Đặng
Đình Cung, Kỹ sư tư vấn
Cập nhật lần cuối 28/09/2016
Vậy là Formosa đã thừa nhận là thủ phạm vụ các chết
hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung và sẽ bồi thường 500 triệu Mỹ kim. Bài này
không bàn về tiền bồi thường có đủ hay không, bồi thường gì, tiền đi vào túi
ai, vạch trần trách nhiệm những ai, xử lý ai và nghiêm tới đâu, đã rút được
kinh nghiệm gì,...
Nếu nhà chức trách không thông tin đầy đủ và chính
xác thì người dân phán đoán việc gì đã xảy ra. Không biết số phận của mình sẽ
ra sao là đủ để một đám đông nôn náo vớ tất cả tin đồn bi quan nhất làm sự thật.
Các thế lực thù nghịch đâu dám mà cũng không cần phải quấy rối thêm. Bộ máy
công an Việt Nam làm việc này hay hơn nhiều. Tệ hại cho chính quyền là trong số
những phán đoán đó thì có giả thuyết ai đó ở cấp cao trong chính quyền tham
nhũng nên mới giấu giếm như vậy.
Trong bài này chúng tôi xin phân tích tai nạn
Formosa1 dưới góc nhìn của một kỹ sư và với mục đích giải độc
đôi chút nhằm chia sẻ hiểu biết với đồng bào để "dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra".
An
sinh và an toàn
Trước tiên xin có một vài nhận xét.
(a) Khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt ở Vũng Áng
thì báo chí mới rầm rộ đăng về những vụ cá chết ở những nơi khác, đang xảy ra
hay đã xảy ra từ trước. Tuy không phải là những thảm họa như ở bốn tỉnh miền
Trung nhưng tính đổ đồng thì mỗi nạn nhân cũng bị thiệt hại về vật chất ngang
nhau và cần được cứu trợ như nhau. Đọc trên mạng, chúng tôi không thấy có ai
đưa ra một giải pháp nào cho những tình huống thảm thương này.
(b) Nhiều người nhầm lẫn thanh tra (聲查, inspection), điều tra (調查, inquiry) và kiểm tra (檢查, audit). Thanh tra là nghe
ngóng soát xét công việc, xem xét tại chỗ. Người ta thanh tra để phát hiện sai
phạm và thủ phạm, khi có nghi vấn hay bằng chứng có tình trạng không chuẩn2.
Điều tra là khảo sát để tìm hiểu, tra xét tính toán lại. Người ta điều tra để
xem sự thật tình huống là thế nào. Còn kiểm tra là xem xét có đúng như đã nghĩ
hay không. Người ta kiểm tra để so sánh một vật thể, một tình trạng với một vật
thể, một tình trạng quy chiếu. Người ta kiểm tra theo một chương trình đã được
lập sẵn tùy theo tính nhạy cảm của đối tượng cần kiểm tra và để gom bằng chứng
mọi việc đều suôn sẻ. Nếu trong quá trình kiểm tra nhận thấy có sai sót thì sẽ
xử lý theo quy pháp đã định trước (luật, điều lệ, hợp đồng,...).
(c) Sau tai nạn Formosa thì thấy nhiều lời hứa
sẽ thanh tra kỹ, sẽ truy cứu trách nhiệm cá nhân và tập thể, sẽ "xử lý
nghiêm" (nghĩa là phạt nặng theo ngôn ngữ cuả đảng CS) mọi vi phạm không
nhường nể ai, sẽ rút kinh nghiệm,... Nói thì oai lắm. Nhưng người dân đã mất
toi kế sinh nhai, Nhà nước đã phải chi tiền cứu trợ, Formosa mất tiền bồi thường
và môi trường đã bị xâm phạm rồi. Thanh tra có làm sống lại những người chết vì
đã ăn cá nhiễm độc hay không ? Người ta kiểm tra (chứ không phải là thanh
tra) để cho những tình trạng tiêu cực tiềm tàng không xảy ra chứ không chờ khi
nào có vấn đề mới thanh tra. Không ai chờ mất trâu mới lo xây chuồng.
