Monday, September 19, 2016

ĐỐI THOẠI & LÒNG TIN - BÀI III (Nguyễn Thị Từ Huy)




Chủ Nhật, 09/18/2016 - 18:10 — nguyenthituhuy

Để viết phần thứ ba của bài này, tôi trở lại với câu chuyện của tướng Wojciech Jaruzelski, và tiến hành một vài phân tích bài viết TƯỚNG W. JARUZELSKI (1923 – 2014)  đã được giới thiệu trên trang Dân Quyền.

Bài viết trình bày tiểu sử và vai trò của tướng Jaruzelski trong công cuộc dân chủ hóa ở Ba Lan.

Tướng W. Jaruzelski từng giữ những chức vụ quan trọng nhất trong guồng máy lãnh đạo cộng sản Ba Lan, tôi dẫn nguyên văn theo bài báo: “ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1964-1989), ủy viên dự khuyết (1970-1971) rồi ủy viên chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1971-1989), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1981-1989), đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1981-1985), chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1985-1989)”.

Tướng Jaruzelski đã phạm nhiều tội ác, theo nghĩa đen, tức là tiến hành nhiều cuộc đàn áp những người chống đối chế độ, ở mức độ gây ra cái chết của hàng loạt người. Xin trích dẫn nguyên văn đoạn miêu tả sự kiện Thiết quân luật do Jaruzelski chỉ đạo:

Lúc 0:00 ngày 13.12.1981 các đơn vị cảnh sát cơ động với 10.000 nhân viên tham gia chiến dịch “Jodła” bắt giữ những người bị coi là đe dọa an ninh quốc gia trên toàn quốc, mở đầu 1 năm 7 tháng 9 ngày thiết quân luật ở nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Ngày hôm đó 70.000 bộ đội, 30.000 công an, 1.750 xe tăng, 1.400 xe bọc thép, 500 xe chiến đấu của bộ binh, 9.000 xe ôtô cùng một số phi đội trực thăng và máy bay vận tải đã được huy động. 25% lực lượng thiết quân luật tập trung ở thủ đô Warszawa và vùng ngoại ô. Quyền lực tối cao thuộc về Hội đồng Quân sự Cứu nước do đại tướng W. Jaruzelski đứng đầu. Trong cuộc stan wojenny này, chủ yếu là thời gian đầu, có 56 người chết vì bị lực lượng công an và an ninh đàn áp trong các cuộc đình công và biểu tình. Cuộc thiết quân luật đình chỉ một phần ngày 31.12.1982 và đình chỉ toàn bộ ngày 22.07.1983.”

Thế nhưng, chính tướng Jaruzelski lại là người chủ trương và thúc đẩy Hội nghị bàn tròn lịch sử ở Ba Lan, mà kết quả là Ba Lan từ bỏ độc tài cộng sản để chuyển đổi sang thể chế dân chủ. Những người Ba Lan bị đàn áp và bị giết chết những năm 70 và 81 liệu có thể tin được là điều đó sẽ xảy ra? Những người đã chết chắc là khó tin rằng người ra lệnh giết chết họ lại là người mở đường cho dân chủ ở Ba Lan. Còn những người Ba Lan sống sót sau những cuộc đàn áp đó, những người Ba Lan thuộc phái đối lập đã bền bỉ đấu tranh chống lại Jaruzelski trong nhiều năm trời, họ đã phản ứng như thế nào? Họ thù ghét Jaruzelski, họ trả thù Jaruzelski? Công đoàn độc lập “Đoàn Kết”, tổ chức đối lập đã lãnh đạo các cuộc biểu tình và đình công chống lại Jaruzelski, họ làm gì với Jaruzelski, họ sẽ đưa Jaruzelski vào tù chăng?
Câu trả lời trong thực tế là: người Ba Lan đã bầu Jaruzelski làm Tổng thống của nước Ba Lan dân chủ. Xin trích dẫn lại đây nguyên văn một đoạn trong bài báo:

Tờ báo có uy tín nhất của nước Ba Lan mới là Gazeta Wyborcza [tờ báo của phe đối lập] đăng bài dưới tiêu đề “Tổng thống của các vị, thủ tướng của chúng tôi” công khai ủng hộ người của đảng cộng sản giữ chức tổng thống. Ngày 18.07, sau khi được công đoàn Đoàn Kết ủng hộ, ông [Jaruzelski] mới đồng ý ứng cửNgày hôm sau, 19.07.1989 ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan với 270 trên 537 đại biểu tham gia bỏ phiếu ủng hộ - số phiếu cần thiết là 269. Từ ngày 31.12.1989, sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, ông trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan. Ngày 19.09.1990 ông gửi cho chủ tịch Hạ nghị viện dự luật rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống của ông để mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống theo chế độ phổ thông.

