Thursday, October 20, 2016

NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT TIN CẬY THỰC PHẨM VIỆT ? (Hòa Ái - RFA)





Hòa Ái, RFA
2016-10-18

Trước thông tin dồn dập về các lô hàng sản phẩm gạo và thủy sản của Việt Nam bị Hoa Kỳ và Châu Âu trả về kể từ sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên, độ tin cậy của người tiêu dùng Việt trong và ngoài nước đối với thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như thế nào?

Gạo và tôm xuất khẩu bị trả

Kể từ khi thảm họa môi trường biển xảy ra do nhà máy thép Formosa gây nên hồi đầu tháng 4 năm 2016, chất lượng mặt hàng thủy-hải sản Việt Nam bị để ý.

Ở nước ngoài với tâm lý ủng hộ sản phẩm của quê hương mình, nhiều kiều bào lâu nay lưu tâm tìm mua các mặt hàng có 3 số mã vạch đầu tiên “893”, là những sản phẩm được sản xuất và xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Riêng mặt hàng các loại cá da trơn và tôm được nhiều khách hàng Việt lựa chọn. Tuy nhiên thực tế gần đây có khác như trình bày của ông Nguyễn, ở Pháp:

“Hồi trước các siêu thị của Tây có bán mặt hàng cá, Việt Nam gọi là cá Bông Lau, bán nhiều lắm vì giá rẻ. Sau này người ta thấy loại cá này có ngâm chất thuốc để giữ chất nước trong thịt của cá nên các siêu thị Pháp lâu rồi không nhập cảng để bán nữa. Nếu thích ăn thì có thể mua ở siêu thị Việt Nam vì vẫn còn bán. Nhưng sau vụ Formosa thì thấy sợ, không dám ăn nữa. Cá, tôm... cũng không dám mua.”

Ngoài ra, mặt hàng tôm xuất khẩu sang các nước khác còn bị người tiêu dùng e dè khi ngày càng có nhiều lô hàng tôm bị trả về nước do không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của thị trường nước sở tại.

Báo giới trong nước loan tin trong vòng gần hai năm, từ năm 2014 đến tháng Chín năm 2015, gần 32 ngàn tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu bị trả về vì dư lượng mức kháng sinh vượt mức cho phép. Chỉ số kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép của các lô hàng cá và tôm xuất sang Nhật hồi năm 2015 tăng 2,5 đến 3,7 lần so với năm 2014, trong khi mức tăng này tăng đến 6 lần tại thị trường Mỹ trong cùng thời gian. Mới đây nhất, 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Châu Âu-EU, trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Chín năm 2016, vừa bị trả về vì dư lượng kim loại nặng tăng 2,2 lần so với năm 2015.

Không chỉ các mặt hàng thủy-hải sản mà gạo Việt cũng bị “tẩy chay”. Hoa Kỳ vừa từ chối nhập khẩu khoảng gần 200 tấn gạo Việt Nam từ tháng Giêng đến tháng Tư năm 2016 do vi phạm quy định về thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ. Bà Tuyết Lê, định cư ở Hà Lan, nói với RFA về quyết định của bà đối với sản phẩm của Việt Nam:

“Hải sản thì không mua còn các mặt hàng khác thì tùy. Thật ra nghĩ rằng giúp đỡ Việt Nam thì cũng nên giúp nhưng trong tình trạng bây giờ không thích mua những hàng hóa Việt Nam nữa. Vì đọc nhiều thông tin nên cẩn thận mà tránh.”

Người tiêu dùng nội địa lo lắng

Trong khi nhiều người Việt hải ngoại có xu hướng không chuộng các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam, người tiêu thụ trong nước bày tỏ sự hoang mang không biết nên chọn lựa như thế nào. Qua các trang mạng xã hội, nhiều người lên tiếng lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình khi thị trường Việt Nam tràn ngập hàng hóa độc hại gắn nhãn mác Việt Nam nhưng thực chất là hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó là thực phẩm bẩn tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều người Việt trong nước hoảng sợ với thông tin mỗi ngày có đến hơn 200 người chết vì ung thư. Họ tự hỏi có phải ô nhiễm môi trường và thực phẩm không đảm bảo chất lượng là những nguyên nhân chính yếu gây bệnh hay không? Mặc dù thành phần không nhỏ có điều kiện kinh tế để mua sắm đồ ăn thức uống theo tiêu chuẩn “hàng Việt Nam chất lượng cao” được bày bán ở siêu thị, nhưng nhiều người trong số họ mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết thắc mắc không biết làm sao để tránh mua phải những sản phẩm thực phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chất lượng, vì có thông tin từ các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn rằng những lô hàng xuất khẩu bị trả về đó được xuất khẩu sang các nước khác hoặc cho tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Hòa Ái liên lạc qua điện thoại với Hội Tiêu chuẩn và Bảo về người tiêu dùng Việt Nam, gọi tắt là VINASTAS, đặt văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chuyển thắc mắc vừa nêu của số đông người tiêu dùng trên cả nước và được chuyển máy gặp Phó Chủ tịch của Hội. Vị này nói với Hòa Ái là:

“Điều này tôi không có quyền trả lời. Nhưng vấn đề này để chúng tôi phải tìm hiểu xem thực tế như thế nào và cụ thể thông tin chính xác đến mức độ nào. Đợi chúng tôi tìm hiểu thông tin rồi sau đó chị liên hệ lại với người phát ngôn của Hội.”

Qua trao đổi với nhiều người tiêu dùng Việt về độ tin cậy đối với sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như thế nào, Ban Việt ngữ ghi nhận đa phần kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần có những hành động thiết thực hơn trong công việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng như có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong nước hiệu quả hơn, để người tiêu dùng Việt trong và ngoài nước tin dùng những sản phẩm được ghi trên nhãn dòng chữ “Made in Vietnam” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắn gửi với 500 ngàn doanh nghiệp tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam-Động lực và phát triển kinh tế của đất nước”, hồi cuối tháng 4, rằng cần chung sức tạo nên niềm tự hào thương hiệu, mà ông nói là “Ma-dê in Việt Nam”.

---------------------
TIN LIÊN QUAN :







No comments:

Post a Comment