Huyền Trang, GNsP
Đăng ngày 05.10.2016 -
10:59am
GNsP (05.10.2016) – Sáng nay 05.10.2016, gần 3000 công nhân
công ty TNHH Matrix, Nghệ An đình công bước sang ngày thứ ba, bắt đầu từ ngày
03.10.2016, đòi buộc ban lãnh đạo công ty quan tâm đến sức khỏe của người lao động,
tăng tiền thưởng, giảm giờ tăng ca…
Một công nhân tham gia cuộc đình công cho phóng viên
GNsP biết, công nhân đứng hai bên dọc đường trước cổng công ty căng băng rôn biểu
ngữ yêu cầu ban lãnh đạo công ty giải quyết những khiếu nại của công nhân.
Nhưng, ban lãnh đạo chạy trốn, không ra đối chất với công nhân.
Nội dung băng rôn mà các công nhân đưa ra là “Lãnh đạo
công ty phải đứng ra trả lời cho công nhân”; “Toàn thể công nhân hãy đứng lên
đòi quyền lợi cho mình. Chúng ta phải đấu tranh”…
Người công nhân này cũng cho hay, nhà cầm quyền Nghệ
An đã huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân
phòng… cản trở không cho công nhân đình công.
Một công nhân khác chưa xác định danh tánh đã bị
công an hành hung. Người công nhân trên quả quyết với GNsP qua điện thoại: “Bị
công an đánh bầm dập cánh tay phải”.
Ảnh: Huy Jos
Tiền lương mỗi tháng mỗi công nhân nhận được khoảng
3.200.000 VNĐ/1 tháng (nếu như nhận suất ăn trưa của công ty), hoặc được
3.500.000 VNĐ/1tháng (nếu như không nhận suất ăn trưa của công ty).
Mỗi ngày, mỗi công nhân có thể tăng ca từ 2 giờ – 6
giờ một ngày, tuy nhiên cũng không được ban lãnh đạo công ty hỗ trợ thêm khẩu
phần ăn giữa giờ, tiền thưởng tăng ca thấp, công suất làm việc cao nhưng lương
thấp, nghỉ trưa chỉ được 30 phút/1 ngày – chỉ đủ ăn trưa và không có thời gian
nghỉ ngơi…
Như GNsP đã
loan tin, bên phía công đoàn công ty TNHH Matrix không quan tâm đến quyền lợi của
người lao động khi họ bị xâm phạm bởi công đoàn công ty trực tiếp ăn lương của
giới chủ, trong khi đó công đoàn – là “tổ chức đại diện người sử dụng lao động…
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.
Công ty TNHH Matrix Vinh thuộc Tổng công ty Matrix
(Trung Quốc), chuyên sản xuất các loại gấu bông, đồ chơi xuất khẩu. Công ty hiện
có hơn 3.400 công nhân, chủ yếu là nữ. Trước đó, tại công ty này đã từng có nhiều
cuộc đình công của công nhân diễn ra vào các năm 2009 và năm 2012.
Huyền
Trang, GNsP
----------------------
Hoàng
Phi -
GNsP
Đăng ngày 05.10.2016 -
9:30am
GNsP (05.10.2016) – Khoảng 3000 công nhân tại công ty TNHH Matrix
thuộc khu công nghệ Bắc Vinh, Tp.Vinh đồng loạt đình công để đòi quyền lợi,
trong những ngày qua.
Theo một số thông tin, trước đó vào sáng ngày 01.10
có hơn 2.500 công nhân đình công tại công ty này.
Trên một trang báo Nghệ An dẫn lời một số công nhân
tại công ty cho biết, vào chiều ngày Thứ 6 (30.9), họ đã thấy ở các khu
nhà vệ sinh của công ty có dán các tờ kêu gọi đình công trong đó có viết “nếu
ai không tham gia sẽ phải tự chịu trách nhiệm”.
