30.08.2016
Đồ thị gia tốc biến động xã hội - chính trị kéo theo
biến động chính trị - xã hội ở Việt Nam đã tăng dần rồi tăng đột biến trong 4 năm
qua, với đỉnh gần nhất mang tên “Thảm sát Yên Bái”.
Giờ đây khi xâu chuỗi lại quá khứ không quá xa,
chúng ta có thể tự hỏi rằng phải chăng sự kiện “người anh hùng áo vải” Đoàn Văn
Vươn ở Tiên Lãng đầu năm 2012 - dùng súng hoa cải và mìn chống trả đoàn cưỡng
chế đất đai Hải Phòng - đã thắp lên một điềm báo đen tối cho cuộc xung đột nội
bộ đảng triền miên sau đó?
4
năm: Từ dân bắn quan chuyển hóa quan bắn quan
Sáu tháng sau vụ Đoàn Văn Vươn, Hội nghị trung ương
6 của đảng cầm quyền nổ ra trận đấu đá quyền lực cạn tàu ráo máng đầu tiên sau
nhiều năm sóng yên bể lặng. Cũng là lần đầu tiên, những thủ lĩnh phe đảng như
Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng sử dụng thủ pháp “đánh hội đồng” nhằm xử lý
dứt khoát một đồng chí của mình - Nguyễn Tấn Dũng - khi đã nhận ra nguy cơ
không còn trừu tượng về “sự tồn vong của đảng”. Thế nhưng lịch sử đảng khi đó vẫn
chưa phải là một ca khúc khải hoàn, mà đã chuyển những giọt nước mắt cay đắng của
Đoàn Văn Vươn đến ri rỉ trên khóe mắt mờ đục của tổng bí thư Việt Nam.
Có khác chăng với bóng đêm trong đảng là nước mắt
sáng rỡ của kẻ anh hùng bị sa vào vòng lao lý. Nhưng chính hành động tựa như “hảo
hán Lương Sơn Bạc” của Đoàn Văn Vươn lại dẫn đến lời cảnh cáo thứ hai cho chế độ
cầm quyền: Đặng Ngọc Viết.
Tháng 9 năm 2013, Thái Bình bùng lên vụ dân bắn
quan: phẫn uất tột độ vì bị đền bù đất đai quá tệ và còn bị cưỡng chế thô bạo,
một nông dân tên Đặng Ngọc Viết đã dùng súng ngắn bắn thẳng vào một số quan chức
tỉnh này, sau đó tự sát. Sự kiện chấn động này bùng nổ không chỉ trong công luận
quốc nội mà cả trên mặt truyền thông quốc tế.
Chỉ ít tháng sau đó, vào đầu năm 2014, xã hội và
chính giới bất chợt ồn ào về một vụ “tự sát” khác: Thượng tướng Phạm Quý Ngọ,
Thứ trưởng bộ Công an. Những cuộc thăm dò bỏ túi về dư luận xã hội cho thấy kết
quả ngược chiều với huấn thị của tuyên giáo và công an rằng tướng Ngọ đã bị ung
thư mà chết. Vào lúc ấy, cuộc xung đột quyền lực giữa phe đảng và phe chính phủ
tạm lắng để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo sôi động hơn nhiều vào cuối năm
2014.
Từ giữa năm 2014, một số người ngỡ ngàng khi nghe việc
Nguyễn Bá Thanh, nhân vật được Tổng bí thư Trọng rút từ Đà Nẵng ra trung ương để
ngấp nghé một cái ghế trong Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban nội chính trung ương,
phải đi nước ngoài điều trị với một căn bệnh gần tương tự tướng Phạm Quý Ngọ:
ung thư.
Tiếp đến là cả nông dân cũng biết đến nội tình bục vỡ
của đảng. Đến cuối năm 2014, bất chấp hai cơ quan tuyên giáo trung ương và ban
bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương ra sức trấn an và định hướng dư luận,
cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh vẫn ập đến, một phần được xác nhận bởi một
trang mạng thình lình nổi loạn và thu hút hầu như toàn bộ sự chú ý của cả nước
lẫn quốc tế: Chân Dung Quyền Lực.
