Sunday, October 2, 2016

DÂN OAN : ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU VỀ ĐÂU NHỮNG MẢNH ĐỜI (Lê Thị Kim Thu - VNTB)




2/10/2016

Lê Thị Kim Thu (VNTB) - Sau hàng chục năm vất vưởng đi tìm công lý cho miếng đất, cái nhà của mình đã bị cướp mà không mấy ai đòi lại được, thì nay, cuộc đời họ đi về đâu ?

Dĩ nhiên, về cuộc sống, gánh nặng vật chất càng ngày càng nặng nề hơn, bởi phải vật lộn với tuổi già, tệ hại hơn là sức khỏe vì sự vô tình và vô tâm của thời gian.

Những mảnh đời này rất thường thấy cho những ai quan tâm và đồng hành cùng họ. Tôi đã từng chứng kiến những hoàn cảnh đau thương này khi ở trong nước và khi ra ngoài vẫn còn khoắc khoải vương mang những ưu tư về họ.

Hình Sư Bình dầm mưa cùng dân oan các tỉnh căng biểu ngữ kêu oan trước văn phòng Thủ Tướng, số 1, Bách Thảo, Ba Đình, Hà Nội.

Ai biết được? Có những người đi đấu tranh cho công lý, rồi bị tù đày, để khi được ra ngoài thì mang một vết thương lòng cùng một vết thương đời là bệnh tật và nghèo đói!

Ai biết được? Có người bị ngược đãi đánh đập trong trại giam, rồi trở về đời với một quãng đường ngắn nguổi, để rồi tiếp tục trở về trời với một thời gian dài vô tận!

Ai biết được? Có người đành phải nuốt hận sống một cuộc đời còn lại trong uất ức nghẹn ngào! 

Và ai biết được? Có những người đang sống từng ngày chờ chết vì hậu quả của những năm dài làm người không có quyền sống! 

Những người này rất nhiều!

Hôm nay, trước sự đau lòng về một người đã từng đồng hành cùng tôi, hăng say xuống đường đòi công lý ở đất Hà Thành, Tôi mong muốn góp một tiếng kêu đau thương cho mãnh đời bất hạnh đó.

Thuở còn trẻ, không ai nghĩ đến rồi sẽ có một ngày hôm nay bệnh tật. Bây giờ, sư Thích Đàm Bình vẫn còn sống, nhưng hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo u sơ gan, ung thư tụy. Sư năm nay 64 tuổi, đi khiếu kiện ròng rã suốt 24 năm qua để đòi lại ngôi chùa nhỏ đã bị nhà cầm quyền chiếm đoạt. Sư thường cùng Dân Oan các tỉnh ăn ở tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng và trước cổng văn phòng Trung Ương Đảng và Nhà Nước. Ngoài việc đi đòi chùa, Sư còn tham gia vào nhiều cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa và Trường Sa. Những lần Sư bị bắt, Sư đã biểu lộ được tánh tranh đấu kiên cường và lòng từ bi, là không khai, không nói bất cứ cái gì có hại cho những người chung quanh. Ngoài ra, Sư còn không màng đến những vật chất mà công an chiêu dụ. Tánh tình của Sư thì thiệt đúng nghĩa của con nhà Phật: hiền hòa, thương và hay giúp đở mọi người.

Ngày 25/9/2016, bà Nguyễn Thị Gấm, 75 tuổi, Dân Oan tỉnh Quảng Ninh, cùng Dân Oan Nguyễn Thị Hiệu, 61 tuổi, quê ở Tuyên Quang, có đến thăm Sư tại nhà người thân ở tổ 8, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được biết thêm là bệnh viện đã trả Sư về cho gia đình tự chữa trị, hiện nay đã không đi lại được, và Sư thì cô đơn, chỉ trông nhờ người quen và Dân Oan giúp đở.

4 giờ sáng Sư cùng Dân Oan các tỉnh thành đến nhà riêng ông Lê Tiến Hào, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, căng biểu ngữ, gửi đơn.

Thay lời Sư Bình, bà Gấm kính khẩn cầu các nhà hảo tâm trong và ngoài nước; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; ông Mai Dũng, bà Cẩm Hường, Hội Cứu Lấy Dân Oan; bà Trần Thị Hài, hội trưởng Hội Dân Oan Ba Miền; cô Huỳnh Thục Vy, hội trưởng Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam; Hội Bầu Bí Tương Thân; Hội Anh Em Dân Chủ;... hãy hỗ trợ, an ủi Sư Bình trong khi mắc bệnh hiểm nghèo này. Vừa rồi, TÔI có gửi về giúp Sư 100USD, tiền này là tiền dư trong chi phí đi tham dự diễn đàn XHDS của TÔI ở Đông Timor do quý đồng hương đóng góp. Thêm nữa, thay vì trả lại Sư ngôi chùa bị cướp, công an thành phố Hà Nội có “thiện/ác ý” đến thăm và cho Sư một triệu đồng (tương đương 50USD), một hộp sữa và hộp bánh để “an ủi” và cũng gọi là quà xứng với ngôi chùa.

Sư Bình chụp ngày 25-9-2016 với Dân Oan Nguyễn Thị Hiệu (hình trái) và ngày 25-9-2016, Dân Oan Nguyễn Thị Gấm đến thăm Sư Bình nằm liệt giường (hình phải).

Sau đây là những hình ảnh xa xưa và hiện tại của Sư Thích Đàm Bình. Và địa chỉ liên lạc: Thích Đàm Bình, xóm 8, Xuân Trung, Xuân Trường, tỉnh Nam Định, và số điện thoại: 01256821826.

Chú ý: Nhiều người lầm lẫn giữa hai nhà sư ở Hà Nội là Thích Đàm Bình và Thích Đàm Thoa. Hai vị Sư khác nhau.





No comments:

Post a Comment