Thứ Tư, ngày 21 tháng 9 năm 2016
.
Một tàu tuần duyên lớp Hateruma của Nhật Bản,
thuộc loại dự định có thể sẽ cung cấp cho Việt Nam.
(Hình: Wikipedia)
Tình hình Biển Ðông đang căng thẳng trở lại vì sự
can dự của một diễn viên mới: Nhật Bản.
Reuters hôm Thứ Bảy loan tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Tomoomi
Inada nói rằng các tàu của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật sẽ tiến hành những cuộc tuần
tiễu hải quân hỗn hợp song phương với Mỹ, và diễn tập đa phương với hải quân
nhiều quốc gia trong vùng Biển Ðông.
Theo giải thích của bà Inada, Nhật chia sẻ những mối
quan tâm tương tự với Mỹ về sự phát triển sức mạnh quân sự và hành động gây hấn
của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền biển đảo. Bà nói: “Trong bối cảnh ấy,
tôi mạnh mẽ ủng hộ các hoạt đông tự do hải hành của Hải Quân Mỹ với mục đích
lâu dài là duy trì luật pháp quốc tế về tự do lưu thông hàng hải.”
Nhật ở xa và không có tranh chấp lãnh thổ hay quyền
lợi riêng gì ở Biển Ðông nhưng đây là một hải phận quốc tế quan trọng, con đường
huyết mạch đưa năng lượng dầu khí từ Trung Ðông và Ðông Nam Á đến Nhật.
Hành động của Nhật chắc chắn sẽ gây va chạm với
Trung Quốc và các quan sát viên quốc tế cho rằng chưa hiểu lý do của sự chấp nhận
rủi ro ấy. Người ta đều biết là Nhật vẫn còn đang tranh chấp với Trung Quốc về
chủ quyền quân đảo Senkaku/Ðiếu Ngư trên biển Hoa Ðông.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã cảnh cáo Lực Lượng
Phòng Vệ Nhật nên đứng ngoài các tranh chấp tại Biển Ðông, Tờ Japan Times cho
biết đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, ông Cheng Yonghua, nói là Nhật có thể “vượt qua
đường ranh đỏ” nếu tham dự chiến dịch tự do hải hành cùng với Hải Quân Mỹ.
Giáo Sư Shiro Armstrong, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu
Úc-Nhật thuộc trường Ðại Học Quốc Gia Australia cho rằng vụ này có thể trở
thành “vấn đề lớn” nếu như các quốc gia trong khu vực có những tính toán hay
hành động sai lầm.
Bà tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Tomoomi Inada là phụ nữ
Nhật thứ hai mới được chỉ định đảm nhiệm chức vụ này và là người được xem như
có tiềm năng sau này sẽ thay thế Thủ Tướng Shinzo Abe. Nói chuyện tại Trung Tâm
Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế tại Washington D.C. tuần trước, bà bày tỏ sự
quan ngại về mưu đồ của Trung Quốc ở biển Hoa Ðông cũng như Biển Ðông. Bà khẳng
định quyết tâm bảo vệ chủ quyền cùng sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật, và trong mục
tiêu ấy “sẽ tiếp tục nỗ lực quốc phòng, duy trì và củng cố thế đồng minh với Mỹ.”
Bà ca ngợi kế hoạch của Mỹ sẽ chuyển 60% lực lượng Hải Quân và Không Quân đến
vùng Châu Á vào năm 2020.
Trong một buổi họp báo hồi Tháng Tám, Ðại Tá Wu
Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, tuyên bố: “Chúng tôi mạnh mẽ phản
đối Nhật trong ý định đưa lực lượng tham gia cái gọi là Chiến Dịch Tự Do Hải
Hành (FONOP) trong Biển Ðông.”
Bà Inada bác bỏ lập luận của Trung Quốc, nhấn mạnh đến
tầm quan trọng phải bảo vệ công pháp quốc tế ở Biển Ðông, cho là “nếu không
ngăn chặn sự vi phạm luật lệ thì sẽ đi đến hậu quả toàn cầu.” Tuy nhiên bà nói
thêm rằng sẵn sàng đối thoại xây dựng với Trung Quốc để “tránh những va chạm giữa
các lực lượng trên biển cũng như trên không.”