Nước
biển có thể coi là sạch và cá được phép ăn và bán khi chất độc ở dưới ngưỡng an
toàn.
Không bao giờ có thể đạt được an toàn và toàn vẹn
tuyệt đối cả. Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động trên sinh vật của các chất
độc và đã định cho mỗi chất một lượng tới hạn cơ thể có thể hấp thụ mà không bị
hại và một hàm lượng tới hạn nước và không khí không làm hại đến sinh vật. Những
lượng và hàm lượng đó gọi là ngưỡng an toàn. Các cơ quan quốc gia hay quốc tế lấy
các ngưỡng an toàn đó để khuyến nghị hay áp đặt các tiêu chuẩn. Người phàm
chúng ta chỉ cần coi nước biển là sạch khi hàm lượng tất cả các chất độc ở dưới
hàm lượng của tiêu chuẩn và ăn cá chứa lượng chất độc ở dưới lượng của tiêu chuẩn.
Chính phủ vừa tuyên bố nước biển đã sạch và cá đã về
rồi. Người dân hỏi thế thì cá đã có thể ăn được hay không. Nhà khoa học thì hỏi
các vị đã lấy bao nhiêu mẫu, ở đâu và ở những thời điểm nào. Dù những câu hỏi
này có được chính phủ trả lời hay không thì chúng ta cũng vẫn có thể lạc quan một
chút. Chúng tôi viết "có thể" vì những lý do lạc quan nêu sau
đây dựa trên kiến thức chúng tôi đã tích lũy trong đời nghề3 có
thể khác với điều kiện địa phương.
Bờ biển Miến Trung có gió mạnh thổi từ Bắc xuống Nam
sinh ra một luồng nước trên mặt biển cũng từ Bắc xuống Nam. Luồng nước này chở
chất độc thải ra từ ống dẫn của Formosa dọc bờ biển cho tới Lăng Cô. Ở dưới luồng
nước trên mặt biển thì có một luồng mạnh hơn chẩy vòng quanh Biển Đông theo hướng
kim đồng hồ, nghĩa là từ Nam ra Bắc ở bờ biển Miền Trung4. Chất độc
do Formosa thải ra sẽ được pha loãng mau hơn ở giáp giới hai luồng nước chẩy
ngược dòng. Vì vậy mà thông tin có thể tắm được ở bờ biển Vũng Áng là có thể
tin được.
Nước
sạch thì cá từ các vùng biển khác sẽ đến ở và sinh sản. Còn lại câu hỏi cá đã
có thể ăn được hay không.
Lẽ cố nhiên là không được bán và ăn cá chết. Cá sống
thì vẫn cần cảnh giác. Một sinh vật có thể hấp thụ một lượng chất độc dưới ngưỡng
chêt (lethal level). Cá vẫn còn sống nhưng chứa chất độc đã hấp thụ ấy. Con người
ăn cá và tới phiên mình hấp thụ chất độc. Thông thường thì không thấy gì mà phải
lo sợ. Nhưng sức khỏe và thời gian sống (expected residual life time) giảm mà
không biết. Ăn mãi loại cá ấy thì có ngày cũng phải thấy mình đang mang bệnh và
lúc đó thì đã quá muộn.
Không phải chỉ có cá câu ở Hà Tĩnh sau tai nạn
Formosa vài tháng hay một năm mới đặt vấn đề an toàn thực phẩm. Tất cả các thực
phẩm bầy bán và ăn trên toàn cõi nước ta, sản xuất nội địa hay từ ngoại quốc nhập
vào phải luôn luôn được bảo đảm là an toàn. Đây không phải là một kiến nghị của
chúng tôi. Đó là nghĩa vụ của một chính phủ vì dân.
