Monday, October 3, 2016

ICC - CƠ HỘI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA DÂN TỘC (Lê Quỳnh thực hiện - Người Đô Thị)




Lê Quỳnh
30/09/2016 - 17:44 PM

Về vụ Formosa đầu độc môi trường: “Formosa không phải gây ô nhiễm, mà là hủy hoại môi trường biển ở mức độ hầu như không còn sinh vật biển nào sống được, phá hủy toàn bộ thảm thực vật đáy biển trong một diện tích rất rộng; số người trực tiếp bị đe dọa cuộc sống thường ngày là hàng trăm ngàn người, số người bị ảnh hưởng gián tiếp là hàng triệu. Tất cả các yếu tố này, nếu được các luật sư giỏi của nước ngoài tận dụng, sẽ có thể thuyết phục được ICC thụ lý điều tra”.

Về việc Trung Quốc xây hàng loạt đập trên thượng nguồn sông Mekong: “Không nghi ngờ gì nữa, xây dựng đập trên thượng nguồn sông Mekong và cách thức can thiệp chủ quan, tùy tiện vào dòng chảy của nó là tội ác chống lại loài người. Nếu đưa hồ sơ sông Mekong cho ICC, nhiều khả năng họ sẽ thụ lý”.

*

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) – một tòa án có đầy đủ thẩm quyền cưỡng chế, bắt giam để phục vụ quá trình điều tra, xét xử và thi hành bản án – vừa tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan đến hủy hoại môi trường, tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Trao đổi với Người Đô Thị, GS-TS-LS. Nguyễn Vân Nam nhận định: đây không chỉ là một cơ hội để Việt Nam bảo vệ môi trường sống của mình, mà còn là cơ hội tạo đối trọng với Trung Quốc trong tình hình hiện nay.

GS-TS-LS. Nguyễn Vân Nam có bằng cử nhân triết học và kinh tế ở Đức. Thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh; tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Ông được Cộng hòa Liên bang Đức phong giáo sư năm 2002; hiện đang điều hành Công ty tư vấn luật Nam Hùng tại TP.HCM.


Thưa ông, ICC có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) là một tòa án thường trực có trách nhiệm truy tố những cá nhân phạm tội ác chống lại loài người. Ngày 15.9 vừa rồi, ICC tuyên bố mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của dân. Thay đổi đáng kể này có ý nghĩa gì?
- Xin nói rõ hơn, một tòa án không bao giờ có quyền tự mở rộng thẩm quyền của mình. ICC được thành lập theo Quy chế Rome 1998 và hiện có 124 thành viên ký kết hiệp định này. Chỉ tất cả thành viên này mới có quyền quy định ICC được xử cái gì. Thông báo chính thức của ICC cũng nói rõ: từ nay ICC tập trung xem xét tội ác chống lại loài người trong lĩnh vực môi trường, cụ thể là các hành vi hủy hoại môi trường, chứ không phải là mở rộng thẩm quyền thụ lý. ICC vốn đã có thẩm quyền xét xử tội ác chống lại loài người, nhưng cho đến nay, họ chỉ mới tập trung đến những tội ác sử dụng vũ lực.

