Monday, October 17, 2016

KHỞI KIỆN FORMOSA : NGƯỜI DÂN ĐANG VÙNG DẬY (Nguyễn Vũ Bình)


Thứ Hai, 10/17/2016 - 08:22 — nguyenvubinh
2/ Những yếu tố thuận lợi trợ giúp người dân
Người dân khởi kiện công ty Formosa để đòi quyền lợi chính đáng giai đoạn hiện nay có rất nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ.
·         Trước hết và trên hết, việc khởi kiện Formosa đòi hỏi quyền lợi của người dân là hoàn toàn chính đáng, đó là hành động chính nghĩa cả về pháp luật, đạo đức và thực tế cuộc sống. Một cuộc đấu tranh chính nghĩa không sớm thì muộn sẽ có được kết quả tích cực, tốt đẹp. Người dân nhận thức được quyền lợi của mình, kiên trì đấu tranh đòi hỏi bằng biện pháp ôn hòa sẽ đi được tới kết quả tốt đẹp, thậm chí vượt xa cả mong đợi.
·         Việc khởi kiện, đấu tranh của người dân nằm trong cuộc đấu tranh chung của người dân với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi lại quyền làm người, quyền tự do, dân chủ cho nhân dân và đất nước. Không những vậy, do tính chất nan giải của vụ việc, vấn đề thảm họa môi trường biển còn là mặt trận chiến lược trong cuộc đối đầu giữa nhân dân và chế độ cộng sản. Chính vì vậy, việc khởi kiện, đấu tranh của người dân nhận được sự quan tâm của tất cả các lực lượng tiến bộ trong xã hội, của phong trào dân chủ Việt Nam và đồng bào hải ngoại. Chúng ta nhận thấy sự hỗ trợ, giúp đỡ và hỗ trợ của đồng bào cả nước thông qua việc quyên góp giúp đỡ người dân khiếu kiện, và đó mới chỉ là bước đầu. Để hiểu rõ hơn các thành phần, lực lượng luôn đứng về phía người dân khởi kiện Formosa, chúng ta tách các lực lượng ra để phân tích.
+ Lực lượng đầu tiên ủng hộ bà con khởi kiện Formosa, đó là những người thân, bà con họ hàng, đồng hương của người dân miền trung ở khắp mọi miền đất nước, ở hải ngoại. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của họ, đôi khi chỉ đơn thuần là chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh đấu tranh của bà con, các cuộc biểu tình, hình ảnh của người dân bị khổ sở, đàn áp...có thể có những người đang trong guồng máy của chế độ, họ sẽ chỉ lơ là nhiệm vụ hoặc trợ giúp ngầm theo cách của họ..vv
+ Phần lớn những người khởi kiện là bà con giáo dân Công giáo, ngoài gia đình, người thân của họ, thì đó là sự ủng hộ tinh thần của hơn 6 triệu người công giáo trên toàn quốc, và tuy còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng giáo hội Công giáo Việt nam cũng sẽ phải có tiếng nói ủng hộ giáo dân khi có sự đàn áp xảy ra. Không những vậy, một giáo hội Công giáo với 1,2 tỷ người trên thế giới luôn là chỗ dựa tinh thần, và sự can thiệp kịp thời, hiệu quả khi giáo dân bị đàn áp số đông.
+ Cộng đồng mạng xã hội, những người có tư tưởng tiến bộ, đứng về nhân dân, đứng về lẽ phải. Chúng ta biết rằng, ngoại trừ những nick ảo, người có hai hoặc nhiều nick facebooks, thì số còn lại khoảng gần 20 triệu người dùng facebooks. Trong số này, có đến 70-80% là những người có tư tưởng tiến bộ, dù ít dù nhiều họ đứng về phía nhân dân, ủng hộ lẽ phải. Những người này chắc chắn sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh, khởi kiện Formosa đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân. Bên trong công đồng mạng này, là lực lượng của phong trào dân chủ, với các thành phần đa dạng trong và ngoài nước. Với tính chất công khai hóa của mạng xã hội, và lực lượng phản biện hùng hậu như vậy, mọi âm mưu, thủ đoạn, sự dối trá, bịp bợm của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam áp dụng  với người dân khởi kiện đều bị bóc trần, phân tích và phản biện triệt để. Cộng đồng mạng còn là chỗ dựa tinh thần, động viên khuyến khích bà con đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
3/ Những vấn đề nan giải đối với nhà cầm quyền Việt Nam trong xử lý vụ việc
Để hiểu rõ hơn sự nan giải đối với nhà cầm quyền Việt Nam trong xử lý vụ việc chúng ta cần hiểu được nguyên nhân, phong cách và cách thức ứng xử của nhà cầm quyền Việt nam đối với người dân. Chúng ta biết rằng, từ trước tới nay, nhà cầm quyền Việt Nam chưa bao giờ quan tâm tới đời sống, cuộc sống của người dân. Tất cả những việc họ làm, chỉ nhằm mục đích duy trì sự độc quyền lãnh đạo để thống trị người dân. Trong hành trình ấy, việc xây dựng thêm những nhà máy, xí nghiệp để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường là phổ biến, họ chưa bao giờ quan tâm tới việc xử lý môi trường. Khắp cả nước, tất cả các tỉnh thành đều xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, các con sông đều bị ô nhiễm khủng khiếp trở thành những dòng sông chết. Với thái độ và ứng xử như vậy, việc xảy ra ô nhiễm môi trường biển miền trung là diễn biến hoàn toàn tự nhiên. Nhưng có hai vấn đề mà nhà cầm quyền Việt nam đã không tiên liệu được. Đó là thảm họa môi trường biển miền trung quá khủng khiếp về mức độ, tác hại và di họa vô cùng lớn, làm cả vùng biển 500-700 km bờ biển cá chết, hệ sinh thái biển bị hủy diệt. Hậu quả khủng khiếp của thảm họa biển miền trung là điều đầu tiên họ không nghĩ tới. Vấn đề thứ hai, quan trọng không kém là sự phát triển của hệ thống Internet và mạng xã hội, khiến cho toàn bộ sự bưng bít, bao che, dối trá và bịp bợm của họ không còn đất diễn. Tất cả đều bị phơi bày dưới ánh sáng của cộng đồng mạng xã hội.