Những
thiếu sót
Chúng tôi xin kể một chuyện mà bây giờ khi nghĩ lại
làm chúng tôi bật cười. Đó là tin Trung Quốc cố ý thải chất độc để diệt chủng
các nước ven Biển Đông mà thống lĩnh lãnh biển này. Ai cũng biết rằng, ngoài việc
vi phạm chủ quyền của đất nước ta, Trung Quốc tham gia xúc phạm môi trường khi
xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và sẽ xúc phạm nhiều hơn nữa khi họ đưa các cảng
âu vào hoạt động. Nhưng môi trường là một vấn đề bức xức cuả cả Thế giới. Nhân
những vụ kiện của nạn nhân chất độc Da Cam, giới bảo vệ môi trường vận động để
tội danh hủy diệt môi trường được thừa nhận nặng như tội diệt chủng hay tội ác
chiến tranh. Nếu cáo buộc ý đồ diệt chủng này của Trung Quốc có cơ sở vững chắc
thì đây là một chuyện động trời phải đưa ra Liên Hiệp Quốc vì không phải chỉ một
mình Việt Nam sẽ bị liên lụy và một mình Việt Nam cũng không thể làm gì được để
chống lại. Nếu chưa thể chứng minh như vậy thì phải tố cáo mạnh mẽ về những vi
phạm cụ thể, như cách Philipines làm khi kiện Tung Quốc ra toà quốc tế, và
tránh những cáo buộc không đủ cơ sở chỉ có tác dụng kích thích dân tộc chủ
nghĩa. Thay vì thế, chúng tôi nhận thấy chính phủ làm ngơ để cho những tin thất
thiệt này lan truyền trong và ngoài nước.
Cá
chết hàng loạt ở Miền Trung là một thảm họa. Nhưng phải coi đó là một tai nạn
công nghiệp.
Nhiều nước công nghiệp đã cất cánh nhờ công nghiệp
gang thép. Họ đã khai thác hết những mỏ sắt và mỏ than của họ rồi nên phải sang
nước khác để tiếp tục sản xuất gang thép phục vụ các ngành công nghiệp khác chứ
không phải tại vì các tiêu chuẩn về an toàn người dân và toàn vẹn môi trường ở
nước họ quá khắt khe. Bằng cớ là họ vẫn có những khu tập thể gang thép ở các cảng
lớn của nước họ. Bây giờ, với giá cước vận tải rẻ họ có thể mang quặng và than
từ một nước để chế biến thành gang thép ở một nước khác, chở gang thép đến nước
thứ ba để cán thành bán thành phẩm, chở các bán thành phẩm đó sang một nước thứ
tư để chế tạo thương phẩm trước khi chở thương phẩm đó để bán ở một nước thứ
năm. Chuỗi cung cấp từ mỏ đến cửa hàng bán lẻ đó được tối ưu hóa để có giá
thành thấp nhất, suy ra lãi cao nhất, khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
Trong số các thông số của bài tính tối thiểu hóa giá thành thì có chi phỉ bảo đảm
an toàn người dân và toàn vẹn môi trường. Những chi phí làm tăng giá thành của
sản phẩm cuối cùng nhưng không đáng kể. Do đó mà người ta không chọn địa điểm đặt
một nhà máy nhất thiết vì có thể dễ dàng xúc phạm môi trường và, nhờ đó, giảm
giá thành.
Formosa chọn Vũng Áng vì địa điểm này gần mỏ sắt Thạch
Khê và cho phép xây một hải cảng nước sâu để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm.
Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, viên chức của Formosa, "phải lựa chọn,
tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép"5 biểu
hiện sự khinh bỉ của ông này đối với dân tộc ta và sự ngu dốt của ông ta về chiến
lược công nghiệp6.
Các
tác nhân phải chịu trách nhiệm về tai nạn Formosa là những người đã cho phép thực
hiện dự án và những người kiểm tra thi hành những cam kết của Formosa.