Cho tới giờ, mặc dù nhiều người vẫn nghi ngờ Chân
Dung Quyền Lực được hậu thuẫn bởi nhóm ủng hộ “đồng chí X”, nhưng có lẽ rất ít
người biết nó thực sự thuộc về ai.
Sự ra đi của Trưởng ban Thanh là “quả báo” thứ hai
sau cái chết đầy nghi ngờ của Thứ trưởng Ngọ. Hội nghị trung ương 10 vào tháng
Giêng năm 2015 với đỉnh cao chói lọi của Nguyễn Tấn Dũng đã đưa phe đảng vào một
tâm thế đảo điên: trước Đại hội XII chưa đầy một năm, cả Nguyễn Phú Trọng,
Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa, Đinh Thế Huynh… đều có nguy cơ
phải ra đi nếu không quyết liệt thực thi “biện pháp thời chiến”.
Những thủ đoạn tranh chấp quyền lực trước và trong Đại
hội XII cũng đã được “nâng lên một tầm cao mới”, kinh khiếp hơn nhiều. Lần này
không chỉ là đơn thư tố cáo được gửi theo đường nội bộ, mà quá nhiều vụ việc nội
bộ được những bàn tay bí ẩn tung lên mạng xã hội.
Thậm chí nửa năm trước Đại hội XII còn suýt xảy ra một
vụ “bị ám sát”: Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Dẫu sau đó tướng Thanh
vẫn trở về Việt Nam an toàn, nhưng lại bị biệt tích trong “Thành”, kéo theo vô
số đồn đoán về các vụ bắt bớ và thanh trừng “tạo phản” với số lượng lớn trong nội
bộ đảng.
Để tiếp nối, tuy giành được thắng lợi gần như tuyệt
đối tại Đại hội XII, không khí bình yên giả tạo trong đảng cũng chỉ kéo dài
thêm được khoảng 7 tháng.
Bốn năm sau sự kiện Đoàn Văn Vươn, sân khấu chính trị
công khai tắm máu: tháng 8/2016, Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Yên Bái dùng súng
ngắn nã thẳng vào hai quan chức bí thư tỉnh và chủ tịch hội đồng nhân tỉnh này,
sau đó được tường thuật là “tự sát” với một viên đạn không phải vào thái dương
hay dưới cằm mà trổ từ gáy ra trước (?!). Cả ba đều tử vong nhanh chóng và đều
được khâm liệm nhanh không kém. Có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên từ năm 1975
đã xảy ra vụ quan chức bắn chết nhau hàng loạt như thế.
Trước đây, thỉnh thoảng cũng xảy ra một vụ quan chức
bắn nhau, nhưng chỉ ở cấp thấp (chủ yếu cấp xã). Còn giờ đây, cái chết đến với
cả giới quan chức cao cấp - những chân đứng trong Ban chấp hành trung ương đảng.
4 năm. Từ dân bắn quan đã chuyển thành quan bắn
quan.
Khủng
hoảng mới: Sẽ không quan chức nào an toàn
Chỉ vài ngày trước vụ thảm sát Yên Bái, Quốc hội đã
họp bàn về Luật cảnh vệ. Theo đó, khá nhiều “yếu nhân” như nguyên tổng bí thư,
nguyên ủy viên Bộ Chính trị, và đương nhiên tất cả các ủy viên Bộ Chính trị hiện
nay đều được đặc ân có cảnh vệ bảo vệ. Trong cuộc họp bàn này, đã hiện rõ nhu cầu
“tha thiết được bảo vệ” - không phải như một thời trang quyền lực, mà là một thực
tế cần thiết.
