Saturday, October 1, 2016

KHINH BỈ AI & LÀM ĐƯỢC GÌ ? (Xã Luận của báo Tổ Quốc, số 235)




Phát hành : 1/10/2016

ÔNG ĐINH THẾ HUYNH, thường trực ban bí thư Đảng Cộng Sản, chắc chắn với sự đồng tình của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa đưa ra một lời tuyên bố kêu gọi tạo ra một "văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng" để bọn tham nhũng không sống được. Lời kêu gọi này có ý nghĩa gì và sẽ đem lại kết quả nào?

Không biết ông Huynh và ông Trọng có ý thức được không nhưng lời kêu gọi này trước hết là một thú nhận bất lực. Khinh bỉ là vũ khí của kẻ yếu. Nếu có sức mạnh người ta trừng trị kẻ gian chứ không chỉ khinh bỉ. Khi sự bất lực lại đến từ những người cầm quyền cao nhất, nhân vật số 1 và nhân vật số 2 của đảng cầm quyền trong một chế độ đảng trị, thì phải nói rằng bộ máy Đảng và Nhà Nước cộng sản đã ung thối đến độ không thể cứu vãn. Nếu ông Trọng và ông Huynh thực sự tin rằng họ có thể chống được tham nhũng thì họ đã lầm lớn. Họ rập khuôn theo Tập Cận Bình và cũng sẽ thất bại như Tập Cận Bình, nhưng nhanh hơn và ê chề hơn.

Tham nhũng là gì? Đó là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân. Có hai yếu tố để có thể tham nhũng: phải có quyền và phải thiếu đạo đức. Những người tham nhũng hiện nay đều là quan chức cộng sản. Muốn chống tham nhũng thì trước hết phải giảm bớt quyền lực của chính quyền. Quyền lực dẫn tới tham nhũng và quyền lực tuyệt đối đưa tới tham nhũng tuyệt đối. Chính quyền này là một chính quyền toàn trị, nó đẻ ra tham nhũng.

Đạo đức là những mệnh lệnh của trí tuệ và tâm hồn có sẵn trong từng người –như không giết người, không trộm cuớp, không dối trá, không bội ước- đến từ giáo dục và môi trường văn hóa. Người ta có hay không có chứ không thể được thuyết phục để có. Vì vậy một quan chức tham nhũng không thể cải hóa mà bắt buộc phải bị thay thế. Điều này cũng đúng đối với một chế độ. Ở một mức độ nghiêm trọng nào đó, một chế độ tham nhũng phải bị thay thế chứ không thể cải hóa để hết hay bớt tham nhũng.

Đó không phải chỉ là lý luận. Kinh nghiệm của tất cả mọi quốc gia cũng đã chứng tỏ rằng giải pháp duy nhất đối với một chế độ tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác.

Điều này lại càng đúng với các chế độ cộng sản. Chủ nghĩa Mác-Lênin phủ nhận những giá trị đạo đức thông thường và tự cho phép làm bất cứ gì để cướp và giữ chính quyền. Bởi thế các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ chọn các cấp lãnh đạo theo tiêu chuẩn trung thành bảo vệ chế độ chứ không phải theo tài năng và đạo đức. Thí dụ cụ thể là chính hai ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh. Họ đã lên đến địa vị cao nhất trong Đảng chỉ nhờ làm công tác bảo vệ Đảng bằng cách cố ngụy biện để bào chữa cho một chủ nghĩa đã phơi bày quá rõ rệt sự sai trái. Một thí dụ khác là Trần Đại Quang, một người đã chà đạp trắng trợn lên pháp luật và đạo đức bằng cách cho công an giả làm côn đồ hành hung những người dân chủ. Đó cũng đã là trường hợp của các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng. Để chỉ kể những trường hợp gần đây nhất. Bộ máy sàng lọc của Đảng Cộng Sản đã chỉ để lại những cấp lãnh đạo như thế.


Nếu hai ông Trọng và Huynh dám đi tới tận cùng của lý luận họ sẽ thấy rằng tuy chống tham nhũng là vấn đề sống còn của đất nước nhưng điều kiện bắt buộc để chống tham nhũng là phải thay đổi chế độ.