Trên giấy tờ thì nước nào cũng có bộ pháp quy về bảo
vệ môi trường giống như bộ pháp quy của các cường quốc công nghiệp. Nước ta
cũng có Luật Bảo vệ Môi trường như vậy. Nhưng bớt chi được một xu nào thì lãi
thêm xu đó. Nếu nơi chọn đặt nhà máy ở một nơi mà Nhà Nước yếu hèn, "đánh
giá tác động môi trường vẫn còn những lỗ hổng"7, nhân viên
kiểm tra chỉ kiểm tra cho có lệ8, thì họ lợi dụng ngay để lẩn tránh
luật lệ của nước chủ nhà. Tuy nhiên họ không dại gì mà xúc phạm môi trường đến
nỗi tội ác của họ bị phát hiện. Họ sẽ dừng lại ở ngưỡng không thể bị bắt quả
tang nếu nước chủ nhà không kiểm tra kỹ.
Rất có thể Formosa đã trắng trợn thải chất độc ra Biển
Đông đến nỗi cá chết nhiều như thế. Nhưng chúng tôi không có bằng chứng để quả
quyết việc này. Trừ khi Thanh tra Chính phủ khám phá ra điều gì khác, chúng tôi
nghĩ rằng tai nạn đã xảy ra vì hệ thống xả nước không có thiết bị chống sai lầm
(crazyproof device) làm cho cho nhân viên đã vô ý vặn van sai. Trong khi chờ đợi
kết quả điều tra, chúng tôi cho rằng Formosa, cũng như bất kỳ ai khác, phải được
hưởng quyền giả định vô tội (presumption of innocence) của mọi Nhà Nước pháp
quyền
Giải
pháp
Formosa phải chịu hai loại trách nhiệm : trách
nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Về trách nhiệm dân sự thì bất cứ ai bị thiệt
trực tiếp cũng như gián triếp vì tai nạn Formosa đều có thể đòi xí nghiệp này bồi
thường. Nếu đòi không được hay đền bù không đủ thì người dân có thể kiện chính
phủ. Chính phủ cũng có thể đòi Formosa bồi thường chi phí cứu trợ các nạn nhân.
Chúng tôi xin báo trước rằng Formosa sẽ nhì nhằng trước tòa án cả chục năm.
Có ý kiến để cho Formosa tiếp tục nhưng kiểm tra chặt
và "nếu Formosa tái phạm, họ sẽ bị đóng cửa"9. Cụm
từ "kiểm tra chặt" không có thực chất. Chúng ta chờ có một tai
nạn nữa thì mới hành động à ? Làm việc gì thì phải có quy trình kiểm tra
và làm y như quy trình đã quy định10. Theo kinh nghiệm thì tuyên bố
suông chẳng đi đến đâu mà lại làm cho người dân khinh bỉ.
Cũng có ý kiến đóng cửa Vũng Áng và đuổi Formosa về
nước họ. Đây là giải pháp triệt để nhưng sẽ đặt nhiều vấn đề khác mà chỉ có Quốc
hội mới có quyền biểu quyết.
(a) Như viết ở phần trên, Formosa xây cụm công
nghiệp Vũng Áng là để dùng quặng sắt của Thạch Khê. Gang thép họ chế biến sẽ
dùng làm nguyên liệu cho cụm công nghiệp Cà Ná. Bán thành phẩm của Cà Ná sẽ
dùng cho các ngành công nghiệp chế biến ở nước ta. Nếu đóng cửa Vũng Áng thì phải
đóng cửa Thạch Khê hay là tìm đầu ra khác cho mỏ sắt này. Nếu không xây Cà Ná nữa
thì phải tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác11.
