Thursday, September 29, 2016

TỪ VỤ NGƯ DÂN KIỆN FORMOSA : ĐÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA GIÁO DÂN NGHỆ AN ? (Đoàn Hưng / SBTN)




Đoàn Hưng / SBTN
T4, 09/28/2016 - 15:43

Trong những ngày qua, sự kiện 600 giáo dân Nghệ An đi về Hà Tĩnh để khởi kiện Formosa đã là nức lòng những người Việt còn quan tâm đến tình hình đất nước Việt Nam. Có thể nói, bất kể kết quả vụ kiện ra sao, đây đã trở thành một sự kiện lịch sử ở Việt Nam trong hơn 40 năm bị cai trị bởi chế độ độc tài CSVN.

Linh Mục Đặng Hữu Nam đang điều động giáo dân tại tòa án Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Sự kiện xảy ra nhanh chóng và dồn dập đến nỗi, nhiều người dân trong nước vẫn còn chưa kịp biết tin. Có người biết tin rồi mà vẫn không tin là chuyện này lại có thể xảy ra. Làm sao ngư dân lại có thể thực hiện vụ đi kiện này mà không bị công an đàn áp? Tuy nhiên, với những người đã theo dõi những diễn biến tại Giáo Phận Vinh kể từ sau vụ thảm họa môi trường, thì lại cho rằng sự kiện này hoàn toàn khả thi, đối với một tập thể đoàn kết nhất trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, đòi lại nguồn sống cho ngư dân Miền Trung.

Câu hỏi đầu tiên: tại sao công an đã không đàn áp, ngăn chặn vụ kiện? Lưu ý rằng công an Nghệ An đã biết trước việc này ít nhất là một ngày. Nhưng họ chỉ dừng lại ở mức làm khó dễ, đe dọa các chủ xe nhận chở ngư dân đi kiện, chứ không dám ngăn chặn, đàn áp khi giáo dân tập trung tại giáo xứ của Linh Mục Đặng Hữu Nam trước giờ khởi hành sáng sớm ngày 26/09. Câu trả lời: số đông! 600 ngư dân được tập hợp qui củ, đàn áp không dễ. Họ lại là những kẻ cùng khổ nhất của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Những người ngư dân nghèo, nay đã bị tước đi phương tiện mưu sinh cuối cùng: biển và tôm cá. Họ bị đẩy vào đường cùng, trong khi chính quyền CSVN vẫn chưa có một động tác nào để giúp đỡ cụ thể, ngoài 15 ký gạo mốc mà một số ngư dân đã không thèm nhận!

Vào những năm 1930, 1931, cũng ở chính Nghệ An, Hà Tĩnh, những con người cùng khổ đã làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh, một sự kiện được cho là cuộc khởi nghĩa đầu tiên do Đảng CSVN lãnh đạo. Chính quyền CSVN đã lợi dụng xương máu của người nghèo để làm nên cách mạng vô sản. Cho nên họ hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của những kẻ khốn cùng. Họ không dám đàn áp, vì sợ  nhận thêm những sự phản kháng của mạnh hơn, lan rộng hơn sang các địa phương khác.

Câu hỏi thứ hai: làm sao có thể tổ chức được một sự kiện khó khăn, đầy tính mạo hiểm như vậy? Câu trả lời: tính tổ chức, một trong những thế mạnh của Công Giáo từ trước đến nay so với các tôn giáo khác. Đã biết là Công Giáo có tính tổ chức cao, nhưng khi nhìn Linh Mục Đặng Hữu Nam sắp xếp, điều động gần 600 giáo dân của mình trong suốt cuộc hành trình hai ngày, những nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp cũng phải nghiêng mình bái phục! Trong suốt quá trình đi kiện, Linh Mục Nam luôn dặn giáo dân phải biết tôn trọng pháp luật, giữ gìn trật tự, hành xử văn minh. Ông nhắc giáo dân thấy rác là phải lượm, vì chúng ta đi đấu tranh bảo vệ môi trường. Ngay cả khi có người của côn an trà trộn vào đám đông để gây rối, giáo dân cũng biết cách làm theo lời của cha để loại kẻ này ra khỏi tập thể, chứ không bị náo loạn. Linh Mục Nam luôn luôn thể hiện thái độ tương kính, cảm thông đối với chính quyền địa phương, nhưng không kém phần cương quyết khi cần thiết.

