Nguyệt
Quỳnh
Cập nhật: 7/10/2016
Lẽ ra bài viết này được bắt đầu bằng câu nói chân
thành của Lầu Nhật Phong “Thế hệ 9X là một thế hệ đặc biệt…”. Các em như
những mầm xanh cố vươn lên từ khe nứt của những tảng bê tông đã được hàn kín bởi
nỗi sợ hãi. Thế nhưng, chạnh nhớ đến những tháng dài biệt giam của Nguyễn Hữu
Quốc Duy và bản án 5 năm dành cho Duy và Nguyễn Hữu Thiên An vì đã dám viết:
“DMCS 40 năm quá đủ” tôi chợt thấy xót xa. Bỗng thấy cảm thương những câu chữ
trần trụi của các em và muốn dùng ngay chính nó – cái thế giới giả trá, vô cảm,
tàn nhẫn đang bủa vây họ, để nói lên cái đẹp của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay.
Chưa bao giờ tuổi trẻ VN lại cô đơn đến thế! Tuổi trẻ
ngơ ngác giữa sự tê dại của nỗi sợ. Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế
về đường lưỡi bò phi pháp, các bạn trẻ đi biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn tiếp
tục bị đánh đập, bị bắt giam vô cớ. Không giúp được bạn mình thoát được vòng
vây của công an, Facebooker Hiển Trịnh đi xuống phố kêu gọi sự quan tâm của mọi
người về tình hình Biển Đông. Nhưng buồn hơn, anh bắt gặp những cái lắc đầu vô
cảm của các bậc cha chú: "Ở đây không nói chuyện chính trị",
cái này cái kia đã có "Quốc tế" ... hoặc "Giờ
các bác già rồi, chẳng làm gì được nữa, tất cả là ở các cháu".
Thế hệ cha anh đã bỏ rơi họ. Đã qua rồi những ngày
xưa, ngày tuổi trẻ hướng mắt theo những mái đầu bạc phơ trên đường về từ thềm
điện Diên Hồng. Tuổi trẻ mất phương hướng không biết quay vào đâu để tìm ra lẽ
sống. Không muốn bàn đến những vấn đề của đất nước, một số các em theo sắp xếp
của cha mẹ, tìm đủ mọi cách để ra đi, để rời khỏi Việt Nam. Có vẻ như hai chữ
“Tổ Quốc” thiêng liêng đang biến mất dần trong tự điển của các em. Tổ quốc bây
giờ là nơi mà tuổi trẻ bất lực, ứa nước mắt nhìn bạn mình đơn thân bị bốn năm
công an đánh đổ gục xuống đường! Tổ quốc của các em là Hà Tĩnh, là Kỳ Anh, là
bãi rác của ngoại bang, là đất của sự chết, của nỗi bất an, của những lừa đảo
trắng trợn…
Thế nhưng, không hẳn vậy. Nếu Vaclav Havel, nhà cách
mạng Tiệp Khắc đã từng trải nghiệm điều mà ông gọi là “cuộc nổi loạn tuyệt vời
của con cái chống lại sự dối trá mà cha mẹ họ đang phục vụ” thì thiết nghĩ
chúng ta cũng đang nhìn thấy điều tuyệt vời đó ở tuổi trẻ VN. Dù họ chưa tạo
thành một số đông đáng kể, nhưng thiết nghĩ số đông đó có hình thành được hay
không còn là trách nhiệm ở các bậc cha mẹ, ở mỗi người dân Việt Nam.
Có
thể nói thời điểm đen tối, cạn kiệt nhất của lịch sử dân tộc là thời điểm hiện
nay. Khi mà mọi đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đã
phải gánh ngay 29 triệu đồng nợ công; khi môi trường sống nhiễm độc trầm trọng;
khi chính phủ khinh dân, trắng trợn lừa dối bằng những trò ngoạn mục như ăn cá,
tắm biển; khi tình trạng người Việt âm thầm rời bỏ đất nước đang tăng dần; khi
số hiện kim được chuyển phi pháp ra nước ngoài lên đến con số đáng giật mình:
92 tỷ USD theo hồ sơ Panama;… thay vì tức giận, thay vì trách móc thế hệ cha
anh về cái di sản ngập tràn khó khăn, tuổi trẻ VN đang muốn vươn vai thiết lập
một trật tự xã hội mới. Tuổi trẻ VN không muốn là những con zombie, không muốn
tê dại trong sợ hãi hay cùng quẩn trong khổ đau, họ bước tới và can đảm nhận
trách nhiệm.
Hãy nghe Đào Nguyên Anh, học sinh 16 tuổi viết cho mẹ: “Ngày
hôm nay, con thấy họ lôi đồng bào ra, 10 người đánh một, con thành người
Việt Nam. Ngày hôm nay, con thấy những gương mặt đau đớn, và vẻ mặt hả hê của
đầy tớ nhân dân, và tiếng xúc phạm danh dự nhân phẩm của các anh trị an, con
thành người Việt Nam. Con tự hào biết bao, và cũng đớn đau biết bao khi biết
cái giá con phải trả không chỉ là mạng sống và tương lai con, mà còn là trái
tim mẹ và gia đình”.