(b) Formosa đã xây nửa chừng rồi. Nếu bị đuổi
thì họ chỉ có thể dỡ một số thiết bị để lắp đặt ở một nước khác. Còn lại những
thiết bị khác và hạ tầng kiến trúc thì chúng ta làm gì ? Tịch thu ? Bồi
thường ? Đập phá, san bằng địa bàn, hủy dự án, trả lại đất cho nông
dân ? Giữ nguyên để trao cho một xí nghiệp khác đến tiếp tục dự án ?
Sau khi nghiên cứu tính khả thi kinh tế, kỹ thuật, an toàn cho con người và
toàn vẹn môi trường của tất cả các phương án không ngoại trừ phương án nào thì
sẽ có hai hay ba phương án có lợi ích tổng hợp gần giống nhau nhưng khác nhau về
khía cạnh này khía cạnh nọ. Quốc hội sẽ chọn một trong số hai ba phương án đó.
(c) Khi đến đầu tư tại một nước, chủ đầu tư
mong đợi được tiếp tục làm ăn bình yên. Do đó mà nhà cầm quyền Việt Nam đã
tuyên bố bảo đảm sẽ không quốc hữu hóa và không tịch thu tài sản của các xí
nghiệp ngoại quốc đến đầu tư ở nước ta. Formosa đã chi một phần ngân sách đầu
tư của họ rồi để xây dự án. Dù có bồi thường họ thì những lý lẽ chúng ta đưa ra
để kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ mất đi một phần nào tính khả tín của chúng ta.
Ngay cả khi tình hình cá và nước biển trở lại bình
thường thì vẫn còn người dân phải tìm kế sinh nhai khác. Giải pháp xếp đặt nghề
nghiệp nào thì cũng phải hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài của Miền
Trung, vùng chậm tiến nhất của đất nước. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà đồng
bào Miền Trung phải bàn với sự trợ giúp của các kinh tế gia trước khi đưa ra Quốc
hội.
Khư khư kêu rằng đã làm đúng quy trình để không có
hành động chỉnh sửa gì là không thể chấp nhận được. Quy trình xin phép và cho
phép thực hiện một dự án lớn như dự-án cụm công-nghiệp Vũng Áng hiển nhiên là
không tốt vì đã để cho tai nạn xảy ra. Trình để thông qua Báo cáo Tác động
Môi-trường như hiện nay là hoàn toàn không đủ. Chúng tôi không bàn về nội-dung
của văn bản đó. Xí nghiệp phải bảo đảm môi trường sẽ toàn vẹn để bảo đảm an
toàn của con người. Do đó mà chính-phủ phải xét duyệt một Báo cáo Bảo-đảm An
toàn của Con Người và Toàn vẹn Môi trường gọi tắt là Báo cáo Bảo đảm An toàn và
Toàn vẹn12. Trước mắt thì chính phủ phải thiết kế lại quy trình xin
phép và cho phép thực hiện một dự án và áp dụng nó cho dự án Formosa :
(a) Formosa tạm thời ngưng tất cả các hoạt động
xây dựng cũng như sản xuất,
(b) Formosa viết lại Báo Cáo Bảo đảm An toàn và
Trọn vẹn cho thích nghi với bộ tiêu chuẩn của một cường quốc công nghiệp mà
chính phủ chọn và lấy làm bộ tiêu chuẩn quy chiếu của nước Việt Nam13,
(c) các cơ quan hữu trách nghiên cứu báo cáo đó
và chỉ chuẩn y khi báo cáo hoàn toàn thích nghi với bộ tiêu chuẩn Việt Nam nêu ở
trên,
(d) cho phép Formosa hoạt động lại sau khi đã
kiểm tra và đã nhận thấy họ đã thực thi Báo Cáo Bảo đảm An toàn và Trọn vẹn mới.
