Ngô Nhân Dụng
September 30, 2016
Ngày 1 Tháng Mười năm 2016, đồng nguyên của Trung Quốc
sẽ được xếp hàng ngang với đồng Pound của Anh Quốc, đồng Yen của Nhật Bản, đồng
euro Châu Âu và đồng đô la Mỹ được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công nhận quyền “Special
Drawing Rights” (SDR), sử dụng như một ngoại tệ dự trữ.
Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc sẽ khoa trương với
dân chúng trong lục địa về địa vị mới này, để người ta quên những khó khăn khi
kinh tế đang giảm tốc độ tăng trưởng. Nhưng đối với các nước đang phát triển
thì không nước nào muốn đi theo “mô hình kinh tế Trung Quốc” nữa, vì chính Bắc
Kinh đang thấy cần cải tổ toàn diện, nếu không sẽ sa lầy trong hàng chục năm tới.
Các chế độ chuyên quyền độc đoán thường dựng lên một
ảo tưởng, là chính quyền độc tài giữ cho xã hội được ổn định, do đó kinh tế
phát triển nhanh hơn trong các xã hội tự do. Nếu nhìn kỹ và biết suy nghĩ,
chúng ta sẽ thấy nhiều chứng cớ và lý luận bác bỏ luận điệu sai lầm đó. Chỉ cần
so sánh Nam Hàn với Bắc Hàn hoặc Ðông Âu với Tây Âu trong 40 năm sau Ðại Chiến
Thứ Hai là có thể so sánh hậu quả kinh tế của các chế độ độc tài và dân chủ. Ngay
trong số các nước ở Tây Âu, cùng thời gian đó Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha cũng chậm
phát triển nhất so với Pháp, Ðức, vì các chính quyền độc tài ngự trị, cho tới
năm 1975. Hai nước đó thua cả nước Ý dân chủ, mà nước Ý thì đảng phái phân liệt,
chính phủ thay đổi liên miên, chậm tiến nhất trong số bẩy nước G-7.
Chính thể dân chủ tự do tạo nhiều cơ hội cho kinh tế
phát triển, các chế độ độc tài thì không. Ðược tự do, nhà kinh doanh dám chấp
nhận đầu tư vào những dự án mới nhiều rủi ro, vì biết nếu thành công sẽ được hưởng
các thành quả. Khi được tự do hơn, người lao động lập công đoàn tranh đấu cho
quyền lợi của họ. Khi được đãi ngộ xứng đáng người ta sẽ làm việc hăng hái hơn.
Chính trị tự do giúp kinh tế phát triển; điều này thấy hiển nhiên khi thế giới
nhìn cả khối Liên Xô sụp đổ, chỉ vì chính trị độc tài đưa kinh tế tới thất bại.
Tuy vậy, vẫn có người nêu lên trường hợp hai nước Ấn
Ðộ và Trung Hoa để kết luận rằng Trung Quốc hiện nay tiến nhanh hơn về kinh tế
là nhờ họ theo chế độ độc tài, còn Ấn Ðộ vì dân chủ nên vẫn chưa đuổi kịp. Nếu
không nghiên cứu kỹ lịch sử hai quốc gia này thì nhiều người sẽ mắc bẫy mà tin
theo nhận xét sai lầm này. Hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc có lịch sử khác hẳn
nhau, điều kiện văn hóa, xã hội, chủng tộc khác hẳn nhau từ gốc rễ, không thể
đem so sánh được. Nếu muốn nhìn thấy ảnh hưởng của chính trị trên kinh tế, hãy
so sánh Trung Quốc với Ðài Loan hoặc Nam Hàn và Nhật Bản ví các nước đó cùng gốc
rễ văn hóa; và chỉ nên so sánh Ấn Ðộ với Pakistan vì cùng lập quốc một thời
gian.
Giáo Sư Hoàng Á Sinh là tác giả cuốn “Kinh tế tư bản
với đặc tính Trung Hoa, Capitalism with Chinese characteristics;” ông cũng so
sánh kinh tế Trung Quốc với Ấn Ðộ. Ông là người Trung Quốc, sang Mỹ sau khi đã
tốt nghiệp đại học, cho nên ông hiểu biết về nước Trung Hoa sâu xa hơn nhiều
nhà nghiên cứu ngoại quốc.