Ngay sau vụ Yên Bái, dân chúng Việt lại phải chuẩn bị
tinh thần để đóng thêm một khoản thuế nữa - dành cho việc bảo vệ các nhân vật
lãnh đạo không chỉ cấp trung ương mà ở cả cấp địa phương.
Bây giờ thì không một quan chức nào còn an toàn. Ở
Việt Nam, không một địa phương nào là không có mâu thuẫn, thậm chí nhiều chính
quyền địa phương nổ ra xung đột nội bộ rất nặng nề, đặc biệt về quyền lực và lợi
ích nhóm. Sau vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, điều chắc chắn sẽ xảy ra là nhiều
quan chức ở nhiều tỉnh thành khác sẽ đòi có cơ chế cảnh vệ bảo vệ cá nhân họ, đồng
thời sẽ ban hành cơ chế kiểm tra vũ khí, chất nổ… tại những cuộc họp quan trọng
của thành/tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh/thành, thậm chí xuống cả cấp quận/huyện…
Không khí họp hành sẽ bước vào thời chiến.
“Vừa nghe tin trên mạng về mấy đồng chí bị bắn ở Yên
Bái, đến chiều không khí cơ quan bọn này nặng nề phát sợ luôn. Bên ngoài thì bảo
vệ cùng cảnh sát được tăng cường gấp đôi, soát xét từng người vào cổng, bên
trong mọi người im re như không biết gì, nhưng cứ lấm lét nhìn nhau xa cách
chưa từng thấy…” - một cán bộ thuộc một cơ quan kiểm tra đảng địa phương thổ lộ.
Bây giờ thì không còn quan chức nào an toàn. Nghe
nói trước vụ thảm sát Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh còn dự họp với dàn lãnh đạo tỉnh
và xưng hô với nhau theo đúng điệu “đồng chí”. Nhưng những phát đạn lạnh lùng
và quả quyết sau đó đã xác quyết ranh giới cuối cùng: tình đồng đội và từ “đồng
chí” xưng hô cửa miệng với nhau đã bị hất tuột vào vô thức, để thay bằng một ý
chí sẵn sàng thanh trừng và diệt trừ nhau. Điều được gọi là “nhân học chính trị”
ở Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ súng đạn.
Bây giờ thì không còn quan chức nào an toàn. Thậm
chí với một số “đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị”, phương án chuyển đổi chỗ ngủ
đêm có thể trở thành một nhu cầu chính trị - tương đương với nhu cầu ăn uống.
Phía trước còn cả một con đường “không biết đến cuối
thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không” như Tổng
Bí thư Trọng mong ước. Sẽ còn vô số cuộc xung đột và tranh giành quyền lực lẫn
tiền bạc ghê gớm trong “chuyến tàu vét”, giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới
và cũ, cùng bắt bớ nội bộ sẽ gia tăng. Chủ nghĩa đa trung tâm quyền lực cũng từ
đó sẽ sinh sôi nảy nở bằng xu thế chia rẽ và cát cứ như lũ quét không cách nào
cản được. Sẽ ngày càng nhiều quan chức tự nguyện nghỉ hưu sớm. Sẽ tấp nập quan
chức theo gương nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường để nhập quốc tịch Malta
hoặc một quốc tịch nào đó đủ để thoát thuế và thoát thân. Sẽ ngày càng lộ rõ lớp
quan chức công khai “đặt vé” và lên máy bay hướng đến trời Tây, không một lần
ngoái lại quốc tịch Việt. Để lại cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội
trong một đất nước gần như cạn kiệt tài nguyên và bị phá phách tan hoang…
Thảm sát Yên Bái đã báo trước một cái điềm quá xấu
như thế: cuộc khủng hoảng nội bộ đảng từ bán công khai trước đó chuyển sang một
giai đoạn mới - thế công nhiên và mãnh liệt theo cách “không cho chúng nó
thoát”.
Sẽ không còn một quan chức nào an toàn. Thời thế đảo
điên. Chuyện gì cũng có thể xảy ra!
-----------------------------
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment