôi khi cũng trở nên ảo tưởng về chính mình và tự nhiên bị một
số người khác ghen ghét, “dìm hàng”. Hoàn toàn không có lợi là vậy.
Xin
hãy để cho lòng tốt phát triển một cách nhẹ nhàng, bình thường, hãy để cho Phan
Anh làm việc của mình, được sống tử tế đồng thời truyền cảm hứng sống tốt, sống
tử tế cho người khác, có lẽ là đúng với mong mỏi của Phan Anh nhất.
Chiều
hướng thứ hai là những kẻ ghen ghét, đố kỵ. Thoạt đầu thì cho rằng MC này muốn
đánh bóng tên tuổi, chơi trội, sau đó khi số tiền rót vào tài khoản của Phan
Anh trở thành 10 rồi 16 tỷ chỉ trong một thời gian ngắn gây choáng váng cho mọi
người và bản thân Phan Anh cũng trở thành một hiện tượng thì sự đánh phá trở
nên dữ dội, bẩn thỉu hơn.
Đám
bưng bô nịnh hót chế độ, đội ngũ dư luận viên… thì nóng mắt không chỉ riêng
Phan Anh mà còn cả những cá nhân làm từ thiện độc lập, các tổ chức hoạt động
dân sự khác, chỉ vì Phan Anh hay các cá nhân, tổ chức này đã dám “qua mặt”
chính quyền, đi trước hỗ trợ đồng bào, khiến cho sự chậm chạp của nhà cầm quyền
và các tổ chức đoàn đảng đi sau càng trở nên lộ rõ.
Chúng
ta quá rõ ở VN thì đảng cộng sản độc quyền trong tất cả mọi việc. Không một cá
nhân hay tổ chức nào được quyền “qua mặt” đảng, nổi trội hơn đảng, đặc biệt nhà
cầm quyền luôn e sợ nếu cá nhân nào đó được quần chúng yêu mến quá, tôn lên làm
lãnh tụ, hay một tổ chức nào đó đứng ra kêu gọi, tập hợp quần chúng dù chỉ với
mục đích từ thiện.
Đội
ngũ dư luận viên không chỉ dừng lại ở việc thóa mạ, vu cáo Phan Anh có dính líu
đến Việt Tân, hay gieo rắc nghi ngờ là số tiền nhiều như vậy có thể do các tổ
chức phản động, thù địch rót vào; mà còn tiến xa hơn, viết cả những bài báo kiểu
như “MC Phan Anh đã vi phạm Nghị định 64/2008 và Nghị định 147/2007 của
Chính phủ” (Việt Nam thời báo – giả). Đưa cả Nghị định 64/2008 và Nghị
định 148/2007 gì đó về “tổ chức, hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ tử thiện” và
về “vận động, tiếp nhân, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện” như
thế nào ra để hù dọa.
Trong
khi đó những người cực đoan, hoàn toàn không có lòng tin vào chế độ cộng sản
thì cũng nghi ngờ, bôi nhọ Phan Anh theo kiểu khác, cho rằng “MC Phan
Anh là một sản phẩm của truyền thông CS và tuyên giáo CS cài trên FB
(facebook)”; ngay cả cái vụ Phan Anh bị “đấu tố” trên VTV trước đây
cũng là trò dàn dựng nhằm làm cho Phan Anh nổi tiếng và được mọi người thương cảm,
rồi đặt ra những câu hỏi đại loại như: “Tiền của Phan Anh quyên góp
trong 2 ngày mà gần 9,3 tỷ là tiền của ai?...Đó là tiền của cộng sản và của những
phe cánh, tay chân CS rải từ hải ngoại tới trong nước góp ra. Chỉ là một trò hề
có đạo diễn…”
Bởi
vì theo người này, chuyện “quyên tiền bão lụt xưa rày là độc quyền của
cộng sản. CS không bỏ thừa một cắc cho dân bên ngoài.Thời hoàng kim những năm
trước khi có bão lụt Trung Kỳ các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công An
…quyên góp hàng chục,hàng trăm tỷ đồng của bạn đọc Nam Kỳ.
Số
tiền quyên này chưa bao giờ có sự minh bạch.
Nhưng
hiện nay dân không tin những gì dính líu tới chánh quyền, thành ra năm nay
“trăm hoa nở rộ” các cá nhân, hội đoàn quyên tiền trên mạng, lũ lụt là cơ hội
cho đám này …Hôm nay CS xài con bài này trên mạng khi họ biết họ không còn khả
năng kêu gọi dân chúng quyên góp”.
Khi
tình cờ đọc được tất cả những “thuyết âm mưu”, “thuyết cơ hội” của đám dư luận
viên, bồi bút binh chế độ hay ngược lại, của những người quá cực đoan, tất cả
những người có đầu óc bình thường đều cảm thấy kinh ngạc vì không hiểu sao người
khác có thể “diễn giải xa” đến thế.
Nhân
tiện, một chuyện khác mới xảy ra cũng liên quan đến chủ đề “làm việc tốt không
dễ, nhiều khi còn gặp rắc rối” là chuyện xảy ra vào chiều ngày 18.10. Một nam
hành khách khi chứng kiến hai hành khách đàn ông khác hành hung một nữ nhân
viên hàng không tại sân bay Nội Bài, đã bất bình lao vào đánh trả hai người kia
để “giải cứu” nữ nhân viên. Nhưng thay vì được ghi nhận, khen ngợi thì hành
khách này lại bị lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho rằng “hành động
này xét ở góc độ pháp lý là chưa đúng, có thể bị xử phạt vì hành vi gây mất trật
tự nơi công cộng.” Nếu dư luận không bất bình lên tiếng mạnh thì có lẽ
hành khách này đã bị xử phạt thật!
Như
thế này thì còn ai muốn làm người tử tế, muốn làm từ thiện nữa?
Chả
trách gì xã hội VN (cũng giống như xã hội Trung Quốc nơi mà mô hình thể chế
chính trị rất tương đồng với VN) con người càng ngày càng vô cảm, càng ngần ngại
khi muốn làm người tử tế, vì sợ mua phiền phức vào người, thậm chí bị dính vào
luật pháp!
Từ
những câu chuyên này, thêm một lần nữa chúng ta thấy rằng chế độ cộng sản đã hủy
hoại đạo đức xã hội, hủy hoại nhân cách con người, đã làm hỏng con người rất nặng.
Cả một xã hội thiếu vắng lòng tốt, thiếu vắng sự tử tế nên khi có một chuyện tử
tế, lập tức gây bão. Con người quá thiếu lòng tin vào con người, và đầy những đố
ky, ganh ghét, nghi ngờ. Mà chính mỗi chúng ta khi phải sống trong một chế độ
như vậy cũng không ý thức hết được mức độ phá hoại, mức độ ảnh hưởng của nó lên
từng suy nghĩ, cách nhìn cho tới nhân cách của mình.
No comments:
Post a Comment