Hoàng Á Sinh nêu lên một nhận xét mà hầu hết các người
nghiên cứu về kinh tế thường không nhìn thấy, mà các du khách cũng như các nhà
báo cũng không thể thấy. Kinh tế hai nước Trung Quốc và Ấn Ðộ đều có lúc lên
lúc xuống, nhưng Hoàng Á Sinh nhận ra là những lúc thành công và những khi thất
bại của cả hai nước đều bắt nguồn từ những nguyên nhân giống nhau. Ông nói rõ
hơn: “Kinh tế hai nước đều phát triển cao hơn khi chế độ chính trị ở các nước
này cởi mở tự do hơn. Ngược lại, kinh tế của họ bị trì trệ khi nhà nước theo
chính sách độc đoán hơn.” Ðây là một nhận xét đáng tìm hiểu, để xóa đi những ảo
tưởng và ngụy biện.
Ấn Ðộ mới trở thành một quốc gia năm 1947 (khác với
Trung Quốc đã lập quốc từ thời Tần Thủy Hoàng, hơn 2000 năm trước). Sau khi độc
lập, mặc dù theo chính thể dân chủ, chính phủ Ấn Ðộ đã chọn đường lối kinh tế
xã hội chủ nghĩa, giống như Liên Xô. Tình trạng kinh tế càng trì trệ hơn khi
chính quyền Ấn Ðộ áp dụng chính trị độc tài; mà hậu quả còn di hại cho tới ngày
nay. Và từ khi, nhờ mấy lần thay đổi đảng cầm quyền, chính phủ nước này quay trở
lại với đường lối dân chủ thì kinh tế mới bắt đầu khá.
Bà Indira Gandhi và đảng Quốc Ðại nắm quyền trong hầu
hết thời gian từ 1966 đến 1984. Bà không những áp dụng chính sách kinh tế xã hội
chủ nghĩa theo lối Liên Xô bằng cách quốc hữu hóa các ngân hàng và nhiều xí
nghiệp lớn, mà bà còn tìm cách cai trị dân theo lối một nhà độc tài, mặc dù vẫn
còn Hiến Pháp. Trong Hiến Pháp Ấn Ðộ có điều 356 cho phép gia tăng quyền hành của
chính phủ liên bang và lấn quyền các tiểu bang. Trong 10 năm từ 1966 đến 1976,
Indira Gandhi đã sử dụng điều khoản đó tổng cộng 36 lần! Từ 1980 đến 1984 bà
Indira Gandhi lại sử dụng đặc quyền vì tình trạng khẩn trương thêm 13 lần nữa,
tính ra mỗi năm 3 lần! Trước đó, từ 1950 đến 1965 các chính phủ Ấn Ðộ chỉ dùng
điều này có 9 lần, khi phải đối phó với những vụ bạo động vì tôn giáo, chủng tộc
hay ngôn ngữ – mà ở quốc gia phức tạp này vẫn thường xuyên xẩy ra.
Một chính quyền kiểu Indira Gandhi không thể gọi là
dân chủ. Bà Gandhi còn muốn nắm độc quyền trong đảng, gây tai hại cho cơ cấu đảng
Quốc Ðại mà thân phụ bà để lại. Bà không kính trọng hệ thống tổ chức của đảng,
dựng lên một mạng lưới chia chác quyền lợi cho đám đàn em trung thành với bà. Hậu
quả là các tay chân của bà, và tay chân của bọn tay chân đó, khi cầm quyền
không ai cảm thấy họ chịu trách nhiệm với các đảng viên Quốc Ðại cũng như với
các cử tri.
Khi một guồng máy chính quyền không cảm thấy chịu
trách nhiệm với cử tri mà chỉ lo được lòng cấp trên, thì họ không lo tính đến
những kế hoạch kinh tế ích quốc lợi dân lâu dài nữa. Vì vậy, trong những năm bà
Gandhi cai trị, kinh tế Ấn Ðộ đã xuống dốc. Ðiều đáng khen bà Indira Gandhi là
bà vẫn kính trọng bản Hiến Pháp. Có lẽ vì bà đã nhiễm quen nếp sống tôn trọng
luật pháp trong nền nếp giáo dục Anh Quốc, nhờ thế thể chế dân chủ nước Ấn Ðộ vẫn
tồn tại. Khi đảng Quốc Ðại bị cử tri bất tín nhiệm và thất cử, bà đã lẳng lặng
trở về đời sống thường dân để đợi thời, và chấp nhận khi bị đưa ra tòa.