Theo Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19–06–201014,
điều 3, đoạn 2, thì chỉ có những nhà máy điện hạt nhân được coi là
nguy hiểm cần được phép của Quốc hội trước khi xây. Đây là một thiếu xót mà
chúng tôi xin Quốc hội bổ túc. Một nhà máy lớn trong ngành hạt nhân không sản
xuất điện hay một nhà máy công nghiệp nặng cũng nguy hiểm như một nhà máy điện
hạt nhân và có thể nguy hiểm hơn. Ở các nước công nghiệp Tây Âu thì một dự án
nhỏ hơn cụm công nghiệp Vũng Áng cũng phải đưa ra bàn trước Quốc hội.
Kết
luận
Như bạn đọc có thể nhận thấy : tai nạn Formosa
đặt chúng ta ở một thế khó xử. Nếu các cơ quan chức năng đã nghiên cứu nghiêm
chỉnh Báo cáo Tác động Môi trường và trước đó đã kiểm tra kỹ thì tai nạn đã
không xẩy ra. Trong ngành quản lý công nghiệp người ta có châm ngôn "làm
tốt ngay từ đầu và tiếp tục làm tốt" (right the first time, right
evrytime)15.
Đặng
Đình Cung
*
Chú
thích :
1 Để cho gọn, chúng tôi dùng cụm từ "tai
nạn Formosa" để chỉ tai họa cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh Bắc Trung-Bộ
do Formosa thải nước độc ra Biển Đông.
2 Trong ngành quản lý công nghiệp chúng tôi gọi
tình trạng không chuẩn này là tình trạng không có chất lượng (non quality
state).
3 Do đó mà chúng tôi kêu gọi phải quan trắc
liên tục để theo dõi tình hình biến chuyển ra sao. "Bạn không thể cải
tiến được cái gì mà bạn không thể đo được" (If you can not measure it,
you can not improve it – Lord Kelvin).
4 Đây là một dòng nước ngầm của hệ thống hải
lưu toàn cầu. Bạn đọc có nhu cầu hiểu thêm thì có thể tham khảo các từ điển
bách khoa về hải dương hay Wikipedia.
6 Nhiều nhà máy gang thép và hóa lọc dầu bao
quanh Etang de Berre, bên Pháp. Thế mà cũng có khu đô thị du lịch như thị xã
Martigues và những bãi dành cho giải trí bơi lội và du thuyền. Người ta dùng
Etang de Berre làm hồ chưa nước làm nguội và chữa cháy và để hứng nước thải.
Các công nghiệp nổi tiếng là xúc phậm môi trường nhiều nhất tập trun gở đó để dễ
quản lý ô nhiễm và dễ kiềm chế một tai nạn công nghiệp tiềm tàng.
10 Đặng Đình Cung : "Cơ sở lý thuyết của việc đảm bảo chất lượng"
Đặng Đình Cung : "Đúng quy trình thì vẫn chưa đủ"
Đặng Đình Cung : "Đúng quy trình thì vẫn chưa đủ"
11 Tại sao chúng tôi chống lại khai thác mỏ boxit ở
Tây Nguyên mà lại ủng hộ khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ là đề tài cho một bài
khác.
12 Đặng Đình Cung : An toàn của
con người và toàn vẹn môi trường (đang biên tập).
13 Chỉ có Báo cáo Tác động Môi trường thôi thì
không đủ. Mục đích là bảo đảm an toàn người dân. Môi trường toàn vẹn là một
nhân tố của an toàn người dân. Vậy phải có một "Báo cáo An toàn Người
Dân và Toàn vẹn Môi trường", gọi tắt là "Báo cáo An toàn và
Toàn vẹn" (Safety and Integrity Report). Bạn đọc có nhu cầu thì có thể
tham khảo bài "An toàn người dân và toàn vẹn môi trường" của
chúng tôi hay các sách giáo khoa về bảo đảm an toàn, môi trường và chất lượng.
14 Nghị quyết 49/2010/QH12 : "Về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết
định chủ trương đầu tư"
15 Để truyền bá châm ngôn này ở Việt-Nam chúng
tôi gọi nó là "hai tốt".
No comments:
Post a Comment