Đó là những gì đã xảy ra ở Ba Lan. Đó là lựa chọn của lãnh đạo cộng sản Ba Lan, của phe đối lập chính trị ở Ba Lan, và của người dân Ba Lan. Lựa chọn đó dựa trên điều gì? Dựa trên mẫu số chung là lợi ích của quốc gia và tương lai của dân tộc. Dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau. Và có lẽ dựa trên sự thống nhất rằng: cần phải chống lại một thể chế chính trị phi nhân, nhưng không chống lại các cá nhân cụ thể, nếu các cá nhân đó biết hành động vì lợi ích chung.

Quay lại với thực tế của Việt Nam chúng ta, một viễn cảnh như thế có thể xảy ra với chúng ta hay không? Nếu có thể xảy ra thì với những điều kiện nào? Rất mong mỗi người chúng ta tiếp tục suy nghĩ về những điều này, tiếp tục suy nghĩ về những gì mà mỗi cá nhân, mỗi nhóm và cả cộng đồng có thể làm, vì một tương lai chung. Mỗi người phải suy nghĩ, vì đó là vấn đề của tất cả mọi người, chứ không phải là của riêng ai.

Ở đây tôi đưa ra một câu hỏi giả định :

Giả sử trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam có người có khả năng và dám đóng vai trò mà tướng Jaruzelski từng đảm nhiệm ở Ba Lan, tiến hành một cuộc đối thoại bàn tròn với đại diện của các tầng lớp nhân dân Việt Nam để tìm giải pháp dân chủ hóa cho Việt Nam, thì người đó có thể được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sau hội nghị bàn tròn không?

Câu trả lời của riêng cá nhân tôi:

Nếu trong hàng ngũ cao cấp đương nhiệm có một vị lãnh đạo cộng sản đủ năng lực, đủ can đảm và đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng, để tiến hành các thao tác cần thiết nhằm chuyển đổi thế chế chính trị một cách ôn hòa theo xu hướng dân chủ, thì vị lãnh đạo đó xứng đáng được người dân bầu làm Tổng thống của một nước Việt Nam dân chủ.

Dĩ nhiên quý vị hoàn toàn có quyền không đồng tình với tôi. Nhưng khi đi tìm lý do để đồng tình hay không, mong quý vị hãy đặt lợi ích quốc gia, tương lai dân tộc và số phận nhân dân thành một trong những lập luận quan trọng nhất của quý vị.

Paris, 18/9/2016
Nguyễn Thị Từ Huy


*
*
Thứ Sáu, 09/02/2016 - 06:46 — nguyenthituhuy

Chúng ta đã nói nhiều đến việc người dân Việt Nam đánh mất lòng tin vào lãnh đạo. Đó là một thực tế dễ nhận thấy. Nhưng còn một thực tế khác, quan trọng hơn và mang tính quyết định hơn nhiều trong sự thất bại của việc giải quyết các khủng hoảng xã hội ở Việt Nam, thực tế đó là: người Việt đánh mất lòng tin đối với nhau.


*
*
Thứ Tư, 08/31/2016 - 07:51 — nguyenthituhuy

Tôi dự định, trước khi tiếp tục các phần tiếp theo của chủ đề « bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ? », sẽ viết một số bài giới thiệu về hoạt động bầu cử tổng thống đang diễn ra ở Pháp, làm cơ sở cho diễn giải của tôi về các vấn đề của Việt Nam.

Tuy nhiên, vài ngày gần đây, sau khi đọc hai bài viết, bài « Đã đến lúc cần phải đối thoại » của ông Chu Hảo và bài « Người Việt và xu hướng khen ngợi nồng nhiệt hay thất vọng thái quá » của bà Song Chi, tôi thấy trước mắt cần tiếp tục phát triển thêm những chủ đề được nêu ra trong hai bài viết này, trong mạch suy nghĩ chung có thể đã được gợi lên ở nhiều người trong cộng đồng.






No comments:

Post a Comment