Nhưng ảnh hưởng tai hại của thời kỳ Indira Gandhi độc
tài còn lưu họa đến ngày nay: Khi các nhà chính trị không còn chịu sự kiểm soát
của cử tri bỏ phiếu, mà chỉ tùy thuộc vào guồng máy tay chân do bà Gandhi cầm đầu,
thì họ không chăm lo các nhu cầu thiết yếu cho việc phát triển kinh tế. Hai
lãnh vực bị bỏ quên trong thời gian đó là giáo dục và y tế, đến nay nước Ấn Ðộ
còn đang cố gắng chạy nhanh hơn sau những năm thụt lùi. Chính trị sai lầm không
những làm kinh tế chậm phát triển mà còn để lại những hậu quả tai hại lâu đời
khiến đời sau phải mất công sửa chữa. Mà các chế độ độc tài chính là những chế
độ lơ là với giáo dục và y tế.
Sau khi “triều đại Gandhi” bị gạt bỏ, chính phủ mới
đã bắt đầu cải tổ theo kinh tế thị trường. Sau đó, khi đảng Quốc Ðại được tái cử
họ vẫn theo chính sách đổi mới đó, vì giấc mộng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũng
đã tan vỡ. Nhưng điều quan trọng hơn là không khí chính trị đã cởi mở và dân chủ
hơn. Người cầm quyền, dù thuộc đảng Quốc Ðại hay đảng khác, đều biết lo đến
tương lai.
Các chính phủ mới đã đầu tư vào giáo dục và y tế, nhất
là ở nông thôn, vì biết đó là chìa khóa mở cửa tương lai. Năm 2007, trong khi
kinh tế dự phóng sẽ tăng 9%, chính phủ thuộc đảng Quốc Ðại đã tăng ngân sách
giáo dục thêm 34% và ngân sách y tế tăng 22%. Trong khung cảnh đó, kinh tế Ấn Ðộ
mới bắt đầu cất cánh. Hai năm trước đây đảng Quốc Ðại lại mất tín nhiệm và đảng
Bharatiya Janata Party (BJP) trở lại cai trị nước Ấn Ðộ.
Giáo Sư Hoàng Á Sinh quan sát quá trình đổi mới ở
Trung Quốc, ông thấy có hai giai đoạn khác nhau, chứng tỏ chính trị cởi mở giúp
kinh tế hưng thịnh, vì người dân được tự do đã đầu tư nhiều hơn.
Thập niên 1980 là giai đoạn Trung Quốc phát triển
sâu và rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nâng mức sống của hàng trăm triệu
người lên cao. Nhiều người phân tích giai đoạn này thường chỉ chú trọng đến
chính sách nông nghiệp tự do, nhưng Hoàng Á Sinh còn khám phá ra một lãnh vực sản
xuất công nghiệp mà các nhà kinh tế phương Tây không thấy. Số sản xuất ở Trung
Quốc trong thập niên 1980 lên cao là nhờ hệ thống những xí nghiệp tư nhân ở khắp
các vùng nông thôn, khi người dân được tự do hơn. Những xí nghiệp hương thôn
này thường được các nhà kinh tế ngoại quốc coi là quốc doanh, nhưng ông Hoàng Á
Sinh nghiên cứu tận gốc nên thấy rõ đại đa số là của tư nhân, chính lớp doanh
nhân nông thôn này vực nền kinh tế cả nước dậy.
