07.10.2016
Hàng chục ngàn người hôm 2/10 đã kéo tới trước đại bản
doanh của công ty Formosa ở Hà Tĩnh yêu cầu đóng cửa thủ phạm gây ô nhiễm môi
trường nguy hại tại miền Trung, một sự biểu thị phẫn nộ dâng trào trong lòng
dân Việt trước cách xử lý của nhà cầm quyền Việt Nam trong thảm họa sinh thái
báo động này.
Biểu tình tại Việt Nam cho tới nay vẫn bị đặt ngoài
vòng pháp luật và cuộc tuần hành quy tụ trên dưới 18 ngàn người bùng nổ trước sự
lúng túng đối phó của nhà cầm quyền được xem là một thành công của sức mạnh quần
chúng, một bước tiến mới cho xã hội dân sự trong một đất nước còn nhiều hạn chế
về nhân quyền, tư pháp, quản trị, và về các quyền tự do căn bản như tự do thông
tin và tự do thể hiện quan điểm.
Tạp chí Thanh Niên VOA ghi nhận cảm nghĩ, thông điệp,
và nguyện vọng của một số người trẻ tham gia hành động ‘bức phá xiềng xích sợ
hãi’ lần này của các cư dân trong vùng trung tâm thảm họa, gồm Trần Xuân Đoàn,
cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Nguyễn Kiến Quốc và Kiên Cường tại giáo xứ Đông Yên bên
cạnh Formosa, Hà Tĩnh; Hoàng Sơn, công nhân xây dựng ở Nghệ An.
Kiến
Quốc: Hơn 18 ngàn người tham gia, cả lương dân lẫn giáo
dân. Nhiều người như thế là vì từ lâu Formosa đã gây nên thảm họa môi trường
cho người dân sinh sống quanh đây nhưng công ty không có hành vi nào cụ thể đối
với nhân dân Việt Nam, còn chính quyền thì quanh co, không đáp ứng nhu cầu của
nhân dân. Dân không thể chịu được nữa, nên đã đứng lên gióng lên tiếng nói của
mình.
Hoàng
Sơn: Mong muốn là chính quyền đáp ứng nguyện vọng nhân
dân, đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Kiên
Cường: Quan trọng nhất là phải đóng cửa Formosa vĩnh viễn.
Trà
Mi: Đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam liệu có phải là giải pháp tối ưu trong tình
hình hiện nay?
Kiên
Cường: Chính phủ phải chịu trách nhiệm việc này vì đã
không lường trước, không tính toán được hậu quả Formosa sẽ mang lại. Chính sự
điều hành không tốt làm ảnh hưởng đến người dân. Họ phải chịu trách nhiệm.
Formosa ở lại Việt Nam, lợi ích không biết thế nào nhưng người dân phải chịu hậu
quả hết sức nặng nề. Người ta lo sợ, bất an vì thảm họa này. Ai đến đây mới hiểu
được nỗi lòng và khốn khổ của họ.
Trà
Mi: Người bên ngoài cần thấy những gì từ hiện trạng trung tâm thảm họa hiện
nay?
Kiến
Quốc: Chính quyền phải đưa thông tin xác thực về vụ
Formosa, đặc biệt về vấn đề môi trường.
Trà
Mi: Những gì đăng tải trên báo chí trong nước về thảm họa này chưa xác thực ra
sao?
Kiến
Quốc: Chính quyền luôn chối bỏ, quanh co về trách nhiệm của
họ và của Formosa. Họ không hề nhắc tới từ ‘thảm họa’ mà chỉ nói là ‘sự cố’
trong khi thực sự đây là một thảm họa môi trường rất tệ hại. Giờ có đi đánh cá
cũng không còn cá để bắt, có bắt được cũng không ai dám dùng, dám mua.
Trà
Mi: Bà con xoay sở mưu sinh thế nào?
Kiến
Quốc: Một số người hợp nhau lại đánh bắt ở các tỉnh lân cận
như Nghệ An hay Thanh Hóa, nhưng giá cả so với trước đây không bằng 1/3 và sản
lượng cũng không có nhiều nữa. Một số tìm cách vào Nam kiếm việc khác để có thu
nhập.
Trà
Mi: Có tin nói nhà nước cũng có hỗ trợ ngư dân tại trung tâm thảm họa, sự hỗ trợ
đó tới nay ra sao?
Xuân
Đoàn: Nhà nước chỉ cấp mỗi nhân khẩu mấy yến gạo. Dân
trong thị xã Kỳ Anh chúng tôi không còn làm được nghề gì, nghề chính là làm biển
và làm muối mà giờ có làm cũng không ai mua. Từ ngày xảy ra thảm họa tới giờ rất
khổ.
Trà
Mi: Về tỷ lệ bồi thường nhà nước vừa ban hành, phản hồi của ngư dân ra sao?
Kiên
Cường: Để đền bù thỏa đáng và đáp ứng được nhu cầu của người
dân cần phải thống kê minh bạch thiệt hại của dân, của từng đối tượng. Khi người
ta đến thương thảo để đền bù, người ta lại yêu cầu nhận đền bù rồi thì xung
quanh khu vực Formosa không được đánh bắt trong vòng 12 hải lý. Phải đi xa hơn
thì các ghe thuyền nhỏ làm sao còn cơ hội làm ăn nữa? Formosa đã bị các nước
khác xua đuổi. Khi tới Việt Nam, họ quanh co với chính phủ và không muốn đối
thoại với nhân dân. Lẽ ra họ phải đối thoại minh bạch, trực tiếp với nhân dân
trước khi nói tới chuyện đền bù thiệt hại như thế nào.