Liên hệ trực tiếp với chị H, một công nhân làm việc
tại công ty Matrix, cho biết: “Gần 3000 công nhân đình công để yêu cầu công ty
giải quyết các vấn đề về quyền lợi của công nhân, trong đó các vấn đề mà công
nhân bức xúc là về thức ăn, nước uống cho công nhân không đảm bảo vệ sinh. Khu
vực ăn uống, nhà vệ sinh cho công nhân chật chội và bẩn, suất cơm trưa cho công
nhân 12.000d/suất là quá ít; máy chấm công trong công ty ít và hoạt động chậm
chạp làm cho nhiều công nhân không thể chấm công được; số giờ tăng ca cao nhưng
không có phụ cấp ăn uống trong giờ tăng ca; định mức của công nhân quá
cao nhưng tiền thưởng lại quá thấp…”
Chị H cho biết thêm, sáng ngày 04.10 ban đại diện
giám đốc công ty Matrix đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các công nhân. Bên
phía công ty đã hứa sẽ chấp thuận tăng giá suất cơm trưa từ 12.000đ/suất lên
thành 15.000đ/suất; các vấn đề về khu vực ăn uống, vệ sinh của công nhân, máy
chấm công sẽ được xem xét.
Tuy nhiên vấn đề định mức sản lượng và mức tiền thưởng,
công ty vẫn chưa đáp ứng được, ngược lại họ làm cho công nhân càng lo lắng hơn
khi quyền lợi của công nhân bị giới chủ xâm phạm. Chị H phẫn nộ nói:
“Trước đây định mức bình quân sản lượng đối với phân
xưởng may máy yêu cầu là 74 con hàng/giờ, nhưng sáng nay giám đốc công ty lại
nói định mức của công nhân sẽ là 77 con hàng/giờ; tức tăng 3 con hàng/giờ so với
định mức ban đầu. Trong khi định mức trung bình của công nhân cao nhưng tiền thưởng
vượt định mức lại bị hạ xuống.”
“Buổi đàm phán hôm nay [04.10] vẫn chưa đạt được kết
quả mong muốn, phía công ty vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về quyền lợi cho
công nhân vì thế công nhân sẽ tiếp tục đình công; không chỉ đình công không mà
sẽ còn căng băng rôn, khẩu hiệu để biểu tình” – Chị H nói thêm.
Công nhân Công ty
TNHH Matrix đình công bên ngoài các phân xưởng của công ty vào những ngày đầu
tháng 10.2016.
Công nhân phản ứng
về thức ăn và nước uống của công ty không đảm bảo vệ sinh, tăng giờ làm nhưng
không được phụ cấp, định mức công việc nhiều nhưng tiền thưởng lại quá thấp
Công đoàn – là “tổ chức đại diện người sử dụng lao động…
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”. Tuy nhiên công đoàn của
công ty TNHH Matrix không quan tâm đến quyền lợi của người lao động khi họ bị
xâm phạm, bởi họ trực tiếp ăn lương của giới chủ. Chị H uất ức nói: “Có nhiều
ông bà trong công đoàn không cho công nhân đòi quyền lợi”.
Chị H nói rằng, từ khi đi làm cho đến nay chị cũng
không quan tâm đến công đoàn là gì, họ có nhiệm vụ bảo vệ công nhân như thế
nào, thậm chí chưa có lần nào được trao đổi trực tiếp với những người có trách
nhiệm trong công đoàn của công ty.
Tìm hiểu thông tin về các cuộc đình công trước đây của
công nhân công ty TNHH Matrix được biết bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Khu
kinh tế Đông Nam, là người đã nhiều lần đòi hỏi công ty Matrix đảm bảo các quyền
lợi chính đáng cho công nhân. Các nguồn thông tin trên báo lề đảng cũng cho biết,
ban chấp hành công đoàn có nhiều thành viên bao che cho công ty để bóc lột sức
lao động của công nhân.
Chúng tôi đã liên lạc tới văn phòng của công ty
Matrix tại Vinh nhiều lần qua điện thoại, nhưng đều không liên lạc được.
Công ty TNHH Matrix Vinh thuộc Tổng công ty Matrix
(Trung Quốc), chuyên sản xuất các loại gấu bông, đồ chơi xuất khẩu. Công ty hiện
có hơn 3.400 công nhân, chủ yếu là nữ. Trước đó, tại công ty này đã từng có nhiều
cuộc đình công của công nhân diễn ra vào các năm 2009 và năm 2012.
Hoàng
Phi
Ảnh: Facebook Huy Jos
No comments:
Post a Comment