Đáp lại, những giáo dân đã làm theo lời của vị lãnh đạo tinh thần này gần như tuyệt đối. Giáo dân xếp hàng đi vào khuôn viên tòa án trật tự, ngồi chờ kiên nhẫn, tay lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện, và khi được yêu cầu, họ cùng hát thánh ca, hay bài hát Trả Lại Cho Dân: “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người…”. Nhìn cảnh tượng này, những nhà đấu tranh trong nước đã thốt lên rằng đây là một tập thể mẫu mực nhất của phong trào đấu tranh bất bạo động, mà tất cả những tổ chức đấu tranh bất bạo động trong nước hiện nay cần phải học hỏi. Nhìn Linh Mục Đặng Hữu Nam, tuổi chưa đến 40, đứng ra tổ chức vụ đi kiện, người ta cũng thấy được bóng dáng của một nhà lãnh đạo trẻ mẫu mực, để dẫn dắt  một đất nước Việt Nam đi đến dân chủ tự do thành công trong tương lai.

Tính tổ chức và khả năng lãnh đạo của Công Giáo là chìa khóa thành công của sự kiện lịch sử này. Nó cũng trả lời cho câu hỏi của nhiều người đã đặt ra khi theo dõi vụ kiện: tại sao Phật Giáo không làm được điều này, khi mà mới đây chính quyền CSVN đã san bằng chùa Liên Trì trước sự căm phẫn của hàng triệu người Việt Nam? Bởi vì CSVN đã thành công trong việc phá hoại khối đoàn kết Phật Giáo trong suốt 40 năm qua, đối với một tôn giáo vốn không có tính tổ chức chặt chẽ từ truyền thống như Công Giáo. Mà không chỉ có Phật Giáo mới là nạn nhân của chính quyền CSVN. Tất cả các tôn giáo còn lại, như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… đều chịu cùng một chung số phận đàn áp, cũng bởi vì không có một tổ chức đoàn kết chặt chẽ với số đông như Công Giáo.

Câu hỏi thứ ba: đâu là nguyên nhân sự đoàn kết này? Câu trả lời: Đức Tin! Giáo dân tin vào Chúa Trời. Giáo Dân tin vào Cha. Nhìn cách giáo dân nghe lời Linh Mục Nam, công an CSVN cảm nhận được là giáo dân sẵn sàng hy sinh tính mạng vì vị lãnh đạo tinh thần của mình. Và đáp lại Đức Tin của giáo dân, không chỉ có một mình Linh Mục Nam gánh vác trọng trách. Ông được sự đồng tình của các vị Linh Mục khác và Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo Phận Vinh. Giáo dân Nghệ An đi kiện ra đến Hà Tinh là được các giáo xứ khác ở địa phương tiếp đón, mời ăn trưa. Và không ngừng ở đó. Trong ngày 26/09, Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã thân hành từ Ninh Bình đi đến Hà Tĩnh để đồng hành cùng giáo dân. Thêm vào đó, Linh Mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn mới đây đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy đóng góp, gây quĩ để hỗ trợ cho vụ kiện của giáo dân. Lời kêu gọi lập tức đã được hưởng ứng nhiệt liệt khắp nơi.

Với một tập thể kỷ luật, đoàn kết, tràn đầy Đức Tin và bất bạo động như vậy, chính quyền CSVN sẽ phải kiêng dè khi nghĩ đến chuyện đàn áp. Bởi vì một chính sách đàn áp sai lầm có thể dẫn đến sự sụp đổ nhanh hơn của chế độ, hiện đang có quá nhiều bất ổn, mâu thuẫn nội bộ như Đảng CSVN hiện nay.

Như Linh Mục Đặng Hữu Nam có nói, vụ kiện này chỉ  mới là khởi đầu cho một hành trình đấu tranh còn dài của ngư dân, giáo dân. Sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng ông đã tiên liệu trước, và sẵn sàng cùng giáo dân đi đến cùng.

Trên các trang mạng xã hội, những nhà đấu tranh trong nước thuộc mọi thành phần, tôn giáo đã gởi những lời chúc mừng đến Linh Mục Đặng Hữu Nam và giáo dân. Hình như mọi người đã thấy lối đi chung cho phong trào đấu tranh vì tự do, dân chủ trong nước. Hãy đoàn kết lại chung quanh người Công Giáo, để tạo thành một khối đông lớn hơn nữa, có tính tổ chức cao hơn nữa. Làm được như vậy, người sẽ phải sợ hãi chính là công an và chính quyền CSVN, chứ không phải là người dân như hiện nay. Tình thế sẽ thay đổi, và cuộc đấu tranh bất bạo động của người dân Việt Nam chắc chắn sẽ đi đến đích sau cùng.

Đoàn Hưng / SBTN

-------------------------
Related news: 





No comments:

Post a Comment