Hoàng Á Sinh khẳng định lý do chính của sự phát triển
trong thời gian này là nhờ những thay đổi trong không khí chính trị. Chính trị
tự do hơn giúp kinh tế mạnh hơn. Ðặng Tiểu Bình lên, sau khi đã bị Mao Trạch
Ðông đày đọa mấy lần, dân Trung Hoa nhìn thấy ông như một người dám đoạn tuyệt
với các tư tưởng và chủ trương của Mao. Người dân Trung Hoa cảm thấy được cởi
trói, họ chấp nhận đổi mới cơ cấu, làm việc hăng hái và dám thí nghiệm những lối
làm việc mới. Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, một người Trung Quốc khác, cũng nhận xét rằng
hầu hết các thay đổi chính trị quan trọng ở Trung Quốc đã diễn ra trong thập
niên 1980. Thí dụ quyết định buộc các nhân viên nhà nước và Quốc Hội đến hạn tuổi
phải về hưu, cải tổ hệ thống tư pháp, gia tăng quyền lực cho Quốc Hội, thí nghiệm
cho dân bàu trực tiếp chính quyền hương thôn, đều được đưa ra trong giai đoạn
này, tạo nên một không khí phấn khởi. Cùng lúc đó, nông dân được vay vốn dễ
dàng hơn, do đó những xí nghiệp hương thôn mở ra khắp nơi giảm bớt nạn khiếm dụng,
10 triệu trong số 12 triệu xí nghiệp đó hoàn toàn do tư nhân làm chủ, sản năng
của họ cao gấp bội các doanh nghiệp nhà nuớc.
Biến cố Thiên An Môn năm 1989 đã khiến Bắc Kinh thay
đổi. Ðảng Cộng Sản Trung Hoa bỏ rơi nông dân, xây dựng lớp trung lưu thành thị
phần lớn là cán bộ đảng viên tập trung dưới sự bảo trợ của đảng.
Trước năm 1989, những người như Triệu Tử Dương, Vạn
Lý, Ðiền Kỷ Vân đều tiến thân nhờ những thí nghiệm cải tổ của họ thành công ở
nông thôn. Sau Thiên An Môn, họ bị thay thế bằng “nhóm Thượng Hải,” là một thành
phố mà từ 1980 vẫn là nơi cải tổ ít và chậm nhất nước. Từ 1990 cho tới gần đây,
chính sách kinh tế của Cộng Sản Trung Quốc bỏ rơi nông thôn, bỏ rơi kinh tế tư
nhân. Tiền “kích thích kinh tế” được trao cho các cán bộ, đảng viên trong những
doanh nghiệp nhà nuớc. Các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở là cách đưa tiền từ
ngân hàng nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nuớc đứng thầu. Kế hoạch kích thích
gần 600 tỷ đô la phần lớn được dùng trong chiều hướng đó. Ông Dư Vĩnh Ðịnh (Yu
Yongding), một cố vấn của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc nhận xét rằng những
món chi tiêu này là phí phạm, không dùng tài nguyên đúng chỗ.
Khi Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền, họ cũng
muốn thay đổi mạng lưới Thượng Hải, một hành động quyết liệt là bắt bí Thư Thị Ủy
Trần Lương Ngọc về tội tham nhũng. Nhưng chưa thấy nông dân được hưởng những lợi
ích như thời 1980. Tập Cận Bình lên nối ngôi thừa hưởng một nền kinh tế mất
thăng bằng, với quả bom nợ khổng lồ không biết bao giờ bùng nổ. Tập Cận Bình biết
phải cải tổ cơ cấu cả nền kinh tế để thoát cơn bế tắc này.
Ðiều khiến hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc là
Hoàng Á Sinh và Bùi Mẫn Hân lo ngại nhất là từ thập niên 1990, đầu tư vào giáo
dục và y tế ở Trung Quốc không tăng mà còn giảm. “Trong khi Thượng Hải xây thêm
3,000 nhà chọc trời thì trong dân chúng Trung Hoa tăng thêm 30 triệu người mù
chữ!” Người tiêu thụ trước kia được hưởng gần 50% tổng sản lượng nội địa thì hiện
nay chỉ được hưởng 33%, chỗ sai biệt đưa vào túi các cán bộ điều khiển các công
ty.
Nước giầu hơn, nhưng dân nghèo đi, người nghèo kém
xa người giầu hơn trước. Chỉ vì chế độ vẫn là độc tài đảng trị. Chính trị chắc
chắn ảnh hưởng đến phần chia chiếc bánh kinh tế của tầng lớp dân nghèo!
No comments:
Post a Comment