Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện
Thứ Bảy, 3/9/2016, 15:11 (GMT+7)
.
TS. Nguyễn Đức Hiệp
TS.
Nguyễn Đức Hiệp
• Sinh trưởng ở Sài Gòn.
• Du học Úc từ 1974 theo quỹ học bổng Colombo.
• Chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường
và Di sản, bang New South Wales, Úc.
• Cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam nhiều
năm qua trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa.
*
(TBKTSG)
- Giữa dòng sách viết về Sài Gòn muôn cảnh muôn vẻ, bộ ba cuốn khảo cứu Sài
Gòn - Chợ Lớn Thể thao và báo chí trước 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu
quý trước 1945 và Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người (đều
do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành từ đầu năm 2016) xuất hiện lặng lẽ. Sự lặng lẽ
có lẽ là số phận chung của những đầu sách đi vào chuyên sâu ở ta. Nhưng với những
ai quan tâm đến Sài Gòn ở góc độ đô thị học, thì đây là ba cuốn sách không thể
thiếu.
TS. Nguyễn Đức Hiệp - chuyên gia
khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản, bang New South Wales, Úc - người
dành hơn 10 năm tâm huyết cho bộ sách trên đã có cuộc chia sẻ với phóng viên
TBKTSG.
TBKTSG:
Xin ông cho biết, điều gì khiến một chuyên gia môi
trường đang nghiên cứu tại nước ngoài quan tâm đến đô thị học Sài Gòn?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Trong lĩnh vực
môi trường, tôi cũng chú ý đến bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa trong đó gồm
cả kiến trúc, lịch sử và tâm linh gắn liền với kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Tôi cũng là một người sinh trưởng ở Sài Gòn và đã từ lâu trong lúc rảnh rỗi viết
về thành phố mà mình đã có thời sinh sống vì nhận thấy thông tin về lịch sử và
văn hóa của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào thế kỷ 19 và 20 không có nhiều, trừ
một số thông tin dữ kiện của các ông Sơn Nam, Vương Hồng Sển.
Đa số các bài tôi viết đã được đăng trên các báo, tạp
chí và trên mạng. Một số bài viết đã gây được sự chú ý của nhiều người. Cuối
năm 2015, chị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa và Văn nghệ, đã có liên lạc và đề
nghị tôi viết thêm và in thành các sách về Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhờ vậy mà bộ
sách này đã được ra mắt bạn đọc.
TBKTSG:
Xin ông cho biết về quá trình tìm kiếm tư liệu. Có vẻ
như đa số những tài liệu được dịch, trích, hệ thống... tìm được ở các thư viện
nước ngoài?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Tư liệu tôi dùng
là các sách nước ngoài của các nhà du hành đã ghé thăm và viết về Sài Gòn ở thế
kỷ 18 và 19, các bài của các học giả, báo chí, tạp chí xuất bản bằng tiếng
Pháp, Anh và Việt ở các thế kỷ trước nay đa số đã được số liệu hóa lên mạng ở
các thư viện quốc gia như thư viện quốc gia Pháp, Singapore và Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một số tư liệu tôi tiếp cận được là
từ các nhà sưu tập sách vở và báo chí ở Sài Gòn như anh Vũ Hà Tuệ, linh mục Nguyễn
Hữu Triết và các anh trong câu lạc bộ những người yêu sách.
TBKTSG:
Đề cập đến Sài Gòn ở giai đoạn 1945 về trước dù sao
cũng ít phức tạp hơn (về mặt chính trị) so với khoảng 1954-1975. Phải chăng đó
là nguyên do mà ông và một số nhà nghiên cứu khác, khi đề cập đến “Sài Gòn” cũ,
thường lựa chọn khảo sát giai đoạn trước 1945?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Một phần là đúng
như vậy. Còn có hai lý do nữa đó là tư liệu sau năm 1945 rất nhiều, cần có thời
gian lâu hơn để tham khảo và tổng hợp và càng gần với thời nay hay trong giai
đoạn thời mình sống trải nghiệm thì càng khó về phương diện khách quan, góc
nhìn so với thời gian xa hơn trong lịch sử. Điều này cũng có thể thấy từ các
nhà sử học viết về lịch sử Việt Nam.
TBKTSG:
Mâu thuẫn giữa bảo tồn (di sản môi trường và nhân
văn) với phát triển là vấn đề lớn mà các đô thị hiện đại đang đối diện. Sài Gòn
không là ngoại lệ. Ông nghĩ như thế nào về vai trò và khả năng tự vấn căn tính
hay giá trị tinh thần thuộc về Sài Gòn trong giai đoạn phát triển nhanh chóng về
vật chất hiện nay?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Đúng đây là vấn đề
lớn mà các đô thị hiện nay đang đối diện giữa phát triển và bảo tồn. Nhưng
không có nghĩa là mâu thuẫn triệt tiêu, thắng thua mà chúng ta có thể hài hòa dẫn
tới thắng-thắng (win-win) vừa phát triển vừa bảo tồn đặc thù lịch
sử.
Trong quản lý quy hoạch đô thị, vùng nào là cần bảo
tồn, khoanh khu lại trong vùng trung tâm (core) để bảo vệ căn
cước cảnh quan đặc thù của thành phố. Các tòa nhà có giá trị di sản lịch sử, kiến
trúc được đánh giá và liệt kê theo luật di sản. Ngay cả các tòa nhà biệt thự kiến
trúc xưa có giá trị khi chưa được đánh giá và có nhu cầu phát triển xây dựng lại
thì cũng nên cố gắng giữ lại một phần bên ngoài nếu được hay hài hòa với cảnh
quan chung quanh thay vì phá hủy hoàn toàn.
Chúng ta có thể thấy bài học phát triển ở Singapore,
sau khi sai lầm phá hủy nhiều khu nhà cổ và di sản kiến trúc trong thập niên
1980 ở một thành phố có nhiều du khách, Chính phủ Singapore đã có chính sách sửa
sai là triệt để bảo tồn các khu còn lại như Little India (Tiểu Ấn Độ),
Chinatown, Clark Quay và Boat Quay (tương tự như Bến Chương Dưong, bến Bình
Đông và Trần Văn Kiểu ngày xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn). Các nơi này đã trở thành
khu văn hóa đặc thù sang trọng thu hút nhiều du khách quốc tế.
Trong quá trình quy hoạch và phát triển cần có sự quan
tâm vào bảo tồn và đánh giá giá trị kiến trúc, cảnh quan văn hóa của vùng vì
chúng sẽ tăng giá trị kinh tế lên rất nhiều do chúng có đặc thù hay một câu
chuyện lịch sử gắn bó. Ngoài ra cũng cần có sự tư vấn của các chuyên gia kiến
trúc, văn hóa và sự tham vấn với cộng đồng để đạt được sự đồng thuận dẫn đến sự
trong suốt trong quy trình phát triển đô thị.
TBKTSG:
Gần đây, dòng sách chuyện kể, ký ức đô thị Sài Gòn
trở nên khá sôi động, trong khi đó, sách nghiên cứu, khảo cứu khoa học, đô thị
học lại rất thiếu vắng. Ông nghĩ sao về điều này?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Các sách nghiên cứu
khoa học về đô thị Sài Gòn như anh nói là có nhưng ít. Một số như bộ sách về lịch
sử, địa lý TPHCM do Trần Văn Giàu chủ biên ở thập niên 1980, các sách về khảo cổ,
lịch sử cơ sở hạ tầng, chùa đền... gần đây của nhiều tác giả chứa nhiều thông
tin và phân tích quý giá và bổ ích cho các nhà nghiên cứu.