Để được thành người Việt Nam, Đào Nguyên Anh hiểu rõ
cái giá phải trả và em tự hào với cái ý thức của mình ngay cả trong lúc khó
khăn nhất. Trong khi cả thế giới đang nghiêng mình trước bản lĩnh của tuổi trẻ
Hồng Kông: những Alex Chow, Joshua Wong, Nathan Law… thì như Đào Nguyên Anh, Hồng
Thái Hoàng cũng đang phải vật vã với thế hệ bản lề:
“Bố mẹ chưa hiểu, hàng xóm chưa hiểu, họ nói những
điều làm bố mẹ lo lắng đau lòng... Nhưng con hiểu và con không lùi bước! Đồng
bào con đang ngập trong đau thương, nước mắt và đói nghèo. Con làm sao nhắm mắt
bịt tai che miệng mẹ ơi ? Con chỉ muốn hai tiếng Việt Nam có thể ngẩng mặt với
thế giới, chỉ muốn nhân dân trong đó có cả bố mẹ, cả con biết đến hai từ Tự Do
thực sự! Con xin lỗi bố mẹ! Con không thể quay đầu!”
Chỉ một vài ngày sau khi lãnh án phạt từ tòa án,
Nathan Law, sinh viên 23 tuổi, một trong những thủ lĩnh trẻ của phong trào biểu
tình đòi dân chủ Hồng Kông đã đắc cử nghị sỹ vào Hội Đồng Lập Pháp. Điều này
cho thấy những công dân Hồng Kông có trách nhiệm đối với đất nước của họ. Dân
chủ không hề tự trên trời rơi xuống mà là do nỗ lực của tất cả mọi người. Chính
các bậc cha mẹ và người dân Hồng Kông đã mở ra cánh cửa quyền lực chính trị thực
sự cho các thủ lĩnh sinh viên. Nội chỉ với ý thức này thôi cũng đủ giữ cho tuổi
trẻ đứng vững để vượt qua mọi sóng gió.
Đừng bắt tuổi trẻ phải sống giống chúng ta, sống co
cụm trong sợ hãi và ích kỷ. Nhưng dù sợ hay không sợ, muốn hay không muốn, các
thế hệ tương lai đang phải chấp nhận cái kết quả đen tối mà đất nước này đang
phải đối mặt.
Thời nhà Trần, dân ta chỉ nhìn thấy cái bóng của “sứ
ngụy” đi lại nghênh ngang ngoài đường lòng đã thấy xốn xang. Nay, chúng ngang
nhiên xuất hiện ngay trên tấm bản đồ có hình lưỡi bò trong văn phòng thủ tướng
chính phủ; chúng nhiễu sóng không lưu trên phi trường Tân Sơn Nhất; chúng đường
đường ngự trị ở tây nguyên; chúng có mặt trên những dùi cui vụt thẳng vào những
ai dám lên tiếng bảo vệ lãnh thổ; chúng lởn vởn trên chín chiếc quan tài nằm xếp
hàng ở nhà tang lễ bộ quốc phòng trong vụ tai nạn máy bay kép; chúng hiện diện
trên mâm cơm không cá; chúng có mặt từ hàng lãnh đạo nhu nhược cúi gập mình cho
đến xác người ngư dân xấu số Trương Đình Bảy… bóng chúng đang đè lên số phận từng
người dân Việt Nam.
“Để thành người Việt Nam” câu nói của Nguyên Anh như tiếng gọi rất âm thầm, ẩn dấu sâu thẳm trong
tâm hồn của những người trẻ. Và nó đánh thức họ mạnh mẽ đến nỗi dù có nguy cơ đối
diện với tù tội, với dùi cui, Trịnh Bá Phương vẫn bật lên lời: “Nếu tôi
chết, đừng chôn. Hãy khiêng xác tôi khắp phố phường Hà Nội” .
Cuối tháng 9 vừa qua, nhân kỷ niệm hai năm phong
trào đòi dân chủ được khởi động bởi các sinh viên, người dân Hồng Kông đã xuống
đường với những chiếc ô màu vàng trên tay; họ đã đứng im lặng, dành 3 phút mặc
niệm trước trụ sở chính quyền Hồng Kông. Dân chủ là khát vọng, là mong ước của
mọi con người trên hành tinh này bất luận họ là ai, màu da gì.
Nếu những chiếc
dù mong manh của tuổi trẻ Hồng Kong đã kêu gọi được hàng ngàn người xuống đường
thì xin xem những năm tháng tuổi xuân của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy
Chương, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Đài… là những
lời tâm huyết tha thiết nhất của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay.
Hãy vì tương lai của Quốc Duy, Thiên An, Nguyên Anh,
Thái Hoàng, Nguyễn Mai Trung Tuấn, Lầu Nhật Phong… Đừng im lặng, đừng để sự
lãnh đạm của chúng ta tiếp tay với cái ác. Đừng để họ đơn độc trước một bầy sói
và bàn tay của ngoại bang. Hãy lắng lòng, bạn sẽ nghe thấy lời ước nguyện của
Trang Nguyễn và hàng trăm tấm lòng thầm lặng khác:
“Dù ngày mai, cái giá của tôi phải trả cho sự lên tiếng
của mình sẽ là bị đuổi học hay bỏ tù, thì tôi vẫn sẵn sàng bỏ qua quyền lợi của
mình vì trách nhiệm với những thứ lớn lao hơn !!!”
No comments:
Post a Comment