Chủ thể khởi kiện sẽ là ai? Thảm họa môi trường trong một quốc gia ở mức độ nào thì quốc tế được can thiệp? Những yếu tố nào cấu thành hành vi hủy hoại môi trường như một tội ác chống lại loài người?
- Người bị thiệt hại không phải là người đi kiện. Đứng ra khởi kiện một vụ án hình sự, khởi kiện hành vi hình sự là một cơ quan đại diện quyền lợi công. Ở Việt Nam là viện kiểm sát nhân dân, còn tại ICC là chánh công tố.
Dĩ nhiên không phải vụ hủy hoại môi trường nào, ở đâu cũng có thể được ICC thụ lý. Đây là tòa án hình sự quốc tế, nên hoạt động của nó cũng phải đảm bảo nguyên tắc cao nhất của công pháp quốc tế là tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nguyên tắc này là nền tảng đảm bảo sự bình đẳng của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cường quốc hay nhược tiểu.
Theo Quy chế Rome 1998, ICC chỉ được phép thụ lý, điều tra và đưa ra xét xử khi: thủ phạm có quốc tịch của một quốc gia gia nhập Hiệp định Rome 1998; hành vi hủy hoại môi trường xảy ra ở một quốc gia thành viên; hoặc được Liên Hiệp Quốc cho phép ICC xét xử. Thêm vào đó, ICC chỉ được phép thụ lý xé t xử một hành vi hình sự, khi tòa án quốc gia không muốn, hoặc không thể xét xử hành vi phạm tội đó.
ICC có những tiêu chí, chuẩn mực xác định thế nào là một tội ác sử dụng bạo lực chống lại loài người. Riêng về hành vi hủy hoại môi trường như một tội ác chống loài người, thì rất tiếc theo tôi biết, chưa có bộ tiêu chuẩn xác định những yếu tố cấu thành để có thể áp dụng được ngay. Nhưng điều này, nếu biết khai thác, cũng lại là một thuận lợi. ICC chắc chắn phải có xây dựng một bộ tiêu chuẩn thông qua những vụ xét xử. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra vừa qua có thể là án lệ đầu tiên, để từ đó giúp ICC xác định các điều kiện và những yếu tố cấu thành tội ác chống lại loài người qua việc hủy hoại môi trường.

Yếu tố nào của thảm họa Formosa ở Việt Nam khiến nó là một tội ác để ICC có thể thụ lý, thưa ông?
- Để một hành vi hủy hoại môi trường trở thành một tội ác chống lại loài người, nó phải vượt khỏi giới hạn của một hành vi phá hoại môi trường bình thường ở cả ba góc độ: mức độ nghiêm trọng; phạm vi ảnh hưởng, mức độ tác động đến con người; và số lượng người bị ảnh hưởng. Formosa không phải gây ô nhiễm, mà là hủy hoại môi trường biển ở mức độ hầu như không còn sinh vật biển nào sống được, phá hủy toàn bộ thảm thực vật đáy biển trong một diện tích rất rộng; số người trực tiếp bị đe dọa cuộc sống thường ngày là hàng trăm ngàn người, số người bị ảnh hưởng gián tiếp là hàng triệu. Tất cả các yếu tố này, nếu được các luật sư giỏi của nước ngoài tận dụng, sẽ có thể thuyết phục được ICC thụ lý điều tra.

Cách đây khoảng 8 năm, ông đã nói đến một ác mộng ở Việt Nam sau 10 năm nữa, khi môi trường bị hủy hoại khủng khiếp. Từ đâu ông đưa ra dự báo này?
- Đó là thời điểm sau khi tôi đã viết xong sách Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước (theo đơn đặt hàng của Ủy ban Liên minh châu Âu), và đã xuất bản tại Việt Nam năm 2006 (NXB Trẻ). Đây là một công trình nghiên cứu về tác động mọi mặt của toàn cầu hóa lên các quốc gia, trong đó có một phần nghiên cứu về quá trình chuyển dịch công nghệ. Toàn cầu hóa là một quá trình đào thải công nghệ tự nhiên. Nước có trình độ cao hơn sẽ tìm mọi cách đẩy công nghệ bỏ đi của mình xuống các nước có trình độ thấp hơn. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xác định thế nào là một công nghệ lạc hậu, không còn là tiêu chí về hiệu suất, tính năng hay trình độ kỹ thuật, mà là tác động của công nghệ đó đến môi trường.
Việt Nam là nước kém phát triển thì dĩ nhiên là nơi hứng chịu “cơn lũ” các công nghệ lạc hậu nhất thế giới, và tất nhiên môi trường cũng sẽ bị hủy hoại ghê gớm nhất. Về mặt chủ quan Việt Nam cũng không đủ trình độ cả về con người, lẫn thiết bị để có khả năng đánh giá công nghệ nào là công nghệ gây ô nhiễm môi trường theo các tiêu chí hiện đại. Chưa kể cán bộ, công chức có thẩm quyền không muốn loại bỏ những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, vì có dự án mới có tiền cho các quan tham sống. Với đà này, không bao lâu nữa, mảnh đất hình chữ S này sẽ là một bãi rác công nghệ của thế giới.
Về khách quan, công nghệ lạc hậu đổ vào Việt Nam là không tránh khỏi; về chủ quan cũng không thể ngăn nổi, nên tôi cho là vô nghĩa khi đặt vấn đề kiểm soát không cho công nghệ lạc hậu hay những nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Vì vậy, cần dứt khoát đoạn tuyệt với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp truyền thống.
Toàn cầu hóa nghĩa là mỗi nước phải tập trung phát triển những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi và mình có thể làm tốt hơn các nước khác. Đối với Việt Nam, không cần phải bàn cãi nữa, đó là phát triển nông nghiệp và du lịch.