Mục đích của tôi là viết sao cho mọi người có thể dễ
tiếp cận, không quá hàn lâm, dựa vào phong cách nghiên cứu do mình xuất thân từ
nhà khoa học tự nhiên. Tôi đã từng đọc thể loại của dòng sách này và bị ảnh hưởng
bởi các nhà khoa học Jared Diamond, Edward Wilson, Stephen Jay Gould... viết
cho mọi giới mà từ các nhà nghiên cứu đến đại chúng đều tiếp cận và đọc được dễ
dàng.
TBKTSG:
Tôi theo dõi trên mạng xã hội và thấy manh nha hình
thành một cộng đồng những người viết về Sài Gòn, trong đó có cả những người nước
ngoài sống ở Sài Gòn. Đây hẳn là tín hiệu vui. Nhưng ông có nghĩ sự phát triển
cộng đồng chuyên gia, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra tiếng nói trong việc bảo vệ
những giá trị cốt lõi trong phát triển của thành phố?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Vâng, đúng như
anh đề cập. Hiện nay trên mạng xã hội (Facebook) có các nhóm như Sài Gòn Xưa và
Nay (Sài Gòn Then and Now), Đài quan sát di sản Sài Gòn (Sài Gòn Heritage
Observatory), Cửa tiệm mặt phố di sản Sài Gòn - Chợ Lớn (Old shophouses of Sài
Gòn Cholon)...
Đây là nơi nhiều người yêu mến lịch sử, văn hóa, di
sản kiến trúc, cảnh quan thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn trao đổi thông tin, ý kiến.
Họ là những người Việt, những người nước ngoài đang sống ở thành phố này có
quan tâm về bảo tồn và phát triển, trong đó có nhiều người chuyên môn về kiến
trúc, văn hóa, lịch sử đô thị.
Một việc làm có ý nghĩa ban đầu khi các nhóm này vừa
mới thành lập là viết bài, vận động trên báo chí và trên mạng về việc bảo tồn
thương xá Tax khi xây dựng lại với nhiều bài và thông tin về lịch sử, ký ức xã
hội và giá trị kiến trúc thương xá Tax. Kết quả khả quan là một phần kiến trúc
bên ngoài và bên trong thương xá được bảo tồn dẫn đến sự hài hòa giữa cái mới
và cái cổ đặc trưng. Đây cũng là phong cách phát triển đô thị hiện nay ở nhiều
thành phố để giữ nét đặc thù lịch sử tránh trở thành bị xóa sổ căn cước với các
nhà toàn cầu hóa giống như nhau ở khắp nơi. Những thành phố trong vùng đã học
bài học từ thập niên 1970, 1980 và đã bảo tồn hài hòa thành công trong phát triển
để giữ nét riêng văn hóa, lịch sử của mình.
TBKTSG:
Những dự án độc lập tiếp theo về Sài Gòn mà ông đang
theo đuổi?
- TS. Nguyễn Đức Hiệp: Hiện nay có hai đề
tài mà tôi đang thực hiện. Một là cùng với một vài người bạn (trong đó có anh
Tim Doling tác giả quyển sách giá trị mà du khách và các nhà chuyên môn đánh
giá cao Exploring Hồ Chí Minh City) liệt kê và chọn lọc các hình ảnh tòa nhà và
cảnh quan xưa có giá trị văn hóa lịch sử và chụp lại ngày nay cùng các tư liệu
thông tin lịch sử về những kiến trúc cảnh quan này trong một cuốn sách bằng các
thứ tiếng Việt-Anh-Pháp-Hoa để giới thiệu di sản văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đề tài thứ hai là về Sài Gòn - Chợ Lớn: Sân khấu nghệ
thuật hát bội và cải lương trước 1945. Nói đến lịch sử thể thao và báo chí ở
Sài Gòn mà không đề cập đến lịch sử sân khấu nghệ thuật hát bội và cải lương là
một thiếu sót vì thể thao và sân khấu nghệ thuật có nhiều sự liên quan.
No comments:
Post a Comment