Khi sự việc xảy ra, chính vì không bao giờ quan tâm tới quyền lợi người dân mà nhà cầm quyền Việt nam có cách ứng xử bưng bít, bao che, bịp bợm và trịch thượng như vậy. Trong lịch sử, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ giải quyết quyền lợi của người dân một cách công bằng, công khai, minh bạch và triệt để. Vụ việc thảm họa môi trường biển miền trung cũng vậy, nhà cầm quyền Việt Nam cũng chỉ giải quyết theo thông lệ: bưng bít, bao che, bịp bợm và ban ơn. Tuy nhiên, sự việc lần này hoàn toàn khác trước. Quá nhiều người dân rơi vào thảm cảnh không công ăn việc làm, không thu nhập và sự tồn tại, tồn vong của họ đã hiển hiện trước mắt. Họ không còn gì để mất và sự vùng dậy của người dân là điều hoàn toàn có thể hiểu, và đó cũng là điều hợp lý, hợp lẽ.
Năm 2008, người viết bài này có một bài viết nhan đề “Tương lai nào cho phong trào dân chủ Việt Nam”. Trong bài viết có phân tích về ước muốn và mong muốn của người dân. Vào thời điểm đó, phần lớn người dân đều mong ước có sự thay đổi, nhưng đó là mong ước, chưa gắn với cuộc sống thực của họ, bởi vì ít nhiều họ vẫn còn duy trì được cuộc sống của họ. Nhưng thời điểm hiện nay, với người dân các tỉnh miền trung đã hoàn toàn trắng tay sau thảm họa môi trường biển, thì người dân mới thực sự mong muốn (không còn là mong ước nữa) một sự thay đổi. Mong muốn sự thay đổi mới là khát vọng trực tiếp của người dân, mới là động lực để người dân vùng dậy đòi quyền lợi chính đáng của mình, và xa hơn nữa, quyền con người, quyền tự do cho cá nhân và dân chủ cho toàn xã hội./.
Hà nội, ngày 17/10/2016
N.V.B
*
*
Chủ Nhật, 10/09/2016 - 23:17 — nguyenvubinh
   Sự kiện biển miền trung nhiễm độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế từ ngày 06-22/4/2016 đã được cả nước và thế giới biết đến. Tính đến nay, nửa năm trôi qua, tác hại và ảnh hưởng của sự việc ô nhiễm biển trầm trọng này đã thực sự tác động tới phần lớn người dân các tỉnh miền trung. Trong suốt thời gian nửa năm qua, tất cả việc giải quyết, ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với thảm họa môi trường này là bưng bít, bịt miệng những người quan tâm, lên tiếng bảo vệ môi trường và ban ơn cho nạn nhân của sự việc. Đây là phong cách ứng xử phổ biến và thông thường của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với nhân dân. Điều khác biệt với trước đây là hiện nay thông tin nhanh nhạy và công khai ngay lập tức, đồng thời có một cộng đồng mạng xã hội phản biện kịp thời đối với sự bưng bít, bịp bợm và dối trá của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam. Chính vì thói quen ứng xử như vậy, cộng với những khuất tất trong việc cho phép công ty Formosa đầu tư mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã mất đi cơ hội giải quyết triệt để vấn đề thảm họa môi trường biển miền trung.