Nhưng làm sao phát triển nông nghiệp khi nguồn nước đang bị hủy hoại do không chỉ từ các dự án công nghiệp, mà nguy hiểm nhất là từ việc xây hàng loạt đập trên sông Mekong...
- Đúng vậy. Sông Mekong không chỉ là huyết mạch nuôi sống gần 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà còn là nền tảng, yếu tố quyết định bảo vệ môi trường sống của Nam Bộ. Xây dựng đập ở thượng nguồn, thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong là làm thay đổi cơ bản điều kiện tự nhiên, thay đổi hệ sinh thái dẫn đến hủy diệt môi trường sống ở các vùng đất quanh sông, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Đặc biệt nguy hiểm là việc đóng mở đập, thay đổi dòng chảy, hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước quản lý đập.
Mặc dù trong thực tế là chủ trò, là nước duy nhất có thực quyền quyết định trong vấn đề sử dụng hiệu quả, bình đẳng và bảo vệ môi trường sông Mekong, nhưng Trung Quốc không chịu sự ràng buộc quốc tế nào.

Đồng bằng sông Cửu Long khốn khổ vì sự tích nước của các đập thủy điện thượng nguồn. Ảnh Lê Quân

Tuyên bố mới đây của ICC đã mở ra một cơ hội mới, có thể nói là duy nhất cho chúng ta. Điểm khác biệt và cũng là thuận lợi cho chúng ta là ICC thụ lý hồ sơ mà không cần phải được sự đồng ý, chấp thuận của chính phủ các nước liên quan; người nộp hồ sơ yêu cầu điều tra không cần là cơ quan Chính phủ, mà có thể là cá nhân, tổ chức phi chính phủ; đối tượng bị truy tố và trừng phạt có thể là cá nhân (bất kể người đó có địa vị hay giữ chức vụ gì), doanh nghiệp... nghĩa là chủ đầu tư, nhà thầu chính, phụ và hầu hết tất cả những người có liên quan đến tội ác.

Hồ sơ gửi đến ICC chỉ cần có vừa đủ thông tin và lập luận cần thiết để ICC nhận định rằng, có các dấu hiệu cho thấy hành vi gây ô nhiễm có khả năng trở thành một tội ác chống lại loài người, thì ICC sẽ ra quyết định điều tra.

Không nghi ngờ gì nữa, xây dựng đập trên thượng nguồn sông Mekong và cách thức can thiệp chủ quan, tùy tiện vào dòng chảy của nó là tội ác chống lại loài người. Nếu đưa hồ sơ sông Mekong cho ICC, nhiều khả năng họ sẽ thụ lý.

Bảo vệ môi trường không chỉ là điều kiện cho phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, bảo vệ sự sống của môi trường ĐBSCL mà thực ra còn là bảo vệ môi trường sống của dân tộc. Chắc chắn sẽ có vô vàn khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý, thu thập chứng cứ, sẽ gặp sự chống đối, phản ứng dữ dội của các chính phủ, nhà đầu tư, nhà thầu. Nếu tiến hành khởi kiện, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta yêu cầu xét xử một hành vi hủy hoại môi trường liên quốc gia như một tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội để chúng ta tự quyết định vận mệnh của mình!

Lê Quỳnh thực hiện

-------------------------

TIN LIÊN QUAN :






No comments:

Post a Comment