Trà
Mi: Biểu thị sự phản đối bằng cách xuống đường biểu tình, tại Việt Nam, liệu có
là một giải pháp mang đến hiệu quả tốt đẹp như mong đợi?
Hoàng
Sơn: Dân tập trung lại với mong muốn chính quyền đứng về
phía dân.
Trà
Mi: Sau cuộc biểu tình tới nay, phản ứng từ chính phủ có đáp ứng nguyện vọng đó
hoặc có hứa hẹn gì không?
Hoàng
Sơn: Chưa thấy ai trong chính quyền đứng ra trao đổi với
dân.
Kiên
Cường: Người dân phải kết hợp nhiều cách thức khác nhau. Một
mặt cần phải có một cuộc chiến về pháp lý. Một mặt cần có hành động cụ thể như
cuộc biểu tình 2/10 vừa rồi để cho chính quyền thấy dân cần gì, đồng lòng đến mức
độ nào.
Trà
Mi: Trước cuộc biểu tình này, một đoàn hơn 500 người đã nộp đơn kiện tập thể chống
lại Formosa tại tòa án Kỳ Anh. Hơn 600 người cùng đệ đơn kiến nghị Quốc hội lắng
nghe dân, giải quyết cho dân. Tất cả những hành động đang được thực hiện cùng
lúc đó nói lên điểm khác biệt gì trong nhận thức và vai trò xã hội của công
dân?
Kiến
Quốc: Cho thấy đã đến lúc người ta cũng dám chấp nhận đấu
tranh đòi quyền con người, quyền công dân. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh ôn hòa
để nhà nước và lãnh đạo công ty thấy rằng ở đây chúng tôi không muốn đến phá hoại
mà chỉ cảnh cáo, muốn được lên tiếng, muốn được quan tâm.
Trà
Mi: Mục đích cuối cùng của các hành động này là để được lắng nghe. Trong trường
hợp được lắng nghe hoặc không được lắng nghe, dự kiến sẽ có những phản ứng tiếp
theo thế nào?
Kiên
Cường: Họ sẽ tiếp tục lên tiếng. Không đáp ứng cho họ thì
một lúc nào đó cũng có thể xảy ra những chuyện như từng thấy ở Bình Dương năm
2014. Không ai có thể lường trước.
Trà
Mi: Tham gia các cuộc biểu tình rồi gặp rắc rối với chính quyền, các bạn nghĩ
sao?
Xuân
Đoàn: Tất nhiên có lường trước vấn đề này, nhưng điều đó
không quan trọng bằng việc bản thân mình giúp ích cho người dân được chừng nào
hay chừng đó, giúp họ can đảm dám đứng lên, dám nói chính kiến của mình. Một
khi giải quyết được vấn đề của họ cũng là giải quyết được vấn đề cho chính
mình.
Kiên
Cường: Formosa là một công ty có nhiều mờ ám. Nơi đây
không chỉ đơn thuần là một khu kinh tế. Có khả năng còn là một chiến lược quân
sự. Họ chỉ mới hoạt động trong giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2, 3 còn biết bao
nguy hiểm nữa, huống hồ thời gian họ ở đây tới 70 năm. Người dân biết chắc là
không thể sống được. Mình muốn sống, mình phải đấu tranh. Bằng mọi giá phải đuổi
Formosa ra khỏi Việt Nam. Với cá nhân tôi, một tôi sống, hai Formosa sống. Tôi
phải đấu tranh vì đó là quyền của tôi và là tương lai của tôi nữa.
Hoàng
Sơn: Em muốn mọi người phải lên tiếng. Đừng sợ đàn áp,
hãy đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của đồng bào, của chính mình, của tương
lai con cháu mình.
Trà
Mi: Các bạn muốn nói gì với Formosa và với chính phủ Đài Loan?
Xuân
Đoàn: Tôi muốn nói với họ ‘Hãy trả lại môi trường sạch
cho đất nước Việt Nam.’ Tôi cũng muốn bạn bè các nước trên 5 châu góp tiếng nói
để nhà máy Formosa ngừng hoạt động ngay khỏi đất nước Việt Nam.
Kiên
Cường: Mong các đài truyền thông, bạn bè quốc tế, và các bạn
trẻ trong-ngoài nước hướng về quê hương, dân tộc và có tiếng nói chung để xây dựng
đất nước ngày càng lớn mạnh, đặc biệt phải hướng tới môi trường vì ảnh hưởng
môi trường không chỉ tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mà ảnh hưởng toàn dân tộc, toàn quốc
gia, và thậm chí cả trên thế giới. Mong tất cả mọi người hướng về, ủng hộ cuộc
đấu tranh của chúng tôi vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn, một cuộc
đấu tranh bất bạo động. Vì vậy, xin mọi người giúp đỡ chúng tôi.
Trà
Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho đài VOA trong câu chuyện hôm
nay.
No comments:
Post a Comment