     Ngày 26 và 27/9/2016, đã có 506 người dân thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gửi đơn tại tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh khởi kiện công ty Formosa, yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Trước đó, vào các ngày 01/9, ngày 20/9 đã có những cuộc xuống đường, tập trung của bà con các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để lên tiếng phản đối công ty Formosa. Đặc biệt, ngày 02/10, có khoảng 18.000 người của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã biểu tình xung quanh trụ sở công ty Formosa. Ban đầu, cảnh sát đã đàn áp và đánh đập một số người, sau đó người dân tới đông quá, bao vây và ngăn chặn cảnh sát đánh người. Cuối cùng, cảnh sát đã phải bỏ chạy, một số còn cởi cả quân phục để chạy trốn mà bà con ghi lại được hình ảnh. Ngày 05/10, Tòa án thị xã Kỳ Anh đã trả lại 506 đơn kiện Formosa của bà con Quỳnh Lưu với lý do không đủ căn cứ tính thiệt hại nên không thụ lý đơn kiện. Ngày 08/10, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động khoảng 3000 cảnh sát cơ động, an ninh cùng chó nghiệp vụ để bảo vệ Formosa, ngăn chặn và đàn áp nếu người dân tiếp tục biểu tình. Toàn bộ ứng xử và diễn biến của sự việc đã khẳng định một điều, nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm bảo vệ công ty Formosa, ngăn cản người dân khởi kiện đòi hỏi quyền lợi chính đáng, và khi cần thiết sẵn sàng đàn áp người dân. Chúng ta cần phân tích đầy đủ về sự việc lớn, phức tạp và nan giải này.
     1/ Bản chất vụ việc khởi kiện
     Dải đất miền trung, bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có bờ biển kéo dài, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt hải sản và du lịch. Từ ngày xảy ra thảm họa môi trường, dẫn tới việc nguồn nước biển bị nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt và người dân không đi tắm biển, du lịch tại các địa phương này thì kinh tế các tỉnh này gần như phá sản. Người dân dọc theo vùng biển, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch đã không còn công ăn việc làm, không có thu nhập. Trải qua 6 tháng trời, tình hình đã không được cải thiện, cá vẫn chết, đánh bắt xa bờ được ít mà không bán được sản phẩm; khách du lịch hầu như không còn, toàn bộ ngành du lịch coi như phá sản. Với diễn biến như vậy, người dân đã rơi vào cảnh lầm than, không còn thu nhập để sống. Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp các cuộc xuống đường, biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội và Sài Gòn; liên tục đưa những thông báo dối trá bịp bợm như nước biển đã an toàn, hải sản hết độc và ăn được; tự ý đưa ra mức đền bù cho Formosa là 500 triệu đô-la  mà không có căn cứ, không tham khảo ý kiến người dân; tiếp tục để Formosa thải độc ra môi trường, cả ở biển và trên đất liền; bóp méo, xuyên tạc những hành động ủng hộ, giúp đỡ người dân của lãnh đạo Công giáo, các tổ chức xã hội dân sự... Trong bối cảnh như vậy, người dân nghèo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã vùng dậy, khởi kiện công ty Formosa đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Cần phải khẳng định và nhấn mạnh một điều, việc khởi kiện và biểu tình của người dân hoàn toàn do nhận thức của họ, trong hoàn cảnh và tình thế không công ăn việc làm, không có thu nhập. Như vậy, đây là một cuộc đấu tranh của những người cùng đường, không còn gì để mất đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình. Tất cả những sự hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của những chủ chăn, chức sắc tôn giáo, các tổ chức đảng phái và xã hội dân sự chỉ là hỗ trợ về thủ tục pháp lý, về điều kiện và phương tiện để người dân đòi hỏi quyền lợi của mình. Những sự việc này sẽ là vô ích nếu người dân không thực sự có động lực, không có quyền lợi thiết thân, sát sườn với họ. Có thể so sánh đơn giản như sau. Các cuộc biểu tình của người dân Hà Nội, sài Gòn vào các ngày 01/5 và 08/5/2016 và các ngày chủ nhật sau đó, người dân Hà Nội và Sài Gòn xuống đường vì muốn bảo vệ môi trường chung cho đất nước, lo ngại sự nhiễm độc sẽ lan tỏa thông qua các nguồn hải sản và thực phẩm không được kiểm soát. Thực chất, những người xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn chưa hề bị ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo và thu nhập do sự kiện thảm họa môi trường gây ra. Nhưng người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền trung có biển bị nhiễm độc khi biểu tình có tâm thế khác hẳn, họ không còn công ăn việc làm, không còn thu nhập, sức khỏe bị ảnh hưởng...chính vì vậy, các cuộc biểu tình, việc gửi đơn khởi kiện, cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh cho chính miếng cơm, manh áo và thu nhập, hay đấu tranh cho chính sự tồn tại, tồn vong của họ. Đó là bản chất vụ việc khởi kiện và đấu tranh của người dân miền trung...
(còn nữa)
Hà nội, ngày 10/10/2016
N.V.B


No comments:

Post a Comment