Nhật tham dự chuyến diễn tập với Mỹ lần đầu tiên
Tháng Mười năm ngoái, chỉ ít ngày sau khi khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân
Mỹ đi vào vùng biển cách Ðá Xu Bi và các đảo trong quần đảo Trường Sa dưới 12 hải
lý. Ðá Xu Bi là một trong bảy đảo nhân tạo Trung Quốc đã tạo lập trái phép từ
2013.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi quan sát viên đều
tán thành chính sách cứng rắn của Nhật. Bà Nancy Snow, giáo sư bộ môn ngoại
giao Ðại Học Kyoto nói với CNN rằng Thủ Tướng Shinzo Abe đã từng minh định rằng
Lực Lượng Phòng Vệ Nhật sẽ theo đường lối “tăng cường can dự” và hợp tác chặt
chẽ với Mỹ. Theo ý bà, Trung Quốc bây giờ đang đương đầu với Mỹ và sẽ không lùi
bước trong những đòi hỏi ở Biển Ðông bất chấp phán quyết của Tòa Án Trọng Tài
Quốc Tế. Bà lập luận, “Nhật đã có lịch sử 71 năm mang danh một nước hòa bình,
bây giờ tại sao cần phát triển quân sự. Sức mạnh của Nhật là mậu dịch và văn
hóa chứ không phải quân đội.”
Trong khi đó tổng thống 71 tuổi Rodrigo Duterte của
Philippines mới qua ba tháng nắm chính quyền đã tỏ ra muốn theo một chính sách
thỏa hiệp khác với nỗ lực ngăn chặn bành trướng Trung Quốc của các nước láng giềng
Ðông Nam Á. Ông này nói rằng đang xem xét việc mua vũ khí của Nga hay Trung Quốc
và sẽ chấm dứt các cuộc tuần tiễu hải quân chung với Mỹ và Nhật trên Biển Ðông.
Ðối với Việt Nam, quốc gia đóng vai trò quan trọng
nhất ở khu vực Biển Ðông, Trung Quốc ngoài mặt luôn bày tỏ thái độ hòa hoãn.
Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Ba tuần
trước, Thủ Tướng Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc và Việt Nam phải duy trì hòa
bình ổn định trong vùng Biển Ðông và kiềm chế những bất đồng tranh chấp. Thực tế
những va chạm ở tầm cỡ nhỏ thường xuyên xảy ra với ngư dân Việt, đồng thời Việt
Nam vẫn lặng lẽ tăng cường lực lượng Hải/Không Quân bằng những loại vũ khí mua
của Nga và gần đây tìm cách mua thêm của Mỹ.
Nhật cũng đã trợ giúp cho Việt Nam và Philippines
nhiều phương tiện gia tăng khả năng tuần tiễu phòng vệ trên biển. Sự thay đổi lập
trường của Philippines có thể gây trở ngại đến chiến lược hướng về Châu Á của Mỹ
và Nhật nói rằng đang thẩm định về ảnh hưởng của quyết định ấy.
Ðầu tháng này, Thủ Tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đề nghị
cung cấp cho Việt Nam một tín dụng nửa tỷ dollars cho sự hợp tác quân sự giữ
hai nước. Tờ Japan Times nói rằng theo ước lượng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình
Quốc Tế ở Stockholm, Thụy Ðiển, số tiền này bằng sự gia tăng gần 700% ngân khoản
mua sắm vũ khí của Việt Nam năm 2015. Như vậy hai cường quốc Châu Á – Nhật và Ấn
Ðộ – hiện nay đã mạnh mẽ can dự vào sự bảo vệ ổn định ở Biển Ðông mặc dầu xét
theo một cách nhìn khác thì cũng có thể làm tình hình thêm căng thẳng và rủi ro
xảy ra xung đột.
No comments:
Post a Comment