Ban Biên Tâp Tổ Quốc

-----------------------------

1/10/2016

THAM LAM, tham ô,... bất cứ ai cũng có thể, còn tham nhũng phải là người có quyền. Cách đây chừng hơn năm, trong bài viết của mình đăng trên trang Bauxite Việt Nam, Tùng tôi có nêu vấn đề: tham nhũng quyền lực và tham nhũng vật thể là đôi song sinh. Tham nhũng quyền lực là bước khởi đầu, là phương tiện để thực hiện bước kế tiếp tham nhũng vật thể - đích đến. Tham quyền lực là nhân, tham vật chất là quả - nhân nào quả ấy.


Hãy chọn một trong hai - bình hay chuột


Khi một cá nhân hay tổ chức,... làm điều trái với đạo lý hay pháp lý (không tử tế), không đợi ai cho phép, người ta có quyền khinh bỉ nó - đó là một nét trong kho tàng văn hóa không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại.

Thấy gì, hiểu sao đàng sau câu nói “Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ với tham nhũng” của ông Đinh Thế Huynh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo, đang thường trực Ban Bí thư TW Đảng CSVN?

Khinh bỉ là sự biểu cảm vốn có ở người tử tế trước cử chỉ hay hành động bất lương. Tại sao không xây những cái chưa có mà lại xây cái vốn có? - Phải chăng Đảng CSVN đã bất lực trong chống tham nhũng bằng biện pháp hành chánh (pháp luật) nên ông Huynh mới kêu gọi công chúng hộ trợ (1) với Đảng chống tham nhũng bằng thái độ khinh bỉ?

Đối với bọn tham nhũng, người ta đã khinh bỉ lâu rồi - không dám khinh trước mặt cũng khinh sau lưng. Dựa vào thực trạng xã hội, TS Hà Sĩ Phu viết ra và lưu trữ vào thư viện của mình hai câu văn vần: “Trời bày chi cảnh nhố nhăng/Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông”(2) - gọi quan chức không tử tế bằng thằng là đã biểu hiện sự khinh bỉ?

Có lẽ do “bí”, nên ông Huynh thay mặt “Đảng ta” đưa ra chủ trương “khinh bỉ tham nhũng”. Nhưng rất tiếc là ông chỉ “bắn bổng”, khiến cho thiên hạ thi nhau chê cười. Để chủ trương “khinh bỉ tham nhũng” của Đảng đi vào cuộc sống, Tùng tôi xin móm ý với ông Huynh: hãy hạ súng xuống, rà sát mặt đất nện liền 4 phát chúng sẽ nhảy dựng, tởn ngay:

1/ Dẹp cái bình (hình trên) để cho lũ “chuột” mất chỗ dựa, không nơi lẫn trốn.

2/ Xóa bỏ vùng/việc “nhạy cảm”, bật đèn cho truyền thông đại chúng nói đúng nói đủ, vạch mặt chỉ tên những kẻ tham nhũng - tập cho chúng biết xấu hổ.

3/ Cho phép nhân dân cầm hình ảnh,... của những kẻ thật sự tham nhũng diễu hành trên các đường phố - để cho quần chúng biết, cách ly chúng.

4/ Phải can đảm, kiên quyết như Nguyễn Bá Thanh “Gặp hốt liền, không nói nhiều”; giữ nguyên danh hiệu (made) đưa họ ra trước vành móng ngựa luận tội; thu hồi những gì có nguồn gốc từ tham nhũng.

Chỉ cần chừng ấy thôi, chắc chắn bọn tham nhũng sẽ thụt đầu. Nếu không tin, hãy làm thử đi, sẽ có hiệu quả ngay - ít nhứt cũng chận đứng được “phong trào” tham nhũng.

Thiện Tùng
(Bauxitevn)

(1) Hộ = một chiều. Hỗ = hai chiều (có đi có lại).

(2) Tùng tôi muốn đổi 3 chữ gạch dưới “Viêt Nam lâm cảnh nhố nhăng/Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông” (không dám trái ý tác giả)






No comments:

Post a Comment